Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Tiểu luận:So sánh Chí Phèo của Nam Cao và AQ Chính truyện của Lỗ Tấn

 


SO SÁNH VỀ MẶT NỘI DUNG
GIỮA “CHÍ PHÈO” VÀ “AQ CHÍNH TRUYỆN”
Học viên Thực hiện: Nguyễn Văn Thông K15
Khi học văn học So sánh, tiếp xúc với nhà văn Lỗ Tấn, tôi thấy được sự đồng điệu giữa Lỗ Tấn của Trung Quốc với nhà văn hiện thực Việt Nam Nam Cao. Hai nhà văn của hai đất nước, hai thế kỷ, khác nhau cả về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ… nhưng lại cùng nhìn nhận về xã hội đương thời, về hình tượng người nông dân quen thuộc với những nỗi bi kịch cùng cực gần giống nhau, đặc biệt là người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đại diện cho hình tượng người nông dân ấy là hai nhân vật điển hình AQ (AQ chính truyện của Lỗ Tấn) và Chí Phèo (Chí Phèo của Nam Cao).
Bước ra từ hoàn cảnh lịch sử xã hội Việt Nam và Trung Quốc đang là nước thuộc địa nửa phong kiến.
Chí PhèoAQ chính truyện đều tố cáo bọn địa chủ phong kiến áp bức bóc lột người nông dân về vật chất lẫn tinh thần.

AQ chính truyện
Chí Phèo
Địa chủ
Cố Triệu, Cố Tiền…
Bá Kiến, Đội Tảo…
Nông dân
AQ, Cu Dê, Vương Râu, Xồm…
Binh Chức, Chí Phèo, Năm Thọ…
Qua ngòi bút của Nam Cao và Lỗ Tấn, “tấm màn sân khấu” của bọn địa chủ (Cố Triệu, Cố Tiền, Bá Kiến, Đội Tảo…) bị tháo xuống; những mánh khóe, tiểu xảo của kẻ bóc lột bị vạch trần. Còn trơ lại là những con người khốn khổ sống dưới đáy xã hội (Binh Chức, Chí Phèo, Năm Thọ, AQ, Cu Dê…).
AQ chính truyện phê phán cuộc cách mạng tư sản nửa vời. Đó là thứ cách mạng không đúng chất “cách mạng”, cách mạng đến mà kẻ sợ, người hoang mang, duy chỉ có AQ là phấn khởi. AQ cho rằng cách mạng là cướp của nhà giàu làm lợi cho mình, là “làm giặc”. Chính vì hiểu sai hai từ “cách mạng” mà người nông dân này đã nhận một kết quả bi thảm. Đây là bóng dáng của cách mạng Tân Hợi 1911 – Cuộc cách mạng không triệt để. Lỗ Tấn phê phán cách mạng nửa vời minh chứng cho một tư tưởng cách mạng dân chủ mới, Lỗ Tấn muốn thức tỉnh người nông dân về tư tưởng cách mạng thật sự.
Chí Phèo tuy ra đời sau AQ chính truyện 20 năm nhưng vẫn chưa thấy rõ chất đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân. Có lẽ, Nam Cao chỉ là trí thức yêu nước, chuộng dân, chứ tư tưởng cách mạng chưa hoàn toàn xuất hiện.
Do đó, dẫn đến những điểm tương đồng, cũng không ít nét riêng biệt cho hai nhân vật AQ và Chí Phèo.

1. Chí Phèo và AQ chính truyện đều lên án bọn phong kiến địa chủ và đồng cảm với thân phận người nông dân
Cả hai tác phẩm đều lên án sự áp bức bóc lột về mặt vật chất, thân xác cùng sự đầu độc đè nén về mặt tinh thần của bọn địa chủ phong kiến đối với người nông dân. Những bộ “mặt người dạ thú” như Bá Kiến, Đội Tảo, như Cố Triệu, Cố Tiền… đã bị lật tẩy khi chúng giở hết mọi mánh khoé, tiểu xảo của những kẻ lọc lõi, già đời ra để cai trị, bóc lột những con người khốn khổ sống ở tầng lớp dưới đáy của xã hội. Nam Cao và Lỗ Tấn đều bộc lộ tấm lòng đau đớn của mình trước những số phận của người nông dân. Cuộc đời những Binh Chức, Chí Phèo, Năm Thọ, những AQ, Cu D, Vương Râu Xồm… mà hai ông miêu tả khiến mọi người không khỏi chạnh lòng.
Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử xã hội của hai nước Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn này rơi vào tình trạng vừa thuộc điạ vừa phong kiến, nông dân bị bần cùng, còn giai cấp thống trị lại ra sức càn quét, bóc lột. Hơn nữa ở đây còn thể hiện sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa hai tâm hồn, nhân cách lớn - Nam Cao và Lỗ Tấn, hai nhà văn hiện thực và nhân đạo chủ nghĩa đã khiến cho nội dung hai tác phẩm có sự tương đồng.
2. Riêng AQ chính truyện còn phê phán cuộc cách mạng tư sản nửa vời:
Sự kiện “cách mạng” mà Lỗ Tấn miêu tả trong tác phẩm đã làm người dân Làng Mùi không khỏi ngỡ ngàng. Cách mạng đến không ai biết, thực chất cuộc cách mạng này là gì không ai hay, cách mạng đến người sợ kẻ hoang mang, riêng chú AQ rất hồ hởi, phấn khởi muốn đi làm “cách mạng”, vì chú cho rằng làm “cách mạng” tức là “làm giặc”, mà làm giặc tức là được đi cướp của cải của nhà giàu về cho mình. Sự xuất hiện của cách mạng nửa vời và sự thiếu hiểu biết về cách mạng của người nông dân đã mang lại một kết quả thảm hại.
Đây là bóng dáng cuộc cách mạng Tân Hợi (1911), một cuộc cách mạng tư sản nửa vời chưa từng có ở Việt Nam, cho nên cũng không thể nào có được sự phản ánh trong “Chí Phèo” nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Ở đây còn phải xét đến nguyên nhân ở chủ quan nhà văn. Đầu những năm 20 của thế kỷ này, tuy chưa là người Mác Xít theo đường lối cách mạng, nhưng Lỗ Tấn đã là người có tư tưởng cách mạng dân chủ mới. Bản thân việc ông phê phán tính chất nửa vời của cuộc cách mạng Tân Hợi, chứng tỏ ông có tư tưởng cách mạng triệt để, ông phê phán cái lối hiểu dớ dẩn của AQ về cách mạng, chứng tỏ ông mong muốn giác ngộ người nông dân có tư tưởng cách mạng thật sự. Trái lại, Nam Cao chỉ là một trí thức văn nghệ sĩ yêu nước, yêu dân, chứ hoàn toàn chưa có tư tưởng cách mạng. Phải nêu ra điều này mới có thể giải thích rằng ở Việt Nam tuy không có cuộc cách mạng tư sản nhưng sau khởi nghĩa Yên Bái, lại có cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Bắc Sơn, Đô Lương, khởi nghĩa Nam Kỳ v.v… Ra đời sau “AQ chính truyện” 20 năm, “Chí Phèo” vẫn không có chút bóng dáng nào về cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân.

SO SÁNH GIỮA HAI ĐIỂN HÌNH CHÍ PHÈO VÀ AQ
1. Chí Phèo và AQ đều có cuộc sống bần cùng, tính cách mâu thuẫn và tha hoá
a) Cuộc sống bần cùng
Cả AQ và Chí Phèo đều có chung một thân phận khổ cực. Cả hai đều chịu nhiều đau khổ về cuộc sống vật chất và tinh thần. Chí Phèo thì bị bỏ rơi ở bên một cái lò gạch bỏ hoang, không cha, không mẹ, không họ hàng nhà cửa… AQ lớn lên “hành trạng” trước kia cũng không rõ, thân phận cũng chẳng còn ai, không có gì ngoài bản thân. Cả hai đều phải sống bằng nghề đi làm thuê, chịu nhiều tủi cực. Với thân phận nghèo hèn muốn yên phận để làm mướn kiếm ăn, nhưng số phận cả hai cũng không yên ổn. Chí Phèo gặp Thị Nở cuộc đời hoá ra càng trở nên bi kịch và sống vật vã trong cơn đau bị cự tuyệt quyền làm người. AQ hy vọng một sự đổi đời, khi cách mạng đến, nhưng thực tế đã đi ngược lại với mong muốn của y.
b) Tính cách mâu thuẫn, tha hoá
Cuộc sống của Chí Phèo và AQ luôn bị động vì hoàn cảnh đưa đẩy. Chính vì thế tính cách AQ và Chí Phèo hoàn toàn không bình thường, nó mâu thuẫn và tha hoá. Một Chí Phèo lương thiện là vậy, nay trở thành “con quỷ dữ” côn đồ, lưu manh. Một Chí Phèo, một thời ý thức về nhân phẩm rõ ràng. Nay bỗng trở nên hoàn toàn vô thức trong mọi hoạt động của mình. Một Chí Phèo dương dương tự đắc, bỗng chốc lại trở nên lo lắng sợ sệt trước con cáo già Bá Kiến v.v… Một AQ dở dở ương ương, lúc thế này lúc thế kia, lúc khôn lúc dại. Lúc vênh vênh đi bắt nạt kẻ yếu lúc lại rụt cổ trước kẻ mạnh. Lúc tự cao, nhưng có lúc lại tự ti, lúc lại tỏ ra mình có những suy nghĩ rất phong kiến nhưng có lúc lại thả mình sống theo bản năng v.v…
Xã hội phong kiến, thuộc địa không những áp bức bóc lột về mặt vật chất, thân xác mà còn đầu độc và đè nén về mặt tinh thần đối với người nông dân cùng khổ, làm cho tính cách của họ trở nên méo mó. Đây là sự gặp gỡ giữa Nam Cao và Lỗ Tấn trong việc xây dựng về những điển hình về người nông dân.
2. Phép “thắng lợi tinh thần” - Ý nghĩa khái quát riêng có ở điển hình AQ
Tuy có một cuộc sống bần cùng, luôn thua thiệt nhưng AQ đã tạo cho mình một ảo giác thắng lợi, mà trong bất cứ một thực tế nào y cũng là người chiến thắng. Y sung sướng vì luôn cho mình hơn tất cả mọi người về tất cả mọi mặt trong cuộc sống, nào là gia thế hơn, con cái hơn, hiểu biết cũng nhiều hơn. Thật ra, cuộc sống của y rất bi đát, y tồn tại và luôn hớn hở nhờ phép “thắng lợi tinh thần”.
Phê phán cái “thắng lợi” ở điển hình AQ, nhà văn Lỗ Tấn đã khái quát từ quá khứ đau thương trong lịch sử Trung Quốc. Từ xã hội tư hữu phong kiến, từ chế độ đẳng cấp tôn pháp đến sự thất bại nhưng không cam chịu của triều đình Mãn Thanh - Một căn bệnh lan tràn đến quy mô toàn dân vì “tư tưởng thống trị thời đại là tư tưởng của giai cấp thống trị”, như ý Mác nói.
Tóm lại, Chí Phèo và AQ đều là điển hình cho người nông dân lạc hậu tha hoá. Nhưng bộc lộ “phép thắng lợi tinh thần”, AQ còn mang tính chất điển hình cho mặt trái của dân tộc Trung Hoa, nhất là trong thời kỳ thuộc địa.

SO SÁNH MỘT SỐ BIỂU HIỆN NGHỆ THUẬT GIỮA HAI TÁC PHẨM

Nếu sự tương đồng và khác biệt về nội dung và nhân vật điển hình trong “Chí Phèo” và “AQ chính truyện” là gắn bó chặt chẽ với nhau, thì sự giống nhau và khác nhau về mặt nghệ thuật giữa hai tác phẩm tuy cũng có liên quan với những mặt nói trên, nhưng cũng mang tính chất tương đối độc lập của nó.
1. Những mặt tương đồng
a) Giọng điệu khách quan lạnh lùng
Xuyên suốt toàn bộ tác phẩm “Chí Phèo” và “AQ chính truyện”, một cảm nhận bao trùm về lối trần thuật trong mỗi tác phẩm là: giọng điệu khách quan lạnh lùng nhưng chan chứa tình cảm chủ quan của tác giả.
Nam Cao kể về cuộc sống chân thực, trần trụi như nó vốn có: chuyện một thằng say rượu, chuyện kình nhau giữa các phe cánh, chuyện yêu đương của những kẻ gàn dở… Nhưng đọc và ngẫm lại những chuyện đó, ta thấy nhà văn kể không phải chỉ để kể, mà qua những câu chuyện tưởng như vặt vãnh đời thường lại là chuyện về một chế độ xã hội mà ở đó nhân quyền không được tôn trọng, nó bị giẫm đạp, xúc phạm như đối xử với con vật. Lời trần thuật của người kể chuyện như một “ống kính” quay hình ảnh về những hành vi của “con quỷ dữ” làng Vũ Đại: rạch mặt, ăn vạ, cướp của, đốt quán, làm tay sai cho địa chủ làm những việc bất lương… Lời trần thuật khách quan khiến người đọc có cảm giác ghê sợ, nhưng đó là cảm giác do ý đồ sáng tạo của nhà văn mang lại.
Cũng phong cách đó, ta bắt gặp ở nhà văn Lỗ Tấn trong “AQ chính truyện” kể về cuộc đời chú AQ sống vô nghĩa bằng những hành động và suy nghĩ ngớ ngẩn của mình. Người kể chuyện dường như không có ý định bênh vực một chút gì cho con người của y: tên y, bộ dạng y, con người y, thân phận y, tính cách y v.v… tất cả đều bộc lộ sự thảm hại. Nhưng đấy không phải là mục đích của ông. Với lối trần thuật khách quan, ông muốn phơi bày nhược điểm của con người và xã hội Trung Quốc. Ý đồ nghệ thuật đã giúp ông thành công khi sử dụng lối trần thuật khách quan lạnh lùng như ẩn chứa những yêu thương và căm giận bên trong.
b) Ngôn ngữ cá tính hoá
Nam Cao và Lỗ Tấn đã sử dụng ngôn ngữ cá tính hoá của nhân vật rất đặc sắc. Lời đối thoại của nhân vật cho ta thấy tính cách nhân vật nổi lên rất rõ.
Chí Phèo lúc còn hầu hạ nhà chủ, hầu như tác giả không miêu tả một lời nói của nhân vật, điều đó đã phản ánh sự nhẫn nại, cam chịu của kiếp người nông dân nô lệ. Nhưng sự thay đổi tính cách của Chí sau khi ra tù đã bộc lộ rõ khi hắn cất tiếng ăn vạ, kêu làng, đốt nhà, cướp của… phẩm chất hiền lành biến mất, thay vào đó là lời lẽ của kẻ lưu manh, côn đồ. Nhưng trước Bá Kiến, hắn vẫn bộc lộ bản chất nô lệ khi xưng hô rất tử tế.
Trong “AQ chính truyện”, Lỗ Tấn cũng đặc biệt chú ý đến từng lời nói nhân vật, qua đó làm nổi lên tính cách của chú. AQ lúc bị thua trước đối thủ mạnh, luôn giở giọng cầu hoà. Nhưng trước kẻ yếu đuối, hay với người cùng thân phận y lại lên giọng chửi bới rất khinh thị. Vú Ngò chỉ nói có hai câu, nhưng chính Vú đã làm bộc lộ tính “ngồi lê đôi mách” của mình v.v…

2. Những điểm khác biệt
a) Trần thuật tuyến tính và phi tuyến tính
Tác phẩm “AQ chính truyện” được trần thuật theo một trình tự nhất định, nhân vật xuất hiện và sau đó là những hành động, sự kiện diễn ra nói chung theo trình tự trước sau.
Với “Chí Phèo” cách trần thuật của Nam Cao có khác. Hình ảnh đầu tiên không phải là hình ảnh bắt đầu, mà cốt truyện hiện ra trong sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại của nhân vật.
Mỗi nhà văn chọn cho mình một lối trần thuật riêng. Lỗ Tấn trần thuật theo trình tự thời gian, còn Nam Cao ông không tuân theo lối trần thuật truyền thống. Nhưng cả hai cách trình bày đều làm nổi bật giá trị nội dung của tác phẩm.
b) “Vẽ rồng điểm mắt” và khắc hoạ tỉ mỉ
Nếu như Nam Cao không hề bỏ qua một chi tiết nhỏ nào khi khắc hoạ ngoại hình nhân vật: Như bộ dạng Chí sau khi ra tù, gương mặt xấu xí đến kinh hồn của Thị Nở, thì Lỗ Tấn với bút pháp “vẽ rồng điểm mắt” chỉ miêu tả vài nét sơ lược giàu tính biểu trưng, như miêu tả ngoại hình AQ, Lỗ Tấn chỉ miêu tả chiếc đuôi sam và đặc biệt là cái sẹo. Miêu tả ngoại hình Vương Râu Xồm, nhà văn chú ý đến mớ râu xồm có ý nghĩa tượng trưng nhất đối với y v.v… Nhưng tất cả sự miêu tả những chi tiết chọn lọc, điển hình đó đều toát lên tính cách nhân vật.
c) Mô tả tâm lý và mô tả hành động
Ngòi bút Nam Cao luôn hướng vào khai thác, soi sáng thế giới bên trong trong con người nhân vật, mọi tâm trạng, suy nghĩ của Chí luôn được nhà văn thể hiện dưới dạng nội tâm, con người và tính cách của hắn chủ yếu bộc lộ qua tâm lý. Nhưng với nhân vật của Lỗ Tấn, chúng thường bộc lộ qua hành động. AQ bộc lộ tính cách của mình qua những hành động của y: đánh nhau, chửi rủa, lườm nguýt…
Tóm lại: Với những đặc điểm như trần thuật theo thời gian tuyến tính, “vẽ rồng điểm mắt”, mô tả hành động, “AQ chính truyện” gần giống với lối văn xuôi tự sự cổ điển Trung Quốc. Trái lại, với lối trần thuật phi tuyến tính, khắc hoạ tỉ mỉ, mô tả tâm lý, “Chí Phèo” gần với lối văn xuôi thế giới thế kỷ XX hơn. Trên một ý nghĩa nhất định, cách viết của Nam Cao hiện đại hơn. Điều này không phải ngẫu nhiên. Một điều không phải là không có ý nghĩa gì, nếu chúng ta nhớ rằng, cách nhau 34 tuổi, Lỗ Tấn đã bước vào tuổi trưởng thành ngay từ cuối thế kỷ XIX, còn Nam Cao sống trọn trong nửa đầu thế kỷ XX. “Chí Phèo” được Nam Cao viết sau “AQ chính truyện” sau 20 năm, có điều kiện nhiều hơn khi tiếp cận với lối viết hiện đại. Mặt khác Trung Quốc với di sản văn hoá, văn học hết sức đồ sộ với những thành tựu vô cùng rực rỡ đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa. Bởi vậy những mẫu mực trong văn hoá cổ điển đã trở thành áp lực rất lớn đối với nhiều nhà văn Trung Quốc nói chung, nhà văn Lỗ Tấn nói riêng, cho nên sự ảnh hưởng của nghệ thuật văn xuôi tự sự truyền thống đối với sáng tác của Lỗ Tấn là điều dễ hiểu. Trái lại, thành tựu về văn xuôi tự sự trung đại ở Việt Nam chủ yếu là chữ Hán không gây áp lực gì đối với văn xuôi tự sự quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX trên quá trình hiện đại hoá nhanh chóng. Nam Cao lại thuộc thế hệ sau, vừa được thừa hưởng tính chất hiện đại đó, vừa có nhiều điều kiện học tập, tiếp thu văn xuôi tự sự thế giới khoảng giữa thế kỷ XX.
Cần lưu ý thêm rằng, Lỗ Tấn không những là nhà sáng tác mà còn là nghiên cứu văn học sử nhất là về tiểu thuyết, cho nên thừa hưởng được lối viết tinh hoa truyền thống là không có gì lạ. Cố nhiên Lỗ Tấn cũng là người tiếp xúc với nền văn học nước ngoài, nhưng chủ yếu là cuối thế kỷ XIX như GôGôn; Sêkhốp, Tôn Xtôi, trong đó có một phần không nhỏ là những nhà thơ lớn như Pêtôghin, Mickêvit, v.v… còn việc ông rất chú ý đến tác giả Xô Viết như M.Goorki, đến Phêđêép v.v… nhưng đó chủ yếu là để khơi nguồn những tư tưởng của tình cảm mới, chứ không phải để hấp thụ nghệ thuật tự sự hiện đại.
Tóm lược một cách hết sức vắn tắt thì “Chí Phèo” và “AQ chính truyện” đều là những kiệt tác viết về số phận người nông dân lạc hậu, tha hoá trong xã hội phong kiến thuộc địa và nửa thuộc địa. Nhưng trong “AQ chính truyện” còn phê phán cuộc cách mạng tư sản nửa vời, điều này có căn nguyên chủ yếu ở hiện thực khách quan. Về mặt điển hình hoá, Lỗ Tấn tỏ ra càng sâu sắc hơn, vì ông không những là nhà văn, mà còn là nhà nghiên cứu văn học sử, hơn nữa là nhà tư tưởng. Tuy nhiên, về nghệ thuật viết truyện, Nam Cao có phần hiện đại hơn.

Không có nhận xét nào: