MỞ
ĐẦU
Văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX đến Cách mạng
tháng tám 1945 đã khép lại mười thế kỉ văn học trung đại để mở ra một
thời kì mới với những thành tựu và kinh nghiệm còn ảnh hưởng lâu dài trong
tương lai, đánh dấu một quá trình hiện đại hóa văn học sôi nổi trên cả phương
diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật biểu hiện. Nhiều cây bút (Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn,
Trần Chánh Chiếu, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Vũ Đình Long, Nguyễn Hữu Kim,…)
xuất hiện và khẳng định tên tuổi của mình, nhiều tác phẩm mới lạ và độc đáo thuộc
các thể loại khác nhau (kịch, tiểu
thuyết, phóng sự,…) “chập chững” ra
đời ngày càng nhiều, đã mang đến cho văn đàn nước nhà một luồng sinh khí mới
với nhiều tín hiệu khởi sắc. Chính vì vậy, văn học Việt Nam nói chung và Văn
học giai đoạn này nói riêng chính là “miền đất hứa” thôi thúc các nhà lí luận
phê bình và những độc giả quan tâm chắp bút đào sâu nghiên cứu.
Tiểu thuyết là một trong những dấu hiệu quan trọng của
văn học hiện đại. “Tiểu thuyết Quốc ngữ
hiện đại Việt Nam
đã phá vỡ hầu hết những quy phạm cũ, mở ra một hướng mới tự do hơn và phát
triển mạnh mẽ hơn”[9;51]. Bước chuyển quan trọng trong văn xuôi giai đoạn
giao thời sang hiện đại này được đánh dấu bằng tiểu thuyết đầu tay và duy nhất
của Hoàng Ngọc Phách - Tố Tâm. Đây được xem là tác phẩm đặt
nền móng đầu tiên cho sự phát triển của tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam thời kì
mới.
Tố Tâm đã định vị được chỗ đứng của
mình ngay từ lúc mới chào đời. “Nó gây
nên hiệu ứng xã hội không ngờ, làm lung lay cả luân lý phong kiến ngàn năm
[10;1]”. Người trực tiếp khai sinh, tạo khí cốt và sức sống cho tác phẩm “đã hấp thu sâu sắc, có phê phán nền văn hóa
truyền thống phương Đông, đồng thời ông cũng tiếp nhận nhiệt tình, có hệ thống,
nền văn hóa phương Tây”[10;1], “mạnh
dạn dùng kiến thức tâm lý học mà khai thác chiều sâu tế vi, phức tạp của tâm
hồn con người” [10;1], từ đó đặt ra những vấn đề xã hội đang được quan tâm.
Với sức hút tỏa ra, tiểu thuyết Tố Tâm đã thực sự hấp dẫn và lôi
cuốn các nhà nghiên cứu cùng nhiều bạn đọc quan tâm đi sâu tìm hiểu. Có thể
khẳng định rằng, cho đến nay số lượng đào sâu vào nội dung và nghệ thuật biểu
hiện của tác phẩm ngày càng tăng lên, đặc biệt là tín hiệu đổi mới trong tác
phẩm. Tiêu biểu có thể kể đến tiểu luận văn học của Võ Phúc Châu: Tiểu thuyết
“Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách trong buổi đầu hiện đại hóa Văn học Việt Nam, Lê
Duy Tân với bài viết Về “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách,…
Nhìn chung, các tác giả đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với tuyệt phẩm
giao thời này bằng cách mổ xẻ, xác định những điểm đổi mới cũng như chỉ ra một
vài hạn chế khó tránh khỏi của tác phẩm. Đây cũng chính tiền đề gợi mở ra những
khám phá mới trong nội hàm Tố Tâm.
Khách quan mà nói, mỗi phương diện nghệ thuật của tiểu
thuyết Tố Tâm, từ chủ đề, đề tài cho đến kết cấu, nghệ thuật biểu hiện
tính cách nhân vật,… đều là những hướng nghiên cứu thú vị. Tuy nhiên, bởi vì ngôn
ngữ vốn là “yếu tố thứ nhất của văn học”
(M.Gorki), “là một trong những yếu tố
quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách tài năng của nhà văn”, cho
nên từ ngôn ngữ nghệ thuật đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn là con đường
tiếp nhận văn học phù hợp với bản chất của nghệ thuật ngôn từ. Mặt khác, do hạn
chế về thời gian, khả năng và tư liệu,
đồng thời mong muốn tiếp cận tác phẩm một cách chuyên sâu hơn, tiểu luận chỉ
giới hạn đề tài ở phạm vi ngôn ngữ tác phẩm - một trong những yếu tố cốt yếu được
xem là đã làm nên thành công của tiểu thuyết Tố Tâm và đánh bóng tên
tuổi tác giả Hoàng Ngọc Phách. Với việc mạnh dạn khai thác đề tài Tố
Tâm – tín hiệu đổi mới trên phương diện ngôn ngữ như vậy, chủ quan
người viết hi vọng rằng, tiểu luận sẽ mang đến một cái nhìn đa diện, sâu sắc và
có hệ thống những đóng góp của tiểu thuyết Tố Tâm từ góc nhìn ngôn ngữ, đáp ứng
phần nào nhu cầu nắm bắt, tiếp cận nghệ thuật tác phẩm và cũng là nguồn tư liệu
quý cho những ai quan tâm về sau.
NỘI
DUNG
1. Tiểu thuyết Tố Tâm và ngôn ngữ văn xuôi trung đại
1.1. Tiểu thuyết Tố Tâm
Tố Tâm là tiểu thuyết duy nhất của
Hoàng Ngọc Phách được viết xong năm 1922, in lần đầu năm 1925 tại nhà xuất bản
Châu Phương, Hà Nội. Vừa mới xuất hiện, Tố Tâm “lập tức gây xôn xao, sôi nổi dư luận một thời” [4;257], “từ Nam đến Bắc không mấy ai là không
biết đến” [4;87]. Tác phẩm được sùng bái đến mức trở thành cuốn sách gối
đầu giường, thành tự điển cho những người “nhập
môn hay muốn nhập môn vào tình yêu”. Với sự ra đời của mình, “Tố Tâm đã làm dậy lên một phong trào đi tìm
tự do cá nhân cho thanh niên nam nữ”[9,361] và mang lại hơi thở mới cho vận
mệnh của tiểu thuyết thời bấy giờ.
Tố Tâm viết về chuyện tình trong
sáng, say đắm nhưng cũng không kém phần bi thương của đôi trai tài gái sắc Tố
Tâm và Đạm Thủy qua lời dẫn truyện của nhân vật kí giả. Nghỉ hè, tại trường đại
học, nhân vật ký giả sang phòng bạn thân chơi là chàng tân khoa Phan Thanh Vân,
giỏi văn chương, biệt hiệu là Đạm Thủy. Chàng có chiếc hộp kỉ vật đề dòng chữ
“Mấy mảnh di tình”. Biết bạn có ẩn tình riêng, ký giả hỏi về chiếc hộp. Được
khơi đúng tâm trạng, Đạm Thủy kể lại chuyện tình đau buồn của mình…
Một lần về quê, bị rơi mất ví dọc đường, Đạm Thủy đến
trình quan huyện sở tại, được quan tiếp đãi nồng hậu. Một thời gian, chàng được
nhắn đến nhà bà Án – chị của quan, để nhận lại ví. Chàng kết thân với con trai
bà Án - cậu Tân. Chính dịp này, chàng sinh viên Cao đẳng Sư phạm có tài văn thơ
đem lòng yêu nàng Nguyễn Thị Xuân Lan - cô con gái lớn xinh đẹp, nết na và có
phần kiêu kì của bà Án. Vốn yêu thơ Đạm Thủy, nay biết mặt chàng nàng càng thêm
quyến luyến. Vì từng học chữ Nho, sau học trường Pháp – Việt, đỗ sơ học lại rất
yêu văn chương cho nên mỗi lần đến chơi nàng thường cùng Đạm Thủy mạn đàm văn
chương. Đạm Thủy đặt cho nàng biệt hiệu là Tố Tâm. Tố Tâm vốn yêu văn thơ của
Đạm Thủy qua báo đăng nay lại tri kỉ ý hợp, cả hai đều cảm thấy khó mà thiếu
nhau được.
Bấy giờ, gia đình đã tính sẵn chuyện hôn nhân
của Đạm Thủy. Chàng đành viết thư kể sự thật với Tố Tâm. Nàng chủ động hẹn gặp,
tỏ vẻ vui tươi, nhưng kỳ thực rất đau khổ. Đến nhà nàng bất chợt, Đạm Thủy càng
hiểu tình yêu mãnh liệt của nàng. Từ đó, hai người ít gặp nhau, nhưng lại
thường xuyên gởi cho nhau những bức thư nhớ thương, say đắm. Đôi lần, họ hẹn
nhau đi chơi vùng quê, gặp nhau ở bể Đồ Sơn. Họ càng có thêm những kỷ niệm đẹp.
Tình yêu thêm nồng nàn, nhưng là một mối tình trong sáng, cao thượng, không hề
pha sắc dục. Lúc này, mẹ Tố Tâm ốm nặng, gia đình buộc nàng lấy chồng. Nàng
nhất quyết khước từ. Đạm Thủy, vì quá yêu, nên có ý tưởng cùng nàng trốn đi,
xây hạnh phúc. Nhưng nghĩ tình gia đình, chàng bỏ ý định. Tố Tâm cũng can ngăn
chàng. Tố Tâm tiếp tục bị thúc ép. Phần vì quá thương mẹ, lại thêm Đạm Thủy
viết thư khuyên nhủ, nàng đành chịu lấy chồng. Trước ngày cưới, nàng hẹn gặp
Đạm Thủy, trao chàng kỷ vật và khóc từ biệt. Nhận lá thư vĩnh biệt của Tố Tâm,
Đạm Thủy đáp từ, tặng nàng mấy cành hoa lan mừng ngày cưới. Sau lễ cưới, nhân
hội chùa Đồng Quang, hai người thoáng thấy nhau, nhưng nàng quay mặt đi. Lúc
này, nàng đã ốm nặng. Về sau, biết mình không khỏi bệnh, nàng tiếp tục viết
nhật ký cho Đạm Thủy. Nàng cũng kể sự thật với chồng. Rồi nàng qua đời, chỉ sau
ba mươi sáu ngày lên xe hoa.
Ngày đưa tang nàng, Đạm Thủy đau xót đến viếng nhưng
không dám xuất hiện. Hôm sau, chàng ra thăm mộ nàng, lấy áo mình đắp lên mộ.
Trở lại thăm nhà bà Án, chàng được trao hộp kỷ vật, trong đó có quyển nhật ký
của Tố Tâm. Đọc nhật ký, Đạm Thủy thương tiếc nàng, hối hận mà thành bệnh. Anh
trai Đạm Thủy biết em suy sụp vì tình yêu nên kịp thời động viên, an ủi. Từ đó,
Đạm Thủy quyết tâm học hành, lòng giữ hai điều thiêng liêng: công danh sự
nghiệp và mối tình nồng nàn, cao thượng với Tố Tâm.
Tố Tâm được xem là cuốn tiểu thuyết
hiện đại đầu tiên của nền văn học Việt Nam viết theo lối kết cấu tâm lý.
Nó còn là kết tinh thành tựu của thời điểm có tính chất giao thời của hai giai đoạn văn
học. Tình yêu nam nữ trong tác phẩm đã bắt đầu thoát ra khỏi những ràng buộc
khắt khe của lễ giáo phong kiến, hướng tới một chân trời mới lạ của tình yêu tự
do cá nhân.
1.2. Vấn đề ngôn ngữ văn xuôi trung đại
Thời kì trung đại, người ta vốn quan niệm “văn dĩ tải đạo”, văn chương là vẻ ngoài
của sự vật và vẻ ngoài đó phải sáng, đẹp. Người viết văn luôn phải “gò câu đẽo chữ” và làm cho cái hình
thức bên ngoài bộc lộ vẻ sáng rõ và đẹp đẽ của nó. Bởi vậy, chữ viết, ngôn từ được xem là
trung tâm của văn học. Không thể nói đến quy luật thi pháp văn học trung đại mà
bỏ qua vấn đề ngôn từ.
Khảo sát các thời kì văn học trung đại, ta thấy những nhà
văn Việt Nam một mặt sử dụng chữ Hán để sáng tác văn học, phấn đấu nỗ lực, theo
kịp khuôn mẫu văn học Trung Quốc, mặt khác từng bước kiên trì tìm kiếm, nghiên
cứu và cuối cùng đã kiến tạo ra được ngôn ngữ văn học mới – chữ Nôm. Tình hình
đó đã tạo thành hiện tượng song ngữ, văn học song ngữ của thời trung đại ở Việt
Nam. Nhìn chung, với hệ thống chữ Nôm, văn
xuôi Việt Nam
trung đại đã góp vào văn đàn nhiều tác phẩm truyện Nôm có giá trị. Điều đó cũng
đồng nghĩa với việc bên cạnh văn xuôi chữ Hán còn có sự góp mặt của văn xuôi
chữ Nôm, tức ngôn ngữ văn xuôi có thể có thêm cách thể hiện mới. Song, thực
chất văn xuôi Việt Nam
trung đại cũng được xây dựng dựa trên nền tảng tiếp thu và chịu ảnh hưởng của văn
xuôi Trung Quốc với những đặc thù mang tính chất khu vực. Thêm vào đó, tư duy
thơ ít nhiều lấn át tư duy văn xuôi văn xuôi một cách rõ rệt.
Trước thế kỉ XVIII, cũng chính vì quan niệm “Văn dĩ tải tạo”, “Thi dĩ ngôn chí”, “Văn học
hành chức” và quan niệm về tu từ trong lời văn, người làm thơ đặc biệt chú
ý đến hệ thống các phép tu từ, thể loại, từ vựng, phong cách và nguyên tắc sử
dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ phải hàm súc, tinh luyện, có độ chuẩn xác cao, tức kĩ
thuật đúc chữ phải được chú trọng. Do đó, ngôn ngữ thơ của VHTĐ phát triển mạnh
hơn ngôn ngữ văn xuôi rất nhiều. Về sau, diện mạo ngôn ngữ đổi khác, quan niệm
lời văn cũng dần thay đổi nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của văn học Trung Quốc với
những “khuôn vàng thước ngọc” sẵn có như: kết cấu quen thuộc của văn xuôi trung
đại là câu chuyện diễn ra theo một trật tự đã thành quy tắc: Hội ngộ - Lưu lạc –
Đoàn viên; tư tưởng chi phối sáng tác không vượt ra khỏi lễ giáo phong kiến; sử
dụng nhiều lối viết văn biền ngẫu, đăng đối nhịp nhàng tạo âm hưởng, nhịp điệu
mượt mà, cân đối cho câu văn, mang lại nhạc điệu cho lời văn,… Đó là những biểu
hiện dễ dàng nhận thấy rõ.
Tuy nhiên, chúng ta có thể khái quát một vài đặc trưng
cơ bản của ngôn ngữ văn học trung đại, trong đó có văn xuôi như sau:
Thứ nhất, ngôn ngữ mang tính quy phạm rõ nét. Ngôn từ
được hiểu là dấu hiệu biểu hiện hơn là lời nói phát ngôn. Các nhà văn xem ngôn
ngữ văn học là bức gấm thêu được dệt bằng các chữ có âm thanh, có chủng loại,
có màu sắc, theo các quy luật đối niêm nhất định. Tạo thành những khúc điệu,
bức tranh. Các câu các chữ tương ứng với các “ý tượng”, và phát huy sức biểu
đạt bằng “ý tại ngôn ngoại”, “ý cảnh”, cảnh giới”. Đó là ngôn ngữ lấy điệu
ngâm, tả ý làm chính. Làm thơ, làm văn bắt đầu bằng luyện ý, luyện chữ, luyện
câu để đạt được cái tự do trong khuôn khổ gò bó.
Thứ hai là tính hình thức, nghi thức. Ngôn ngữ văn học thời
kì này mang tính hình thức, nghi thức, tạo thành nhiều công thức khuôn sáo
trong diễn đạt. Đặc trưng đó thường gặp ở các hình tượng đấng bậc trong văn
học. Tính hình thức, nghi thức đòi hỏi người sáng tác phải được đào tạo để biết
dùng chữ, tỏ ra hay chữ. Nó khiến cho ngôn ngữ đa phần nặng chất sách vở, xa
với lời nói hàng ngày. Các nhà văn trung đại ra sức dựa theo các tiền lệ trong
quá khứ, những mẫu mực, công thức tương tự và đưa các nhân vật cũng như ý nghĩ
của chúng vào khuôn mẫu thang bậc có trước .
Tiếp đến, tính trang trí cũng là một đặc trưng nổi bật
của ngôn từ văn học trung đại. Khi mục đích ngôn chí chỉ đạo chủ yếu đòi hỏi
văn từ phải đạt, nhã, trung hậu, lập thành thì cái đẹp thường ở vị trí điểm
xuyết, trang trí. Ý thức thẩm mĩ tôn ti trật tự làm người xưa chuộng các hình
thức niêm, đối, đối xứng, bằng trắc, biền ngẫu. Các hình thức này có tác dụng
trang trí, tạo thú vui tao nhã, mở rộng không gian cảm thụ.
Và đặc trưng cơ bản sau cùng là tính cốt đắc thể. Nhìn chung, ngôn ngữ văn học trung đại
thường cốt đắc thể, phù hợp với phong cách thể loại, tình huống biểu cảm. Ví
như Lê Quý Đôn từng nói: “ Thơ nói chí
thì phải trang trọng, thơ điếu cổ thì phải cảm khái, thơ đầu tặng thì phải dịu
dàng. Phải dàn xếp ý thơ trước rồi mới đặt lời sau sao cho không làm thể thơ
này lẫn với thể thơ khác thì mới là tinh là thực.”
Tuy nhiên, cần khẳng định rõ, trong văn học trung đại,
các nhà văn nhà thơ đều ý thức rõ ràng trong việc sử dụng ngôn ngữ, kể cả là
văn xuôi Nôm. Ngôn ngữ văn xuôi trung đại ngày càng định hình và phát triển
nhưng vẫn không thoát khỏi những ràng buộc về mặt thi pháp và thể hiện nội dung
vốn đã định hình từ rất lâu trên thi đàn trung đại. Đó đặc điểm khu biệt nổi
bật của ngôn ngữ văn xuôi trung đại.
2. Ngôn ngữ nghệ
thuật trong Tố Tâm – tín hiệu đổi mới
“Nói theo nhận
định của nhà phê bình Thiếu Sơn, ấn tượng đầu tiên, sau cùng, lớn nhất và bao
quát nhất của Tố Tâm, đối với người
đọc vẫn chính là cái mới của nó. Nói đến cái mới trong văn chương cũng là đề
cập đến tính tiên phong, đột phá của nhà văn, về tư tưởng và quan điểm nghệ
thuật. Nó được cụ thể hóa bằng tác phẩm nghệ thuật. Nó xuyên thấm vào từng tế
bào nội dung và nghệ thuật của tác phẩm như đề tài, cốt truyện, chủ đề, nhân
vật, kết cấu, nghệ thuật miêu tả, ngôn ngữ, nghệ thuật kể chuyện”[16;1]. Như
vậy, từ cái nhìn bao quát ta thấy, nội hàm tiểu thuyết Tố Tâm đã phát ra nhiều
tín hiệu đổi mới rõ nét về cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Ở đây, tiểu
luận sẽ đi sâu khai thác một trong những biểu hiện đổi mới ấy của tác phẩm – đó
chính là đổi mới trên phương diện ngôn ngữ của tác phẩm.
2.1. Từ những nét
mới trong lời văn
Chủ quan người viết luôn muốn được định danh cho ngôn
ngữ tiểu thuyết Tố Tâm là ngôn ngữ giao
thời. Trong Từ điển Tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên có ghi rõ: “Giao thời là khoảng thời gian chuyển tiếp từ
thời kì này sang thời kì khác, cái mới và cái cũ đan xen lẫn nhau, thường có
mâu thuẫn xung đột, chưa ổn định”[7,378]. Trần Đình Hượu và Lê Chí Dũng ở
cuốn Văn
học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930 cũng nói về hiện tượng giao
thời như sau: “Tính giao thời đó biểu
hiện ở sự tồn tại song song hai nền văn học cũ và mới với hai lực lượng sáng
tác, hai công chúng với hai quan niệm văn học, hai ngôn ngữ văn học ở hai địa
bàn khác nhau…[3;29]. Như vậy, gọi là ngôn ngữ giao thời chính là để nhấn
mạnh sự đan xen giữa cái mới và cái cũ trong ngôn ngữ tiểu thuyết, trong đó
hiển nhiên cái mới có phần vượt trội hơn nhiều.
Đọc Tố Tâm, độc giả đủ lí trí và nhạy
cảm để nhận ra ở “cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất” (lần in thứ nhất 3000 quyển
chỉ bán trong vòng nửa tháng) những năm đầu thế kỉ XX này, ngôn ngữ vẫn còn một
vài hạn chế khó tránh khỏi về mặt ngôn ngữ. Đó là lối viết gò câu chọn chữ, cân
nhắc từng lời; một số sự kiện còn dài dòng, dàn trải, triết lí và còn tồn tại
nhiều câu văn biền ngẫu réo rắc làm giảm đi độ căng của truyện. Điều này bị chi
phối nhiều bởi hoàn cảnh xã hội và đời sống văn học thời bấy giờ. Thêm vào đó,
bản thân Hoàng Ngọc Phách lại xuất thân Nho học, khó bề đoạn tuyệt với nếp tư
duy, thói quen diễn đạt của lối văn chương truyền thống. Thế nhưng, thay vào
đó, nhiều nét mới trong lời văn, trong lối diễn đạt lại đặc biệt lôi cuốn sự
quan của độc giả, đưa bạn đọc tiến thẳng vào thế giới câu chuyện. Chính bản
thân nhà văn cũng tự thừa nhận rằng mình có chịu ảnh hưởng của văn hóa phương
Tây rất nhiều.
Từ hành trình thâm nhập vào tác phẩm, ta bắt gặp sự ảnh
hưởng rõ rệt của Pháp đối với tác giả và đang hòa tan vào từng câu chữ trong Tố
Tâm. Ở lối luận thuyết của nhân vật, Đạm Thủy thường dựa vào những ý
tưởng tân học như câu: “Đàn bà sở dĩ quí
là tại đàn bà là đàn bà” hay “Lòng
người ta có những điều phải mà chính lẽ phải không biết đến được” (được dịch
từ câu: “ Le coer a ses raisons que la raison ne connait pas”). Chàng sinh viên
trường Cao đẳng này đã đưa vào tác phẩm những lời hay ý đẹp của các nhà văn
Pháp kiểu như thế. Điều đó làm cho ngôn ngữ tác phẩm có thêm phần mới lạ, độc
đáo và đặc sắc.
Mặt khác, ở tiểu thuyết Tố Tâm, ta còn bắt gặp
nhiều câu văn ngắn gọn, thanh thoát, ngữ pháp tiếng Việt đã khá thành thục, sử
dụng nhiều hư từ, tính từ, từ láy, các cặp quan hệ từ,… vào diễn đạt làm cho
câu văn trở nên giãn nở tự nhiên, người đọc dần mất đi cảm giác gò bó, ràng
buộc, tạo được sự chủ động trong quá trình tiếp cận văn bản tác phẩm. Ví như
khi nói đến sự phát triển tình cảm giữa đôi trai tài gái sắc Đạm Thủy – Tố Tâm
đã gần đạt tới độ chín mùi, tác giả viết: “Bức
tường ngăn ngày càng thấy lờ dần. Lắm lúc tôi thấy lý thuyết của tôi nghĩ
ra để giữ bức tường ấy được vững bền thì
thường lại bị lý thuyết khác của
lòng đánh đổ”.
Hay câu văn lột tả tâm trạng của Đạm Thủy: “Tôi ở nhà nhà ra trong lòng vẫn còn thổn thức, mấy giọt nước mắt vừa rồi hình như còn đương tý tách trong tim”.
Và có cả những câu văn có cấu trúc giản dị, không cách
điệu nhưng vẫn hay và hấp dẫn, ngôn ngữ diễn đạt cũng hết sức rành mạch giúp
người đọc cảm nhận được ngôn ngữ mang hơi thở cuộc sống trong tác phẩm: “Có một điều anh đáng lưu ý là từ khi nàng
yêu tôi trò chuyện thư từ luôn với tôi,
thì giọng văn của nàng tập nhiễm giống y như giọng văn tôi. Cách lập ngôn, lối
lập thuyết cùng một thể. Nàng chịu ảnh hưởng của tôi rất mạnh, từ câu văn cho
đến cử chỉ, tính tình cũng mài theo khuôn tôi cả. Tôi yêu gì là nàng yêu, tôi
ghét gì là nàng ghét, tôi bảo gì nàng cũng nghe, tôi cấm nàng gì nàng cũng
chịu. Đến cả những thói quen tập từ thưở nhỏ về lối đài các không hợp thời, hễ
tôi chê nàng là nàng bỏ dần được hết, thành ra tôi chủ trương được lòng nàng,
được tính tình và tư tưởng của nàng cả…”.
Nhiều từ ngữ mang sắc thái dân gian dân dã cũng được tìm
thấy ở các câu văn như “hôm nọ”, “hễ khi”, “lúc nãy”, “nhiều lắm”, “đút túi”, “đại khái là”,… Thêm vào đó,
câu văn biền ngẫu, nhịp văn đều đặn giảm hẳn (nhất là so với văn xuôi chữ Hán)
và số lượng các điển tích điển cố dường như không thấy xuất hiện. Nếu có thì đó
chẳng qua là cách nói ví von, nghệ thuật để nói lên tình cảnh hiện tại của nhân
vật: “Thôi, chả nói chuyện xa cách nhớ
thương này nữa, vì nói càng thêm gợi, gợi càng thêm buồn, mà cuộc gặp nhau vẫn
khó bằng ba dịp cầu Ô thước bắt trên
sông Ngân”.
Qủa thật, từ cái nhìn tổng thể, ta thấy, ngôn ngữ Tố Tâm
đã thực sự chứng tỏ được quá trình hóa thân của một lối nói, lối diễn đạt mới hẳn
so với văn chương trung đại.
Dựng lại câu chuyện tình cảm động giữa đôi bạn trẻ Đạm
Thủy – Tố Tâm thông qua ngôn ngữ kể chuyện đan xen giữa kí giả và nhân vật chính
Đạm Thủy, Hoàng Ngọc Phách đã báo hiệu bước phát triển mới của thể loại văn
xuôi tự sự. Đúng như nhà văn tự nhận: “Tiểu
thuyết Tố Tâm về hình thức chúng tôi xếp đặt theo những tiểu thuyết mới của
Pháp, lối kể chuyện, tả cảnh theo văn chương Pháp cả về tinh thần. Chúng tôi
đưa vào tác phẩm những tư tưởng mới, tâm lý nhân vật được phân tích theo phương
pháp của những nhà tâm lý tiểu thuyết có tiếng đương thời”. Như vậy, “yếu
tố đầu tiên” – ngôn ngữ được thể hiện trên nền tác phẩm không chỉ là chất liệu
làm nên văn phẩm, là tín hiệu dự báo sự đổi mới mà còn là nhân tố dự báo sự
phát triển của văn đàn văn học dân tộc.
Thể loại tiểu thuyết hình thành dưới dạng
chữ quốc ngữ đã được đánh dấu tuổi trưởng thành từ chính tác phẩm xuất sắc thời
bấy giờ - Tố Tâm. Khi tiếp cận tác phẩm, chắc hẳn chúng ta đều dễ dàng
nhận thấy đặc điểm rõ nhất về mặt ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ Tố Tâm nhìn chung là thứ
ngôn ngữ chải chuốt, giàu cảm xúc và đầy chất trữ tình, chất thơ có khả năng
đánh thẳng vào tâm lý bạn đọc. Đó là những đặc điểm vốn có của ngôn ngữ tiểu
thuyết lãng mạn. Mặt khác, ra đời giữa lúc quốc văn còn trong thời kỳ phôi
thai, trình độ tiểu thuyết còn thấp kém, có được một trình độ diễn đạt như thế
chứng tỏ Tố Tâm xứng đáng được ghi nhận công
lao to lớn trong việc làm giàu chữ quốc ngữ dân tộc. Chữ quốc ngữ với Tố
Tâm đã bước một bước dài trong sự nghiệp góp phần biểu đạt ngôn ngữ của
văn chương hiện đại.
Như vậy, từ cái nhìn tổng quát, trực diện và cảm nhận
bước đầu, chúng ta đã phần nào xác định và khẳng định được các bước tiến, chỗ
đứng xứng đáng của Tố Tâm trên văn đàn thông qua những nét mới từ góc độ ngôn ngữ.
Từ đó, tạo cơ sở, niềm đam mê để có thể đi sâu mổ xẻ những phương tiện, phương
thức mà Hoàng Ngọc Phách sử dụng trong việc đổi mới ngôn ngữ tác phẩm nói
riêng, ngôn ngữ văn học trung đại nói chung.
2.2. Đến hình
thức tổ chức ngôn ngữ
2.2.1. Ngôn ngữ miêu tả
Lời văn chau chuốt, gọt giũa được tinh tuyển trong Tố
Tâm cho thấy sự công phu, tỉ mỉ cũng như tài hoa văn chương của tác giả
Hoàng Ngọc Phách thể hiện qua ngôn ngữ miêu tả. Đối với vấn đề này, trước hết
chúng ta cần nói đến ngôn ngữ được sử dụng để miêu tả thiên nhiên trong tác
phẩm. Cảnh thiên nhiên trong Tố Tâm dưới màn trình diễn của ngôn
ngữ lần lượt hiện lên vô cùng rực rỡ và sống động trước độc giả: “… đi lang thang trong các làng quê, hay vơ vẩn
ở giữa đồng lúa chín, ngồi dưới gốc cây mà ngắm đồng lúa mênh mông bát ngát,
trận gió ào lay động ngọn lúa như những làn sóng bề vàng, còn những bám tre lơ
thơ ở giữa đồng thì tựa như những hải đảo có cây xanh”…
Ngôn ngữ sử dụng để miêu tả thiên nhiên được vận dụng
khá tự nhiên. Lời văn không gắng gượng theo kiểu ước lệ, tượng trưng như trong
văn học trung đại. Thiên nhiên được nhắc đến tất nhiên cũng không hề cách điệu
nhằm hướng đến cái cao nhã như trước. Nó xuất hiện như là một lối thoát yên
bình cho những tâm hồn lãng mạn đang bị ý thức hệ phong kiến cầm tù. Từ cửa xe
“hạng ba chật ních người” khi đi nghỉ
mát ở Đồ Sơn, Đạm Thủy đưa cái nhìn tổng thể để đắm mình trong cảnh trí thiên
nhiên thơ mộng: “… mở hé cánh cửa mà ngắm
phong cảnh những cánh đồng thăm thẳm, bóng giăng soi xuống mấy ruộng nước trắng
xóa, hình như lẫn với chân mây và in cả một trời sao xuống gầm đất. Trên mặt
nước phẳng lặng chỉ thấy lô nhô những đám tre bao bọc các xóm làng, ngọn gió
nồm đưa phất phới”.
Với một người có nhiều thiện cảm với thiên nhiên như Đạm
Thủy, điều duy nhất có thể làm khi thấy cảnh đẹp ở Đồ Sơn chính là sự giải bày.
Những lúc như thế, ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt hữu hiệu lúc này: “Trên mặt bể mênh mông, bát ngát, sóng cuộn
từng lớp đuổi nhau, chạy giỡn vào bãi cát dài phẳng nước tóe trắng phau hau.
Trên bãi cát dài hàng mấy nghìn thước, phất phới áo vàng, áo đỏ, áo trắng, áo
xanh như bươm bướm lượn; trẻ con reo, tiếng sóng vỗ ầm ào như tiếng chợ đông
người,…”. Chiều buông xuống, tức “khi
gần hết nắng thì những đám cỏ xanh đỏ lúc nãy đã hòa như một đàn cò, mình đen
chân cánh trắng, lô nhô giữa làn sóng lờ lờ…”. Khi Đồ Sơn tờ mờ sáng, mọi người còn đang đương giấc, “mặt bề phẳng lặng, gió hiu hiu gợn sóng lăn
tăn. Ngoài xa lơ thơ những chiếc thuyền đánh cá, buồm trắng phất phơ in vào mấy
giặng núi mờ xanh ở bên chân trời hung hung đỏ. Trên bãi cát cũng phẳng phăng,
chưa có một vết chân dẫm xuống; nước thủy triều lên ban đêm đã rửa sạch những
ghét rác phồn hoa chiều hôm trước đó…”.
Thiên nhiên được dựng lại công phu qua lớp từ
ngữ có hồn dần hiện ra trước mắt bạn đọc.
Có thể nói, bằng bút pháp tả thực dựa trên sự quan sát,
tổ chức, sắp xếp các chi tiết logic, lựa chọn từ ngữ,… Hoàng Ngọc Phách đã làm
nổi bật được cái thần, cái hồn của đối tượng được miêu tả, tức thiên nhiên.
Trên bức màn ngôn ngữ, người đọc dễ dàng hình dung được những nơi mà nhà văn
đang nói tới. Hơn nữa, nhà văn còn vô tình trình diễn tài năng của mình ở cách
viết hết sức linh hoạt, đưa người đọc đến những mảnh ghép khác nhau của bức
tranh thiên nhiênđầy nhựa sống, khai phá ra một không gian mới khoáng đạt với
những hình tượng thiên nhiên xinh đẹp nhưng không kém phần quyến rũ. Đó là
thành công lớn của Hoàng Ngọc Phách trong việc “điều khiển, múa máy” ngôn ngữ
miêu tả, đưa ngôn ngữ ngày càng tiến gần hơn với ngôn ngữ tiểu thuyết hiện đại.
Không dừng ở đó, ngôn ngữ miêu tả của tác giả còn chạm
tới từng nhân vật trong truyện. Nhà văn miêu tả nhân vật khá rõ ràng, sắc sảo
khiến cho người đọc dễ dàng hình dung, tượng hình về nhân vật: “Cậu bé độ chừng 15, 16 tuổi người manh mảnh,
mặt trắng, da nhỏ, mặc tây phục bằng dạ tím, cổ áo có dính hai cành lá bằng kim
tuyến nom rõ là một cậu bé học “Ly xê”…”. Vẻ đẹp yêu kiều của Tố Tâm trong
cái nhìn tinh ý của Đạm Thủy cũng mượn ngôn ngữ thể hiện: “…cái mình thanh mảnh đi vào nhà, tay hất cái
đuôi gà ra sau vai, và dém mái tóc lại, phô ra cái vẻ tương phản ở chỗ đám tóc
đen tỏa trên cái gáy trắng, tôi trông thật có vẻ yêu kiều của một vị giai nhân”.
Cái hay của Hoàng Ngọc Phách là dù viết về nhân vật rất nhiều nhưng không gây
nhàm chán. Tác giả ghi lại vẻ ngây thơ của Tố Tâm khi vui đùa: “Nàng cứ chạy chơi như vậy hết ruộng nọ sang
ruộng kia, lên bờ cao xuống bờ thấp mà dưới ánh nắng buổi chiều thu hơi nhạt
nhạt, trông mặt nàng đỏ hồng hồng, giấp tý bồ hôi, dính mấy sợi tóc mây xõa
xuống trán, nàng càng đẹp thêm lên”. Hay viết về cảnh Tố Tâm đi giày mà
hiểu được tấm lòng của người trong cuộc: “Mưa
tạnh, nước đường chảy chưa hết, nàng phải bỏ giầy đi chân, tôi thấy hai bàn
chân trắng của nàng giẫm vào chỗ bùn lầy đen xám, mà tôi chạnh nghĩ đến mấy
cành hoa rất đẹp rơi xuống đống rác ở gốc cây…” Có lúc, tác giả linh động kết hợp ăn ý giữa tả cảnh và người,
trăng “lơ lửng trên mấy hàng tre, bây giờ
đã đủng đỉnh ngang trời. Bóng giăng xuyên qua cửa soi ngang”, “mặt Tố Tâm một nửa biêng biếc xanh, một nửa
mờ mờ trắng. Hồng nhan dưới bóng nguyệt, có một vẻ đẹp lạ thường,…”. Có
khi, cảnh vật đồng tâm trạng với nhân vật, Đạm Thủy nhìn “phong cảnh Hồ Tây bấy giờ ủ dột lạ thường...vẫn da trời kia, vẫn mặt
nước ấy, núi Tam Đảo vẫn lờ mờ đằng xa, chiếc thuyền ván vẫn từ từ qua lại,
thân thế vẫn thân thế năm xưa, mà sao trông phong cảnh rất âu sầu hình như
đương vì tôi mà thương người vừa đi đó”. Khi đi thăm mộ Tố Tâm, Hoàng Ngọc
Phách lại dùng ngôn ngữ làm công cụ nắm bắt cái buồn, cái hoang sơ, lụi tàn sức
sống của cảnh vật: “Đồng không vắng vẻ,
gió thổi, mưa sa, một nấm mồ nằm bên cái gò con cỏ úa, in vết trâu bò qua lại
và dấu chân những người đưa đám mới đi”… “xa trông những giọt mưa bay mờ mờ trắng, mấy hàng tre gió lướt đổ ngà
ngà, những con chim bạt gió kêu bầy, mấy con bê lạc đàn gọi nạ…”
Qủa thật, ngôn ngữ kết hợp với nghệ thuật miêu tả đã
mang đến cho văn bản tiểu thuyết những dòng, những câu văn, đoạn văn đặc sắc,
mới lạ, góp phần thể hiện sự đổi mới của Tố Tâm cũng như ngòi bút tài hoa của
Hoàng Ngọc Phách. Do vậy, có thể nói, tác giả đã rất thành công khi sử dụng
thành thục ngôn ngữ miêu tả trong quá trình kiến tạo nên tiểu thuyết Tố
Tâm.
2.2.2. Ngôn ngữ kể chuyện
Tiểu thuyết Tố Tâm đã đạt được những thành công
nhất định trên phương diện ngôn ngữ kể chuyện. Với ngôn ngữ kể giản dị, mạch
lạc, trong sáng và hấp dẫn, tác giả đã mang tác phẩm đến gần hơn với bạn đọc
chúng ta. Thật ra, chào đời giữa lúc quốc văn còn trong thời kỳ phôi thai, trình
độ tiểu thuyết còn thấp kém, có được trình độ diễn đạt như thế trong lời kể
chuyện là Tố Tâm đã chứng tỏ mình xứng đáng được ghi nhận công lao làm
giàu chữ quốc ngữ.
Trong tiểu thuyết Tố Tâm, có hai chủ thể xưng “tôi” –
những cái tôi “kép”. Cái tôi thứ nhất là của kí giả, giữ nhiệm vụ dẫn dắt, giao
tiếp. Cái tôi còn lại là của nhân vật chính Đạm Thủy giữ quyền kể chuyện - kể
về câu chuyện tình yêu lãng mạn nhưng cũng không kém phần đau thương của mình.
Thế nhưng, mỗi người kể chuyện lại đứng ở những điểm nhìn khác hẳn nhau. Cái
tôi kí giả đứng từ điểm nhìn bên ngoài, còn cái tôi Đạm Thủy lại xuất phát từ
điểm nhìn bên trong. Thông thường, người kể chuyện từ ngôi thứ nhất như vậy
diễn ra khi có một nhân vật đóng vai trò kể chuyện từ đầu đến cuối. Tuy nhiên,
để tránh lối tư duy đơn điệu ấy, Tố Tâm đã tự làm mới mình bằng cách
làm cho câu chuyện không chỉ được kể bởi một nhân vật tôi mà còn có thêm một
vai dẫn dắt ở ngôi thứ nhất nữa để kể những chuyện khác nhau từ những điểm nhìn
khác nhau. Như vậy, một khi đã xuất phát từ những điểm nhìn khác nhau thì ngôn
ngữ kể chuyện cũng sẽ khác nhau, chúng đa dạng hơn rất nhiều.
Đối với ngôi thứ nhất xưng tôi là kí giả, trong đoạn hồi
kí “Mấy
lời của người chép chuyện” kí giả đã khẳng định “Mới đây, kí giả nghe được câu chuyện riêng của bạn vừa kể lại mà bạn là
vai chính trong truyện này, chuyện rất hợp với điều quan sát kể trên kia, nên
kí giả chép ra đây…” cho thấy, ngay từ đầu tác giả đã nhận mình chẳng qua chỉ
là người “chép” chuyện. Song, ngôn ngữ của người “chép” chuyện này nếu không có
tài hoa thì khó lòng tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với tầng lớp thanh thiếu
niên đương thời. Đành rằng, tiểu thuyết Tố Tâm gây “sốc” bởi nội dung lạ, lạnh
lùng đánh vào khuôn giáo của xã hội bấy giờ nhưng thành công về nghệ thuật cũng
không thể phủ định. Ở đây, với vai trò dẫn dắt câu chuyện thông qua ngôn ngữ kể,
nhân vật kí giả đã là người trần thuật
lại khá cụ thể, tỉ mỉ, mạch lạc quá trình từ lúc kí giả gặp và được nghe Đạm
Thủy kể lại câu chuyện tình xúc động, giúp người đọc dễ dàng hiểu và nắm bắt
cốt truyện hơn.
Sau khi tác giả đưa người đọc vào nội dung chính của
chuyện bằng ngôn ngữ diễn giải ở màn mở đầu, kí giả xuất hiện khá mờ nhạt, thậm
chí ngôn ngữ kể chuyện biến mất. Khảo sát các chương trong tác phẩm ta thấy,
chỉ có đoạn Đạm Thủy kể đến việc Tố Tâm viết thư cho mình thì nhân vật hơi mệt
nên đi tựa lưng và uống nước. Chỉ còn kí giả đọc thư Tố Tâm và có đôi lời cảm
nhận, bản thân “không phải là người trong
cuộc mà xem xong bức thư này cũng hơi chút gợn lòng”. Còn lại, kí giả chủ
yếu đóng vai trò là người nghe thầm lặng khi đi vào nội dung chính của chuyện, tức
kí giả gần như nhường hẳn ngôi trần thuật cho nhân vật chính kể lại. Tuy nhiên,
tầm quan trọng của ngôn ngữ kí giả - ngôn ngữ giải bày - trong lời bạt là đáng
ghi nhận bởi nó đã góp phần gợi ra duyên cớ, định hướng để Tố Tâm ra đời và đến với
độc giả.
Ngôn ngữ kể chuyện xưng “tôi” thứ hai chính là Đạm Thủy.
Đây là nhân vật say sưa kể về câu chuyện tình của mình. Mạch văn liên tục cuốn
hút độc giả qua ngôn ngữ nghệ thuật sinh động. Nếu như các tiểu thuyết cùng
thời nặng về những thuyết lí, giáo huấn hay những chuyện huyền hoặc, vô lí thì
qua ngôn ngữ kể chuyện của Đạm Thủy, ta nghe được tiếng lòng thầm kín, riêng tư
nhưng lại ánh xạ được bi kịch tinh thần của thời đại.
Nhìn chung, ngôn ngữ kể chuyện của Đạm Thủy là ngôn ngữ
tự bộc bạch, phơi trải nỗi lòng của chính mình. Lời văn ở đây khá đa dạng, nó
có cả lời kể trung thành với diễn biến cụ thể câu chuyện tình của họ. Bắt đầu
từ việc mất cái ví, được một “thằng bé
con không quen mặt” mời đến số nhà 58 nhận lại, rồi quen biết Tố Tâm, những
lần đến nhà chơi, đi chơi “bể Đồ Sơn”,… Tất cả diễn biến câu chuyện được tái
hiện sinh động trên phông nền của ngôn ngữ tác phẩm. Xen kẽ với kể lại câu
chuyện ấy là những dòng suy nghĩ nhằm giải bày với “anh” – tức kí giả - những
gì mình làm, mình nghĩ. Đó là những lời bình phẩm khá hay, ví như “Lạ cho nhan sắc ở đời có thứ đẹp nồng nàn
làm cho người ta ham muốn, có thứ đẹp thanh đạm làm cho người ta kính yêu như
một bức nữ thần treo ở các nhà đạo giáo” hoặc đôi lần làm người kể phải suy
tư “…Còn tôi là nam nhi thì xử sự có phần
tự do hơn một tí, vả xưa nay con giai tỏ tình yêu con gái một cách chính đính
cũng là lẽ thường, nhưng nghĩ mình chơi nhà nàng mà quen, chứ không phải hai
bên tương ngộ, vả tôi cũng đã yêu nàng lắm, trong óc đã nẩy ra lắm chuyện mơ
màng, nhưng vẫn sợ cái lòng tin cẩn của bà Án và lòng quyến luyến của cậu em.”…
Có thể thấy, lối kể chuyện dù vẫn tồn tại những dòng văn
chưa thoát hẳn khỏi lối biền ngẫu. Ta nghe như hơi hướng của lối viết mà câu
chữ đối nhau, lời kể nhịp nhàng lộ rõ: “Hai
bên tuy không nói ra mà định nhận là anh em, lấy tình bạn bè ra mà đối đãi”,
“Cuộc đời của em là đời vẩn vơ, ái tình
của em là ái tình vô hi vọng, nhưng em đã đem lòng yêu anh thì em cứ biết yêu
anh, em lấy tình luyến ái của anh em ta làm khuây khỏa, còn về sau em phó mặt
khuôn thiêng”,… và nhiều hình ảnh mòn cũ “liễu ủ hoa sầu, năm canh giọt lệ, sương sa
gió thổi, tuyết phủ mây mờ,...”.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, ngôn ngữ truyện đã có phần thay đổi, trở nên trong
sáng, thanh thoát, linh hoạt và thành thục hơn trong việc kể tả so với văn xuôi
truyền thống.
Có những dòng kể rất tự nhiên nhờ lối đệm thêm từ ngữ
như trong văn nói “Đại khái như là tôi đứng
dậy cầm mũ thì nàng bảo để cho người đi gọi xe đã, có khi 15 phút mà không thấy
xe”, “Nàng pha nước tôi uống, lấy giầu tôi ăn, mà bắt tôi phải ăn miếng giầu
nàng đưa mới nghe”, “Tôi hiểu ngay là ái tình nàng đã mạnh lắm rồi”, “…giọng văn của nàng tập nhiễm giống
y như giọng văn của tôi…”,… Đồng thời, có nhiều câu văn mang đậm phong
cách văn xuôi lãng mạn trong lời kể chứ chưa nói đến những bức thư nặng ân tình
của nàng Tố Tâm xinh đẹp “Thư từ không
thể làm cho nguôi được nỗi nhớ thương, phải gặp mặt nhau, phải trông thấy nhau,
phải cùng nhau trò chuyện để nghe giọng cười, tiếng nói…”, “Một bên trời nước mênh mông một bên lứa đôi
đằm thắm ái tình này, đối với cảnh vật ấy gây nên lắm vẻ ly kỳ, biết bao nhiêu
ngọn bút đã tê mê mà ca tụng”,… Chính lối viết kiểu như thế này đã dự báo
về sự phát triển của dòng văn học lãng mạn những năm tiếp theo.
Đặt trong Tố Tâm, tuy có hai lời kể nhưng lại
được thống nhất với nhau trong mạch văn của tác phẩm. Nhìn chung, lời văn kể
chuyện là lời văn được tác giả chú trọng và tinh tuyển. Nó đủ sức lôi cuốn và
làm cho độc giả say mê từ đầu đến cuối truyện. Cho nên, chúng ta có thể khẳng
định rằng, ngôn ngữ kể chuyện của Tố Tâm cũng chính là một trong những yếu tố
quan trọng đưa tới sự đổi mới, mang tác phẩm vượt ra khỏi quy phạm của văn học
Trung Đại để hướng đến phạm trù văn học Hiện đại.
2.2.3. Ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật
Cùng với ngôn ngữ miêu tả và ngôn ngữ kể chuyện thì ngôn
ngữ đối thoại giữa các nhân vật trong tiểu thuyết Tố Tâm là thành phần quan
trọng không thể không nhắc đến. Bởi lẽ, ngôn ngữ đối thoại được sử dụng trong
tác phẩm một mặt đi sâu khắc họa nhân vật, triển khai diễn biến câu chuyện
thông qua chính lời của nhân vật, mặt khác cùng mới việc tổ chức các hình thức
ngôn ngữ khác, góp phần khẳng định bút lực của Hoàng Ngọc Phách trong quá trình
kiến tạo nên tác phẩm.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Lời đối thoại (đối đáp) là lời trong cuộc
giao tiếp song phương mà lời này xuất hiện như là một phản ứng đáp lại lời nói
trước. Lời đối thoại bộc lộ thuận lợi nhất khi hai bên đối thoại có sự tiếp xúc
phi quan phương và không công khai, không bị câu thúc, trong không khí bình
đẳng về mặt đạo đức của người đối thoại. Lời đối thoại thường kèm theo động tác
cử chỉ biểu cảm và tạo nên bởi phát ngôn của nhiều người”. Theo đó, ta bắt
gặp ở Tố Tâm khá nhiều đoạn đối thoại giữa các nhân vật với nhau. Ví
như, giữa kí giả - Đạm Thủy, “thằng bé
con không quen mặt” - Đạm Thủy, cậu Tân cùng Đạm Thủy, các đoạn “đối thoại
dài hơi” giữa hai nhân vật chính Đạm Thủy và Tố Tâm qua mỗi lần gặp gỡ,… Cứ qua
mỗi đoạn đối thoại như vậy, chúng ta sẽ ngày càng hiểu rõ hơn về nhân vật. Ở
phần đầu của tiểu thuyết, sau lần gặp đầu tiên ở nhà bà Án, Đạm Thủy đã được
nhận lại ví của mình, hôm sau cậu Tân đến trường gặp Đạm Thủy:
“- Hôm nọ tôi quên thưa chuyện với
ông rằng chú tôi dặn hễ khi ông nhận được ví thì viết thư cho chú tôi biết vì
chú tôi sợ bỏ quên thất lạc đi chăng.
Tôi
nói:
-
Tôi đã viết thư cảm ơn quan lớn rồi!”
Đạm Thủy trong lời kể của kí giả vốn là người đa tài, giỏi
văn chương, giờ đây lại thêm tính cẩn thận, lễ nghĩa, hiểu đạo lí – không cần
đợi cậu Tân nhắc nhở đã vội vàng viết thư cảm ơn đến quan lớn - thì quả thật
chúng ta có thể thấu được vì sao nàng Tố Tâm kiều diễm lại một lòng “trao
duyên” cho chàng. Chỉ một chi tiết nhỏ, một lối ứng xử đẹp qua mấy dòng đối
thoại, hình dung của người đọc về Đạm Thủy dần dần hé mở.
Hay lần đi chơi bể Đồ Sơn, không hẹn mà gặp, Đạm Thủy
dậy sớm ra bãi cát thì gặp Tố Tâm ở đó, hai người cùng nhau bắt dã tràng. “Tố Tâm cầm một dã tràng xem, vô tình đọc
rằng:
“Giã tràng xe cát biển đông
Nhọc mình mà chẳng nên công cái gì”
Tôi đáp rằng:
- Phải, cũng đáng thương cho giã tràng lắm nhỉ,
nhưng biết đâu gần đây không có hai người cũng chịu một tình cảnh như dã tràng
mà chả hay có ai hiểu thấu mà thương không.
Tôi nói vậy thấy
đôi mắt nàng thoáng qua một vẻ buồn, bên kia bể mặt giời cũng hé ánh nắng… hồng
quân với khách hồng quân.
Chúng tôi chia tay
ra về, nàng đi vài bước quay cố lại bảo tôi rằng:
- Chiều ra, anh nhá.”
Tố Tâm xinh đẹp làm say đắm biết bao chàng trai nhưng
lòng nàng đã nguyện thì quyết không thay đổi. Cả Tố Tâm và Đạm Thủy đều giỏi
đàm luận và yêu văn chương nên mượn hình ảnh thực là con dã tràng để nói chuyện
với nhau. Đó cũng là điều hợp lí so với hai tâm hồn cùng yêu thích văn chương
như họ.
Với những đoạn đối thoại như trên, nhân vật được cụ thể
hóa hơn trong tâm trí người đọc. Thế nhưng, vấn đề chúng ta muốn nhấn mạnh ở
đây chính là ngôn ngữ đối thoại. Ngôn ngữ đối thoại gần như đã phát huy tối đa
tác dụng của mình. Nó chính là công cụ, là phương tiện miêu tả nhân vật giúp
người đọc định hình rõ nét về nhân vật. Nhà văn chú ý sử dụng ngôn từ mang sắc
thái gần gũi, tiến gần hơn với ngôn ngữ cuộc sống thường ngày. Biết Tố Tâm được
nhiều mối giạm hỏi, nhất là cậu Tú B có điều kiện khá tốt, rất thuận ý bà Án,
Đạm Thủy dù yêu nhưng “sợ về sau mang với
nàng một điều lỗi suốt đời không khi nào gỡ xong nên thường vẫn lấy nhời phải
trái mà khuyên nàng vâng lời giáo huấn”, song Tố Tâm “nửa thực, nửa đùa”:
“- Em không muốn
lấy chồng…
Tôi cũng nói cợt
rằng:
- Em điên.
- Vâng, điên với
anh.”
Thậm chí, có nhiều câu văn đối thoại hết sức bình
thường, dường như nó được khởi nguyên từ chính nhịp điệu của cuộc sống chứ
không hề có sự chau chuốt, mài giũa. Câu văn bình dị như lời thăm hỏi thường
nhật:
“- Bà lớn bớt
chưa?
- Bà con uống thuốc ông lang bên huyện đem
sang chữa, nay bớt nhiều lắm, bà con đã dậy được.”
Không dừng ở đó, trong Tố Tâm còn xuất hiện
trường hợp đối thoại gián tiếp thông qua những bức thư, những mảnh giấy nhỏ của
Tố Tâm viết ra để đáp lời, đáp lòng với người thương và ngược lại. Nếu như
những lời trong đối thoại trực tiếp chân thực, gần gũi với cuộc sống hàng ngày
thì lời lẽ trong các bức thư lại là một sự thể hiện khác, “văn vẻ” hơn rất
nhiều. Thế nhưng, lời văn vẫn giữ được tính rành mạch và rõ ràng gần giống với ngôn
ngữ tiểu thuyết hiện đại ngày nay. Nhân vật Tố Tâm lòng đã hướng về Đạm Thủy
nên khi nghe Đạm Thủy hỏi tại sao không tính cuộc trăm năm với ai cả thì nàng
không nói mà buồn rầu và làm ra bộ giận giỗi. Tố Tâm đã viết gửi Đạm Thủy một
mảnh giấy có mấy chữ rằng: “Em đã yêu anh
thì không thể yêu ai được nữa, mà cũng không muốn yêu ai. Đã không yêu thì
không lấy, vì sợ làm phiền cho một người nam nhi nữa.” Đó là những dòng văn
giàu tình cảm mà ý tứ cũng vô cùng cô đọng.
Hay trong đoạn đầu của các lá thư, ta thấy dường
như nhân vật đang thủ thỉ, tâm tình với người được nhận. Đó là những dòng đầy
cảm xúc của cô gái trẻ tuổi đang tuổi xuân thì:
“Mấy lời
thú tội của kẻ non gan,
Kính gửi
anh Đạm Thủy,
Khổ lòng
lắm anh ơi! Nói ra thì những nhượng nhời, mà để dạ cũng đến khô héo. Anh có
biết em đem lòng yêu anh đã lâu, và anh đã làm cho em thổn thức mất tháng nay
rồi không? Em nói thế thì anh ngạc nhiên, nhưng thật vậy, từ khi em đọc văn thơ
anh trên tờ báo thì em đem lòng yêu anh, em kính mến ba chữ tên anh như người
bạn quý của em vậy. Em chưa biết người, biết mặt, em chỉ xem văn chương, tính
tình, tư tưởng của anh mà em yêu, cái yêu kù thay, không biết có ai yêu lạ lùng
thế không?...”
Hay những lá thư từ ngữ có chút “vụng về” song
cũng không kém phần “văn hoa chữ nghĩa”:
“Kính gửi
anh Đạm Thủy,
Thưa anh,
em được tiếp được thư anh em lấy làm vui mừng lắm, nhưng thấy chữ mà chả thấy
người. Thứ năm này xin mời anh ra chơi, em mấy hôm nay hơi khó ở.
Kính chúc
anh về nhà được mạnh, quý quyến bình an.”
Và có cả thư của Đạm Thủy trả lời tấm thiện tình
của Tố Tâm với ngôn ngữ văn chương khá tự nhiên:
“Tố Tâm em,
Bấy lâu nay
anh vẫn khuyên em về chuyện gia thất, nhưng anh ngồi nghĩ lại thì tưởng như
chưa nói, vì những nhời anh nói chưa hết ý anh và vì trước mặt em anh không
muốn nói, nói ra em khóc làm cho anh nghẽn lời vì vậy anh phải mượn bút thay
người cho tiện…
Thôi em yêu
anh như thế cũng là yêu rồi, đừng yêu thêm nữa mà làm anh hối hận. Em nghĩ sao?”.
Cũng cần nhận rõ, đối thoại là thủ pháp thường
thấy trong văn học cổ. Do vậy, nếu dùng ngôn ngữ trong đối thoại không khéo léo
thì rất dễ biến nhân vật thành nhân vật chức năng với lời văn công thức, lạnh
lùng. Tuy nhiên, dù sử dụng trong Tố Tâm những câu nói mang hơi thở
cuộc sống, cách xưng hô gần gũi, thân mật,…chưa nhiều bên cạnh ngôn ngữ văn
chương nhưng nó đã góp phần mở đường, vẽ lối cho xu hướng sáng tác mới, gần hơn
với ranh giới ngôn ngữ sinh hoạt thường nhật của đời sống ở tiểu thuyết hiện
đại sau này.
Tóm lại, ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm đã được
mở rộng chân thực với nhiều vai đối thoại khác nhau. Nhân vật ở đây không còn
quan phương và cũng ít phát ngôn cho một giáo lí nào mà mang nặng tâm trạng
riêng, cảm xúc riêng. Theo đó, lời văn cũng
trở nên nhẹ nhàng, tự nhiên và tạo ra nhiều xúc cảm trong lòng người đọc. Ngôn
ngữ đối thoại lúc gần gũi với đời sống, khi lại bóng bẩy như lời văn chương của
tiểu thuyết lãng mạn đã giúp cho ngôn ngữ tác phẩm đa dạng, thay đổi linh hoạt
hơn trong quá trình xây dựng nhân vật và kiến trúc ra tác phẩm. Điều này giúp
cho tiểu thuyết Tố Tâm vượt qua những hạn chế còn sót lại để đưa tác phẩm trở
thành tiểu thuyết mang dấu hiệu đổi mới về ngôn ngữ văn xuôi trung đại Việt Nam.
2.2.4. Ngôn ngữ độc thoại của nhân vật
Ngôn ngữ là công cụ quan trọng của con người. Cũng
giống như hoạt động giao tiếp thường ngày, trong tác phẩm, nếu ta xem đối thoại
là hình thức giao tiếp sử dụng lối nói giữa người này với người khác thì độc
thoại là dạng giao tiếp đặc biệt của ngôn ngữ nhân vật, là hình thức nói với
chính mình. Nói cách khác, “độc thoại nội
tâm là phát ngôn của nhân vật nói với chính bản thân, trực tiếp phản ánh quá
trình tâm lý bên trong; kiểu độc thoại thầm, mô phỏng hoạt động suy nghĩ, xúc
cảm của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó. Thủ pháp này được sử dụng
rộng rãi trong văn học”[1;3].
Trong tiểu thuyết ghi danh tên tuổi Hoàng Ngọc
Phách trên văn đàn – Tố Tâm, nhà văn sử dụng ngôn ngữ độc
thoại của chính nhân vật xen kẽ trong quá trình tự thuật và những dòng nhật kí
đầy tâm trạng của Tố Tâm. Theo đó, cảm xúc của nhân vật được phơi trải tự nhiên
mà không gượng ép, khiến cho toàn bộ tác phẩm là một câu chuyện tâm tình rất
phù hợp với tiểu thuyết. Bởi lẽ dù là một biểu hiện nhỏ nhặt nhất trong tâm lí
của nhân vật cũng trở nên chi tiết và cụ thể hơn trong ngôn ngữ.
Điều khác biệt ở Tố Tâm chính là để làm
giảm màu sắc chủ quan trong lối kể tự thuật của Đạm Thủy, tác giả không ngần
ngại mang vào tác phẩm các lá thư của Tố Tâm với những dòng tâm tình về mình
đầy xúc động. Đây là cách xử lí một cách ngắn gọn và đạt hiệu quả cao của tác
giả. Nhờ đó, lời văn trở nên đa dạng, sinh động hơn, làm giảm đi phần nào lối
kể chuyện đơn điệu thường thấy trong văn xuôi cổ. Như vậy, trong tác phẩm, hai
nhân vật chính đều song song bộc lộ tình cảm của mình với nhau, nó là một dạng
đối thoại nội tâm giữa hai nhân vật. Đạm Thủy khẳng định sự hiện hữu của mình
không chỉ trong vai trò người kể chuyện mà còn xuất hiện với những lời trần
tình khi tình cảm giữa chàng và nàng ngày càng sâu sắc: “Bức tường ngăn ngày càng thấy lờ dần. Lắm lúc tôi thấy lí thuyết tôi
nghĩ ra để giữ bức tường ấy được vững bền thì thường lại bị lý thuyết khác của
lòng đánh đổ. Nhiều khi làm việc gì khi quá táo bạo thì tôi lại tìm ngày được
nhẽ phải mà tự thứ lỗi cho mình… Lắm khi trong hai con mắt nàng nhìn tôi có vẻ
thiết tha hình như kêu van tôi ngỏ lời trước đi cho nàng được thỏa, mà chắc lắm
lúc trong con mắt tôi cũng kêu van nàng đừng làm cho tôi một ngày kia phải thú
tội với nàng.” Lời giải bày xuất phát tận sâu nơi tiềm thức như bóc trần
nỗi lòng của Đạm Thủy, khiến người đọc không khỏi cảm giác đây là những suy tư,
những lời độc thoại sâu kín tận đáy lòng nhân vật.
Nhiều khi Đạm Thủy thốt lên những lời độc thoại
nặng suy tư: “Ôi nhân tâm! Ôi tạo vật!
Nhờ ai giải hộ cái yêu cái ghét ở đời cho lòng người ta lắm khi khỏi vì ghét
yêu mà sướng khổ!”
Ở Tố Tâm, đối thoại và độc thoại xen
kẽ lẫn nhau, Tố Tâm viết thư vừa để gửi Đạm Thủy nhưng trước khi được đến tay
người nhận thì đó là những dòng độc thoại nội tâm đầy trăn trở của một tâm hồn
đang yêu và nguyện sống chết vì tình yêu đẹp của mình: “Cuộc đời của em là đời vẩn vơ, ái tình của em là ái tình vô hi vọng,
nhưng em đã đem lòng yêu anh thì em cứ biết yêu anh, em lấy tình luyến ái của
anh em ta làm khuây khỏa còn về sau nữa em phó mặc khuôn thiêng.”
Gần như sử dụng nguyên vẹn các
bức thư và nhật ký, nhất là những bức thư tay được đọc muộn màng của Tố Tâm,
nhà văn Hoàng Ngọc Phách ngoài việc minh chứng cụ thể cho mối tình đầy bi kịch
của Đạm Thủy – Tố Tâm thì đồng thời, ông cũng muốn để các đoạn độc thoại nội
tâm của nhân vật phát huy tối đa hiệu quả nghệ thuật của nó. Điều này thể hiện
rõ nhất ở chương cuối, khi Tố Tâm quyết định hi sinh chữ tình để bảo toàn chữ
hiếu: “Rồi đây cánh hồng bay bổng, tin
nhạn vắng tanh là cuộc đời bắt buộc...”. Ngôn ngữ được sử dụng để diễn tả
hoàn cảnh và nỗi lòng nhân vật hết sức ý vị qua hình ảnh đẹp và độc đáo “tin
nhạn”, “cánh hồng”. Hình ảnh thấm đượm buồn ấy không đơn thuần làm Đạm Thủy “tưởng tượng ra như sau lưng trời đất sụt
xuống mà thành ra một vũng tối thăm thẳm”, như đang đứng giữa “sa tràng” mà còn kéo độc giả vào chính
nỗi đau của nhân vật. Đó chính là sức mạnh của ngôn ngữ biểu hiện qua độc thoại
nội tâm.
Chàng trai Đạm Thủy dù cứng rắn đến đâu cũng vô cùng đau
đớn thốt lên trong thư từ biệt của mình: “Bút
ơi, người đã vì ta mà giữ lấy những nhời chung thủy. Ta đã nói câu gì thì ta
không quên, ta không quên vì ta là người chung tình, ta là người chung tình,
nên ta buồn, ta buồn ai có biết chăng, ta vui ta chỉ mong rằng ai vui”.
Ngôn ngữ độc thoại ở Tố Tâm “tập tành” với
những trang văn tâm lí của nhân vật nhưng nhờ đó mới có thể sắc bén xoáy sâu
vào thế giới đầy biến động bên trong của nhân vật, ngôn ngữ tác phẩm như san sẻ
bớt khúc nam ai qua dòng văn trong quyển sổ nhật kí nhỏ mà Tố Tâm để lại:
“Ngày mùng 9 tháng
chạp
Sau khi em đưa anh
đóa hoa lan và nói câu từ biệt thì lòng em như cắt, tinh thần khác hẳn đi như
người vô hồn…
Ngày mùng 10.
… Anh ơi tính tình
anh đằm thắm làm gì, văn chương anh giéo giắt làm gì để xé tâm can em như vậy?
Lòng em anh lấy hết rồi, hồn em anh thu hết rồi, sao anh gieo sầu trong tâm can
một mối tình đằm thắm làm vậy để em nhớ thương đau đớn thế nào. Em đau đớn mà
em phải cố gượng làm tươi cho yên lòng mẹ em khi bệnh nặng, và để che mắt chị
em ở các nơi về…
Ngày 11.
…Ta chỉ vì thương
nhau, không muốn để cho nhau thiệt nên đến tình cảnh này. Em xem thư và câu đối
của anh, em phải gục đầu xuống gối, em mơ mơ màng màng hồn đi đâu mất, em không
khóc được nữa hình như em hết nước mắt rồi…”
Đến:
“Ngày 28…
Anh ơi, có phải
hôm nay là ngày anh mất ví năm ngoái không, là ngày em chợt thoáng qua anh không?
Cuộc kì ngộ vừa trọn một năm giời mà tình thân ái hình như cũ càng mấy thế kỷ…
Ngày mồng 5 tháng
giêng…
Em
đã chết từng đoạn ruột, trông thấy anh không dám nhìn, thế mà anh chả thương
phận liễu nhược này, lại còn đem lòng sắc đá mà chọi thì bao giờ em cũng chịu
thua, vì lòng lòng nhi nữ chúng em không chịu được cái nỗi cắt gan ấy…
“Ngày mùng 9…
Tài mà chi, sắc mà
chi, tình ái mà chi, chẳng qua là những thứ bụi hồng dính vào đâu là khổ đó! Em
nói vậy chứ em vẫn coi cái khổ là thường, em giơ hai tay mà đỡ lấy. Em vẫn chê
những kẻ không điềm nhiên mà chịu đựng nỗi đau lòng của mình phải kêu cầu khẩn.
Anh ơi em có một thứ cảm giác biết trước là em không thể sống được nữa. Hình
như em đã thấy cái chết vơ vẩn trên nóc dưới thềm…
Ngày 17…
Rồi đây sau khi
hương tàn khói tỏa, có lúc nào anh qua chỗ em an giấc ngàn năm này, nhờ anh đề
hộ vào gốc cây, tảng đá hay bức tường mấy chữ rằng: ĐÂY LÀ MỒ MỘT NGƯỜI BẠC
MỆNH CHẾT VÌ HAI CHỮ ÁI TÌNH.”
Đó là những dòng Tố Tâm viết trong khoảng thời gian xa
Đạm Thủy, chỉ “một mình mình biết một
mình mình hay” với bao nhớ thương đau khổ. Nhìn chung, ngôn ngữ ở đây không còn là ngôn ngữ độc thoại thông thường như
các bậc tài tử xưa kia hay sử
dụng mà là ngôn ngữ khá tinh vi trong diễn tả hoạt động rất bình thường của một tình
yêu sâu nặng. Ngôn ngữ độc thoại
trong từng chữ, từng câu được viết ra như muốn đạt đến sự diễn đạt sao cho văn
chương ăn khớp với nhịp điệu xảm xúc. Từ đó, tài năng của tác giả trong việc
đào sâu miêu tả cảm xúc từ những góc khuất trong đời sống nội tâm phong phú của
nhân vật được khẳng định, đồng thời gợi mở ra một hướng khai thác độc đáo để
các nhà viết tiểu thuyết sau này phát triển sâu và rộng hơn, góp vào thi đàn
nhiều ấn phẩm có giá trị cả về mặt nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.
Như vậy, nhân
vật trung đại chủ yếu được thể hiện qua hành động và đối thoại. Còn ở tiểu
thuyết Tố Tâm, tác giả sử dụng khá nhiều ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Ngôn
ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật xây dựng bằng ngôn ngữ văn chương trên cái
nền của chữ Quốc Ngữ cho nên đã tạo ra được lời văn hết sức tự nhiên, không quá
bóng bẩy tượng trưng, không hề gò bó như trước và cũng rất trong sáng, dễ hiểu
hơn. Bởi vậy, Tố Tâm không kén bạn đọc mà dễ dàng chinh phục họ từ “yếu tố
đầu tiên” - ngôn ngữ, cụ thể là nó lấy được cảm tình của người đọc từ chính
ngôn ngữ độc thoại của nhân vật. Đây cũng là nét mới so với văn xuôi trung đại
trước đó. Nói cách khác, ngôn ngữ độc thoại nội tâm dẫn người đọc vào thế giới
nội tâm của nhân vật, làm họ tin rằng mọi chuyện mình đang đọc là có thật, chuyện
do chính nhân vật kể ra. Vì vậy, kĩ thuật viết mới này đóng vai trò quan trọng
trong việc làm cho một cuốn tiểu thuyết truyền thống tạo được niềm tin nơi
người đọc. Đây là một trong những tiêu chí của tiểu thuyết mới.
2.3. Hạn chế của ngôn ngữ
Tố Tâm và
những nét mới về mặt ngôn ngữ nghệ thuật đã được tiểu luận đi sâu khảo sát ở
trên đã phần nào khẳng định được những đóng góp quan trọng của tác phẩm đối với
quá trình phát triển của tiểu thuyết Việt Nam sau này. Song, cần nhìn nhận rõ
rằng, thành công của tác phẩm ở đây không phải là thành tựu bất biến mà nó chỉ
dừng lại ở tín hiệu, là phát thảo khái lược của một lối viết mới mà thôi. Bởi
so với hoàn cảnh xã hội và đời sống văn học lúc bấy giờ, cộng với bản thân tác
giả là người vốn xuất thân Nho học, khó bề đoạn tuyệt với nếp tư duy, thói văn
diễn đạt của văn chương truyền thống nên khó thoát khỏi những hạn chế nhất
định.
Trước hết, dù đã cố gắng hướng đến một lối viết mới song
Hoàng Ngọc Phách vẫn giữ thói quen sử
dụng những câu văn biền ngẫu. Sự ràng buộc này khiến cho mạch văn có nhiều chỗ
thiếu phần co giãn, linh hoạt, thậm chí quá lê thê, nặng nề. Thêm vào đó, trong
nhà văn còn dư âm của văn phong trung đại, nhiều từ ngữ, nhất là kính ngữ được
đưa vào tác phẩm khiến cho lời văn có phần cứng nhắc, quy phạm: “phàm những việc gì”, “quá bộ”, “độ ấy”, “làm
cho tôi yêu kính”, “mấy lời thú tội của kẻ non gan”, “Tố Tâm bái”, … Đây là
hạn chế dễ dàng nhận thấy nhất trong tác phẩm.
Hơn nữa, ta thấy, trong Tố Tâm xuất hiện những bài thơ
trao đổi tâm tình của đôi bạn trẻ mới yêu nhau – Đạm Thủy và Tố Tâm. Vấn đề nằm
ở chỗ, đây không đơn giản là sự bảo lưu của một thủ pháp truyền thống mà còn là
sự lưu giữ của ngôn ngữ văn chương cũ. Các bài thơ đường luật gò gẫm, đối xứng,
quy tắc bằng trắc rất chỉnh:
“Phận liễu dám nguôi lòng sớm tối
Tơ đào riêng thẹn mặt non
song.”
Hay: “Tặng ai mộ đóa hoa này
Hoa ơi, hoa nhớ lấy ngày
hôm nay.
Trên giời phất phới mây
bay,
Bên người cỏ nước Hồ Tây
soi lòng.
TỐ TÂM kính tặng.”
Hay những lá thư biền ngẫu lâm ly, đọc đến nỗi phải mủi
lòng, thư đầy tâm trạng mà ngôn ngữ cũng không thoát khỏi giáo huấn: “Thôi cuộc đời dâu bể, lòng thủy chung ta cứ
giữ cùng nhau, trước những công việc này, em phải sớm liệu mà vâng nhời giáo
huấn để yên chuyện gia đình và yên lòng anh nữa”, “Em ơi! Sinh ra gái mưa sa là
phận, rủi may âu cũng sự giời, ai biết hay đâu mà tìm, biết dở đâu mà tránh,
trước sau cũng một lượt, chả sớm thì chầy, một mình em ở đời như chiếc bách giữ
going, chống sao cho nỗi những khi mưa to gió táp, chi bằng em theo cái lệnh
“đặt đâu ngồi đấy””... Hay dùng ngôn ngữ để “gây nên một nền luân lý” nên
biến nhân vật trở thành cái loa phát ngôn
thuyết lý cho đạo đức: “Em là phận
gái, cái chức phẩm với đời, có cũng hay mà không cũng được, chả ai nghị luận
gì, ai trách chi nữ nhi nan hóa, nhưng anh là bậc nam nhi hai vai nghĩa vụ, anh
đừng làm như em mà giữ lấy một mối tình vô hy vọng. Anh là người có văn chương,
có tư tưởng, anh nên nhớ rằng cái than anh không phải là một mình anh, phải làm
việc cho nhà, cho nước, cho xã hội,..”. Trong đau khổ mà nhân vật lại tỉnh
táo nói những lời mang màu sắc giáo huấn nghiêm trang như thế làm cho lời văn
giảm đi vẻ tự nhiên của tác phẩm.
Mặt khác, ngôn ngữ triển khai các sự kiện còn khá dài
dòng, dàn trải làm giảm đi độ căng của truyện, ít nhiều gây cảm giác nhàm chán
cho người đọc. Đặc biệt, do tập trung miêu tả tầng lớp thượng lưu, lại được tác
giả gọt giũa quá bóng bẩy nên lời ăn tiếng nói sống động của đời sống thường
nhật, ngôn ngữ giàu hình ảnh của nhịp sống rất ít xuất hiện. Tất cả khiến cho Tố
Tâm mang ít nhiều dáng dấp của văn xuôi trung đại.
Tuy nhiên, dù
vấp phải những hạn chế như đã kể trên nhưng nhìn chung, với nhiều tín hiệu
đổi mới mới mẻ trên nhiều phương
diện khác nhau, Tố Tâm đã trở thành một cuốn tiểu thuyết mới đúng với ý đồ và
mong muốn của tác giả là “viết một quyển
tiểu thuyết khác hẳn những quyển tiểu thuyết đã có, kể cả hình thức vẫn tinh
thần”.
KẾT LUẬN
Tố Tâm là cuốn tiểu thuyết duy nhất của nhà giáo, nhà văn
Hoàng Ngọc Phách, được viết năm 1922 và xuất bản lần đầu năm 1925. Tố Tâm không chỉ kể
về chuyện tình đẹp và bi thương của Đạm Thủy - Tố Tâm mà còn là “cột mốc quan trọng của trào lưu văn học lãng
mạn Việt Nam”, đánh dấu bước chuyển biến lớn của tiểu thuyết nước ta những
năm đầu thế kỉ XX trở về sau. Với những thành công bước đầu, tiểu thuyết Tố
Tâm mang tín hiệu đổi mới về đề tài, cốt truyện, chủ đề, nhân vật, ngôn
ngữ… Trong đó, ngôn ngữ chính là một trong những phương diện góp phần làm mới cho
tác phẩm.
Ngôn ngữ văn xuôi trung đại vốn quan niệm
“văn dĩ tải đạo” nên văn chương luôn bị gò bó về cả chủ đề, đề tài lẫn hình
thức thể hiện. Đặc biệt, ngôn ngữ của cả thơ lẫn văn xuôi đều rất được
chú trọng. Nó phải thực sự hàm súc, tinh luyện, có độ chuẩn xác cao hệt như kĩ
thuật “đúc chữ” và trên hết là đảm bảo tính
quy phạm; tính hình thức, nghi thức; tính trang trí cũng như tính cốt đắc
thể vốn đã được định sẵn như một công thức sẵn có. Song Tố Tâm xuất hiện đã mang
đến một luồng sinh khí mới cho ngôn ngữ tiểu thuyết, đánh dấu một bước nhảy của
văn xuôi Việt Nam về sau. Nói cách khác, Tố Tâm là tín hiệu đổi mới trên phương diện
ngôn ngữ.
Từ cảm nhận đầu tiên trong cái nhìn bao quát, đề tài
bước đầu khẳng định được những nét mới trong lời văn tác phẩm. Dù khó tránh khỏi
những hạn chế trong ngôn ngữ văn chương của tác giả - một người vốn xuất thân
Nho học như vẫn còn lối viết gò
câu chọn chữ như trước - nhưng tác phẩm Tố Tâm vẫn mang nhiều nét mới rất
đáng ghi nhận. Ngôn ngữ tiểu thuyết như mới hơn nhờ những ý tưởng tân học trong
luận thuyết của Đạm Thủy; nhiều câu văn thanh thoát được cấu tứ trong cách vận
dụng ngữ pháp tiếng Việt khá thành thục; sử dụng nhiều hư từ, tính từ, các cặp
quan hệ từ, nhiều câu văn có cấu trúc giản dị như chưa hề được chau chuốt… làm
cho câu văn tự nhiên, rành mạch, dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Thêm vào đó, từ ngữ
mang sắc thái dân gian cũng được sử dụng (dù ít) đã làm cho lời văn gần gũi hơn
với cuộc sống. Song, nhìn chung ngôn ngữ Tố Tâm là thứ ngôn ngữ chải chuốt, lãng
mạn, đầy chất trữ tình, chất thơ… Đó là những đặc điểm của tiểu thuyết lãng
mạn.
Đến các hình thức tổ chức ngôn ngữ được sử dụng trong
tiểu thuyết Tố Tâm, đó là ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật và ngôn ngữ độc thoại của nhân vật. Với việc vận dụng khá tốt
các hình thức ngôn ngữ trên, Hoàng Ngọc Phách đã thể hiện một lối thể hiện khác
hẳn so với văn xuôi trung đại. Tác phẩm vừa hình ảnh, tinh vi vừa chân thật,
gần gũi với cuộc sống, chinh phục được thị hiếu khó tính của giới trẻ bấy giờ -
hoang mang giữa giai đoạn giao thời giữa văn học trung đại và văn học hiện đại
– từ đầu đến cuối truyện. Có thể khẳng định, ra đời giữa lúc quốc văn còn trong
thời kì phôi thai, trình độ tiểu thuyết còn thấp kém, có được một trình độ diễn
đạt như thế, Tố Tâm đáng được ghi nhận công lao làm giàu chữ quốc ngữ.
Tiểu luận kết
thúc nhưng chưa phải và chấm hết. Thiết nghĩ, nghiên cứu tiểu thuyết Tố
Tâm trên phương diện ngôn ngữ nghệ thuật để tìm ra điểm mới là vấn đề
luôn hấp dẫn. Mặc dù người viết còn muốn khám phá nhiều hơn nhưng trong phạm vi
của tiểu luận này, do hạn chế về khả năng, tư liệu nên chỉ có thể tìm hiểu được
những vấn đề cốt lõi, không ít chỗ dừng lại ở mức độ nhận diện chứ chưa có điều
kiện khảo sát và phân tích sâu rộng hơn. Song, hi vọng rằng, tiểu luận sẽ là
tài liệu thiết thực, là chỗ dựa để những người quan tâm tiếp tục đi sâu khảo
sát, mở ra những hướng nghiên cứu mới hơn về tác phẩm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Thị
Diệu – Đặng Thị Kim Thi, Vai trò của độc thoại nội tâm trong tiểu
thuyết, Đại học Đà Nẵng.
2. Lê Bá Hán
– Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2007), Từ điển thuật ngữ văn học,
Nxb Giáo dục.
3. Trần Đình
Hượu & Lê Chí Dũng (1998), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời
1900-1930, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.
4. Lê Quang
Hưng (2003), Thiếu Sơn toàn tập, Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Mã Giang
Lân (chủ biên), (2000), Qúa trình hiện đại hóa Văn học Việt Nam 1900
– 1945, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội.
6. Phương Lựu
(chủ biên) (2006), Lí luận văn học, NXB Giáo dục.
7. Vương Trí
Nhàn (1996), Khảo về tiểu thuyết, Nxb Hội nhà văn.
8. Trần Đình
Sử (2005), Thi pháp Văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà
Nội.
9. Trần Đình
Sử, (1998), Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
10. Trần Đình
Sử, (1993), Giáo trình Thi pháp học, Nxb Hồ Chí Minh.
11. Từ
điển văn học - bộ mới, (2004), Nxb Thế giới, Hà Nội.
12. Từ
điển thuật ngữ văn học, (1999), Nxb Đại Học Quốc Gia, Hà Nội.
13. http://nhavantphcm.com.vn
14. http://vanvn.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét