Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Con người trong ThơThiền



Thơ thiền là một nhánh độc đáo của truyền thống thi ca. Xét về phương diện thơ, nó không thể bằng sáng tác của các nhà thơ bậc nhất. Nhưng xét về phương diện văn hóa, triết học, thơ Thiền là tiếng thơ độc đáo, giàu tính triết mĩ và chất nhân văn về con người, cuộc đời… Chính bởi vậy, con người trong thơ Thiền- bên cạnh một số đặc điểm chung của mẫu hình con người văn học trung đại- còn mang nhiều nét riêng biệt, đặc trưng cho sự hội ngộ, dung hợp giữa Thiền và thơ của dòng thơ này.
1. Thơ thiền là gì?
Thơ thiền xuất phát từ Trung Hoa và phát triển mạnh từ thời nhà Đường. Ở Việt Nam, thơ Thiền phát triển mạnh vào thời Lý Trần. Tác phẩm thơ thiền thời kì này chiếm số lượng áp đảo đáp ứng với một thời mà Phật giáo được xem là quốc giáo của dân tộc. Riêng đối với nền văn học của một số nước khác như Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, dòng thơ này không tồn tại.
Xét như một loại thơ, thơ thiền phải đảm bảo đủ 3 tính chất:
- Một là, truyền được cách cảm nhận của thế giới về thiền học, sự nhận thức về huyễn ảo, chân như
- Hai là, bộc lộ được vẻ đẹp của thế giới và tâm hồn
- Ba là, thơ thiền là thơ của tầng lớp tăng lữ cấp cao, tầng lớp tri thức đặc biệt, không giống với tình cảm Phật giáo dân gian. Chính bởi tính chất này mà thơ thiền có tính bác học, trí thức. Người làm thơ đa phần là nhà sư yêu nước, tướng lĩnh, nhà ngoại giao nổi tiếng nhưng trong tâm hồn họ tôn thờ Phật giáo theo thiền tông.
Căn cứ vào 3 tính chất cơ bản trên, có thể đưa ra một khái niệm cơ bản về thơ thiền như sau:
Thơ Thiền là các bài kệ, là thơ bao gồm cả kệ và thơ, nêu lên một triết lý, một quan niệm thiền hay một bài học thiền nào đó hoặc vừa ảnh hưởng thiền vừa mang rung động thi ca có tính trần thế. Thơ thiền là thơ của các nhà sư và của cả những người không tu hành nhưng am hiểu, yêu thích triết lý Phật giáo, bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp triết lý, cảm xúc hay tâm lý Thiền”. (Nguyễn Phạm Hùng)
2. Con người trong thơ thiền
2.1 Con người tự do
Trước hết, đó là những con người với tinh thần “phá chấp” triệt để. Tức là, con người tự giải phóng cá tính của bản thân ra khỏi các giáo điều cứng nhắc, ràng buộc mà thiền học gọi là “chấp”. Đây thực chất là sự phá bỏ những trói buộc của con đường mòn tư duy, giải phóng con người đến một khoảng không bao la của tự do trí tuệ. Chính ở tinh thần nhân văn cao đẹp này mà thơ thiền Lý- Trần đã tạo nên những con người phi thường về nhân cách và ý nghĩ: vừa làm vua, vừa làm tướng đuổi giặc lại vừa làm thiền sư, ẩn sĩ, nhà thơ; làm đến vương hầu mà coi công danh như phù vân, lìa bỏ ngai vàng như trút bỏ chiếc giày rách…
Đặc biệt, trong tinh thần “phá chấp” triệt để ấy, con người cảnh giác cả với giáo lí, kinh điển của Phật, của Tổ, tự tìm lấy cách sống, hành động phù hợp với mình. Huệ Năng đã không ngần ngại giễu những ai vọng ngoại sang Tây Trúc: “Nếu ai cũng sang đấy cả thì chỗ đâu mà ở?”. Hay Trần Tung, trong bài Ngẫu tác đã viết:
Giữa nhà không khói chỉ ngồi yên
                              Nhàn lắm Côn Lôn sợi khói lên
                              Lúc mệt mỏi thời tâm tự tắt             
                             Cần chi niệm Phật với cầu thiền
Con người tự do trong thơ thiền khao khát được tiêu dao tự tại, giải thoát khỏi mọi hữu hạn trần tục để đạt đến được cái tuyệt đối của thế giới. Văn học thiền đời Trần- do thế- hay nói nhiều đến sự hòa đồng với tự nhiên, trần thế. Con người về gần với đời sống tự nhiên đầy sinh thú, đói thì ăn, buồn ngủ thì nằm ngủ, tùy duyên, tùy ngộ, thuận ứng nhẹ nhàng. Tựa như cái cảnh “Thú quê nào chán suốt ngày vui”, “Ngư ông say ngủ không ai gọi” trong thơ Không Lộ thiền sư; hay tâm thế “hồn nhiên người với hoa vô biệt” trong “Hoa cúc” của Huyền Quang…
Cần thấy rằng tự do ở đây là tự do hướng nội, nghĩa là con người tự do vứt bỏ tất cả để tạo lập một thế giới riêng thanh cao cho riêng mình. Nó thuận theo lí tưởng tha thiết của Thiền tông là “nở đóa sen vàng trong lò lửa”. Theo đó, đời đối với họ chỉ là cái lò lửa thiêu đốt con người, là địa ngục trần gian của con người. Nếu giác ngộ thì sẽ là đóa hoa tươi trong cái lò ấy, và là đóa hoa vàng ròng, lửa không làm hủy hoại được. Đó là khi họ đã trở thành con người siêu nghiệm, đứng ngoài sinh, diệt, đau khổ.
2.2 Con người vô ngã
Con người vô ngã là con người “quên mình, hay đúng hơn là cả ta và vật đều quên”, để có được những giây phút sống trọn vẹn, hòa làm một cùng vũ trụ vô biên, không còn phân biệt được đó là mình hay là khách thể; nghĩa là vượt ra khỏi ranh giới của sự hữu hạn để đạt tới cảnh giới tuyệt đối- niết bàn ngay nơi trần thế.
Con người vô ngã đề cao “sự quên”. Quan trọng nhất là quên bản thân mình, như nhà thơ Huyền Quang đã nói: “Vong thân vong thế dĩ đô vong”. Tiếp đó là quên ngày, quên tháng, chỉ nhìn thiên nhiên biến đổi trước mắt mà biết thời tiết. Để làm được điều này, con người hóa thân vào vũ trụ, vào thiên nhiên, cả người, cả vật thành cái “một” của vũ trụ “nhất nhật tùng chi võng nguyệt minh
Nói đến vô ngã, lâu nay nhiều khi người ta vẫn ngộ nhận về nội hàm khái niệm này. Tinh thần “vô ngã” không mang ý nghĩa phi nhân bản với cách hiểu xóa bỏ con người cá nhân mà chính là yêu cầu giải phóng tuyệt đối với con người. Theo đó, con người được giải phóng khỏi mọi ràng buộc của tự nhiên, xã hội và của cả chính bản thân mình, đạt đến sự tự do tuyệt đối. Đây cũng chính là một khía cạnh tinh thần “phá chấp” ở cấp độ cao- phá bỏ cái “chấp” khó phá bỏ nhất là “chấp ngã”- khư khư bám vào cái tôi nghe, cái tôi nghĩ, cái tôi cảm…Con người vô ngã vượt lên mọi sự tranh chấp tốt- xấu, phải- trái, lành- dữ.. để đạt đến cái tâm bình đẳng và cái nhìn độ lượng đối với vạn vật.
2.3 Con người vô úy
“Vô úy” nghĩa là không sợ hãi. Con người vô úy trong thơ thiền là con người siêu nghiệm, đứng ngoài sinh diệt, đau khổ. Trước sự tàn phai, biến ảo của cuộc đời, con người vẫn kiên nghị “Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi/ Kia kìa ngọn cỏ gió sương đông”. Hành động tiêu biểu của con người vô úy là họ coi biến đổi như không, không sợ hãi, không kinh ngạc, đặc biệt điềm nhiên, bình thản trước cái chết của chúng sinh và của cả chính mình. Đó là những con người “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Tựa như bài kệ của Mãn Giác thiền sư:
“”Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
                                      Trước mắt việc đi mãi
                                      Trên đầu già đến rồi
                    Đừng tưởng xuân tàn, hoa rụng hết
                     Đêm qua sân trước một nhành mai”
2.4 Con người vô ngôn
Xuất phát từ quan niệm ngôn ngữ hữu hạn không thể diễn đạt được chân lí vô cùng, thiền học đề cao tuyệt đối phương châm “dĩ tâm truyền tâm”. Con người vô ngôn trong thơ thiền mặc cho giây phút đại ngộ đến một cách tự nhiên, vô ý:
Cá trung khúc phá vô nhân hội
Duy hữu tùng phong họa thử âm
   ( Tạm dịch: Khúc nhạc trong lòng ta đã hình thành mà không ai biết
                    Chỉ có gió trên cây thông là họa được âm thanh ấy)
( Tự thuật- Trần Thánh Tông)
Chính trong giây phút lặng yên đạt đến sự hòa điệu với cái “đại ngã” ấy, con người mang sức sống của vũ trụ vượt qua không gian và thời gian hữu hạn, trở thành cái tuyệt đối đầy quyền năng và tự do.
Chính mĩ học “vô ngôn” này và sự xuất hiện con người vô ngôn trong thơ mà thơ thiền thường yên tĩnh và hay thể hiện một tình yêu sự yên tĩnh, sự sáng suốt, sự vững vàng. Từ trong yên tĩnh, con người cảm nhận vẻ đẹp cuộc đời qua trực giác vô tư. Đúng như nhà mĩ học Trung Quốc Tôn Bạch Hoa đã nhận xét: “Thiền là cái cực tĩnh trong cái cực động, cũng là cái cực động trong cái tĩnh […] động tĩnh không chia hai, tìm thẳng tới cội nguồn sự sống”.
Kết luận
Có thể nói, con người trong thơ thiền mang những nét riêng biệt, không dễ nhầm lẫn với con người trong các dòng thơ khác. Xưa nay, con người trong thơ thiền vẫn là một bí ẩn. Cách phân chia như trên chỉ mang tính tương đối. Xét về sâu xa, 4 đặc điểm về con người trong thơ thiền đã nói trên, bao gồm: con người tự do, con người vô ngã, con người vô úy và con người vô ngôn không tách biệt nhau. Sự phá chấp hay tinh thần vô ngã, vô úy, vô ngôn… đều nhằm đạt đến mục đích mang lại sự tự do tuyệt đối cho con người, đưa con người đạt đến tầm con người- vũ trụ: tức là con người hòa điệu với vũ trụ, mang tất cả sức mạnh, cái tự do và cái tuyệt đối của vũ trụ. Ý nghĩa nhân văn cao đẹp của hình tượng con người trong thơ thiền là chính ở đó.

Không có nhận xét nào: