MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nói đến văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954
- 1975 là nói đến một bộ phận văn học ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: Chiến
tranh kéo dài, đấu tranh thống nhất đất nước và sự va chạm của hai nền văn hóa
Đông - Tây. Lực lượng sáng tác đông nhưng phân hóa thành nhiều khuynh hướng
khác nhau.
Văn xuôi cũng hướng đến nhiều vấn đề khác nhau
trong cuộc sống. Trong tác phẩm, nhân vật (con người) luôn là nơi thể hiện rõ
nhất quan điểm sáng tác, tư tưởng nghệ thuật và tài năng của nhà văn.
Võ Hồng là một tác giả văn xuôi mà sự nghiệp,
tên tuổi đã được xác định trong văn học Việt Nam hiện đại và đặc biệt là của
giai đoạn 1954 - 1975 (ở miền Nam). Ông cùng thời với Sơn Nam, Vũ Hạnh, Trang
Thế Hy và nhiều nhà văn khác.
Văn xuôi Võ Hồng gắn liền với mảnh đất Nam
Trung Bộ cũng như Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc của miền Nam; tìm hiểu văn chương
Võ Hồng cũng đồng thời với việc nhận thức về văn hóa và những giá trị tinh thần
truyền thống.
Đã có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về
Võ Hồng và tác phẩm Võ Hồng, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách
chuyên sâu, đầy đủ và hệ thống về thế giới nhân vật trong truyện ngắn của ông.
Chọn đề tài Thế giới nhân vật trong truyện
ngắn Võ Hồng chúng tôi mong muốn được bổ sung thêm một số vấn đề chưa
được nghiên cứu kỹ về tác phẩm của nhà văn. Thông qua việc khảo sát, phân tích,
tìm hiểu tác phẩm, chúng tôi tin sẽ nhận thức sâu sắc hơn về giá trị văn chương
của ông.
Đây cũng là dịp để người viết được bày tỏ tình
yêu đối với quê hương Phú Yên của mình.
2. Lịch sử vấn đề
Võ Hồng là một nhà văn gần gũi.
Nhiều người biết, nhiều người đọc, yêu thích và say mê tác phẩm của ông. Có
nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về Võ Hồng. Căn cứ vào những tư liệu
thu thập được, chúng tôi phân chia quá trình nghiên cứu về nhà văn thành hai
giai đoạn như sau:
+ Giai đoạn trước 1975:
Trước
1975 nghiên cứu về Võ Hồng chủ yếu là qua các bài viết trên báo, tạp chí ở miền
Nam. Có khoảng 20 bài viết của nhiều tác giả. Tiêu biểu như bài Phê
bình những truyện ngắn của Võ Hồng của Nguyễn Văn Xuân đăng trên Tạp
chí Mai số ra ngày 10/8/1960; bài của
Châu Hải Kỳ Đọc Người về đầu non của Võ Hồng - Tập san Tân Văn số ra ngày 25/6/1968.
Tiểu thuyết Võ Hồng - Quê hương - Trí nhớ và Con người đăng trên Tạp chí Quần Chúng số 11 và 12 tháng 5 và 6/1969 nhà nghiên cứu Cao
Thế Dung đánh giá về tiểu thuyết của Võ Hồng: “Tiểu thuyết của ông mang một khuôn mặt đặc biệt Việt Nam ”.
Bài
của Cao Huy Khanh Sơ thảo 15 năm văn xuôi miền Nam - Võ Hồng những chuyện tình bâng
khuâng - Tuần báo Khởi Hành
số 84.
Tập
trung và có giá trị nhất là công trình khảo luận Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay của Tạ Tỵ (Nxb Lá Bối, 1971)
viết về 10 văn nghệ sĩ lớn của miền Nam trong đó có nhà văn Võ Hồng và tập san Giai phẩm Văn - Số đặc biệt về nhà văn Võ Hồng, phát hành ngày 1.3.1974, số lượng
in 6.000 cuốn.
Nhìn chung, những bài viết và công trình nghiên cứu về
Võ Hồng ở giai đoạn trước 1975 chủ yếu là giới thiệu về tác phẩm của nhà văn;
nêu lên các nội dung chính của văn chương ông như: đề tài gia đình, đề tài quê
hương, tâm hồn con người…
+
Giai đoạn từ 1975 đến nay:
Có
khoảng 30 bài viết đăng trên các báo và tạp chí như báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động; Tạp chí Nha
Trang, tạp chí Văn Nghệ Khánh Hòa…
Nghiên
cứu tập trung và công phu về Võ Hồng là các luận văn tốt nghiệp ngành Ngữ văn
như:
“Những đóng góp
của Võ Hồng đối với dòng văn học yêu nước tiến bộ” của Trần Phong Lan -
Tiểu luận tốt nghiệp Đại học (Tổng hợp Tp.HCM, khóa 1983 - 1987).
“Thi pháp truyện ngắn Võ Hồng” của Nguyễn
Văn Long - Tiểu luận tốt nghiệp Đại học (Tổng hợp Huế, khóa 1985-1989).
“Võ Hồng- nhà văn và tác phẩm” của Nguyễn
Thị Thu Trang - Luận văn Cao học (ĐH Quốc gia Tp.HCM, khóa 1993-1996).
Đặc biệt trong luận án phó tiến sĩ đế tài “Khuynh hướng văn học yêu nước tiến bộ trong
các thành thị miền Nam” nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá đã đề cập đến
nhà văn Võ Hồng như một trong các nhà văn tiến bộ miền Nam trước 1975. Giáo sư
Nguyễn Huệ Chi đánh giá đây chính là một điểm thành công của luận án.
Năm 1998, nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh cho ra
đời quyển “Địa chí văn hóa thành phố Hồ
Chí Minh” do Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên. Sách đã dành hẳn một
chương để nói về Văn học yêu nước công khai ở Sài Gòn trong ba mươi năm cách mạng và
kháng chiến do các tác giả Tầm Vu, Nguyên Thanh, Viễn Phương, Hồ Sĩ
Hiệp, Trần Hữu Tá đồng biên soạn. Võ Hồng được nhắc đến như một nhà văn tiêu
biểu cùng với các cây bút yêu nước, những tri thức, những nghệ sĩ cao niên như
Trần Tuấn Khải, Nguyễn Hiến Lê, các nhà thơ Hà Kiều, Phương Đài, Phong Sơn, các
nhà văn Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Sơn Nam…
Năm
2000, trong cuốn Nhìn lại một chặng đường văn học của tác giả Trần Hữu Tá (Nxb
Tp.HCM); Võ Hồng được giới thiệu là “nhà
văn đáng kính trọng trong cả về tài năng và nhân cách”.
Ngoài
những bài phỏng vấn, các bài báo giới thiệu về nhà văn Võ Hồng; những công
trình nghiên cứu về Võ Hồng ở giai đoạn sau 1975 cũng nhiều và đầy đủ hơn giai
đoạn trước. Không chỉ vị trí của Võ Hồng được khẳng định bằng kiến thức văn học
sử, mà giá trị văn chương ông cũng được khám phá từ nhiều góc độ, với nhiều
phương pháp nghiên cứu khác nhau.
Tuy nhiên, vấn đề nhân vật trong tác phẩm của
Võ Hồng, đặc biệt là nhân vật trong các truyện ngắn, chỉ mới được nhắc đến rải
rác trong một số bài viết và công trình nghiên cứu, chưa có sự khảo sát hệ
thống và chuyên sâu. Đây cũng là cơ hội cho người thực hiện đề tài này được bổ
sung thêm và tìm hiểu kỹ hơn.
3. Mục đích nghiên cứu
Đề tài Thế giới nhân vật trong truyện
ngắn Võ Hồng có mục đích nhận định về hệ thống nhân vật trong các
truyện ngắn của Võ Hồng. Thông qua đặc điểm nhân vật, đề tài hướng đến việc
khẳng định giá trị và vị trí của Võ Hồng trong văn học đô thị miền Nam giai
đoạn 1954 - 1975 cũng như trong văn xuôi hiện đại Việt Nam nói chung.
4. Đối tượng và phạm
vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của
luận văn là các truyện ngắn của Võ Hồng, trong đó vấn đề chính cần khảo sát kỹ
là nhân vật và đặc điểm nhân vật.
Ngoài ra, toàn bộ sáng tác và bài viết của nhà văn Võ Hồng, của người khác viết
về Võ Hồng, tác phẩm của một số nhà văn cùng thời cũng là tài liệu tham khảo
quan trọng trong quá trình nghiên cứu.
Võ Hồng viết nhiều thể loại, chủ yếu là văn
xuôi, luận văn xác định chỉ giải quyết vấn đề trong phạm vi các tập truyện ngắn
của nhà văn từ tập truyện Hoài cố nhân (1959) đến tập Trong
vùng rêu im lặng (1988). Đây là 30 năm sáng tác liên tục và sung sức
nhất của nhà văn. Chúng tôi không tính đến những truyện ngắn được in lẻ trên
các báo hay tạp chí, các tiểu thuyết, các bài viết đã in hoặc chưa in của Võ
Hồng. Trong 13 tập truyện đã thống kê, chúng tôi chỉ nghiên cứu chuyên sâu về
nhân vật trong tác phẩm. Vấn đề nhân vật chúng tôi không tìm hiểu dưới góc độ
lý luận văn học, mà chủ yếu chỉ dựa vào nội dung và nghệ thuật biểu hiện của
tác phẩm.
Hy vọng việc xác định rõ đối tượng và tự giới
hạn phạm vi nghiên cứu này, sẽ giúp chúng tôi đủ điều kiện giải quyết các vấn
đề đặt ra của đề tài.
5. Phương pháp nghiên
cứu
Đề tài vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu
khác nhau, trong đó chủ yếu là các phương pháp sau:
Phương pháp lịch sử
kết hợp với so sánh – đối chiếu:
Phương pháp nghiên cứu
của thi pháp học:
6. Đóng góp của luận
văn
Đề tài đem đến cho người
đọc, người nghiên cứu cái nhìn tổng quan về thế giới nhân vật, đặc điểm nhân
vật được thể hiện trong các truyện ngắn của Võ Hồng.
Trong điều kiện sự nhận thức về văn học đô thị
miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 còn quá nhiều chỗ khuyết như hiện nay, đề tài
cung cấp cho người đọc một nguồn tư liệu và một số nhận định có cơ sở khoa học
để hiểu biết thêm.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục các tài
liệu tham khảo, phần nội dung chính của luận văn gồm ba chương:
Chương 1: Bối cảnh văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn
1954 - 1975 và hoạt động sáng tác của nhà văn Võ Hồng.
Chương 2: Các kiểu nhân vật trong truyện ngắn Võ Hồng.
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật
trong truyện ngắn Võ Hồng.
Chương 1
BỐI CẢNH VĂN XUÔI ĐÔ THỊ MIỀN NAM
GIAI ĐOẠN 1954 - 1975 VÀ HOẠT ĐỘNG SÁNG TÁC
CỦA
NHÀ VĂN VÕ HỒNG
1.1. Khái quát về bối cảnh văn xuôi đô thị
miền Nam giai đoạn 1954 - 1975
1.1.1.
Bối cảnh lịch sử - xã hội của miền Nam
Sự xuất hiện của Mỹ sau 1954 và cuộc chiến tranh kéo dài
ác liệt càng làm cho cuộc xung đột về văn hóa Đông - Tây trở nên căng thẳng
hơn. Sách báo văn hóa phẩm phương Tây du nhập ào ạt vào miền Nam. Theo đó, lối
sống thực dụng, hiện sinh cũng dần trở nên phổ biến trong người dân thành thị.
Có thể nói sự xâm lăng về văn hóa kéo theo khá nhiều hệ lụy bi thương trong
lịch sử dân tộc. Tại Mỹ, Nhà Trắng đã có sẵn những chuyên gia hàng đầu về chính
trị, tư tưởng như Manfeid, Lansdale… vạch ra các chiến lược thay đổi Việt Nam.
Và từ 1954 trở đi, Sài Gòn có các tổ chức văn hóa Mỹ như Phù Luận Hội (Rotary
club), cơ quan văn hóa Á Châu (AF), Đại học Ohio (O.U)…
Xét về
mặt tổ chức thì cuộc xâm lăng văn hóa Mỹ rất qui mô. Có thể nói có một sự qui
tụ lực lượng để tiến hành một cách bài bản. Nếu chiến trường trên mặt trận vũ
trang đầy bom đạn, chết chóc thì chiến trường trên mặt trận văn hóa cũng phức
tạp, khó khăn không kém: vàng thau, thật giả lẫn lộn.
Điều
này tạo nên sự phân hóa, đối lập giữa dòng văn học được hà hơi tiếp sức bởi
tiền bạc của Mỹ với dòng văn học được khai sinh bằng tình yêu của nhân dân,
bằng những trăn trở của văn nghệ sĩ trước thực trạng xã hội.
1.1.2.
Sự phát triển của văn xuôi đô thị miền Nam
Sau 1954, văn
học miền Nam đã rẽ sang một chặng đường hoàn toàn khác so với bộ phận văn học
miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh chính trị mới và do áp lực căng thẳng
của chiến tranh kéo dài, các nhà văn hầu như không có sự định hướng và thống nhất
trong cách viết.
Nếu so sánh với đội ngũ nhà văn thời tiền
chiến từ 1913 đến 1945 trong cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan,
chúng ta cũng có thấy số lượng các tác giả văn xuôi giai đoạn sau 1954 ở miền
Nam rất lớn, lên tới khoảng 200 người (theo Cao Huy Khanh). Ngoài đặc điểm về
số lượng, đội ngũ cầm bút còn đa dạng về thành phần, nghề nghiệp và khác nhau
trong quan niệm sáng tác.
Nhìn chung, tác phẩm văn xuôi giai đoạn
1954 - 1975 đã đáp ứng được khá linh hoạt nhu cầu của người đọc tại các vùng đô
thị. Nếu Ngọc Linh, Ngọc Sơn, Nguyễn Thị Vinh… hay viết các loại tiểu thuyết
dài tình cảm; thì Mai Thảo, Viên Linh, Vũ Bằng và một số người khác thường
xuyên viết tùy bút, đoản văn hơn. Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh
Trung, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn... thường viết phê bình, lý luận cho các tạp
chí như: Đối Diện, Tự Quyết, Đất Nước, Tin Văn, Trình Bày...
1.2. Hành trình sáng tạo của nhà văn Võ
Hồng giai đoạn 1954 - 1975
1.2.1.
Vài nét về tác giả, tác phẩm
Võ
Hồng là một nhà giáo, nhà văn. Ông sinh ra ở làng Ngân Sơn, huyện Tuy An, tỉnh
Phú Yên. Quê ông có thành An Thổ, có dòng sông Phường Lụa (sông Ngân Sơn) chảy
ngang qua bên lở bên bồi, có núi A Man, nhà thờ Mằng Lăng, đập Đồng Cháy... Nhà
văn xuất thân trong một gia đình khá giả nên được cho đi học từ nhỏ. Lớn lên,
nhờ có vốn kiến thức uyên bác cộng thêm năng khiếu văn chương, nên Võ Hồng đến
với nghề viết khá tự nhiên.
Võ
Hồng thường tâm sự ông viết văn từ khi còn là học trò, đã có truyện ngắn đăng
báo từ năm 1943, nhưng chính thức năm 1958 nhà văn mới có tác phẩm đầu tiên
được xuất bản là tập truyện Hoài cố nhân. Từ 1959 -1975, Võ Hồng
chủ yếu sáng tác truyện và tham gia viết trên một số tạp chí, tờ báo như Bách Khoa, Ngày Nay, Thời Mới...
Phần lớn các truyện ngắn của Võ Hồng đều được đăng báo trước khi xuất bản thành
sách.
Võ
Hồng không phải là nhà văn chuyên nghiệp sống chủ yếu bằng nghề viết như một số
tác giả khác. Từ lúc bắt đầu cho đến cuối đời, ông luôn chọn việc viết văn đi
kèm với nghề chính là dạy học. Nhưng sự nghiệp văn chương mà Võ Hồng xây dựng
không phải nhà văn chuyên nghiệp nào cũng dễ dàng có được. Võ Hồng viết khỏe,
đều đặn, liên tục trong khoảng 30 năm (từ 1959 đến 1988).
Võ
Hồng có cuộc đời êm ả nhưng nhiều cô đơn. Lúc nhỏ, ông sống với người bác ruột
không con. Chính người bác này đã nuôi nhà văn ăn học tử tế. Ông xa nhà, đi học
tại Sông Cầu, rồi Qui Nhơn, Hà Nội. Khoảng cách với quê nhà càng xa thì nỗi nhớ
càng lớn, sự thiếu thốn tình cảm càng nhiều. Võ Hồng từng làm việc cho chính
quyền Trần Trọng Kim tại Đà Lạt, nhưng khi kháng chiến bùng nổ, ông quay về quê
Phú Yên sống và tham gia dạy học, dạy Bình dân học vụ cho người dân quê mình.
Năm 1957, Võ Hồng chuyển vô Nha Trang sống, vợ ông bệnh nặng và qua đời sớm, từ
ấy đến nay ông một mình nuôi ba đứa con và một mình chèo chống mưu sinh. Những
đứa con lớn lên, trưởng thành lại bay quá xa đến những vùng trời khác nhau, ông
lại sống một mình cô đơn, hiu quạnh tại số nhà 51 Hồng Bàng, Nha Trang.
Cũng
may, tác phẩm Võ Hồng và tình thân của bạn bè, học trò vẫn còn quây quần ấm áp
bên nhà văn.
1.2.2. Vị trí của Võ Hồng trong văn học đô thị miền Nam
giai đoạn 1954 - 1975
Võ Hồng là một nhà văn - một nghệ sĩ thực thụ vì những
sản phẩm nghệ thuật ông làm ra suốt một thời gian dài đã được công chúng, độc
giả đón nhận. Ông có sự kết hợp đầy đủ các yếu tố: tài năng, sự nhạy cảm bẩm
sinh và vốn kiến thức văn hóa rộng rãi, cơ bản. Ngoài 8 tiểu thuyết và truyện
dài, 70 truyện ngắn, nhiều tập tùy bút và các truyện viết cho thiếu nhi; nhà
văn còn có 40 bài viết, bài khảo cứu, phê bình đã được công bố trên các báo.
Giá trị ngòi bút của Võ Hồng còn được khẳng định ở chỗ
nhiều năm liền tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Thời
gian luôn là thước đo trong việc đánh giá sản phẩm nghệ thuật. Nhiều truyện của
Võ Hồng viết cách đây gần 5 thập niên nhưng vẫn được nhắc đến và chưa có dấu
hiệu lạc hậu.
Ngòi
bút của Võ Hồng đã trải nghiệm qua nhiều thể loại. Ông có làm thơ, viết tùy
bút, sáng tác truyện cho thiếu nhi... nhưng thành công hơn cả về số lượng và
chất lượng vẫn là ở hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết.
Võ
Hồng có 8 tiểu thuyết, trong đó những tác phẩm như: Hoa bươm bướm, Như
cánh chim bay, Gió cuốn, Nhánh rong phiêu bạt
được tái bản nhiều lần.
So với
tiểu thuyết, truyện ngắn của Võ Hồng phong phú và giá trị hơn. Một số truyện
ngắn nhưng có quy mô của một truyện vừa như Hoài cố nhân, Ngày
xưa, Dấu chân sa mạc. Một số
truyện xứng đáng được xếp vào những truyện ngắn hay nhất của văn xuôi Việt Nam
hiện đại như Tình yêu đất, Thế giới của Năm Nhiều, Xuất hành năm mới... Võ Hồng khởi
nghiệp văn chương bằng truyện ngắn và ông đi suốt con đường sáng tạo nghệ thuật
với thể loại này.
Đặt Võ
Hồng trong văn xuôi miền Nam giai đoạn 1954 - 1975, có thể xác định rõ nhà văn
thuộc khuynh hướng yêu nước, bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc như Sơn Nam,
Bình Nguyên Lộc hay Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Mộng Giác... Những cách tân về nghệ
thuật của Võ Hồng có thể không nổi trội bằng một số cây bút khác nhưng sự nhất
quán trong phong cách viết và tư tưởng nghệ thuật tiến bộ của nhà văn đã khiến vị
trí của ông luôn được khẳng định, đề cao.
1.2.3.
Quan niệm nghệ thuật của nhà văn Võ Hồng
Trong những lần phát biểu với báo chí hay trò chuyện, Võ
Hồng hay nói về văn chương và mục đích của việc cầm bút. Ông không đề cao tuyệt
đối giá trị của tác phẩm nghệ thuật, nhưng với ông văn chương đồng nghĩa với
cái đẹp.
Cái đẹp theo quan niệm Võ Hồng là vẻ đẹp tự nhiên, mộc
mạc trong đời sống gần gũi của con người. Nhà văn hướng tới cái đẹp nhưng không
cực đoan tôn thờ chủ nghĩa duy mỹ. Như ông nói “yêu cái đẹp tự nó mà không lý luận”, văn chương Võ Hồng đẹp trước
hết ở biểu hiện cảm xúc tự nhiên mà tinh tế, thanh nhã. Từ những chi tiết hiện
thực đến tính cách con người (nhân vật), Võ Hồng hầu như tránh tối đa sự thô
lậu hay cố ý xếp đặt cầu kỳ.
Khác
với một số nhà văn đặt tên mới (hư cấu) các địa điểm; thì Võ Hồng luôn gọi tên
thật các địa danh. Đọc truyện Võ Hồng sẽ biết rất cụ thể Phú Yên có thành phố
Tuy Hòa, có Sông Cầu xinh đẹp một thời là tỉnh lỵ cũ, có Tuy An, có thành An
Thổ, sông Ngân Sơn, thậm chí tên con đập, vũng nước, gò đồi... cũng được nhà
văn trân trọng đưa vào tác phẩm. Vùng cao nguyên Đà Lạt hay một nơi nào đó được
chọn, tác giả đều ghi nhận trung thực. Điều này khiến người ta định vị Võ Hồng
là nhà văn của Nam Trung Bộ.
Võ
Hồng đã trả hiếu cho quê hương bằng những tháng năm dài nhẫn nại cầm bút, và
ngược lại quê hương cũng đã tạo nguồn cảm hứng dạt dào để làm nên sự nghiệp cho
nhà văn. Với Võ Hồng, viết cũng là một cách sống chân thành và có ích. Trong
tác phẩm của ông, con người (nhân vật) là những biểu hiện cụ thể nhất của cuộc
sống bằng cái nhìn của nhà văn.
Chương 2
CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN VÕ HỒNG
Võ Hồng là nhà văn có quan điểm khá nhất quán về văn
chương và về con người. Trong hơn 30 năm liên tục và sôi nổi nhất của cuộc đời
cầm bút (từ 1958 đến 1988), Võ Hồng đã tạo dựng nên một thế giới nhân vật phong
phú và độc đáo. Khảo sát toàn bộ hệ thống nhân vật trong những truyện ngắn của
Võ Hồng sẽ tìm ra các đặc trưng biểu hiện cho phong cách và tư tưởng nghệ thuật
của nhà văn.
2.1. Kiểu nhân vật hoài niệm
2.1.1.
Hoài niệm về thời thơ ấu
Võ
Hồng là một nhà văn rất tha thiết với tuổi học trò. Ông cho rằng ký ức tuổi thơ
luôn sống động, đẹp đẽ vì nó được xây dựng bằng những tháng năm làm học trò và
những gì có được ở tuổi thơ thì sẽ còn mãi. Nhân vật của Võ Hồng vì vậy hay
nhắc đến thời thơ ấu, đến tuổi học trò và những kỷ niệm trường lớp, thầy cô,
bạn bè. Trong cách thể hiện của nhà văn, mỗi hồi ức về thời cắp sách đến trường
của nhân vật đều là những phần thưởng, những giá trị tinh thần trong cuộc đời.
Truyện ngắn thấm đẫm nhiều ký ức về tuổi học trò nhất của nhà văn Võ Hồng
chính là truyện ngắn đầu tiên được in thành sách - tác phẩm Hoài
cố nhân. Trong truyện, nhân vật chính tên Hoàng Gia Lý bị mờ nhạt so
với nhân vật “tôi”, đóng vai người thuật chuyện. Chuyện tình của Hoàng Gia Lý
chỉ là cái cớ để nhân vật tôi lôi kéo mọi người về miền quá khứ, thời kỳ đầu
thế kỷ XX.
Cái
hay của Võ Hồng là biến những cái rất tầm thường của quá khứ thành mới mẻ, lung
linh vì có sự soi chiếu của tình cảm thương nhớ:
Thương
yêu, trìu mến quá khứ nhưng nhân vật tôi không chối bỏ thực tại, phủ nhận thực
tại, sống hoàn toàn trong dĩ vãng; mà luôn có sự so sánh, liên hệ giữa thời đã
qua với thực tại đang sống. Chỉ vì quá nặng lòng với kỷ niệm, vì luôn lưu giữ
thời đã qua trong ký ức, nên mỗi bước đi của nhân vật đều có dĩ vãng níu kéo.
Đặc
điểm chung của các nhân vật hoài niệm về tuổi thơ của Võ Hồng là nhân vật
thường gắn với không gian trường lớp, xoay quanh các mối quan hệ thầy trò, bạn
bè. Đặt trong bối cảnh sinh hoạt đời thường và thời gian quá khứ, nét tâm lý
hồn nhiên và những biểu hiện của trẻ thơ ngộ nghĩnh của nhân vật luôn được nhà
văn khai thác tối đa. Trong dòng cảm xúc dạt dào của nhân vật, quá khứ tuổi thơ
vô cùng phong phú, sống động. Có thể còn thiếu những xung đột căng thẳng, những
tình tiết ly kỳ nhưng nhân vật trong truyện ngắn Võ Hồng luôn mang bản chất hướng
thiện. Nhân vật lưu giữ một cách tự nguyện, tự nhiên với những gì xảy ra; vậy
nên trong “kho chứa ký ức” của nhân vật không có sự can thiệp của lý trí. Đôi khi tuổi thơ của nhân
vật hiện hữu qua những mảnh ghép rất ngẫu nhiên, không liên quan gì đến người
lưu giữ nó, khiến hiện thực cuộc sống được phơi bày vô cùng chân chất, hồn
nhiên.
2.1.2.
Hoài niệm về quê hương
Quê
hương là đề tài, là mạch nguồn cảm hứng được nhiều nhà văn khai thác từ lâu
nay. Võ Hồng không chỉ lấy quê hương miền Trung làm bối cảnh hiện thực trong
các sáng tác của mình; mà quan trọng hơn, phần lớn các nhân vật của ông đều có
những vùng ký ức tha thiết về quê hương miền Trung yêu dấu.
Nhân
vật Võ Hồng luôn có sự hồi tưởng hay nhắc nhở về những kỷ niệm ở quê nhà, vì
vậy thông qua nhân vật, hình ảnh dòng sông Phường Lụa, núi A Man, cầu Ngân Sơn
hay những con người dân dã, nếp sinh hoạt của miền quê hiện ra rất sinh động.
Trước
hết, tình yêu quê hương của các nhân vật trong truyện ngắn của Võ Hồng chính là
sự gắn bó tự nhiên với cội nguồn, là những kỷ niệm thân thiết về mái ấm gia
đình và cuộc sống hồn nhiên bình dị. Đặc điểm này khá đồng nhất với các nhân
vật của Bình Nguyên Lộc.
Bên cạnh nhân vật thể hiện tình yêu quê của những người
xa xứ; kiểu nhân vật gắn bó với đất đai, bản quán quê nhà cũng được nhà văn Võ
Hồng thể hiện đậm nét. Nhân vật lão Túc trong Tình yêu đất, Bà Xự trong
Bên
đập Đồng Cháy, Năm Nhiều trong Thế giới của Năm Nhiều… là những
chân dung tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam tha thiết với đất quê, nếp sống
bình dị quê nhà.
Qua
các nhân vật trong truyện ngắn Võ Hồng, người đọc có thể cảm nhận khái quát
rằng sự gắn bó của nhân vật với quê hương bản quán là sự tất yếu, tự nhiên. Con
người dù sống ở quê hay xa quê vẫn luôn coi quê nhà là một phần máu thịt của
con người mình. Trong phẩm chất của mỗi người đều có phẩm chất của quê hương
hoặc bị chi phối bởi đặc điểm vùng quê nơi mình sinh ra. Chiến tranh và sức hút
của đô thị hóa tại miền Nam thập niên 60, 70 của thế kỷ XX đã thành thị hóa
nhiều người, nhưng qua miêu tả, cắt nghĩa từ tác phẩm Võ Hồng, có thể thấy, bên
trong mỗi người đều có một mảnh tâm hồn quê. Võ Hồng đã đem đến cho văn xuôi
hiện đại Việt Nam những mẫu người rất đẹp mang tâm hồn, cuộc sống làng quê bình
dị.
2.2. Kiểu nhân vật triết lý và hướng thiện
2.2.1.
Nhân vật triết lý
Trong những truyện ngắn, Võ Hồng cũng thể hiện
nhiều nhân vật với những tính cách, tư tưởng đa dạng, phong phú. Điểm chung
nhất của các nhân vật trí thức hay triết lý của Võ Hồng là khả năng lý luận,
phân tích vấn đề nhiều hơn, mạnh hơn sự quyết đoán, hành động. Nhà nghiên cứu
Cao Huy Khanh cho rằng đây chính là điểm mạnh và điểm yếu của nhân vật Võ Hồng.
Võ Hồng không xây dựng
nhân vật theo kiểu luận đề, phần lớn các nhân vật trí thức của ông đều chuyển
tải một tư tưởng, quan niệm sống của nhà văn. Phẩm cách thường xuyên tự phản
biện của người hay suy nghĩ, thân trọng khiến nhân vật của Võ Hồng hơi nặng về
lý thuyết, ít thực tiễn.
Nhưng
nhân vật Võ Hồng không phải là sự bày tỏ chính kiến hay tuyên truyền cho một tư
tưởng nào, mục đích của ông là bảo vệ cho sự trong sáng, cao thượng của lương
tri, trách nhiệm. Người trí thức trong các truyện của Võ Hồng ít hành động
nhưng lại nặng trĩu suy tư. Mỗi nhân vật gắn liền một trạng thái tình cảm, vừa
cố định vừa diễn biến phức tạp.
Võ
Hồng không đi tìm nhân vật ở ngoài môi trường sống của mình, con người trong
tác phẩm của ông đều gần gũi nhau ở chỗ luôn trăn trở mỗi khi phải lựa chọn,
quyết định và họ đều xem nặng giá trị của lương tri, lẽ phải.
Có thể
khái quát chung là nhân vật trí thức của Võ Hồng thể hiện bóng dáng nhà văn rõ
nhất. Ông là người có bản tính thận trọng, cầu toàn. Suốt cuộc đời mình từ khi
còn là một cậu học trò nhà quê đến khi lớn lên, trải qua nhiều biến động của
gia đình riêng và của thời cuộc, Võ Hồng vẫn luôn trăn trở với từng lựa chọn,
luôn giữ mình, tránh xa những lôi cuốn của tiện nghi vật chất hay của những
tình cảm dễ dãi. Sự thận trọng của người trí thức có thể giữ họ không sa vào
tội lỗi, sai lầm, nhưng cũng khiến họ bị đóng khung trong những nguyên tắc,
chuẩn mực, ít sinh động, biến hóa. Qua tâm hồn các nhân vật còn có thấy hiện
thực lịch sử - xã hội được phản chiếu khá chân thực, có thể thấy nhiều chi tiết
cuộc sống được lưu giữ bằng sự quan sát tinh tế của người có trí lực, giàu cảm
xúc. Đó là cái đẹp của nhân vật Võ Hồng.
2.2.2.
Nhân vật hướng thiện
Nhiều
người đọc Võ Hồng, đều có nhận xét là nhân vật của ông quá trong sáng, cao
thượng. Trong thể hiện của nhà văn, mỗi người dù xuất thân khác nhau, nghề
nghiệp khác nhau, đều mang phẩm chất lương thiện có sẵn. Nhà phê bình Phạm Phú
Phong khi đánh giá về nhân vật Võ Hồng đã từng viết: “Thế giới của riêng ông là thế giới của yêu
thương. Dù cuộc đời “quá vô hậu”,
song những con người đáng yêu vẫn tụ về đứng chật tâm hồn ông. Con người, dù có
sa ngã cũng được ông miêu tả quá trình hướng thiện của nó. Bởi lẽ bản chất con
người là nhân ái”.
2.3. Kiểu nhân vật cô đơn
2.3.1.
Cô đơn trong tình yêu
Đề tài
tình yêu vốn được khai thác lâu dài và triệt để nhất. Mỗi câu chuyện tình đều
giúp người đọc khám phá chính thế giới tâm hồn mình. Cao Huy Khanh gọi những
truyện tình của Võ Hồng là “Những truyện
tình bâng khuâng” vì nó trôi chảy chậm chạp và được bao phủ trong một không
khí êm đềm mà ngậm ngùi. Nhân vật sống trong cảm xúc thi vị lãng mạn rồi đau
xót khi bị cắt đứt, trắc trở, chia lìa. Nhà văn không chỉ đề cập đến những thất
bại trong tình yêu của nhân vật, mà ông thường quan tâm đến nỗi cô đơn khi tình
yêu không còn.
Thể
hiện nhiều nhân vật cô đơn trong tình yêu nhưng Võ Hồng không đi sâu vào bi
kịch cá nhân hay số phận con người, nhà văn chủ yếu thể hiện tính cách, đạo đức
của nhân vật. Tình yêu nếu không đi đến kết quả hoàn hảo, mà luôn phải trả giá
bằng sự tổn thương hay bị mất mát thì tốt hết là nên từ bỏ, cắt đứt dù phải
chịu cô đơn, thiệt thòi.
Võ
Hồng viết hay và viết nhiều về tình yêu, nhưng tình yêu của các nhân vật trong
truyện ngắn Võ Hồng phần lớn đều bất thành và nhân vật chìm trong nỗi cô đơn.
Nỗi buồn thấm thía mà nhân vật phải nếm trải là sự trống vắng khi không có
người thương bên cạnh, không có bàn tay chăm sóc, là sự đơn chiếc, lẻ loi trong
cuộc sống thường nhật. Nhân vật không đau khổ vì thất bại mà vì sự lựa chọn để
bảo toàn các giá trị đạo đức.
Như
vậy đề cập đến tình yêu cô đơn cũng chính là để tôn vinh nhân cách con người,
tâm hồn con người. Cái hay của Võ Hồng là tình yêu của các nhân vật của ông, dù
là tình yêu không thành cũng luôn để lại những dư vị đẹp. Dòng cảm xúc êm đềm,
những rung động xao xuyến qua thể hiện của nhà văn luôn có sức lôi cuốn, dẫn dụ
người đọc.
2.3.2.
Cô đơn thiếu hụt trong hạnh phúc gia đình
Gia
đình là sự kết tinh của tình yêu. Tuy nhiên, trong sáng tác của Võ Hồng, hầu
hết nhân vật của ông nếu không bị mất mát trong tình yêu, thì cũng có gia đình
không vẹn toàn. Sự thiếu hụt hạnh phúc gia đình vốn rất đa dạng trong cuộc
sống, có thể là do mâu thuẫn về tính cách, do người chồng phụ bạc, do không có
tình yêu, do đói kém…
Truyện
Võ Hồng ít thể hiện được sự đa dạng, phức tạp của những cảnh đời, của số phận
con người. Võ Hồng quan tâm nhiều đến đề tài gia đình vì ông đề cao các giá trị
văn hóa tinh thần. Trong quan niệm về con người của nhà văn luôn nhất quán một
tinh thần chung là gia đình tạo nền tảng, định hình cho nhân cách con người.
Tuy nhiên, cũng có thể do hoàn cảnh riêng, hạnh phúc gia đình trong nhiều
truyện ngắn của ông luôn thiếu hụt, không toàn vẹn. Nhân vật nào cũng trân
trọng gia đình và thể hiện bằng những bổn phận, trách nhiệm, danh dự… Trong
giới hạn của các nguyên tắc nhân vật tự đặt ra, họ không thỏa mãn các nhu cầu
cá nhân nhưng họ tự bằng lòng ở tư cách của mình.
Những
nhân vật hay nhất của Võ Hồng ngoài tình yêu gắn bó với quê hương, là nhân vật
gắn với gia đình. Hay nhất là những truyện về cảnh ngộ những đứa con thiếu mẹ.
Nếu thống kê, sẽ thấy số lượng những truyện ngắn viết về đề tài này rất nhiều. Trận
đòn hòa giải, Mẹ gà con vịt, Đôi chim bồ câu, Vĩnh
biệt cây trứng cá, Xuất hành năm mới,
Những bước chân êm đềm, Lạnh tuổi thơ, Lá vẫn xanh… đều là những
truyện đặc sắc của Võ Hồng.
Chương 3
NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN VÕ HỒNG
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong
truyện
3.1.1.
Miêu tả diện mạo, trang phục
Có thể thấy đặc điểm thẩm mỹ của nhà văn
qua việc khắc họa chân dung nhân vật. Nhưng điều quan trọng nhất là diện mạo hỗ
trợ gì cho nhân vật. Võ Hồng không coi nhân vật là công cụ khái quát hiện thực
như các tác giả khuynh hướng phê phán. Ông cũng không để nhân vật phải chuyên
chở những thông điệp về tư tưởng hay quan niệm sống. Nhân vật của Võ Hồng nặng
về hoài niệm, gắn với quê hương sâu sắc hoặc quá tỉnh táo, lý trí; nên diện mạo,
dáng vẻ nhân vật cũng có thể xem là biểu tượng, là sự gợi nhắc của quê hương,
của quá khứ.
Trong miêu tả và lựa chọn chi tiết Võ Hồng
gần với khuynh hướng lãng mạn của văn học tiền chiến hơn là khuynh hướng hiện
thực. Ngay cả với những nhân vật nông dân hay những người lao động lam lũ Võ
Hồng cũng không quá nhấn mạnh nét xấu hay thô kệch của họ. Có thể khái quát
rằng các nhân vật của Võ Hồng đều thể hiện tinh thần hoài niệm. Khi được lưu
giữ trong ký ức, khi được phân tích đánh giá khách quan; mỗi người đều có những
nét đẹp, tốt. Đó cũng là bản chất văn chương Võ Hồng.
3.1.2.
Thể hiện tính cách, tâm lý
Nếu việc miêu tả ngoại hình là để khắc họa hình
tượng nhân vật; thì ngoại hình cũng có tác dụng thông tin ban đầu về tính cách
nhân vật. Võ Hồng không thuộc nhóm các nhà văn sử dụng tính cách như công cụ để
khám phá bản chất hiện thực. Người tốt, người xấu theo ông chỉ do hoàn cảnh một
phần, chỉ thể hiện ngoài dung mạo một phần. Vì vậy nói đến việc xây dựng tính
cách, là nói đến cách thể hiện nhân vật của nhà văn.
Nếu khái quát hóa thì sẽ thấy sợi dây nhất quán
trong tính cách hay diễn biến tâm lý của nhiều nhân vật Võ Hồng là: chân thành,
hết lòng suy nghĩ, tự phản biện quyết định hy sinh vì danh dự, đạo đức.
Một số nhân vật của Võ Hồng có nét tâm lý phức tạp
như Tuyết trong Khoảng trống sau lưng,
Tuyên trong Dốc hiểm nghèo,
Long trong Người thứ ba, Huệ
trong Khoảng mát… Sự phức tạp này không phải do
tác động duy nhất của các mối quan hệ hay do ngoại cảnh; mà thường qua nét tâm
lý ấy, qua sự thay đổi tính cách nhân vật; nhà văn muốn mang đến cho độc giả
những suy nghĩ về hiện thực và cuộc sống nhiều hơn.
Nhân vật Võ Hồng dù không hoàn hảo thì cũng không
phải là hình mẫu của triết lý hiện sinh vốn rất phổ biến ở miền Nam từ cuối
thập niên 60 của thế kỷ trước. Tư tưởng hiện sinh du nhập từ phương Tây vào
miền Nam gặp phải hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, con người luôn được đặt trong
ranh giới sống chết; nên phát triển mạnh mẽ thành trào lưu. Rất nhiều nhà văn
cùng thời đã thể hiện các nhân vật hiện sinh như Trùng Dương, như Thụy Vũ,
Dương Nghiễm Mậu; nhưng Võ Hồng thì khác.
Nhân vật của ông dù gắn với những biến động của
thời cuộc, cũng không phải để thể hiện tính cách hay sự thay đổi của số phận.
Nhân vật nào cũng thể hiện nét chân thực của hiện thực quê hương hay những trăn
trở suy tư về quan niệm sống.
3.1.3.
Ngôn ngữ đối thoại và độc thoại
Nếu Bình Nguyên Lộc là nhà văn giai đoạn
trước 1975 rất chú ý tới giọng nói của con như giọng người miền Tây, của người
Hoa Triều Châu hay người Hoa Phúc Kiến, Quảng Đông; thì Võ Hồng cũng lưu giữ
qua văn chương của mình rất nhiều giọng điệu của nhân vật. Trước hết, truyện
ngắn Võ Hồng thể hiện được nét đặc trưng của người dân vùng quê Nam Trung Bộ
qua giọng nói, nhất là những đoạn đối thoại.
Với Võ
Hồng, ngôn ngữ nhân vật có chức năng quan trọng ngoài chức năng là phương tiện
giao tiếp; là thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền. Nhà văn đã thể hiện qua nhân
vật nhiều nét riêng thú vị của người miền Trung. Đôi khi tiếng nói cũng thể
hiện sự biến đổi của thời gian và sự giao lưu tiếp biến về văn hóa.
Nhân
vật Võ Hồng ít hành động, vì vậy, để tạo sức nặng tâm lý, nhà văn thường để
nhân vật độc thoại nội tâm và suy nghĩ trăn trở thường xuyên. Trong truyện ngắn
Chuyến
về Tuy Hòa, nhà văn để nhân vật xưng tôi chứng kiến cảnh quê hương thay
đổi vì bom đạn chiến tranh. Trong sự đối chiếu với hồi ức vẫn còn giữ được,
nhân vật sống triền miên với hoài niệm và luôn tự nghĩ, tự nói bằng những đoạn
độc thoại dài.
Văn chương Võ Hồng có giọng điệu riêng, biến hóa phù hợp
trong từng tác phẩm. Xét một cách toàn diện, giọng hoài niệm vẫn là giọng chủ
đạo của văn chương Võ Hồng. Đứng ở đâu, nhân vật cũng quay nhìn về quá khứ và
sống với những kỷ niệm đã có.
Nhiều đoạn văn, nhiều truyện luôn có những cụm từ ngữ như
công thức quen thuộc: "Hồi đó…",
"Đó là một buổi chiều xám và buồn…",
"Tôi nhớ lại…", "Tôi thường nghĩ…", "Hôm ấy là một ngày…", "…làm tôi nhớ đến", "hồi tưởng lại", "thấy lại", "cách đây ba năm", "Năm tôi lên...tuổi", "nhắc đến", "những hồi", "những lúc"…
3.2. Nhân vật
trong tổ chức tác phẩm
3.2.1.
Nhân vật trong kết cấu và các mối quan hệ của tác
phẩm
Truyện ngắn Võ Hồng thường rất đơn giản về sự kiện, ít gay cấn, ít mâu
thuẫn và cũng ít có những xung đột xã hội gay gắt. Cốt truyện nhìn chung đơn
giản; một số truyện không có cốt truyện. Mạch truyện hồn nhiên mở đầu và dẫn
dắt người đọc theo những ý tưởng, những tâm sự miên man. Với những truyện như
vậy nhân vật thường chỉ được khai thác ở trạng thái tinh thần.
Nhân vật vẫn là yếu tố số một trong truyện ngắn Võ Hồng, thể hiện quan cách
tổ chức tác phẩm và thể hiện tác phẩm. Tuy nhiên nhân vật của ông vẫn có những
đặc điểm nhất định là đóng vai người dẫn truyện, thuật truyện hơi nhiều. Với
cái nhìn hoài niệm từ nhân vật, hiện thực thường được thể hiện bằng màu sắc và
phong vị đặc biệt. Trong thế giới ấy, con người hiện ra chân thực từ nếp sống
đến cách ứng xử.
3.2.3.
Chi tiết nghệ thuật
Đọc
truyện ngắn Võ Hồng chúng ta sẽ nhận ra một Võ Hồng tinh tế trong việc lựa
chọn, sáng tạo chi tiết nghệ thuật. Trong nhiều truyện, chi tiết độc đáo đã cứu
được cả tác phẩm. Có thể kể đến hàng loạt chi tiết thú vị và có giá trị khái
quát về tính cách nhân vật như chi tiết bức thư của em bé út Tri Thủy viết cho
mẹ đã mất ở cuối truyện Xuất hành năm mới. Chi tiết con ong
trên cành m trong tuyện ngắn Dốc hiểm nghèo. Hay chi tiết chú
tiểu trong truyện Mái chùa xưa bị đánh.
Truyện Võ Hồng cũng có những chi tiết còn mang ý nghĩa
tượng trưng, ẩn dụ có khả năng tạo sự liên tưởng cao. Ví dụ trong truyện ngắn Người
thứ ba đoạn tả cảnh đám cưới Nguyệt, người yêu của Long lấy chồng,
người gia đình nàng chọn, chỉ bằng hình ảnh hoa phượng.
KẾT LUẬN
1. Võ Hồng là một trong những nhà văn viết nhiều và
viết hay về vùng đất, con người Phú Yên cũng như miền Trung nói chung. Các tác
phẩm của nhà văn đã có nhiều đóng góp để tạo nên diện mạo văn học giai đoạn
1954 – 1975.
Truyện
ngắn của Võ Hồng trong giai đoạn 1954-1975 đã truyền cho người đọc đương thời
và nhiều thế hệ sau tấm lòng với quê hương, cội nguồn; đặc biệt là khoảng thời
gian miền Nam tồn tại trong sự chia ly, phân cách Nam - Bắc. Nhiều năm vừa dạy
học vừa nhẫn nại cầm bút; Võ Hồng đã có một vị trí xứng đáng không chỉ trên văn
đàn công khai Sài Gòn những năm chống Mĩ mà vững vàng đến ngày nay. Tên tuổi
của Võ Hồng được ghi nhận bên cạnh những Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Vũ Hạnh,
Trang Thế Hy…Từ điển văn học Việt Nam
và Lịch sử văn học Việt Nam ghi nhận
ông với tư cách một tác giả văn xuôi có nhiều đóng góp.
2. Thế giới
nhân vật của Võ Hồng rất phong phú đa dạng, có đủ tầng lớp, nghề nghiệp khác
nhau nhưng đều là những nhân vật có đặc điểm cội nguồn chung, hay hoài niệm và
trăn trở về quá khứ. Nhân vật Võ Hồng ít hành động nhưng lại ham triết lý và
thường sống cô đơn trong thế giới tình cảm quá phức tạp của mình.
Nhân
vật của ông yêu tha thiết nhưng luôn cô đơn và thường thất bại trong tình yêu.
Nhân vật Võ Hồng trân trọng giềng mối gia đình, rất kính trọng cha mẹ, giữ gìn
thủy chung, nhưng luôn phải chịu cảnh thiếu hụt, khiếm khuyết. Nỗi cô đơn vì
thiếu mất người vợ trẻ, nỗi buồn tủi của mấy đứa con không có bàn tay chăm sóc
của mẹ, thường được nhắc đi nhắc lại trong nhiều tác phẩm của nhà văn.
Qua hệ thống nhân vật và qua cách thể hiện của Võ Hồng, chúng ta có thể
nhận ra quan niệm nghệ thuật về con người của ông. Nhà văn hướng đến cái đẹp
của con người, nhưng chủ yếu là cái đẹp về tinh thần, về nhân cách. Các nhân
vật của Võ Hồng trong sáng và hướng thiện, chân tình mà ý tứ, tế nhị; nên có
sức giáo dục, cảm hóa người đọc sâu sắc.
3. Về phương diện nghệ thuật xây dựng nhân vật, có
thể khẳng định, Võ Hồng có những thành công nhất định. Những nhân vật như Bà
Xự, lão Túc, Tộc, cô Ba Hường, anh Năm Nhiều…; rõ ràng là những mẫu hình riêng,
khó lẫn với đông đảo nhân vật nông dân trong văn chương Việt Nam.
Những
đứa trẻ mồ côi mẹ, khao khát tình thương yêu; những người cha góa bụa nuôi con
nhở, những người chồng không có bạn đời bên cạnh… cũng là những nhân vật quen
thuộc hay trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm. Nhân vật của ông được vẽ nên
bằng nhân sinh quan và tư tưởng coi trọng danh dự hơn hết thảy của nhà văn.
Võ Hồng có lối viết tự nhiên, viết như nói, pha một chút
hóm hỉnh. Nhân vật của ông cũng không cứng nhắc, mà rất thông minh trong ứng
biến hoặc thật thà đến khờ dại tùy hoàn cảnh và tùy tính cách. Giọng văn của
ông duyên dáng, hấp dẫn. Nhân vật của ông, phần nhiều khai thác từ nguyên mẫu,
nên thường quen thuộc và gần gũi.
4. Truyện ngắn của Võ Hồng là một thứ muối đã được
kết tinh. Kể từ lúc ra đời cho đến nay, thời gian tuy không quá dài nhưng cũng
không ngắn, đủ để chúng ta đánh giá, bình luận về những đóng góp của ông trong
quá trình hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam.
Ngày nay, trong giai đoạn hội nhập, giao lưu với khu vực
và với toàn cầu; vấn đề văn hóa và những
giá trị tinh thần truyền thống càng được chú trọng hơn bao giờ hết. Trên tinh
thần ấy, truyện ngắn của Võ Hồng càng có ý nghĩa đặc biệt, vì nhân vật của Võ
Hồng luôn gắn với cội nguồn và luôn đề cao phẩm chất danh dự, nhân cách.
Với
mong muốn được góp phần tìm hiểu thêm về văn chương Võ Hồng, chúng tôi rất hy
vọng những ý kiến chủ quan của mình sẽ được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều
người. Và nếu văn chương có sức mạnh thực sự, chúng tôi cũng ước ao rằng vẻ đẹp
nhân ái của văn chương võ Hồng có khả năng hóa giải bớt phần nào những xung
đột, phiền muộn trong cuộc sống.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét