Truyện ngắn 8X là tập hợp tác
phẩm của 18 cây bút trẻ thuộc thế hệ sinh ra trong những năm 80 của thế kỷ XX
- thế hệ thường được định danh là “thế hệ 8X”. Sau khi phát hành tại NXB Hội
Nhà văn, tập sách đã nhận được sự chú ý của dư luận với sự khen - chê rất
khác nhau.
Dưới đây, xin giới thiệu bài viết của Phạm Hương Giang như một ý kiến để tham khảo về công việc của người làm sách, đồng thời cung cấp một góc nhìn khác về cuốn sách này - góc nhìn của tác giả về tác phẩm của chính mình và tác phẩm của một số bạn viết cùng được in trong Truyện ngắn 8X. Theo quy luật đào thải của cuộc sống, chỉ những gì tốt đẹp nhất sẽ tồn tại vĩnh hằng với thời gian. Truyện ngắn 8X, với dư luận có thể chỉ như hòn đá ném xuống ao bèo, rồi sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng giống như bao vụ ồn ào, quậy phá không xuất phát từ cái tâm và sự tài hoa khác. Nhưng đối với tôi, đây mãi mãi là một sự xấu hổ, vì tôi cũng là một nạn nhân như các tác giả khác có truyện trong tập sách. Từ sự lên án của dư luận Khi Hội nghị viết văn trẻ đang đến hồi gay cấn chung quanh những vấn đề bột phát thì Truyện ngắn 8x ra đời, như là cái đuôi của sao chổi, bồi thêm một cú nữa về sự lố lăng, quậy phá vô văn hoá của giới trẻ. Cuốn sách được trình bày kỳ dị chưa từng có. Đó là những hình vẽ rất tục, đặc biệt hơn là những câu, chữ được người làm sách tự ý trích ra từ bất kỳ dòng nào, đoạn nào trong mỗi tác phẩm, ghép lại với nhau thành một đoạn văn và in thật đậm trước tác phẩm đó. Tất nhiên là theo chủ ý của người làm sách, những đoạn văn đó cùng hướng về một chủ đề là gợi dục. Ngay lập tức, những vấn đề chung quanh hội nghị nóng bỏng được nối tiếp bằng những bài báo kịch kiệt phản đối cuốn sách này, nào là phi thẩm mỹ, phản cảm, nào là tục tĩu, chị em song sinh của Dự báo phi thời tiết... Xin nói ngay rằng đó chỉ là lần xuất bản đầu tiên và những ấn phẩm ấy chỉ đến được với những người nhanh chân, còn hầu như độc giả chỉ được biết qua những bài báo. Nhiều độc giả đọc thấy chê như vậy nhưng không được mắt thấy tay sờ quyển sách đó ra làm sao. Mới đây, nhà xuất bản Hội nhà văn đã cho ra đời bản mới. Những hình vẽ quái đản, trần trụi và tục tĩu, những câu chữ nhặt nhạnh và sắp xếp theo kiểu giật tít đậm chất nhục cảm đã được xoá bỏ. Sau khi được "làm sạch", Truyện ngắn 8X, cũng là một ấn phẩm như bao nhiêu ấn phẩm khác, nghĩa là có hay có dở. Điều đáng nói ở đây, nó là cuốn sách của một thế hệ trẻ sinh từ 1980 -1989, nghĩa là mới chỉ trong vòng từ 17 - 26 tuổi đầu. Dù có non nớt nhưng cũng không đến nỗi phản cảm, phi thẩm mỹ như nó đã từng bị lên án. Tôi - Phạm Hương Giang là một tác giả trẻ có truyện trong tập. Tôi hoàn toàn không có quan niệm sống và quan niệm cầm bút như lời đề từ đầu cuốn sách (sau khi có sự lên án của dư luận, người làm sách đã buộc phải bỏ lời đề từ này): Chúng tôi khóc Chúng tôi cười Chúng tôi điên loạn Chúng tôi hiền lành... Và trạng thái cuối cùng là trống rỗng. Những đứa chúng tôi cô đơn Những đứa chúng tôi tìm đến trang viết đôi khi Như một sự giải toả xa xỉ. Khi trầm mình lại, thấy mọi điều dường như vô vi. Và rồi chúng tôi lại khóc, lại cười, lại điên loạn... Nhưng chúng tôi không nhai lại những đoạn băng cũ rích. Vì đơn giản chúng tôi thuộc thế hệ trẻ Thế hệ 8X đầy tự tin và kiêu ngạo 8X. Đọc bản mới độc giả sẽ thấy điều này chỉ rơi vào một số tác giả đã có tiền sử phá phách, đòi cách tân đổi mới thơ chứ không phải toàn bộ các tác giả trẻ. Truyện ngắn Hắn lại vào toilet của tác giả Lynh Bacardi khiến ta dễ liên tưởng đến cuộc đấu võ với một con bò sữa vừa buồn cười vừa ngớ ngẩn trong một bộ phim vừa hài vừa võ thuật xuất hiện trên mạng cách đây không lâu. Chẳng có gì là bậy bạ, nhưng cũng không phải là một truyện ngắn ma quái hay có hơi hướng hiện thực huyền ảo như có người nhận xét. Truyện Lặng lờ không một sủi tăm của Thanh Xuân thì khiến ta liên tưởng tới truyện Nhà có ba chị em gái của Võ Thị Xuân Hà, nhưng lối viết thì sống sượng hơn và cái quan trọng là câu chuyện chẳng nói lên một vấn đề gì cả. Dạ khúc và trò chơi điên khùng giữa khu vườn bí mật của Khương Hà lại càng không mới mẻ gì với một cuộc tình tay ba đơn giản và nhạt nhẽo, chỉ có điều tác giả cố tình làm rối rắm với tâm sự của một cô gái rỗi hơi với những bản nhạc và cái thế giới ít người có thể chia sẻ được của cô. Ba tác giả thuộc nhóm Ngựa trời này thành công ở chỗ đã góp mặt trong cả hai cuốn sách đình đám. Còn về văn chương, có lẽ bàn thêm cũng chỉ đến vậy. Đọc hết cả tập độc giả sẽ thấy có những truyện ngắn hết sức trong trẻo và để lại ấn tượng tốt như (...) của Trần Ngọc Linh, Đôi mắt Thiện Sĩ của Nguyễn Lan Phương...Vậy mà tất cả đều bị người làm sách biến chúng thành méo mó, bẩn thỉu. Ai cũng biết Thị Kính vì cầm dao cắt sợi râu mọc ngược ở cằm chồng mà bị vu là giết chồng. Từ cái tích truyện ấy, Lan Phương đã sáng tạo thành một cái truyện mới, vừa mang hơi hướng cổ kính, vừa mang không khí hiện đại. Truyện ngắn này đã được nhà văn Nguyễn Trí Huân trực tiếp lấy về từ trường Viết văn Nguyễn Du và cho đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội khi ông còn là Tổng biên tập của tờ báo văn học danh tiếng này. Vấn đề tác giả đưa ra hết sức nhân văn, là sự suy nghĩ đầy trách nhiệm trước nhân tình thế thái của nhiều đời. Thế mà người làm sách đã nhặt nhạnh các câu trong cái truyện hết sức nhân văn này ghép thành một mớ câu chữ hổ lốn, kích thích những tò mò rẻ tiền: “Nó vẫn nằm ở đấy... loăn xoăn, cưng cứng và ngang ngạnh... ghê tởm chưa... cái giống lăng loàn rửng mỡ... ngực gái tơ còn phập phồng... đặt ở đâu thế này... không biết có mưa không đây... ánh sáng còn chăng”(đoạn này sau đó cũng buộc phải bỏ đi). Vậy lỗi là do đâu? Trước hết xin dư luận nhìn một cách công tâm. Hãy so sánh bản mới và bản cũ của Truyện ngắn 8X để thấy rằng đây là một chiêu thức quảng cáo rẻ tiền, bất chấp mọi giá của người làm sách. Họ trình bầy cuốn sách theo lối sáng tạo (!) đầy công phu. Những câu chữ được trích dẫn trước mỗi truyện hoàn toàn được lấy từ trong truyện, nhưng được sắp xếp lại theo chủ ý của người làm sách và hoàn toàn khác với nội dung mà tác giả muốn đề cập đến. Hơn nữa lại chỉ hướng tới một mục đích là khiến người ta nghĩ ngay đến vấn đề tình dục. Tôi tin rằng phần đa các tác giả trẻ không ai muốn truyện ngắn của mình bị trình bầy theo lối giật tít trích câu chữ tục tĩu, bẩn thỉu và minh hoạ một cách phi thẩm mỹ kia. Đương nhiên chính các tác giả phải nóng mặt mỗi khi có ai nhắc đến tên sách và ngậm ngùi: Biết thế... Và tự nhiên các tác giả phải giơ đầu ra trước dư luận theo kiểu quýt làm cam chịu. Nguyễn Quỳnh Trang - tác giả truyện Tôi muốn về nhà nhận định: “Cách trình bày như thế sẽ rất ấn tượng, phù hợp với xu thế của tuổi trẻ ưa mới lạ nhưng nếu trích dẫn, minh hoạ mang tính nhân văn thì sẽ đạt hiệu quả rất cao, đằng này, cũng những từ ngữ ấy ở trong câu văn của mình thì mang nội dung khác, mà khi đưa vào trích dẫn thì bị bóp méo, đã không mang tính văn học lại phản cảm, gợi dục đến xấu hổ”. Bản thân tôi là tác giả truyện Cô mình rất phẫn nộ khi bị trích dẫn như thế này: “hai mươi hai loài bò... ợ lên hổ lốn... Kính trọng và tôn thờ... 10m2... nước mắt bấu chặt... thời gian rất chật... mỳ tôm nguội tấm bằng và một con mèo. Tổ cha nó... màu hồng... không cần đến tiếng người... váy ngắn chân dài... mốc lên chưa? Mèo chết rồi... mục ruỗng từng ngày... cái lồng trần truồng... sân nắng..”. Khi đọc những dòng này, tôi tối tăm mặt mũi như bị tát vào mặt. Và vội vàng mở máy tính ra đọc lại ngấu nghiến chính tác phẩm của mình xem có đúng là mình viết như vậy không. Không. Truyện của tôi có thể chưa hay, nhưng nó cũng đã được đăng trên Tiền phong Chủ nhật, có nghĩa là nó không có gì là quá đáng. Vậy mà tên tôi bị nêu đích danh trên báo Giáo dục và Thời đại Chủ nhật số 23 (04.06.06). Tôi thật khó giải thích với bạn bè là tại sao mình lại góp mặt trong đám nổi loạn ấy. Ai viết ra cũng mong đứa con tinh thần của mình được đăng báo, in sách để đến được với đông đảo bạn đọc. Nhưng không có nghĩa là người làm sách cứ trả cho tác giả một ít tiền rồi muốn làm gì thì làm. Nên nhớ là đây là những tác phẩm văn học, vậy mà người làm sách lại biến nó trở thành dung tục như vậy. Dù ngoài ý muốn, tôi cũng cảm thấy như có một vết nhơ trong lý lịch nghề nghiệp của mình. ... Và việc nhìn lại mình Khi một nhà văn nói với tôi: thấy gì viết ấy thế này thì lớn thế nào được, tôi không tin. Khi một nhà thơ nổi tiếng nói với tôi: thơ em viết bằng mắt, tôi vẫn không tin. Cho dù vẫn biết rằng các vị tiền bối chắc chắn có kinh nghiệm hơn mình. Những câu nói đó mang tính tổng kết cả một đời văn đầy khổ ải. Nhưng đến khi đọc Truyện ngắn 8X tự nhiên tôi thấy rờn rợn: Hình như những người đi trước đã nói đúng. Tôi và một số người trong thế hệ chúng tôi đã mắc phải căn bệnh mắt hẹp. Đối với việc viết văn, vốn sống vô cùng cần thiết. Và trí tưởng tượng lại càng cần thiết hơn nhiều. Không có trí tưởng tượng, dù người viết có chịu khó quan sát đến mấy thì trang viết vẫn cứ vặt vãnh khô cằn, thiếu sức tưởng tượng, những trang văn sẽ thiếu đi sự thăng hoa lãng mạn vốn rất cần cho mỗi tác phẩm văn chương. Vậy mà hỡi ôi, phần đa các tác giả thế hệ 8x đều rất trẻ, từ bé đến giờ chỉ quẩn quanh với sách vở, với máy tính, vốn sống thực tế hạn hẹp. Có những tác giả chưa bao giờ ra khỏi thành phố, không phân biệt được con trâu với con bò, lúa với mạ... Thế nên mắt hẹp là đương nhiên. Vì vậy khi viết họ chỉ viết về những thứ vụn vặt nhìn thấy chung quanh. Tất nhiên đối với những người có tài thì những điều tai nghe mắt thấy sẽ là những gợi ý tối cho trí tưởng tượng bay bổng. Còn trong Truyện ngắn 8X, hầu hết các truyện ngắn đều chưa ra truyện. Nghĩa là không đầy đủ cấu tứ, không có sự đào sâu suy nghĩ nên câu chuyện được thả chơi vơi, đầu đuôi không thống nhất được về nội dung và ý nghĩa. Tình khúc thực phẩm của Nguyễn Thị Cẩm hứa hẹn một cái gì đó rất mới mẻ, nhưng hình như chị hơi lệ thuộc vào sự thực nên cuối cùng kết truyện lại chỉ dừng lại ở một vấn đề tầm thường. Dạo bước 13 phút của Trương Quế Chi, C’est la vie của Quốc ấn, Mùa hát ru em của Trần Hoàng Trâm... chỉ dừng lại ở phạm vi một đoản văn. Những mùa đông đi qua của Yên Khanh rất tiếc nếu chịu khó dừng lại một thời gian và suy nghĩ đến việc xây dựng một cốt truyện có vấn đề thì sẽ là một truyện ngắn khá. Lửa hoang của Phạm Vân Anh có đầy đủ mọi yếu tố của một truyện ngắn, ngoại trừ sự sinh động của thực tế. Tôi có cảm giác chị phải gồng mình lên quá để viết về những vấn đề xa vời so với tuổi 26 của chị. Tôi đánh giá cao Đôi mắt Thiện Sĩ của Nguyễn Lan Phương, Xó núi của Nguyễn Thị Cẩm, (...) của Trần Ngọc Linh, trong đó đã lấp ló hiện lên những suy nghĩ, trăn trở về sứ mệnh của văn chương đích thực. Còn lại hầu như chỉ là những trang nhật ký tâm trạng. Một độc giả nói: “Đọc 8X tôi có cái cảm giác của bậc phụ huynh tò mò đọc trộm nhật ký của đứa con. Đọc xong thấy băn khoăn. Chả lẽ tâm lý con cái mình phức tạp đến như vậy? Mình đã làm gì khiến cuộc sống của nó trở nên bí bách, tắc tị, khiến cho thế giới xung quanh nó hình như chẳng còn có gì đáng sống cả?”. Có đúng như vậy không hay chỉ vì tất cả đều nhìn cuộc sống bằng con mắt hẹp nên họ chỉ lấy cái đau khổ của mình làm trung tâm và bắt người khác phải đọc, phải hiểu và đồng cảm? Ngay cả truyện ngắn Cô mình của tôi khi đưa ra, nhiều người bảo: Đó không phải là tạng của tôi, hãy cứ viết về quê hương, về mẹ, về hoa bưởi, về những cái lọc qua tâm hồn, chứ chép nguyên cuộc sống lại thế này vừa dàn trải, vừa mông lung, chả hiểu cái đích muốn đến là gì. Tôi đã gân cổ lên cãi, tại sao lại không hiểu, em muốn viết rằng tuổi trẻ mà cứ sống mãi một cách nhàm chán như vậy thì sẽ chết dần mòn đi thôi, đó là lời cảnh báo với giới trẻ, đó là sự thức tỉnh đầy trách nhiệm của tuổi trẻ trước cuộc sống. Tôi đã hồn nhiên phơi bày cái nhân sinh quan 8X của tôi ra và đã đinh ninh rằng như thế là hay lắm. Nhưng giờ đọc lại, tôi thấy không ổn. Không ổn bởi những gì tôi viết ra riêng tư quá. Dù tôi có diễn đạt những cái riêng tư ấy bằng những ngôn từ sạch sẽ, bóng bẩy đi chăng nữa nó cũng chẳng lay động được ai. Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ 7 vừa qua, có một ý kiến mà tôi rất thích. Đó là ý kiến của nhà thơ trẻ Ly Hoàng Ly. Khi được hỏi vì sao mấy năm nay chị im hơi lặng tiếng? Ly Hoàng Ly trả lời: “Tôi im lặng vì tôi nhận ra rằng, trước kia tôi chỉ viết cho tôi, và bây giờ tôi muốn im lặng để chuẩn bị viết về những vấn đề chung của xã hội.”. Câu nói nghiêm túc về nghề văn của chị đã khiến tôi ngẫm nghĩ. Nhà thơ Vương Trọng cũng có lần viết: "Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương, bởi Đỗ Phủ, Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh”. Muốn viết gì thì viết, văn học phải được chuyển tải được những vấn đề chung của con người, nếu không anh hãy giữ riêng cho mình mà thôi. Phải mất một thời gian dài suy nghĩ và đấu tranh tôi mới dám nói ra điều này. Tôi coi đây như là một cuộc thử sức và tôi đã thất bại. Nếu muốn theo đuổi nghiệp văn chương lâu dài thì phải đoạn tuyệt ngay với cách nhìn cuộc đời như thế, để khỏi lại bị chung mâm, đánh đồng với những nhân vật thích nổi tiếng bằng việc đốt đền.
(Theo Nhân Dân)
|
"TÀI CAO PHẬN THẤP CHÍ KHÍ UẤT - GIANG HỒ MÊ CHƠI QUÊN QUÊ HƯƠNG" Chào các bạn tới Blog của Nguyễn Văn Thông ( Hoài An) ĐT: 0988001456
Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013
“Truyện ngắn 8X”- Lời trần tình của một nạn nhân
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét