Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Quan niệm nghệ thuật về con người trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân



“Chúng thủy giai đông tẩu
        Đà giang độc bắc lưu”
       Nguyễn Quang Bích
Hai câu thơ trên rất hay và sắc để phần nào đặc tả phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân cũng như tùy bút “Người lái đò sông Đà” của ông. Đó chính là độc đáo và khác biệt. Nói đến Nguyễn Tuân, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận định: “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa. Hiếm có được một nghệ thuật miêu tả thiên nhiên và con người như Nguyễn Tuân, một cây bút tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Đó là một nghệ thuật miêu tả rất tinh vi, sắc sảo, và đầy tài hoa. Điều đó được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của ông, tiêu biểu là đoạn “Người lái đò sông Đà” trích từ tập tùy bút “Sông Đà” viết năm 1960. 
Đi sâu tìm hiểu nghệ thuật miêu tả độc đáo của Nguyễn Tuân trong “Người lái đò sông Đà”, ta không những thấy hết những nét đẹp độc đáo của thiên nhiên và con sông Đà qua ngòi bút trăm màu của ông, mà còn cảm nhận được bề sâu tinh thần và con người nơi “miền sông” đó. Từ đó, ta có thể nhìn nhận sâu sắc hơn thế giới con người trong con mắt nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Cái thế giới người phảng phất bóng dáng của Nguyễn Tuân: Người tài hoa – Khách đa tình và “suốt đời đi tìm cái Đẹp, cái Thật” (Nguyễn Đình Thi).
1. Vài nét về Nguyễn Tuân và quan niệm nghệ thuật về con người của ông
1.1. Nguyễn Tuân sinh ngày 10-7-1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội. Gia đình có truyền thống Nho học. Nhưng lúc này Nho học đã thất thế, nhường chỗ cho Tây học. Cả một thế hệ vốn gắn bó với cửa Khổng sân Trình bỗng dưng trở nên lỗi thời trước xã hội giao thời Tây - Tàu nhố nhăng ; sinh ra tư tưởng bất đắc chí (trong đó có cụ Tú Hải Văn, thân sinh của Nguyễn Tuân). Bối cảnh xã hội, không khí gia đình đặc biệt ấy đã ghi lại dấu ấn sâu sắc trong cá tính, tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân. Là một trí thức giàu tinh thần dân tộc, Nguyễn Tuân đã phải trải qua những năm tháng vô cùng khổ sở, có lúc bế tắc, tuyệt vọng.
Năm 1929, bị đuổi học và không được vào làm việc ở bất cứ công sở nào trên toàn cõi Ðông Dương (vì tham gia bãi khóa chống giáo viên Pháp nói xấu người Việt Nam, tại trường trung học Nam Ðịnh). Cùng một nhóm bạn, vượt biên giới sang Lào; bị bắt ở Thái Lan, đưa về giam ở Thanh Hóa. Hơn một năm sau, ra tù. Ði trái phép vào Sài Gòn, đến Vinh thì bị bắt và bị quản thúc ở Thanh Hóa. Kể từ đây, Nguyễn Tuân lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần sâu sắc. Ông lao vào con đường ăn chơi trụy lạc, thành kẻ "đại bất đắc chí", như một người "hư hỏng hoàn toàn". Năm 1938, tham gia vào đoàn làm phim "Cánh đồng ma", quay tại Hồng Kông. Từ 1942 đến 1945, ngày càng bế tắc, suy sụp ; ông đã có ý định tự sát. 
Cách mạng tháng Tám đã cứu sống cuộc đời cũng như trang viết Nguyễn Tuân. Ông hân hoan chào đón cuộc đổi đời lịch sử, tự "lột xác" và chân thành đứng vào hàng ngũ nhà văn Cách mạng. Năm 1950, vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương. Từ 1948-1958, là tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Luôn hăng hái tham gia vào hai cuộc kháng chiến. Tiếp tục đi nhiều, có mặt ở tuyến lửa ác liệt, dùng văn chương ngợi ca đất nước và cùng nhân dân đánh giặc. Nguyễn Tuân mất ngày 28-7-1987 tại Hà Nội. 
Ông là một  trí thức dân tộc rất mực tài hoa, uyên bác. Ông am tường cả Hán học lẫn Tây học, hay có thể nói trong ông là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa Đông, Tây, Kim, Cổ. Đặc biệt, ông có lòng say mê thiết tha đối với tiếng Việt. Rất mực đề cao và chú tâm gìn giữ nhân cách nghệ sĩ, nên Nguyễn Tuân căm ghét thói xấu xa đê tiện, rởm đời, vô văn hóa.
Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc.
Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ "ngông".
Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài hoa uyên bác. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, nghệ  thuật.
Trước Cách mạng tháng Tám, ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là ‘Vang bóng một thời”. Sau Cách mạng, ông không đối lập giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Văn Nguyễn Tuân thì bao giờ cũng vậy, vừa đĩnh đạc cổ kính, vừa trẻ trung hiện đại.
Nguyễn Tuân học theo "chủ nghĩa xê dịch". Vì thế ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội...
Nguyễn Tuân cũng là một con người yêu thiên nhiên tha thiết. Ông có nhiều phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về núi sông cây cỏ trên đất nước mình. Phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tuỳ bút như một điều tất yếu. Nguyễn Tuân còn có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng. Ông vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sỹ ở cả nhân dân đại chúng. Còn giọng khinh bạc thì chủ yếu chỉ là để ném vào kẻ thù của dân tộc hay những mặt tiêu cực của xã hội. Nếu trước Cách mạng tháng Tám, quan niệm về cái Ðẹp của Nguyễn Tuân đậm màu sắc chủ quan, "không bà con gì với luân lý thời đại" thì giờ đây, đã có sự hài hòa cần thiết. Bởi cái Ðẹp giờ hiện hữu trong thực tại, là đời sống muôn màu của Nhân Dân ; như có thể cầm lên tay mà nâng niu ngắm nghía. Hoài cổ không còn mang ý nghĩa níu kéo dĩ vãng mà được nâng lên thành ý thức về sự góp mặt của dĩ vãng ở hiện tại.
 Ðọc văn ông, người đọc không chỉ có khoái cảm thẩm mỹ từ nghệ thuật ngôn từ mà còn được bồi dưỡng thêm tri thức về nhạc, họa, điêu khắc, kiến trúc, lịch sử, địa lý, điện ảnh,... Thực tế ấy chứng tỏ Nguyễn Tuân là một tài năng phong phú, có năng lực ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. 
1.2. Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Tuân
Quan niệm nghệ thuật về con người là hình thức đặc thù thể hiện con người trong văn học. Đó là những nguyên tắc cảm thấy, hiểu biết và miêu tả con người trong văn học. Các nguyên tắc đó chịu sự quy định của lịch sử, xã hội, văn hóa và đặc biệt mang dấu ấn sáng tạo của cá tính nghệ sĩ, gắn liền với cái nhìn đầy tính phát hiện độc đáo của người nghệ sĩ. Quan niệm nghệ thuật về con người được biểu hiện trong toàn bộ cấu trúc của tác phẩm văn học, nhưng biểu hiện tập trung trước hết ở nhân vật văn học, bởi “Nhân vật văn học là khái niệm dùng chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ”. Hay nói cách khác quan niệm nghệ thuật về con người chính là thi pháp nhân vật. Và mỗi một nhà văn lớn đều có một thi pháp nhân vật của riêng mình, thể hiện phong cách nghệ thuật cũng như cá tính sáng tạo riêng.
Với Nguyễn Tuân, vì ông có một phong cách nghệ thuật độc đáo và sâu sắc nên thế giới nhân vật của ông cũng vô cùng độc đáo và khác lạ. Đi vào thế giới  đời thường để tìm đề tài, nhưng Nguyễn Tuân thường hướng ngòi bút của mình chạm đến những cái dị biệt độc đáo. Cái mà ông đã cảm nhận và viết thành văn là những cái rất đỗi bình thường nhưng đồng thời lại rực rỡ và sáng chói cực đỉnh, một sự phi thường giữa cuộc sống tưởng như không thể có những sự kiện, những địa danh, những nhân vật... như vậy.  Có thể dễ dàng nhận thấy điều này trong thế giới nhân vật mà Nguyễn Tuân đã sáng tạo.  Đó là một cụ Kép, lông mày bạc, tóc bạc, râu bạc, thấp thoáng giữa vườn lan "nguyện đem cái quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự hoa thơm cỏ quý" (Hương Cuội). Một cụ Ấm,  triết nhân ngồi tính bước đi của thời gian, và "nhận thấy có một mùi thơ và một vị triết lí" trong hương thơm của một chén trà (Chén trà trong sương). Rồi khi đọc “Chữ người tử tù” với người hùng Huấn Cao, viết thư pháp trong ánh đuốc bừng sáng trong ngục tối ẩm thấp, mang "những cái hoài bão tung hoành của một đời con người"... giữa đêm giao thời của sự sống và cái chết. Nhìn chung, các kiểu nhân vật trong văn xuôi Nguyễn Tuân trước Cách mạng thường là kiểu nhân vật tài hoa nghệ sỹ của một thời vang bóng (như nhân vật Huấn Cao trong “Chữ người tử tù”, cụ Sáu, ông Đốc học trong “Những chiếc ấm đất” và “Chén trà trong sương sớm”, là cụ Nghè móm trong thú tao nhã “Thả thơ”, cụ Kép trong “Hương cuội”…); Kiểu nhân vật lãng tử giang hồ, xê dịch (trong “Một chuyến đi”, “Thiếu quê hương”, “Lại đi nữa”, “Thèm đi”,…); Kiểu nhân vật đi tìm thú vui ở cuộc sống trụy lạc (trong truyện  “Chiếc lư đồng mắt cua”, hai tập phóng sự “Ngọn đèn dầu lạc” và “Tàn đèn dầu lạc”); Kiểu nhân vật kỳ ảo quái đản mà ông gọi là “yêu ngôn” (trong “Xác Ngọc Lam”, “Đới roi”, “Loạn âm”,…)
Trung thành với quan niệm sáng tạo, với mô tip riêng của mình như vậy, Nguyễn Tuân sau Cách mạng tháng Tám đã đi sâu vào đời sống kháng chiến, mô tả vẻ đẹp chân thật của những người lao động bình dị và anh dũng trong chiến đấu… Và trong một chuyến đi thực tế tại vùng sông Đà Tây Bắc, nhãn quan ông đã bắt gặp được mẫu hình và hồn văn, ông đã tìm được tiếng rung khi diện kiến một người lái đò người Thái (Tây Bắc) và cuộc mưu sinh của ông. Và từ đây, bút văn của Nguyễn Tuân đã xây dựng được hình tượng người lái đò sông Đà ẩn chứa  tính cách vừa dữ dội của một chiến binh chinh phục thiên nhiên hung dữ, vừa là con người cực kì tài hoa mang cốt cách nghệ sĩ. Khám phá đầy trân trọng về vẻ đẹp – chất “vàng mười” của tâm hồn con người Tây Bắc: ngược về quá khứ miêu tả chiến sĩ cách mạng nhà tù Sơn La, những cán bộ cách mạng hoạt động cách mạng thời giặc tạm chiếm, những bộ đội, dân công trong chiến dịch Điện Biên…, trở lại hiện tại để tìm những lớp người mở đường kiến thiết Tây Bắc…
Có thể nói, với Nguyễn Tuân, mỗi nhân vật dù thuộc loại người nào cũng đều phải là những nghệ sĩ xuất chúng trong nghề nghiệp của mình. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn, cái uống cũng phải được quan sát từ phương diện văn hóa, thẩm mỹ. Trước Cách mạng tháng Tám, ông đắm say trong cái thế giới nhân vật thuộc về cái thời “vang bóng” ấy, nếu họ còn sống trong hiện tại cũng bơ vơ, lạc lõng như người sinh nhầm thế kỷ. Sau cách mạng, ông không đới lập xưa nay mà tìm thấy sự gắn bó giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Ông phát hiện chất tài hoa nghệ sĩ không chỉ có ở những nhân vật phi thường, mà cả ở những người dân bình thường nhất: lái đò, lái xe, dân quân, bộ đội… Và có lẽ ấn tượng nhất, đó là hình tượng người lái đò trên sông Đà.
2. Quan niệm nghệ thuật về con người trong “Người lái đò sông Đà”
2.1. Tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập tuỳ bút “Sông Đà” (1960), gồm 15 bài tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp,đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo.
Ngoài phong cảnh Tây Bắc uy nghiêm, hùng vỹ và tuyệt vời thơ mộng, Nguyễn Tuân còn phát hiện những điểm quý báu trong tâm hồn con người mà ông gọi là “thứ vàng mười đã được thử lửa, là chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc.”
2.2. Hình ảnh thiên nhiên sông Đà - một con người thực thụ trong nhãn quan nghệ thuật Nguyễn Tuân
Trước hết nhân vật “thiên nhiên” sông Đà. Ta gọi là “nhân vật” vì qua nét bút Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên như một con người thực thụ, với tất cả những cảm xúc, tính khí phức tạp. 
Ngay ở lời đề từ ta đã thấy được hai nét tính cách nổi bật của nhân vật sông Đà: vẻ đẹp hung bạo, dữ dội, hùng vỹ nhưng cũng không kém trữ tình, dịu dàng.
Trong câu thơ Nguyễn Quang Bích:
“Chúng thủy giai đông tẩu
Đà giang độc bắc lưu”
 Nét riêng của Sông Đà: thế chảy độc đáo, nghịch ngược, không giống ai của Sông Đà. Nguyễn Tuân tìm thấy sự đồng cảm với cái “ngông” của thiên nhiên.
Trong câu thơ của nhà thơ Ba Lan:
“Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”: sự cảm thán về vẻ đẹp nên thơ, thi vị của các dòng sông, qua đó tác giả hé mở vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà.
Sông Đà của Nguyễn Tuân không chỉ được miêu tả như những con sông bình thường, những con sông mà khi nhắc đến làm ta liên tưởng đến nước , hoặc nhiều lám là dòng chảy, màu sắc dòng sông… Không! Sông Đà của Nguyễn Tuân đặc biệt hơn nhiều! Nó là một tổ hợp của cát, bờ, của gió của đá của thạch trận và nước, mỗi yếu tố trên con sông Đà đều được Nguyễn Tuân miêu tả rất chi tiết mỗi cái có một tư thế riêng, tưởng như là nó sinh ra chỉ để gắn với sông Đà, để góp phần tạo nên hai tiếng “Sông Đà” với đầy đủ tính chất và ý nghĩa của nó. Khi “quan sát” Sông Đà của Nguyễn Tuân trong từng lời văn ta thấy hiện lên một con sông với hai tính cách hoàn toàn mâu thẫn nhau: Rất hung bạo nhưng cũng rất trữ tình. 
Cái độc đáo của Nguyễn Tuân là ông có cái nhìn hết sức tinh vi và đặc sắc về mọi sự vật, từ những cái bé nhỏ nhất mà ít ai để ý nhất. Chẳng hạn như cát. Cát là vật bình thường, nhưng cát sông Đà của ông thì “nó đục thủng gan bàn chân lỗ rỗ như những vết hà đục thùng đáy và mạn dưới các thuỳền gỗ”. Bờ cát cũng có đặc điểm riêng của nó. Ông miêu tả thiên nhiên có đầy đủ màu sắc, đường nét, âm thanh sống động nhất của thiên nhiên với sự vận dụng cách quan sát của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, từ hội họa, thi ca đến điêu khắc, âm nhạc, điện ảnh. Lúc thì rất hội họa: “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích chứ nước sông Đà không xanh màu xanh hến của sông Gấm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm vì rượu bữa…” Lúc lại rất tạo hình và giàu chất thơ: “ con Sông Đà tuôn dài như áng tóc trữ tình”. “Áng tóc trữ tình”! Ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Tuân thật đặc sắc. Cái nhìn của ông cũng thế. Con sông Đà không phải là “một áng tóc trữ tình” sao được khi “đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuồn mùi khói núi Mèo đốt nương xuân”. Một áng tóc mà có cả mây trời; có cả màu đỏ của hoa gạo, màu trắng của hoa ban, và quyện vào khói, chất trữ tình là ở chỗ đó. Cái hay của Nguyễn Tuân là ông quan sát không chỉ tinh vi mà còn ở nhiều góc độ , ở nhiều thời điểm và nhiều trạng thái. Ở quãng trước “nước sông Đà reo lên như cơn sôi”, ở quãng khác, dòng sông lại “lững lờ như nhớ thương”. Chính vì thế mà thiên nhiên của ông trở nên độc đáo, trở thành thiên nhiên của Nguyễn Tuân cộng thêm vào đó là ngòi bút tài hoa và lãng tử của ông nữa. Từng lời, từng chữ được nhà văn cân nhắc, trau chuốt kĩ lưỡng và công phu. Nếu chỉ có óc quan sát, có cảm xúc không thôi mà không có kiến thức sâu rộng và tài viết thì không thể nào có được những áng văn miêu tả thiên nhiên độc đáo và gợi cảm đến thế. 
Đoạn tùy bút “ Người lái đò sông Đà” miêu tả thiên nhiên rất độc đáo và rất dài, nhưng có lẽ cái thiên nhiên đó thể hiện lên chỉ làm nền cho hình ảnh con người mà thôi. Thiên nhiên càng hùng vĩ bao nhiêu, dữ tợn bao nhiêu, hiền hòa bao nhiêu thì con người trong thiên nhiên đó càng kiên cường, anh dũng và tài hoa, thơ mộng bấy nhiêu. 
2.3. Người lái đò sông Đà – một vẻ đẹp đa chiều đa sắc
2.3.1. Vẻ đẹp ngoại hình ẩn dấu sự phi thường
Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, người lái đò hùng dũng, oai phong như chạm khắc trên nền hình ảnh Sông Đà réo sóng hung dữ bạo liệt. Dường như nhà văn không bỏ sót một chi tiết nào cần miêu tả về nhân vật chính của mình. Mỗi chi tiết đều gợi được sự liên tưởng về cái phi thường hiện ra sừng sững thuyết phục. Bước vào cái tuổi 70, đầu tóc bạc trắng, thân hình ông lái đò vẫn đẹp như một pho tượng tạc bằng đá cẩm thạch. Nước da ánh lên chất sừng chất mun. Cánh tay rắn chắc trẻ tráng “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh như kẹp lấy một cuống lái tưởng tượng”. Cặp mắt tinh anh, nhãn lực nhìn xa vời vợi.
Ngoại hình của người lái đò còn được miêu tả gắn với những dấu tích trên thân thể và mỗi dấu tích là một thành tích, một sự kiện lịch sử của cuộc đời ông lão đã thầm lặng lập lên. Trên ngực của ông nổi lên một số "củ nâu" thương tích trên "chiến trường Sông Đà" – một "thứ Huân chương lao động siêu hạng".
Khó có thể trộn lẫn  nhân vật được miêu tả này với những người 70 tuổi khác, làm nghề nghiệp khác. Một ngoại hình gắn với sức lực phi thường với cuộc sống chèo đò vượt thác đã thấm vào trong máu thịt và thể hiện ra trong từng động tác ngay khi cuộc sống đang diễn ra bình thường. Ông lái đò là hình ảnh một người lao động mà sông nước đã in dấu vào trong từng chi tiết ngoại hình. Điều quan trọng là thông qua cách miêu tả này nhà văn đã ngầm gửi một thông điệp tới người đọc là nhân vật của ông mang sự khác thường ở chỗ nó không chỉ ở ngoại hình mà còn ở ý chí, nghị lực hướng tới, mà ở đây tuổi tác không làm mất đi sức sống mạnh mẽ và lòng yêu mến gắn bó với công việc.
2.3.2. Vẻ đẹp tâm hồn, tính cách của một chiến binh - nghệ sỹ chinh phục thác ghềnh
Đó là con người giàu trải nghiệm.
Sau hơn mười năm chèo đò và chỉ huy một con thuyền có 6 mái chèo đã ngược xuôi sông Đà trăm chuyến, chở da trâu, xương hổ, chè, cánh kiến về xuôi, ông nắm vững từng con thác, cái ghềnh. Chính quãng thời gian thử thách, đối mặt với thiên nhiên và sinh tử ấy đã tạo thành tri thức và tính cách trong Ông lão: “trí nhớ ông được rèn luyện cao độ bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở. Sông Đà, đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than chấm câu và những đọan xuống dòng”. Nhờ có tri thức ấy mà ông lão đã chiến thắng sự hung dữ của sông Đà và trong âm vang “chiến trận” ấy người lái đò lại trở thành vị tướng đối mặt với hung dữ và chiến thắng nó bằng những mẹo mực rất “nhà binh”: “ông lái đã nắm chắc được binh pháp của thần sông, thần đá. Ông đã thuộc qui luật phục kích của lũ đá”. Sự rèn luyện lao khổ và vượt gian nan đã biến người lái đò thành con người có kỹ năng kỹ xảo lao động tuyệt hảo tới mức tác giả ngợi ca như nghệ sỹ điêu luyện với "tay lái ra hoa" đã từng vượt qua bao trùng vây thạch trận, giao phong sinh tử với "lũ đá nơi ải nước". Và những dòng văn của Nguyễn Tuân đã khắc họa thật sinh động  hình ảnh của một con người gắn bó với lao động, yêu nghề sông nước, từng trải và giàu kinh nghiệm.
Cái hay của những tình tiết miêu tả là tái hiện được ông lão lái đò và dòng sông dữ thô ráp  thành tràn đầy chất nghệ sỹ trong trường  thiên anh hùng ca chiến trận sông nước thiên nhiên. Rõ ràng, yếu tố hiện thực đã được nghệ sỹ hóa tràn đầy chất thơ kiêu dũng. Và chính vì vậy tạo ra sức hút cho người đọc và sự khác biệt của Nguyễn Tuân.
Con người thông minh, dũng cảm và nghệ sĩ.
Cuộc sống của người lái đò sông Đà là một cuộc chiến đấu giành giật sự cái sống từ tay tử thần rình rập nơi những con thác luôn ẩn tàng nỗi hiểm nguy. Vẻ đẹp dữ dội này trong phẩm chất  người lái đò, được nhà văn tập trung bút lực miêu tả qua những tình tiết vượt thác. Thông qua những tình tiết này, Nguyễn Tuân đã dựng lên hình ảnh tài hoa nghệ sỹ chan hòa xuyên thấm vào với vẻ đẹp kiêu hùng của  hình ảnh chiến sỹ. Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò gắn sự tài ba dũng mãnh của một vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm thủy chiến. và đồng thời song hành với  bản lĩnh chiến đấu, tinh thần dũng cảm phi thường. Xuôi theo dòng văn, người đọc cảm nhận rất rõ nét hình ảnh người lái đò lúc nào cũng ngạo nghễ vươn lên trên cái nền thiên nhiên hung dữ ghê rợn. Thiên nhiên ác hiểm cố nhấn chìm số phận của con người, dập vùi họ đẩy họ đến chỗ chết, nhưng con người luôn quật cường và chiến thắng không chỉ bằng cơ bắp mà bằng cả trí tuệ bằng tình yêu công việc, nhờ đó hình ảnh được khắc họa trở lên tỏa sáng, sừng sững.
Ở trùng vây thứ nhất, ông lái đò xung trận với khí thế nghênh chiến quyết thắng: “Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới”. Cảnh hỗn chiến ác liệt diễn ra. Những hòn đá “bệ vệ oai phong lẫm liệt" được nước thác” reo hò làm thanh viện” chúng liều mạng xông vào mà “đá trái” mà “thúc gối vào bụng và hông thuyền… Có lúc chúng đội cả thuyền lên”. Nguy hiểm là vậy nhưng ông lái đò vẫn bình tĩnh “hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng”. Ngay cả lúc bị con thủy quái này đánh miếng đòn hiểm nhất “bóp chặt lấy hạ bộ” đau điếng nhưng vị thuyền trưởng vẫn “hai chân vẫn kẹp lấy cuống lái” dù mặt méo bệch vì đau đớn nhưng tiếng chỉ huy của ông vẫn sắc lạnh, tỉnh táo, đưa con thuyền thoát khỏi nguy hiểm.
Trùng vây thứ hai  vô cùng hiểm trở, bố trí nhiều cửa tử hơn: “Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá”. Ông lái đò bắt đầu cuộc tấn công bằng cách “nắm chặt được cái bờm sóng đúng luồng rồi” ông cho con thuyền “phóng nhanh vào cửa sinh mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Bọn tướng đá, đứa thì “ông tránh mà rảo bơi chèo lên”, đứa thì bị “ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Cuối cùng ông thắng còn bọn đá tướng thất bại thảm hại đưa cái mặt “tiu nghỉu, xanh lè thất vọng”.
Trùng vây thứ ba là một không gian của trận địa tiêu diệt đối phương: bên phải bên trái đều là “luồng chết cả”. Bên cạnh đó là cahs thức bố phòng tấn công như trong chiến trận: “bọn đá hậu vệ” canh cửa hòng “bắt chết” cái thuyền. Trên cái phông nền chiến trận cẩn mật và đầy thách thức ấy, Ông lái đò hiện dậy như vị tướng cầm quân với chiến thuật tài ba. Ông  mưu trí “phóng thẳng con thuyền”, “chọc thủng” trùng vây rồi “vút qua cổng đá cánh mở cánh khép”. Chiếc thuyền như một mũi tên tre “vút, vút” xuyên nhanh qua hơi nước. Chiến thắng!
Dường như tác giả tập trung cao độ bút lực vào đoạn văn này. Những ẩn dụ, so sánh, nhân hóa được tác giả sử dụng sáng tạo gợi lên cảm giác mãnh liệt đầy ấn tượng. Cảnh vượt thác là bài ca chiến trận hào hùng. Nguyễn Tuân đã tung ra một đội quân ngôn ngữ thật hùng hậu, đa dạng, biến ảo thần kì với liên tục những phép tu từ vô cùng sinh động: so sánh ngầm, nhân hóa , cường điệu … Câu chữ tuôn chảy ào ạt, điệp điệp trùng trùng tạo ra  một bức tranh chiến trận hoành tráng về không gian, ấn tượng về hình ảnh hiểm nguy, gay cấn về tình huống… Kết hợp với phong cách sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật, trong đoạn viết này Nguyễn Tuân đã cho thấy cách viết của ông như kịch bản phim và qua bàn tay đạo diễn, nó tạo ra sự  sống động hồi hộp âu lo, thán phục… với biết bao cảm xúc nở trong lòng người đọc. Cuộc vượt thác thật ngoạn mục tưởng như không cân sức khi lâm trận, nhưng cuối cùng phần thắng đã thuộc về con người nhờ sự thông minh và dũng cảm. Và từ đó, một hình ảnh bừng sáng: ông lái đò oai phong lẫm liệt như một vị danh tướng, trí dũng song toàn, quyết liệt và quyết đoán, uyển chuyển linh hoạt như một nghệ sỹ xử lý tình huống với trái tim khát khao chinh phục… đã lập thành hào quang chiến thắng.
2.2.3. Con người bình dị, phong thái ung dung
Đối với người lái đò, hiểm nguy trên dòng sông cũng chính là một phần trong cuộc sống  thường nhật của ông, được ông chấp nhận  như một tất yếu ; tác giả đã làm cho hình ảnh người lái đò lấp lánh hơn, giàu chất nghệ sĩ hơn từ công việc đối mặt với hiểm nguy đã trở thành bình thường. Khi vượt qua gian nguy, “sóng nước lại tan xèo xèo trong trí nhớ, sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam, và tòan bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh … Cũng chẳng thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua”.  Đoạn  viết về đêm hang đá tràn ngập chất trữ tình bên lửa cháy và có cả những câu chuyện đời thường ở quá khứ ở phía trước nhưng tuyệt nhiên không có hồi ức về hiểm nguy mà tất cả đều lãng mạn ngọt ngào. Điều ấy như một thứ khí chất, một tính cách cấu thành con người ông lái. Nó khác biệt với người bình thường mỗi khi đối mặt nguy hiểm vẫn phải toan tính âu lo; và khi vượt qua rồi vẫn cảm thấy bất an vẫn hồi hộp mỗi khi nhớ về. Và tụ lại trong con người ông lái một phẩm chất kép: phong thái nghệ sỹ ung dung bình dị và tính cách người anh hùng sông nước oai phong. Con người mà trái tim nghệ sỹ đập thầm lặng nhưng mạnh mẽ trong cơ thể thép, ý chí thép.
3. Phương thức thể hiện nhân vật của Nguyễn Tuân
Trong tác phẩm của Nguyễn Tuân nói chung và tác phẩm “Người lái đò sông Đà” nói riêng, như đã phân tích ở trên ta thấy ông thường sử dụng một số phương thức thể hiện nhân vật như sau:
3.1. Cách tiếp cận con người ở phương diện tài hoa nghệ sỹ
Dù là miêu tả ngoại hình , hành động hay biểu hiện nội tâm nhân vật, ông đều có cái nhìn tinh tế, tài hoa của một nghệ sĩ yêu cái đẹp phi thường, khác lạ mà không quên tính chân thật của đối tượng trong hoàn cảnh thực tế cuộc sống của nó. Vì thế ông lái đò hiện ra vừa rất gần gũi, chân thật vừa phi thường, hùng dũng.
3.2. Các thủ pháp nghệ thuật chủ yếu
 Sử dụng thủ pháp nghệ thuật tương phản, đối lập như miêu tả hai tính cách đối lập của sông Đà hay hình ảnh ông lai đò với những kiểu con người đa dạng: vừa tài hoa nghệ sĩ, vừa dung dị đời thường.
Thủ pháp lý tưởng hóa, phi thường hóa nhân vật: nhân vật của ông dù thuộc loại nào thì cũng đều trở thành một nghệ sĩ biệt tài trong ngành nghề của mình. Ông lái đò trên sông Đà cũng vậy.
Thủ pháp so sánh liên tưởng đầy chất thơ và chất triết lý
3.3. Đặt nhân vật trong hoàn cảnh, môi trường có tính điển hình: như đặt một ông lão ở tuổi 70 chứ không phải là một thanh niên trai tráng vạm vỡ giữa một không gian thiên nhiên sông Đà đầy hung bạo dữ tợn như thế. Con người vì thế hiện ra càng trở nên hùng vỹ và để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc.
4.  Ý nghĩa của hình tượng người lái đò sông Đà
Văn chương phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Ðặc điểm cơ bản của hình tượng văn chương là sự thống nhất giữa tính cá biệt, cụ thể và khái quát. Và vì điển hình là khái niệm xác định chất lượng hình tượng, cho nên một hình tượng văn chương có tính khái quát cao và tính cụ thể đến mức độc đáo thì hình tượng trong đó trở thành điển hình. Soi chiếu vào thực tiễn “Người lái đò sông Đà” có thể đánh giá Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công một  hình tượng điển hình.
Người lái đò trước hết đã thể hiện cái “cá biệt” rất rõ nét, đó là một con người cụ thể làm nghề lái đò chuyên vượt thác sông Đà ở Lai Châu. Hoạt động của nhân vật trong không gian, thời gian xác định với những hành động suy nghĩ rất riêng, không trộn lẫn.
Tuy nhiên, bối cảnh viết truyện vào năm 1958, xu thế văn học hiện thực XHCN giai đoạn này đang tập trung vào chủ đề xây dựng cuộc sống mới và con người mới. Ngòi bút văn chương của Nguyễn Tuân đã rất tinh tế khi xây dựng được một điển hình về con người mới âm thầm tồn tại lao động chống lại thiên nhiên hung dữ mưu sinh và tô đẹp cuộc sống. Chính vậy, hình ảnh Ông lái  đã mang tính phổ quát, để trở thành hình tượng điển hình. Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân là con người vô danh, nhưng ông thực sự đáng tôn vinh, vì có những phẩm chất của con người lao động chân chính. Và vẻ đẹp của con người lao động, con người vô danh được coi là khám phá của Nguyễn Tuân khi viết về cuộc sống mới, con người mới. Qua hình tượng nhân vật trong tác phẩm có thể hình dung trên các miền đất thiên nhiên hung dữ có hàng nghìn hàng vạn những con người quả cảm và nghệ sỹ như người lái đò dòng sông cuối trời Tây Băc, họ có mặt  sống và chiến đấu trên khắp mọi vùng đất tổ quốc Việt Nam.
Đó cũng là những con người được khắc họa trong “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi : Dì Tư béo, Ông lão bán rắn, Phường săn cá sấu; Và cũng là những con người như: Chín Kiên, ông Sáu già trong “Rừng U Minh” của Nguyễn Văn Bổng… họ đã đối mặt với thiên nhiên hung dữ, tận dụng sức mạnh thiên nhiên làm lên cuộc sống và tham gia chiến đấu chống kẻ thù ở miền Nam giai đoạn này. Với văn học nước ngoài, Người lái đò sông Đà có những nét tương đồng với  nhân vật ông già đánh cá trong “Ông già và biển cả” của Hêminguây và hàng loạt những nhân vật đấu tranh sinh tồn trong các chuyện ngắn của  Jăc Lơn-đơn.
Sáng tạo hình tượng  người lái đò, Nguyễn Tuân đã thể hiện thái độ yêu mến, tự hào và cảm phục trước những con người lao động bình dị nhưng tiềm ẩn “chất vàng mười” quí giá của Tổ quốc và vùng Tây Bắc. Cũng bằng hình tượng nhân vật người lái đò, Nguyễn Tuân đã mang đến thông điệp : chủ nghĩa anh hùng đâu phải tìm kiếm đâu xa, nó có ngay trong cuộc sống đời thường ở những vùng khuất lấp. Và những người bình dị có trí dũng tài ba họ có thể tạo hình tạc mẫu cho nghệ thuật văn chương.
Tóm lại, ta nhận thấy rằng Nguyễn Tuân đã có cái nhìn nghệ thuật rất đa dạng và sâu sắc về con người. Có thể nói, chỉ với nhân vật ông lão lái đò trên sông Đà mà người đọc có thể hình dung sâu sắc về những con người lao động mới trên mọi miền quê hương đất nước chứ không riêng gì miền Tây Bắc. Bởi ở ông hội tụ mọi nét đẹp của con người yêu lao động, yêu cuộc sống tự do và gắn bó tha thiết, hài hòa với thiên nhiên, non nước. Qua đó, ta thấy Nguyễn Tuân yêu con người theo cách riêng của mình, ông nhìn nhận, đánh giá họ theo quan niệm và phong cách sống của mình. Vẫn trung thành với phong cách “Ngông” đầy ngạo nghễ, vẫn tôn thờ cái đẹp trong sự khác người nhưng hình ảnh con người trong sáng tác của ông hiện lên vẫn rất đời thường, dung dị mà đẹp đến lạ lùng. Nói như nhà phê bình Phong Lê trên Tạp chí Sông Hương số 257: “Nguyễn Tuân – người đến được với cái đẹp và cái thật”






Tài liệu tham khảo
1. Từ điển văn học bộ mới (2003), Nxb Thế Giới, HN.
2. Nhà văn hiện đại; Quyển 3; Nxb. Tân Dân; 1943.
3. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên), (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo Dục, HN.
4. Tôn Thảo Miên (2002), Nguyễn Tuân – Tác phẩm và dư luận, Nxb Văn Học, HN.
5. Tôn Thảo Miên (2007), Nguyễn Tuân – Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo Dục, HN.
6. Trần Đình Sử (2008), Ngữ văn 12 – Nâng Cao, Tập Một, Nxb Giáo dục, HN
7. Nguyễn Tuân (1940), Vang bóng một thời, tập truyện ngắn, Nxb. Tân Dân, HN.
Các trang web:
3. http: //www.tapchisonghuong.com.vn


Không có nhận xét nào: