Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

TRIỆU LAM CHÂU: ĐỀ XUẤT TỪ NGỮ TIẾNG VIỆT MỚI HIỆN ĐẠI




Kính thưa bạn đọc yêu quý. Tôi là nhà thơ, dịch giả, nhạc sĩ Triệu Lam Châu, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, một người con trăm phần trăm của dân tộc Tày thiêng liêng của chúng ta. Sở dĩ tôi phải xưng danh dài dòng như vậy, bởi vì những điều tâm huyết hết sức khổng lồ của tôi về tiếng Việt, oái oăm thay lại xuất phát từ những việc làm cụ thể trong việc sáng tạo ra từ ngữ tiếng Tày mới hiện đại ( Mà bạn bè trí thức trong cộng đồng dân tộc Tày đều công nhận là một công việc vô cùng đồ sộ). Tôi sẽ không đi sâu vào việc đề xuất sáng tạo ra những từ ngữ tiếng Tày mới ra sao. Bởi vì tôi đã có hai bài tâm sự vô cùng tâm đắc về vấn đề đó trên trithucdantocthieuso.net rồi. Bạn nào quan tâm, thì vào mạng www.google.com, rồi vào trithucdantocthieuso.net, vào tiếp mục Tiếng nói đa chiều, sẽ thấy bài Đề xuất một số từ ngữ tiếng Tày mới hiện đại – Triệu Lam Châu.



Có thể nói kể từ năm 1960, đất nước ta tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một loạt hiện thực mới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá giáo dục, y tế, quân sự, anh ninh, công nghiệp, nông nghiệp… khoa học kỹ thuật… - tiếng Tày đều không có từ để diễn đạt. Một con số không lồng lộng và vĩ đại, cao hơn cả ngọn núi Chô Mô Lung Ma nữa cơ. Trí thức Tày muốn diễn đạt các nội dung liên quan tới các lĩnh vực trên, thì đều đành phải mượn tiếng Kinh gần như trăm phần trăm. Nếu chúng ta không sáng tạo ra từ ngữ tiếng Tày mới hiện đại, thì có thể nói không ngoa rằng tiếng Tày đành phải chấm dứt tại đây thôi. Đó là một sự thật đau đớn phũ phàng. Là một người Tày chân chính, Triệu Lam Châu không thể chấp nhận sự thật này. Và tôi nguyện làm người điếc không sợ súng, xin mạnh dạn đề xuất tiếng Tày mới hiện đại. Đúng là một kẻ điên rồ. Đây là một công việc rất lớn của rất nhiều người, phải tiến hành trong nhiều thế hệ mới hy vọng hoàn thành. Song hiện nay chưa ai làm, thì Triệu Lam Châu xin làm đầu tiên vậy. Dự kiến làm mười năm, sẽ được khoảng mười ngàn từ Tày mới hoàn toàn.

  Phương châm của tôi là không mượn thêm tiếng Hán, không mượn thêm tiếng Việt, chỉ chấp nhận những từ mà cha ông người Tày đã mượn từ trước rồi. Cũng may là xã hội Tày hồi xưa chưa giao lưu rộng, nên số từ ngữ mượn từ các ngôn ngữ khác, là rất ít.
Trong quá trình đề xuất sáng tạo ra từ ngữ Tày mới hiện đại, tôi đã gặp phải cả một dãy núi khó khăn trùng trùng điệp điệp. Song nhờ sự nỗ lực phi thường của Triệu Lam Châu, Bà mẹ Hoa (Đấng sáng tạo của muôn loài, theo tâm thức của gười Tày) – đã mở lòng ban cho tôi một số kết quả ban đầu rất khả quan. Đến nay tôi đã làm được một ngàn hai trăm từ Tày mới hoàn toàn.

 Xin phép nêu ra đây một số từ Tày mới điển hình do Triệu Lam Châu tìm ra như sau: Tần số dao động (mạ uây), tự do (táng thư), cơ chế (t’àng mạ), tế bào (nhòn cốc), điện thoại di động (slai tâu tẻ toót), kích hoạt (khoét thư), tư bản (pỏn nhoản), giá trị thặng dư (pỏn nhoản quá mạ), tư vấn (pố liếm), chế độ tư hữu (lẹ toóc sli d’ủng), gián điệp (lẳc thắp), tình báo (lặm xa), chính sách (cốc liếm), tỷ lệ (pỉ mạ), cực trị (dỉnh mạ), cực đoan (quá mạ), kinh tế (liếm pỏn), quan niệm (liếm mủng), trạng thái (d’ưởng slì), quy luật (liếm dỉnh), miễn dịch (pỏn chổng), hệ sinh thái (gừa rằng d’ú), tiền đề (khoắc mon), phản xạ (piến tó)… Đó là một số từ Tày mới hoàn toàn, không mượn tiếng Hán, không mượn tiếng Việt, đảm bảo chất Tày thuần khiết trăm phần trăm.
DỰA VÀO SỰ PHÁT TRIỂN NỘI TẠI CỦA TIẾNG TÀY – MÀ TRIỆU LAM CHÂU ĐÃ TÌM RA NHỮNG TỪ MỚI ĐÓ.
Và cuối tháng 11 năm 2012 vừa qua, tôi đã có thêm những giờ phút xuất thần, tìm ra những từ mới thật đắc đạo (theo một số bạn ngươi Tày nói là cực hay). Đó là những từ Tày mới sau đây:

Internet: Gừa vạ (Hệ thống của trời)
Email: T’àng vạ (Đường trời)
Vi tính: Mảy vạ (Chiếc máy của trời)
Mặc định: Toóc chửng (Đóng, nhập vào nó một thuộc tính).

Ta thử hình dung, nếu một cô gái nào đó nói với chàng trai rằng anh hãy gửi lòng mình theo đường trời cho em nhé – thì hẳn là sinh động và hay hơn nhiều so với câu: Anh hãy gửi tâm tình theo thư điện tử cho em nhé.
Câu đầu tiên tuyệt vời hơn, vì nó không có từ Hán việt, nó lồng lộng, thuần khiết chất Việt Nam và lãng mạn hơn câu thứ hai nhiều lắm.

Chính nhờ việc tìm ra tiếp bốn từ Tày mới trên đây, mà trong lòng Triệu Lam Châu nảy ra những vấn đề về tiếng Việt như sau:

Một là: Trong kho tàng tiếng Việt hiện nay, số từ Hán Việt nhiều vô kể, có thể lên đến hơn bảy mươi phần trăm. Ngay cả đến thế kỷ hai mốt rồi, mà tiếng Việt vẫn hời hợt mượn tiếng Hán để biểu hiện cho kỹ thuật vi tính, như: Hiển thị, mặc định, mã hoá, dữ liệu, dữ kiện…
Điều đó cho thấy một tâm lý ăn theo, nô lệ, hời hợt trong lao động tư duy, quen dựa giẫm vào người khác.
Chúng ta đã có tâm lý thiếu tự cường ấy trong sáng tạo ngôn ngữ hàng ngàn năm nay rồi. (Riêng các chính thể Việt Nam từ trước tới nay lại có tính tự cường rất mãnh liệt).

Hai là: Riêng tâm hồn bản thân Triệu Lam Châu, là sản phẩm của ba nền văn hoá Tày – Việt – Nga. Đó là ba bà mẹ văn hoá thiêng liêng của tâm hồn tôi.
Tiếng Việt hiện nay phong phú và hay gấp trăm lần so với tiếng Tày. Đó là sự thật. Và tôi chỉ mong mãi mãi là như vậy thôi. Từ ý tưởng ấy, ba ngày nay tôi lại thấy cần phải cải tổ lại tiếng Việt như gần hoàn toàn, loại bỏ hết những từ Hán việt, nhằm đưa tiếng Việt trở lại trong sáng thuần Việt trăm phần trăm. Và như thế tiếng Việt sẽ đạt tới mức hay toàn bích.
Từ thực tế đề xuất từ ngữ tiếng Tày mới hiện đại của mình, Triệu Lam Châu, mới có cơ sở có những ý tưởng trên đây đối với tiếng Việt. Bởi vì tiếng Việt có một loạt giáo sư tiến sĩ, có hẳn một Viện Ngôn ngữ bề thế, có Hội nhà văn Việt Nam, có Viện Văn học…  và toàn dân Việt sử dụng và nghiên cứu – thì nhất định sẽ tìm ra được những từ thật hay để thay hết những từ Hán việt hiện có.
Nếu không, từ thực tế những từ Tày mà Triệu Lam Châu tìm ra (và các thế hệ con cháu Tày tìm tiếp) – thì tiếng Tày dẫu còn nghèo, nhưng lại trong sáng hơn hẳn tiếng Việt bội phần, vì tiếng Tày mới, không mượn tiếng Hán, không mượn tiếng Việt.
Các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu tiếng Việt cần phải đóng vai trò chính trong việc tìm ra từ Việt mới để thay toàn bộ từ Hán việt hiện nay và cần phải làm được điều đó, để mai sau (thế kỷ 25 hay 30) chẳng hạn, mỗi người Việt làu làu vài ba ngoại ngữ - sẽ không hổ thẹn với bạn bè năm châu, sao tiếng Việt mình có nhiều từ gốc Hán thế? Và rồi tôi lại nghĩ những bạn trẻ Trung Quốc mai sau, khi nghiên cứu tiếng Việt, sẽ không còn cái bĩu môi có vẻ xem thường với ý nghĩ rằng: Tiếng Việt có gì đâu, hơn bảy mươi phần trăm số từ mượn tiếng Hán của chúng ta ấy mà? Triệu Lam Châu chạnh lòng nghĩ vậy, mà thấy cay đắng vô cùng!
Ta cần phải thay hết những từ Hán việt bằng từ Việt hoàn toàn – đó là sứ mệnh thiêng liêng, vì nó sẽ góp phần loại trừ  tâm lý ăn theo, nô lệ, hời hợt trong lao động tư duy, quen dựa giẫm vào người khác – trong tâm thức của người Việt Nam ta hôm nay và mai sau. Đó là một vấn đề cực kỳ quan trọng cần phải có trong tâm thức Độc lập tự do của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến, thiêng liêng.

Ba là: Với tư cách là một nghệ sĩ và một công dân chân chính, tôi xin kính đề nghị Viện ngôn ngữ học, Viện Văn học… nghiên cứu, đề xuất với chính phủ thành lập Ban nghiên cứu, soạn thảo, đề xuất những từ Việt mới thay toàn bộ từ Việt gốc Hán bằng những từ mới thuần Việt trong kho tàng ngôn ngữ của chúng ta.

Bốn là: Triệu Lam Châu đang hăm hở tìm từ mới thuần chất Tày cho tiếng Tày. Và tôi  tin rằng hẳn sẽ có nhiều bạn bè người Kinh tâm huyết tìm từ mới thuần chất Việt để thay hết những từ Hán việt hiện nay. Nếu nhỡ giờ đây chưa có, mấy chục năm sau sẽ có. Và chắc chắn trăm năm sau sẽ có những  người tâm huyết làm được điều ấy cho ngôn ngữ Việt thiêng liêng của chúng ta đạt mức toàn bích huy hoàng…


Không có nhận xét nào: