Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Mẹ chết để lại bé gái, không khai sinh, không hộ khẩu đang bi nhiễm HIV
Hoài An

Mẹ neo đơn bị bệnh hiểm nghèo qua đời để lại một bé gái 8 tuổi không tên, không giấy khai sinh và đang bị nhiễm HIV

Người mẹ xấu số


Người mẹ xấu số đó là Trần Lê Mai năm nay khoảng 40 tuổi quê gốc ở gần chợ Mỹ Tho Tiền Giang, gia đình khó khăn nên chị bỏ nhà đi làm thuê lang bạt tại TP HCM từ nhỏ, cách đây 8 năm chị bị người ta lừa có bầu và sinh một bé gái năm nay khoảng 8 tuổi. mẹ con chị Mai bôn ba làm đủ nghề kiếm sống từ bán vé số, buôn thuốc lá lậu đến lau nhà, phụ quán…Gần đây chị chung sống như vợ chồng với một người Đàn ông không rõ tên tuổi tại Tây Ninh. Thấy sức khoẻ chị không tốt người đàn ông này đưa chị vào bệnh viện Tây Ninh khám và được bác sĩ cho biết chị đã bị SIDA giai đoạn cuối, đồng thời chị còn bị viêm màng não nên không thể chữa trị được. Người đàn ông này đã báo tin cho người chị gái của chị Mai tên Trần Nguyễn Hiền đang sinh sống tại Thị xã Bình Long Tỉnh Bình Phước biết để chăm sóc và chữa bệnh cho chị Mai. 16h ngày 23/9/2016 người nhà đã đưa chị Trần Lê Mai từ bệnh viên Tây Ninh xuống bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để điều trị nhưng vì không có tiền, gia đình nghèo khó, vì mắc bệnh hiểm nghèo nên 4h sáng ngày 24/9/2016 bệnh viện nhiệt đới đã cho xe cấp cứu trả chị về. Trên đường về Bình Long thì chị Mai đã trút hơi thở cuối cùng, vì không có nhà cửa, không hộ khẩu, trong khi người chị gái vẫn còn ở nhà trọ không có nơi để thi thể nên xe cấp cứu đã chở chị Mai về nhà xác bệnh viện Bình Long. Tại đây các nhà hảo tâm tại Thị Xã Bình Long đã quyên góp tiền phúng điếu và đưa thi thể chị Trần Lê Mai hoả táng tại Lò Hoả Thiêu Tỉnh Bình Dương. 

Bé gái ngây thơ vì không biết mẹ chết và bản thân bị nhiễm HIV


          Nhìn ánh mắt ngây thơ của bé vô tư xúc cơm ăn không hề biết mẹ mình đã chết nằm trong nhà xác mà ai cũng nhói lòng. Cuộc đời của bé là một chuỗi ngày đen tối, bé sinh ra không được đi học như bạn bè, không có được tình thương của cha và sự chăm sóc của mẹ. Cuộc sống của bé gắn liền với quảng đường bươn chải, mưu sinh mà mẹ bé đã trải qua. Từ nhỏ, bé đã theo mẹ lang bạt bán vé số ở TP Hồ Chí Minh, lớn lên một tí, bé lại vắt vẻo cùng mẹ trên chiếc xe máy cà tàng chạy thuốc lá lậu qua biên giới… cuộc đời bé chưa một lần được ăn ngon, mặc đẹp, chưa được đến trường đến lớp như bạn bè. Mặc dù đã 8 tuổi nhưng cân nặng của bé chưa được 10 Kg.
Ngày mẹ mất bé bị bệnh ho ra máu nên mọi người đã giấu không cho bé biết, sợ bệnh của bé nặng thêm. Cũng vì không biết mẹ mình mãi mãi ra đi mà bé vô tư ngồi xúc cơm ăn, hỏi mẹ đang ở đâu… mặc cho mọi người bàn tán, nhìn bé với ánh mắt thương hại.
Sau khi hoả táng chị Trần Thị Mai xong dì của bé là chị Trần Nguyễn Hiền đã đưa bé về nuôi nhưng sức khoẻ của bé rất yếu, nghi bé bị lây nhiễm bệnh từ mẹ nên mọi người ở chợ Bình Long Tỉnh Bình Phước đã quyên góp tiền đưa bé xuống viện pasteur xét nghiệm. Khi cầm kết quả xét nghiệm trên tay, mặt mày chị Hiền dì của bé sẩm lại, nổi buồn và sự bàn tán thương xót đã lan khắp cả chợ Bình long. Bé đã bị nhiệm HIV. Cuộc đời của bé rồi sẽ đi về đâu, trong khi hoàn cảnh vợ chồng chị Hiền cũng rất khó khăn, đang phải ở trọ, nuôi con bị bệnh tim bẩm sinh.
                                                                                           
     Hoài An
Nguyễn Văn Thông, GV trường THPT Nguyễn Huệ TX Bình Long Bình Phước
. ĐT 0988001456






          

BỐ VÀ BÀI HỌC NGHỀ GIÁO



Bố - nhân viên bưu chính huyện - sau ba mươi lăm năm cống hiến. Nghỉ hưu. Gia đình được đoàn tụ, niềm hạnh phúc trào dâng trong mắt mẹ và in dấu trong nụ cười móm mém của bà ngoại. Hạnh phúc nhân đôi bởi đó cũng là ngày tôi có giấy báo đi thực tập sư phạm.
Bố hiền hòa: “Con gái bố đã là cô giáo rồi đấy”. “Bố ở nhà với mẹ và con nhé”. “Ừ! Nhưng bố sẽ đưa thư cho xã. Quê mình nghèo quá, thư vẫn là phương tiện thông tin duy nhất con gái ạ”. Tôi dỗi. Mẹ nghiêm khắc nhìn tôi.
Bố vẫn hiền hòa: “ Con gái cứ làm cô giáo cho tốt đi”.
          Thứ bảy tuần sau, đang lên lớp, tôi nhận được điện khẩn của mẹ: “Về gấp, bố ốm nặng”. Tôi bắt xe ôm vào thẳng bệnh viện huyện.
-“Sao con lại về? Còn việc dạy thế nào? Học sinh ai lo?”. Bố gượng dậy, nặng nhọc hỏi.
Tôi trả lời:  “Con về chăm bố. Học sinh có nhà trường lo bố ạ”. Bố không nói, thở dài nằm xuống.
          Sáng hôm sau, tôi đang đi mua cháo thì nghe mẹ hoảng hốt: “Không thấy bố đâu cả”. Bố đi đâu? Bố đang bệnh mà…
          Chợt nghe phòng bệnh bên cạnh ồn ào. Bố đang đứng ngoài cửa, trên tay còn cầm một xấp thư. Tôi vội chạy đến. Bên trong phòng bà lão đang nằm trên giường bệnh vừa nghe đứa cháu đọc thư vừa lau nước mắt – thư con trai bà đi làm ăn xa đã lâu không về thăm mẹ được. Hình như bố rất mệt nhưng vẫn không dấu được nụ cười mãn nguyện.
          Tôi im lặng dìu bố về phòng. Đâu đó tiếng trống trường vang lên… Hình như các em đang vào lớp.
************


Duy Hồng

Cuộc sống chênh vênh của người Việt di cư từ Campuchia về tại Tây Ninh



Theo chân đoàn từ thiện đến khu ổ chuột của người Việt di cư từ Campuchia trở về Tây Ninh mới thấy hết được sự chênh vênh và thiếu thốn, khó khăn vất vả của người dân nơi đây.


Hàng trăm hộ dân di cư từ Campuchia về Việt Nam sinh sống tại Ấp Tà Dơ Xã Tân Thành Huyện Tân Châu Tỉnh Tây Ninh hiện đang phải sống cảnh tạm bợ,  màn trời chiếu đất, khó khăn đủ điều, thiếu quần áo, thiếu lương thực,thuốc men và vật dụng hàng ngày.
 Đa phần người di dân sống bằng nghề chài lưới tại Campuchia, gần đây, chính phủ campuchia thắt chặt lệnh đánh bắt cá, và kiểm soát về người nhập cư đã khiến cho cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. Anh Trần  Chứng sinh năm 1940 là một trong gần 1000 cư dân di cư lưu trú tại nơi đây cho biết Anh theo cha mẹ sang sinh sống ở Campuchia từ rất nhỏ, mấy năm gần đây cuộc sống ở bên Miên (Campuchia) gặp rất nhiều khó khăn, chính phủ nước bạn thắt chặt kiểm soát lệnh đánh bắt cá và người nhập cư nên nhiều người bị bắt, không có việc làm, cuộc sống bấp bênh nên anh quyết định hồi hương về cư ngụ tại lòng hồ Dầu tiếng để thuận lợi nghề đánh bắt cá và cho con cái học hành.
Hiện nhiều đồng bào hồi hương từ Campuchia trở về đang gặp khó khăn vì không có đất ở, không có hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, họ chỉ sống trong những căn lều che tạm trên chiếc thuyền nhỏ hoặc tấm phên rách nát, nhiều cụ già em nhỏ phải trụ lại trong căn lều bạt nhỏ bé dưới cái nắng hơn gần 40 độ…họ không xin được việc làm, không có thu nhập, chỉ dựa vào nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Dầu Tiếng nhưng cũng có hôm có cá hôm không nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn khổ cực, chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các tổ chức từ thiện.
Người di cư đang cần gì?
Vừa thấy xe chở hàng cứu trợ của chúng tôi đến thì hàng trăm người từ cụ già đến em nhỏ vây quanh xe để xin đồ cứu trợ, họ vui mừng vì đã nhận được những vật dụng cần thiết cho nhu cầu tối thiểu của gia đình mình.
Vì đã khảo sát trước nên chúng tôi biết các hộ dân ở đây đang thiếu nhiều thứ như Pin năng lượng mặt trời, quạt điện, tre nứa lá dựng nhà, thùng chứa nước sạch, lương thực hàng ngày và đặc biệt là thuốc chữa bệnh... Tổng số người di cư khoảng 1000 người chia làm hai khu tách biệt, một khu dành cho dân di cư trước, một khu mới dựng tạm cho cư dân mới di cư về vài ba tháng. Chính vì vậy khi các đoàn làm từ thiện đi giúp đỡ đồng bào nơi đây cần khảo sát trước số lượng hộ gia đình, nhu cầu của người dân tránh chẩn bị ít quá không đủ, hoặc hỗ trợ  không đúng thứ mà họ đang cần, dẫn tới việc cái không cần thì dư thừa cái cần lại thiếu….
Bên cạnh những nhu yếu phẩm hàng ngày, cư dân nơi đây cũng đang rất cần các cơ quan tổ chức chính quyền khảo sát cấp đất, cấp hộ khẩu và chứng minh nhân dân để họ khắc phục khó khăn, trẻ em có thể đến trường và sớm hoà nhập với cộng đồng người Việt. Người di cư đang cần chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước để ổn định làm ăn sinh sống trên đất nước mình.
Hoài An






Tết này nó không về quê


- Chiều nay thi xong môn cuối cùng, tôi thở phào nhẹ nhõm khi ký tên vào danh sách nộp bài. Nhìn ra con đường bên cạnh cửa sổ phòng thi đã thấy thằng Hoàng vừa rối rít vẫy tay vừa chỉ vào đồng hồ của nó.
Trên chiếc ngựa sắt quen thuộc hằng ngày vắt vẻo chiếc balô bộ đội bạc màu của tôi - quà tặng của bố ngày tôi đậu đại học. Hồi đó, bố trịnh trọng: “Chiếc balô này đã sát cánh cùng bố suốt quãng đời tuổi trẻ. Bố không theo con mãi được. Nó sẽ theo con thay bố vậy”. Tôi biết ông rất quý chiếc balô này. Ông xem nó như là biểu tượng tuổi trẻ mình. Tôi cảm thấy nghèn nghẹn khi nhận chiếc balô từ tay bố.
Năm nay không khí tết đến sớm hơn mọi năm. Gió heo may đã kịp phủ cái se lạnh lên mọi ngõ ngách trong thành phố từ bao giờ. Những cành bàng vội vã trút bỏ bộ cánh vàng úa, sẵn sàng khoác chiếc áo mới đón xuân sang. Mấy nhành mai hết hẳn vẻ khô khốc đang vội nhú mầm để kịp đón tết. Quãng đường từ trường đại học của tôi đến nhà ga rực một màu vàng, đỏ của đủ loại hàng hóa sẵn sàng phục vụ thượng đế đón tân xuân. Siêu thị, cửa hàng tạp hóa nhan nhản băngrôn, poster quảng cáo xen lẫn chữ ta, chữ Tây. “Chúc mừng năm mới!”, “Happy new year!”, “Super rẻ”, “ Sale off 50% ”, “Giá cực shock”. Công nghệ marketing dùng chữ thật độc đáo. Thằng bạn nhấn mạnh pêđan, cằn nhằn:
- Sao mày không về xe cho gần?
- Về tàu ngắm cảnh rừng núi sướng hơn, với lại tao bị say xe.
Chỗ chúng tôi ở trọ chỉ cách bến xe thành phố 15m. Phòng trọ nằm ngay trên con đường dẫn vào cổng phụ của bến.Ngày nào cũng phải nghe tiếng còi xe gọi khách, tài xế chào nhau cũng bằng tiếng còi. Có hôm đang ngủ giật mình tỉnh giấc bởi tiếng còi gọi người gác cổng của một chiếc xe về bến muộn. Nghe riết cũng trở thành quen thuộc, lâu không nghe lại thấy nhớ. Thằng bạn tôi nói đùa: Ở đây muốn học bài được phải sử dụng tư duy tiếng còi. Nghĩ cũng thương nó. Đường ngược gió, chiếc xe cà tàng dường như quá sức khi chở cả hai thằng. Nó đang cố sức nhoài người về phía trước, mong chiếc xe chạy nhanh hơn. Tôi xởi lởi:
- Giúp bạn đi mà. Mỗi năm có một lần. Sau này tao sẽ kể cho con tao nghe về công ơn của mày.
- Tao cóc cần. Tao mà có tiền, tao cho mày đi xe ôm cho rồi.
- Tao cũng mong mày có tiền.
Không còn nghe tiếng thằng bạn trả lời. Một chiếc xe tải chạy ngược chiều khiến chúng tôi trở về tốc độ ban đầu. Hoàng lại phải è sức đạp. Tôi biết nó chỉ nói vậy thôi, chứ xa hơn nữa nó cũng chở tôi đi. Hoàng là đứa tốt bụng. Ở với nhau ba năm chúng tôi đã trở thành anh em. Chắc nó đang nghĩ vẩn vơ mỗi khi đề cập đến tiền. Tôi còn nhớ lần Hoàng nhận được quà của mẹ nhân có người cùng làng lên thăm con. Quà cũng chả có gì nhiều. Một bịch lạc được gói cẩn thận bằng bao cám Con Cò, một hộp bột sắn dây trắng muốt, kèm một tờ lịch chắc xé vội vàng nên mất một phần tư góc với những dòng chữ cố gắng nắn nót nhưng vẫn khó đọc: “Bố mẹ vẫn khỏe. Con cố gắng học. Nhớ giữ sức khỏe. Khi nào rảnh về nhà chơi”. Thấy hắn mân mê bịch quà vẻ mặt không vui, tôi dò hỏi:
- Sao vậy? Nhận được quà sướng quá còn gì?
Hắn cười, miệng méo xệch:
- Sướng chứ. Nhưng tao biết nhà tao làm gì có sắn dây. Cái này chắc là mua rồi.Mẹ tao lẩn thẩn thật.
Rồi giọng đều đều hắn kể cho tôi nghe về gia đình hắn. Quê hắn nghèo lắm. Mảnh đất đâu đâu cũng rực một màu đất đỏ bazan cùng nắng và gió heo hút. Bố mẹ hắn làm rẫy nhưng lại ít đất. Quần quật suốt ngày cũng chỉ đủ ăn. Ông bà chỉ có mỗi mình hắn. Hắn quyết tâm học nên ông bà cũng ráng theo chứ cực lắm. Hôm bố đưa hắn đi thi đại học, cùng ngồi chờ xe với mấy ông phụ huynh, ông rôm rả: “Tôi bán hết hai tạ mì cho chuyến đi này đấy. Nó mà không đậu thì chết với tôi. Nó mà đậu thì tôi chết với nó”. Mấy ông phụ huynh cười vang, rồi lại im lặng không ai nói gì cả. Mỗi người đang theo đuổi mỗi ý nghĩ khác nhau. Họ cũng là nông dân cả mà. Rồi hắn đậu đại học. Hôm có giấy báo bố hắn mừng lắm, bỏ dở bữa cày về nhà ngồi khề khà uống rượu một mình. Hình như ông thích được “tôi chết với nó”.
Xe chợt thắng gấp. Tôi chúi mạnh về phía trước:
- Gì vậy mày?
- Đèn đỏ cha nội. Đang tơ tưởng em nào mà mặt đần ra thế.
- Đâu có em nào. Tao đang nghĩ về mày đó.
- Cho xin. Người ta nghe lại tưởng mày đồng tính đó - Rồi nó bật cười ha hả.
Đèn xanh. Xe chúng tôi chưa kịp lăn bánh bỗng giật mình bởi tiếng còi xe máy hối thúc sát bên tai. Một chiếc xe tay ga vụt qua. Cô gái ngồi sau còn quay lại lia một ánh mắt dọa dẫm. Sao người đời đã đi xe phân khối lớn còn gấp gáp thế không biết.
- Mày về khi nào vào?
- Chắc 13, 14 gì đó. Nói chung trước rằm. Mày khi nào về?
Giọng nó chùng xuống, ngập ngừng:
- Tao... không biết.
- Xin lỗi  - tôi cố gắng nói lớn lên nhưng một cơn gió đã thổi bạt đi.
Đã mấy năm nay Hoàng có về tết đâu. Có hỏi thì nó bảo: có mấy ngày về làm gì. Kỳ thực nó ở lại tranh thủ đi làm thêm. Tết có đủ cơ hội cho mọi người, không loại trừ ai cả. Từ khi vào đại học, một buổi đi học, thời gian còn lại nó đi  phụ bưng bê ở một quán phở, hay giữ xe đạp cho quán cà phê, vì tính chịu khó, thật thà nên nó có việc làm đều đặn. Có hôm đi làm về, nó mua mấy củ khoai ăn thay bữa. Tôi hỏi:
- Sao mày không mua cơm ăn?
Hoàng cười:
- Mày không biết à. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu và phát triển khoai Việt Nam thì hàm lượng calo trong bốn củ khoai bằng một tô phở. Hơn nữa, trong khoai không có chất formol gây viêm gan, ung thư như phở.
- Mày tào lao. Báo cáo ở đâu?
- Thật mà - Nhìn bản mặt cố ra vẻ nghiêm túc của nó thật buồn cười - Họ còn đang đăng tin tìm đối tác tài trợ để thực hiện dự án “Khoai Việt Nam - trước thềm thế kỷ mới” nữa đó. Mày không tin à?
Tôi chắp tay vái nó:
- Tao tin!
Đến nhà ga.
- 5 giờ 55 phút, mày còn 5 phút - thằng Hoàng vừa hổn hển thở vừa nói.
- Cảm ơn. Tao về trước nha.
- Bye!
- Bye!
Tiếng chúng tôi bị át đi trong tiếng loa thông báo gấp gáp của nhà ga, tuồng như chiếc loa cũng đang tất bật hoàn thành nhiệm vụ cuối năm để kịp nghỉ ngơi đón tết. Tôi xách balô chạy nhanh về cửa ga. Qua cổng soát vé, ngoái lại thấy Hoàng đang cố gắng len lỏi rồi mất hút trong dòng người đang đổ về ga tàu mỗi dịp tết đến. Không biết Hoàng có về kịp giờ đi làm thêm không?
DUY HỒNG

QUÀ QUÊ


                                                                  

          Cuối cùng, bố cũng thuyết phục được mẹ tết này cả nhà cùng về quê nội, mảnh đất đâu cũng rực một màu đất đỏ bazan cùng nắng và gió heo hút. Quê mình nghèo lắm. Bố vẫn thường bảo thế. Mỗi lần có quà của bà gửi ở quê lên, mẹ thường mang chia cho hàng xóm, mẹ bảo: “Nhà chẳng có ai ăn”. Nhìn những bắp ngô mẩy hạt, vàng óng hay củ sắn tròn trịa, căng đầy nhựa sống, con nghĩ chắc quê mình đất đai màu mỡ lắm. Mẹ rất ít về quê, còn con chưa một lần nào, vì mẹ vẫn bảo: “Ở quê đến nước sạch chẳng có mà uống, mày muốn bị bệnh à”.
Hôm nay cả nhà cùng về quê. Xe bị xẹp bánh ngay đầu làng. Hai mẹ con ngồi lại cạnh đường đợi bố. Bố phải dắt xe trở lại 100 mét mới có tiệm sửa. Hai mẹ con đang ngồi nghỉ, có người đằng xa đi tới: “Vợ thằng Hoàng phải không? Về rồi đấy à!”
- Ủa, bác Lan. Sao bác biết tụi con về? Mẹ tôi hỏi.
- Mới nghe bà nói.
Bác Lan cùng ngồi xuống nói chuyện. Bố vẫn thường bảo: dân quê thật thà chất phác. Hôm nay, tôi được chứng kiến tận mắt. Bác Lan lấy từ trong cái thúng ra chiếc khăn nhung mới tinh khoe: “Bác vừa mang thúng lạc sang đổi cho bà mày đấy. Bà dặn, phải lựa những củ to nhất để làm quà mang ra thành phố”. Tôi cũng được biết những bắp ngô mẩy hạt hay củ sắn tròn trịa bà đều mua từ bác, chứ đất ông bà cằn cỗi lắm với lại sức yếu đâu chăm sóc được, làm gì có thứ bắp ngon.
          Bác Lan đi rồi, hai mẹ con ngồi lặng cạnh nhau. Cả mẹ và tôi đều biết chiếc khăn nhung ấy là của bố mẹ mua để bà quàng ngày Tết.
“ Mẹ ơi, bố về rồi kìa”. Mãi không thấy mẹ trả lời. Con quay sang thấy mẹ bối rối dấu vội dòng nước mắt trong veo đang chực lăn xuống má.
-         Ừ! Nhanh về kẻo ông bà chờ.
Gió xuân đang kéo về làm dịu đi cái heo hút của mảnh đất khô cằn. Thật ấm áp, rộn ràng và háo hức…! Mùa xuân đang gõ cửa lòng người…

**********

DUY HỒNG

Tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam Hương -


Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim

Ơ kìa ! Sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên

Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu

Là em nói vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường

Chị nhiều hờn- giận- yêu- thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim

Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!