Như chúng ta đã biết, văn học sáng
tác ra cần phải được tiếp nhận. Ấy vậy mà trước đây người ta chỉ chú ý đến khâu
sáng tác mà quên mất khâu tiếp nhận. Hoặc cũng có người quan tâm đến vấn đề lý
luận tiếp nhận văn học nhưng đó chỉ là những ý kiến đơn độc, nhỏ lẻ chưa đủ sức
thuyết phục để làm nên một lý thuyết tiếp nhận văn học hoàn chỉnh. Mãi đến nửa
cuối thế kỉ XX, khi có sự ra đời của trường phái “mĩ học tiếp nhận” ở Konstanz
(Đức) vào những năm 60, 70 thì lý luận tiếp nhận văn học mới chính thức được đề
cập đến.
Tiếp nhận văn học được hiểu là sống
với tác phẩm văn chương, rung động với nó, vừa đắm chìm trong thế giới nghệ
thuật của nhà văn, vừa tỉnh táo lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức
cái hay cái đẹp, tài nghệ của người sáng tạo. Nói cách khác, chính bản thân
người đọc sẽ dùng trí tưởng tượng của mình, kinh nghiệm sống và tâm hồn mình
đắp vào những hình ảnh về hiện thực và con người mới chỉ được tác giả phác họa
bằng những đường nét chấm phá giản đơn sơ lược, làm cho nó sống lại, biến thành
những bức tranh sinh động, những hình tượng hoàn chỉnh và tự mình giao lưu với
nó, đối thoại tranh luận với nó, yêu thương hoặc căm ghét nó. Để rồi khi gấp
trang sách lại, người đọc như được an ủi sẻ chia, như hiểu biết và từng trải
hơn.
Như
vậy, hoạt động tiếp nhận, cảm thụ văn học quả là vô cùng quan trọng và thiết
thực trong việc nắm bắt nội dung tác phẩm. Do đó, trong nghiên cứu văn học từ
trước đến nay, người ta liên tục đưa ra các hình thái tiếp nhận văn học. Tiêu biểu
có thể kể đến như “Quan niệm tri âm” và “Quan niệm tiếp nhận phát huy, kí
thác”. Ở những khuynh hướng tiếp nhận ấy đều có hạt nhân hợp lí riêng, song nó lại
quá cực đoan trong việc đề cao tuyệt đối một trong những yếu tố, hoặc coi trọng
vai trò của tác giả (tiếp nhận “tri âm”) hoặc lấy người đọc làm trung tâm (tiếp
nhận “kí thác”). Tuy nhiên, để có được một cái nhìn bao quát và đa dạng hơn về
các hình thái tiếp nhận văn học, chúng ta không thể không tìm hiểu kiểu tiếp
nhận văn học theo quan niệm “giải mã” văn bản.
Tiếp nhận văn học theo quan niệm
“giải mã” văn bản là tập trung chú ý vào văn bản, mổ xẻ phân tích, giải thích
cắt nghĩa các yếu tố và cấu trúc văn bản tác phẩm để phát hiện, diễn dịch nội
dung ý nghĩa của tác phẩm vốn được coi là cái nằm ngay trong văn bản, nảy sinh
từ sự tương tác giữa các yếu tố đồng nhất và dị biệt trong cấu trúc văn bản. Thực
chất, đây cũng chính là quan niệm “lấy văn bản làm trung tâm”. Nó tuyên bố về
cái chết của tác giả, đồng thời cũng không thừa nhận vai trò của người đọc. Đối
với những người theo quan niệm này, tác phẩm là một cấu trúc ngôn từ tự sản
sinh ra nghĩa và họ phân tích cấu trúc tác phẩm một cách vô cảm và hình thức.
Thực ra, quan niệm “lấy văn bản làm
trung tâm” vốn được khuếch trương và nhấn mạnh bởi các nhà Cấu trúc luận và Phê
bình mới. Cụ thể:
Cấu trúc luận (một phong trào tri thức bắt nguồn ở Pháp, vốn thịnh hành trong thập
niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970): Về căn bản, Cấu trúc luận có tham vọng
biến nghiên cứu văn học thành một khoa học, trong đó đối tượng phân tích chủ
yếu và cơ bản chỉ có văn bản. Với cách nhìn nhận như thế, Cấu trúc luận đã phá
bỏ tất cả các quan niệm đề cao vai trò của tác giả hay người đọc bằng sự tuyên
xưng cái chết của tác giả và cho rằng “ tác giả hay người viết chỉ làm công
việc viết lại những gì đã có từ trước chứ không thể dùng văn bản để diễn tả
chính nội tâm hay bản ngã của mình, những gì được viết ra bởi tác giả là sự sắp
xếp phối trí lại những gì đã hiện diện trong thế giới ngôn ngữ và văn hóa xuất
hiện trước đó. Văn bản xuất hiện hôm nay thuần túy là một dạng khác của văn bản
đã tồn tại từ trước trong một mạng lưới chằng chịt nối kết các văn bản khác, và
sau cùng giải trình ngôn ngữ văn học tồn tại trong văn bản không bao giờ là sự
phản ánh của hiện thực”. Điều này có nghĩa, tác phẩm là một “cấu tạo nghĩa” có
tính chất tự trị, tự quy chiếu, tự giải thích cho nó, hoàn toàn không phụ thuộc
vào tác giả và người đọc. Giống A.Tate viết “Thơ là tri âm của chính nó, cả tác
giả lẫn người đọc đều không biết gì về bài thơ ngoài những gì ngôn ngữ trong
bài thơ tự nó nói lên”.
Phê bình mới (khởi nguyên ở Anh và
thịnh hành ở Mỹ, chiếm vị trí chủ đạo trong giảng dạy và nghiên cứu ở Anh, Mỹ
từ những năm 20 đến những năm 50 của thế kỉ này): xem đối tượng của phê bình
chỉ là “tác phẩm tự thân”. Khuynh hướng này phủ nhận tiếp cận tác phẩm từ hiện
thực xã hội, bối cảnh lịch sử, không khí chính trị, trào lưu triết học, truyền
thống văn hóa, tiểu sử nhà văn, … và khẳng định “tác phẩm thơ văn là một thực
thể hữu cơ, độc lập tự chủ, tồn tại một cách khách quan. Nhà phê bình không nên
bàn những chuyện bên ngoài mà chỉ phân tích, bình giá phạm vi nội tại của tác
phẩm mà thôi (Phê bình mới = Phê bình bản thể). Đặc biệt, họ xem “nội dung chỉ
mới là kinh nghiệm, chỉ khi nào “nội dung đã được hoàn thành” _ tức là đã hình
thức hóa, thì lúc đó mới có nghệ thuật” (Phê bình mới = Phê bình hình thức),
phương pháp chủ yếu của Phê bình mới là “giải thích văn bản”, “nhà phê bình
phải đọc kỹ văn bản, phân tích giải thích những ẩn ý của ngôn từ, cùng những
quan hệ tinh tế vi diệu giữa chúng với nhau” (Phê bình mới = Phê bình chữ
nghĩa). Và theo logic trên, Phê bình mới đương nhiên cũng không coi trọng việc
phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại. “Dù là thơ trữ tình, truyện tự sự
hay kịch bản văn học, thì những yếu tố kết cấu của nó vẫn là những từ ngữ ẩn
dụ, tượng trưng, chứ chủ yếu không phải
là nhân vật, tư tưởng, tình cảm”.
Như vậy, với những đặc điểm cơ bản
của Cấu trúc luận và Phê bình mới đã được nêu lên, ta thấy rõ ràng rằng, những
quan niệm trên xem văn bản mới là đối tượng trung tâm, là xâu chuỗi của tiếp
nhận tác phẩm. Theo đó, đọc tác phẩm chính là giải mã văn bản, là hành trình
tìm kiếm, phát hiện cấu trúc của tác phẩm để tìm ra ý nghĩa của nó. Quan niệm
này chủ trương một lối đọc khách quan, lối đọc “nội tại”, khép kín chỉ tập
trung vào văn bản, tách rời văn bản với yếu tố ngoại tại (hiện thực – nhà văn –
độc giả) vốn có mối quan hệ thống nhất hữu cơ, vốn là cội nguồn của ý nghĩa tác
phẩm.
Thực tế cho thấy, quan niệm “giải
mã” văn bản trong tiếp nhận văn học nhìn chung chưa thật sự là kiểu tiếp nhận
tối ưu nhất. Bởi tương tự như quan niệm “tri âm” và “kí thác”, quan niệm “giải
mã” cũng bộc lộ rõ những điểm hợp lí và bất hợp lí như sau:
Trước hết, ta cần khẳng định những
ưu điểm mà quan niệm “giải mã” mang lại. Nhìn chung, việc phát hiện ra văn bản
và “lấy bản thể tác phẩm làm trung tâm” trong tiếp nhận phê bình văn học là một
phát hiện quan trọng của lý thuyết và phê bình văn học trong nửa cuối thế kỉ
trước. Phát hiện này đã công kích, phủ nhận quan niệm “lấy tác giả làm trung
tâm”, coi tác phẩm như “một thông điệp không có mã” và quan niệm “lấy độc giả
làm trung tâm”, coi tác phẩm như “một cái mã không có thông điệp”, từ đó bộc lộ
những “ngộ nhận ý đồ” và “ngộ nhận cảm thụ” trong tiếp nhận và phê bình văn
học.
Hơn nữa, việc tập trung vào văn bản,
nhấn mạnh bản thể của tác phẩm, bất luận thế nào cũng đã chú ý đến bản thể ngôn
ngữ, các yếu tố hình thức và cấu trúc nội tại của tác phẩm, tạo cơ sở cho tính
khách quan, tính khoa học của tiếp nhận, hạn chế tính chủ quan tùy tiện, giới
hạn sự tự do vô hạn trong tiếp nhận của độc giả. Bởi vì, đọc hiểu, cắt nghĩa,
diễn dịch tác phẩm, dù bằng cách này hay cách nào cũng phải tuân theo các cứ
liệu mà nhà văn đã vạch ra trong tác phẩm, phải dựa vào nền tảng văn bản thì
mới thuyết phục, hợp lí. Do vậy, quan niệm “giải mã” nhắc nhở chúng ta trong
hoạt động tiếp nhận và phê bình văn học cần phải đặc biệt coi trọng việc khám
phá bản thân văn bản tác phẩm, giải mã các yếu tố hình thức và cấu trúc nội tại
của nó.
Đứng từ vị trí nội tại của tác phẩm,
cấu trúc ngôn từ tự bản thân nó đã có ý nghĩa. Văn bản chính là một cấu trúc
ngôn từ hoàn chỉnh, là sự liên kết các yếu tố ngôn từ - kí hiệu sản sinh ra ý
nghĩa.
Song, do chỉ tập trung vào cấu trúc
nội tại của văn bản nên quan niệm “giải mã” cũng rơi vào những ngộ nhận sai lầm
như:
Văn bản tác phẩm là một cấu trúc xác
định và cố định nhưng đó không phải là một cái gì khép kín, tĩnh tại, tự cô lập
mà đằng sau nó là một hệ thống ngôn ngữ có tính toàn dân, một truyền thống văn
học, văn hóa của dân tộc và nhân loại, là ý đồ nghệ thuật của tác giả, là hiện
thực cuộc sống, là quan điểm, mục đích, kinh nghiệm, tâm thế tiếp nhận của người
đọc … góp phần soi sáng cho văn bản. Bởi vậy, quan niệm này rơi vào cực đoan
khi cho rằng ý nghĩa tác phẩm là bất biến và gói gọn trong từ ngữ.
Tiếp đến, đồng nhất tác phẩm với
hình thức ngôn ngữ và cấu trúc văn bản, coi ý nghĩa tác phẩm là là giá trị có sẵn
và nằm trong sự tương tác giữa các yếu tố và cấu trúc hình thức cũng là một sai
lầm. Bởi vai trò của tác giả đã bị triệt tiêu hoàn toàn. Trong khi đó, nhà văn
trong quá trình sáng tác lại luôn luôn có nguyện vọng được gửi gắm một điều gì
đó đòi hỏi sự đồng điệu, sẻ chia từ phía độc giả. Những điều mà nhà văn gửi gắm
lẽ ra cần phải là một phần nội dung tác phẩm thì mới đạt tới sự trọn vẹn, đầy
đủ và đa nghĩa về nội dung tác phẩm.
Mặt khác, vì coi ý nghĩa của tác
phẩm là cái có sẵn trong văn bản, do sự tương tác giữa các yếu tố đồng nhất và
dị biệt của cấu trúc văn bản làm nảy sinh, không bị ảnh hưởng gì bởi kinh
nghiệm cảm thụ của độc giả, dẫn đến phủ nhận tính tích cực năng động, khả năng
đồng sáng tạo của người đọc, phủ nhận khả năng cảm thụ khác nhau ở mỗi người
đọc về một tác phẩm và coi đó chỉ là một hiện tượng tâm lí cá nhân, chứ không
phải là phương thức tồn tại của tác phẩm trong đời sống vận động lịch sử của
nó. Đây cũng là một sai lầm cần phải chỉ ra, nhất là khi tác phẩm văn học vốn
là một hệ thống mở.
Tóm lại, trên cơ sở tìm hiểu về Quan
niệm “giải mã” văn bản trong tiếp nhận văn học cộng với ý kiến chủ quan của
người viết, bài thảo luận hi vọng sẽ mang đến một cái nhìn bao quát, toàn diện
về một trong những hình thức tiếp nhận văn học theo kiểu truyền thống. Qua đó,
phần nào lí giải được sự cần thiết phải hướng đến việc xem hoạt động tiếp nhận
văn học là một quá trình tương tác giữa tác giả - tác phẩm – độc giả, từ đó ý
nghĩa tác phẩm mới được sản sinh ra, tạo nên tính đa nghĩa cho tác phẩm trong
giai đoạn hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét