Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

NHÀ THƠ LỚN VÔDƠNHEXENXKI TỪNG CÓ SÁCH BỊ CẤM




TRIỆU LAM CHÂU

Anđrây Vôdơnhexenxki sinh ngày 12 tháng 5 năm 1933, từ trần vào lúc 14 giờ 33 phút (giờ địa phương) ngày mùng 1 tháng 6 năm 2010, tại Mátxcơva, huởng thọ 77 tuổi. Ông bị bệnh tim đã lâu và đã trải qua ba lần mổ tim ở những bệnh viện danh tiếng nhất tại Mátxcơva. Dẫu những năm cuối đời, sức khoẻ yếu, nhưng bút lực thơ của ông vẫn không hề giảm sút.
Ông là một trong những nhà thơ lớn nhất của nước Nga và Liên bang Xô Viết trước đây, nổi tiếng từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, với những tác phẩm thơ và trường ca làm chấn động lòng người bởi bút pháp mới mẻ, độc đáo như: Bức tranh ghép, Chống hoà bình, Quả lê hình tam giác, Người thợ khắc, Quyến rũ, Những người thợ, Parabôn, Iunôna và điều may mắn… Đặc biệt trường ca Iunôna và điều may mắn, đã được chuyển thể thành vở diễn ôpêra. Vở diễn này đã trở thành tác phẩn sân khấu kinh điển và không hề vắng bóng trên các sàn diễn khắp nước Nga suốt từ thời Xô Viết đến nay.
Thơ ông trẻ trung, giàu những phát hiện mới mang tính thời đại cao. Do vậy nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ ông thành những bài hát nổi tiếng như: Triệu bông hồng (đã được dịch sang tiếng Việt, nhiều thính giả nước ta rất thích bài hát này), Bài ca hát lại, Bắt đầu, Cô bé khóc trong tiếng súng…
Năm 1978 nhà thơ Vôdơnhexenxki vinh dự được Nhà nước Liên xô tặng giải thưởng quốc gia về văn học.
Nhà thơ Vôdơnhexenxki sinh ra và lớn lên ở Mátxcơva. Ông đã có năng khiếu làm thơ từ thuở nhỏ. Năm 14 tuổi ông mạnh dạn gửi những bài thơ đầu tay của mình tới nhà thơ Bôric Paxternak ( Người được trao giải Nôben về văn học năm 1958, với tiểu thuyết “Bác sĩ Givagô”). Nhà thơ lớn Paxternak hồi ấy, đã nhìn thấy năng khiếu thơ đầy triển vọng của Vôdơnhexenxki, nên đã hồi âm với những lời lẽ đầy cảm kích: “ Sự xuất hiện của cháu trên văn đàn, như sóng trào, như cánh chim bay vút. Tôi vui sướng và trông đợi nhiều ở cháu…”. Nhiều nhà phê bình Nga nhận định rằng: Chính nhà thơ Paxternak là người cha đỡ đầu của Vôdơnhexenxki về phương diện thi ca. Về sau này khi đã thành danh, Vôdơnhexenxki vẫn thường có những hồi tưởng đầy kính cẩn về người cha đỡ đầu thi ca của mình. Ông nói: “Mỗi lần gặp ông (nhà thơ Paxternak), tôi như được gặp ánh sáng của trời toả ra từ con người ông”.
Năm 1957 Vôdơnhexenxki tốt nghiệp Trường đại học Kiến trúc Mátxcơva. Năm 1958 ông bắt đầu có thơ đăng báo. Đặc biệt tập thơ “Bức tranh ghép”sau khi ấn hành, lại gặp sự cố. Tập thơ bị đụng độ với sự kiểm duyệt nghặt nghèo của chính quyền Khơrutsốp hồi ấy ( Khơrutsốp lúc đó là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xô Viết. Theo nhận định của Đảng lao động Việt Nam hồi đó: Khơrutsốp là người theo chủ nghĩa xét lại). Liên luỵ tới tập thơ này, có cả cô biên tập viên Kapitalina Aphanaxiepva. Cô đã  bị buộc thôi việc ở nhà xất bản.
Thời những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi, công chúng Nga Xô Viết yêu thơ rất nồng  nhiệt. Có những buổi hội Thơ đông hàng mười mấy ngàn người tập trung ở sân vận động. Thế mà tất cả đều im phăng phắc lắng nghe những giọng đọc thơ hùng hồn của chính những nhà thơ trẻ Vôdơnhexenxki, Eptusenkô…
Chính thể Khơrutsốp không dung nạp tư tưởng tự do trong sáng tạo thi ca của Vôdơnhexenxki. Trong một hội nghị gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Xô Viết với văn nghệ sĩ, khi nhìn thấy Vôdơnhexenxki, Khơrutsốp liền thét lên: “Ngài Vôdơnhexenxki, cút về nhà đi! Tôi chỉ cần ra lệnh cho Selepin, thì ông ấy sẽ ký ngay một tấm hộ chiếu cho ngài cút khỏi đất nước này”. Số phận của nhà thơ Vôdơnhexenxki được làm dịu bớt, bởi nhờ tổng thống Hoa Kỳ hồi ấy là Kenơđi đã gọi điện riêng cho Khơrutsốp, dàn xếp việc này.
Mặc dù vậy, nhưng chính quyền vẫn cho phép nhà thơ Vôdơnhexenxki đi tham quan nước Mỹ. Sau chuyến đi ấy, ông công bố trường ca “Quả lê hình tam giác”, và trở thành nhà thơ Xô Viết nổi tiếng nhất trên đất Mỹ.
Bạn đọc nước ta đã được làm quen với giọng thơ độc đáo của Vôdơnhexenxki qua một tập thơ nhỏ nhắn mang tựa đề “Chân dung Plixetxkaia” (Nhà xuất bản Tác Phẩm mới – Hội nhà văn Việt nam – 1983), do nhà thơ Tế Hanh tuyển dịch qua tiếng Pháp.
Sự quý trọng tài thơ của Vôdơnhexenxki gần như thống nhất trong các tầng lớp nhân dân Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay. Thơ ông mới lạ từ hình thức đến nội dung, từ cảm xúc đến cách thể hiện. Tư duy thơ ông lạ lùng và độc đáo khiến bạn đọc dẫu chỉ đọc một lần là nhớ mãi. Chẳng hạn như: Quả lê hình tam giác, Cái bóng của thanh âm, Parabôn, Phản vũ trụ, Phản vật chất…
Ông đưa những từ ngữ khoa học đậm chất thời đại vào trong thơ, với một niềm cảm hứng thơ mang tính công dân sâu sắc. Chính vì vậy ông nhận được sự ngưỡng mộ rộng rãi của bạn đọc yêu thơ.. Những hình ảnh bất ngờ và thú vị hiện diện trong thơ ông. Ông ví mắt con mèo như cái bóng điện rađiô. Lưng con cá trắng như tua bin thuỷ điện
Tư duy thơ độc đáo và lao động thơ chuyên cần của Vôdơnhexenxki, đã cho ông những phút xuất thần, mà có được những vần thơ hay đến lạ lùng, khi nói về nữ nghệ sĩ múa Balê tài năng Plixétxkaia (Cô là nghệ sĩ nhân dân, được giải thưởng Lênin. Là nghệ sĩ múa thiên tài) như sau:
Cô mang trong tên cô tiếng ào ào của những tràng tay vỗ
Có những cực địa lý, cực khí hậu từ trường
Plixétxkaia là cực huyền diệu…
Cô lôi cuốn cả căn phòng trong trận lốc điên cuồng của điệu múa,
Của lòng ham sống, cô chẳng buông tha.
Có những điệu múa im lặng, điệu múa như tuyết tan ra.
Điệu múa như ánh địa ngục.
Nếu mất đi, nó sẽ đốt cháy một nửa hành tinh!
Cả đến sự im lặng đó như rồ dại, sự im lặng của đợi
chờ, sự im lặng giữa tia chớp và tiếng sấm
Nhịp điệu của cô mang đầy chất nổ…
(Bản dịch của Tế Hanh)
Chúng ta đều biết rằng: Nước Nga là một trong những cái nôi tuyệt vời sản sinh ra nghệ thuật múa ba lê  tinh hoa của thế giới. Từ những năm bảy mươi của thế kỷ 19 nhạc sĩ thiên tài Nga Traicốpxki đã sáng tác ra vở nhạc múa ba lê “Hồ thiên nga” làm say đắm hàng trăm triệu người trên khắp hoàn cầu từ đó đến nay. Nghệ  thuật múa ba lê là dùng động tác múa của chân, tay và toàn bộ hình thể của con người, một cách rất tinh tế và hết sức điêu luyện để thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm nghệ thuật. Xem những nghệ sĩ múa ba lê tài năng, ta có cảm tưởng như họ là những nàng tiên tuyệt vời nhất, được Đấng thiêng liêng trên trời phái xuống trần gian, để thể hiện nét huyền diệu vô cùng của Mường trời. Đến với múa ba lê là đến với những vẻ đẹp tột cùng của lý tưởng con người đậm đà chất nhân văn lai láng nhất. Mọi người đều ngưỡng mộ loại hình nghệ thuật siêu đẳng này. Và ta hãy nghe Vôdơnhexenxki xuất thần cảm xúc tột đỉnh của mình trước nghệ sĩ múa thiên tài: 
Tất cả mọi người đều đi theo chiều đứng
Nhưng có người lại muốn bay theo chiều ngang
Tất cả căn phòng như rên siết khi thân cô nghiêng trên 30 độ góc
Đây không những là sự chiến thắng sức hút
Ba lê là sự vượt qua bức tường của âm thanh…
(Bản dịch của Tế Hanh)
Thơ  Vôdơnhexenxki đã đến với bạn đọc nước ta gần ba chục năm nay . Rất nhiều bạn đọc nước ta ngưỡng mộ thơ ông, trong đó có người viết bài này. Tôi đã tìm đọc thơ ông bấy lâu nay. Và đã thử sức dịch thơ ông được đôi bài. Trong không khí đau thương tiễn ông lên Mường trời cao xanh, tôi xin mạo muội dẫn ra đây một bản dịch thơ ông, mà tôi đã chắp bút dịch nó ra tiếng Việt và tiếng Tày từ năm 2000:
Tiếng Việt:
Tắm ở Xibia
Tắm đi! Mở cửa nhanh nào!
Những cô gái trẻ nhảy vào tuyết trong
Rơnoa vẽ có nổi không
Khoả thân hình thể miền rừng Xibia?
Vai lưng xum xít ngoài kia
Như là đúc tự làng nghề thép ngân
Lửa trong, tuyết ánh khoả thân
Chúng tôi, bốn đứa trai tân ngợp hồn
Nóng ran trong áo lông chồn
Chúng tôi đùa bỡn dai hơn bao người.
Một cô dừng lại, mỉm cười
Ném ngay cục tuyết vào người bạn tôi.
(Triệu Lam Châu – dịch)
Tiếng Tày:

Áp đang d’ú Xibia
Khay tu khoái lớ! Áp lơ!
Mươi khao, slao ón oóc mà făn fi
Rơnoa vẹ đảy bấu d’è
D’ưởng đang kẻ gảng Xibia lủng làu?
Ngảm lăng noỏc t’ỉ phỏm pâu
T’ò t’ồng pẳn tứ chang đâư lỏ tiều
Ảnh mươi fầy kẻ gảng rièo
Slí ò boong khỏi, khoăn t’ièo báo tơn
Pích pôm chang bâư slửa khôn
Dùa căn loỏng lẻng nhịng gần slao nua.
A đeo d’ặng d’ú, nhúm khua
Bẳn căm mươi mẻn khảu ò bạn hây.
(Triệu Lam Châu – mjày)
Vào ngày mùng 4 tháng 6 nhà thơ Vôdơnhexenxki được mai táng ở nghĩa trang Nôvơđevichie.
Thành phố biển Tuy Hoà, đêm 2 tháng 6 năm 2010


Không có nhận xét nào: