Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Ngôn ngữ thân thể trong tiểu thuyết "Mẫu Thượng Ngàn" của Nguyễn Xuân Khánh



 


Thân thể không còn là phạm trù của phàm tục, tội lỗi phải che dấu mà được biểu hiện tự nhiên, kiêu hãnh. Có lúc thân thể trở thành ngôn ngữ của đọa đầy, trừng phạt, có lúc trở thành ngôn ngữ phản kháng, cự tuyệt và hy sinh, nhưng phần nhiều trở thành ngôn ngữ của sự thân mật, thức tỉnh, giải phóng và của vẻ đẹp trần gian. Ngôn ngữ thân thể được khai thác một cách mạnh bạo và đầy hấp dẫn trong văn học hiện đại Việt Nam đặc biệt từ sau 1986 đến nay.

Bản thân mỗi nhà văn, tùy theo tạng và sự chiêm nghiệm cuộc sống mà có thể khai thác những khía cạnh khác nhau trong “vỉa tầng” ngôn ngữ thân thể để phục vụ chủ đề tác phẩm. Đọc Mẫu thượng ngàn, ta nhận thấy yếu tố thân thể con người, đặc biệt là thân thể người phụ nữ đã làm thành nét đậm nổi trên trang văn Nguyễn Xuân Khánh. Đó là hiện tượng độc đáo hợp quy luật phát triển của tư duy tiểu thuyết hiện đại.
Quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ thân thể trong sáng tác văn học, GS. Trần Đình Sử đã có bài viết “Ngôn ngữ thân thể - một phương diện văn hóa”  (Trường hợp Bích Khê) [10]. Theo tác giả, thân thể tự nó là một ngôn ngữ giao tiếp. Trong đời sống, thân thể (đầu, tóc, chân, tay, mắt, mũi, miệng, trái tim, cơ quan sinh dục…), cùng mọi động tác, cảm giác của thân thể (đi, chạy, cắn, hôn, đau, nhức…) đều có thể là ngôn ngữ giao tiếp của con người. Ngoài thân thể trực tiếp, toàn thể vũ trụ, thiên nhiên, đồ vật cũng trở thành thân thể gián tiếp của con người và cũng trở thành ngôn ngữ giao tiếp thông qua các ẩn dụ, nhân hóa. “Đối với văn học, thân thể là thân thể sống, nhưng không giản đơn là thân xác, xác thịt. Xem thân thể chỉ là xác thịt, có nghĩa là thu hẹp nó, tầm thường hóa nó. Trong con người sống, thân thể thấm nhuần tâm hồn. Chỉ xác thịt không phải là thân thể người, tính dục cũng không phải là thân thể người. Chỉ có cảm xúc tâm hồn mới biến thân thể thành ngôn ngữ”.

Trong văn học trung đại, việc miêu tả vẻ đẹp thân thể thường mang tính ước lệ: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”, hoặc “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Các tác giả không miêu tả thân thể trực diện mà hay sử dụng cách nói bóng gió: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà / Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” (Nguyễn Du). Nhiều khi lại được ngụy trang bằng những ẩn dụ kín đáo: “Đôi gò bòng đảo sương còn ngậm / Một lạch đào nguyên suối chửa thông” (Hồ Xuân Hương).

Trong Mẫu thượng ngàn, khi xây dựng những nhân vật nữ, Nguyễn Xuân Khánh đã thường xuyên sử dụng ngôn ngữ thân thể để làm toát lên vẻ đẹp của họ. Mỗi người một vẻ, nhưng tất cả đều căng tràn sức sống. Họ là biểu tượng cho vẻ đẹp cứu rỗi. Cô Ngát (Tổ cô) mang vẻ đẹp thánh thiện, hoàn mỹ: “… đôi mắt to và dài. Đôi môi mỏng, không tô điểm mà vẫn đỏ đắn. Cái mũi dọc dừa xinh xinh, vóc dáng thắt đáy lưng ong. Trông bà ta như một bức tranh tố nữ màu, một thứ màu sắc đạm bạc, nền nã nhưng nổi bật” [8, tr.108]. Cô bé Nhụ ở cái tuổi “chum chúm núm cau” mang vẻ đẹp trinh khiết vô ngần, vẻ đẹp của con nai tơ mới lớn, “tiếng cười lanh canh như pha lê” [8, tr.12], “tấm lưng trần trắng muốt” [8, tr.639]. Cô mõ Hoa khốn khổ là mẫu hình của một giai nhân phương Đông: “Cô có khuôn mặt tròn vành vạnh như trăng rằm. Môi chẳng tô son mà sao đỏ thế. Đôi lông mày không to không nhỏ, mịn màng, đen láy, hơi cong cong… Hoa là người hễ có mặt ở đâu là nơi ấy tươi tắn hẳn lên” [8, tr.649-950]…
Viết về những người phụ nữ, Nguyễn Xuân Khánh đặc biệt chú ý tới hình ảnh đôi vú và làn da. Với hình tượng , tác giả muốn ca ngợi vẻ đẹp tràn đầy chất phồn thực ở họ. Cô Ngơ với “đôi vú quá cỡ làm chiếc yếm luôn hếch ra, làm đôi vú thường nửa kín, nửa hở” [8, tr.159-160], “cái vú vừa to, vừa dài, giống quả mít không có gai. Quả mít trắng núng nính” [8, tr.161]. Hai cái vú bánh dày xinh đẹp, đồng trinh của Nhụ đã khiến Julien thèm khát và nổi cơn thú tính. Dưới ánh trăng, đôi vú ngọc ngà của thím Pháo đã lay động tâm hồn cằn cỗi của ông hộ Hiếu, làm cho cuộc tình của hai sinh linh côi cút càng thêm nhiều dư vị… Qua hình ảnh vú, nhà văn cũng muốn khẳng định thiên chức duy trì, bảo tồn và tái sinh sự sống của người phụ nữ. Đôi vú người đàn bà đầy ắp tình thương yêu đã ban tặng sự sống cho những thân phận đang mòn mỏi lụi tàn (ba Váy dành cho Lý Cỏn, bà Tổ cô dành cho trưởng Cam, thím Pháo dành cho Hộ Hiếu…). Đó là cái bản năng mang tính Mẫu được kết tinh trong mỗi người vợ, người mẹ Việt Nam.
Trong Mẫu thượng ngàn, thân thể hiện ra trong tất cả vẻ đẹp tự nhiên, đầy cám dỗ. Nó có sức gợi tình, sức thôi miên mãnh liệt. Trên nhiều trang văn, thân thể gắn liền với cảm xúc dục tình đã được tác giả miêu tả một cách tươi rói. Người đọc khó có thể hình dung được cha đẻ của những dòng viết ấy lại là một ông lão đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Trong cảm nhận của người Tây Âu, người đàn bà Việt sở hữu một làn da và một thân hình kỳ diệu. “Làn da ấy đặc biệt không thô, nó mịn màng, mát dịu khi ta chạm tay vào. Đó là thứ da dẻ luôn mời mọc ta ve vuốt. Thân hình của họ tuy bé nhỏ nhưng chắc và lẳn, một thứ thân hình hài hòa đầy sức bật, sức sống, hứa hẹn những thú vui không biết mệt mỏi. Trên giường ngủ họ quấn quýt, quằn quại như hút chặt lấy ta, cho cảm giác như một con trăn nhẹ nhàng quấn tròn lấy ta trong nhịp giao hoan” [8, tr.355]. Thân thể người phụ nữ với vẻ đẹp ban sơ đã tạo ra sức chinh phục nam tính. Cái làn da trinh bạch của Nhụ được tắm tưới bởi ánh trăng đã khiến Điều như cuồng dại. Lý Cỏn mê mẩn ba Váy bởi “cái mặt xinh xinh đôn hậu, khoái ở cái làn da trắng bóc, trắng nhễ nhại, trắng hồng hào” [8, tr.575]. Tẻo trong cơn hấp hối vẫn không thôi đắm đuối trước vẻ đẹp của Mùi: “Cái thân xác trắng ngát, mĩ miều… lồ lộ… lấp loáng trong ánh đèn dầu lạc” [8, tr.252].
Thân thể không đơn giản là xác thịt mà còn chứa đựng cả cảm xúc, tâm hồn. Nó mang trong mình sức sống và có thể cảm hóa con người. Là một người có “máu lạnh”, đầu óc thực tế, nhưng trải qua những cuộc tình với người đàn bà bản xứ, đã có những phút giây Julien trở về với lương tri. “Cái đó kích thích tôi, thu hút tôi. Phải chăng vì da thịt thơm tho? Một mùi thơm thiên nhiên. Nó man mác như mùi hoa phong lan rừng ban đêm. Phải chăng còn vì thân hình bé nhỏ như búp bê của họ? Đó là thứ búp bê dai dẳng. Cảm giác lúc ấy là thứ cảm giác chặt chẽ, nó xiết lấy ta làm cho ta ngộp thở. Ta bỗng trở nên nhỏ bé lại, đúng, ta bỗng trở nên chú bé tí hon. Ta thăm thẳm chuồi vào ấu thơ… Và tôi cảm thấy thán phục họ, người đàn bà bản xứ. Cái sinh vật nhỏ thó xinh xinh ấy lấy đâu ra mà tràn trề sinh lực thế nhỉ?” [8, tr.720]. Philippe là một người bản lĩnh, khôn khéo trong cách ứng xử và thông minh trong việc định hoạch công việc. Ân ái với người đàn bà xứ Đông Dương, ông luôn khao khát được hưởng niềm hoan lạc trọn vẹn. Mùi đã mang lại cho Philippe cảm giác đó. Ông đã nhận ra cái hấp lực diệu kỳ từ đồng cô làng Đình: “Da thịt Mùi thì thơm. Mớ tóc dài thì ngan ngát hắc. Hố nách Mùi thì ngầy ngậy. Vú của Mùi lại thơm và ngọt. Bụng của Mùi là tổng hợp của những mùi vị đó, thêm vào cái ngai ngái nồng nàn, mời gọi âu yếm. Hắn lim dim mắt để cái ngai ngái ấy bò dần trong mũi, kính thích những vùng não bộ tối mò nhất trong hắn gọi chúng thức dậy” [8, tr.383]. Toàn thân Mùi như một đóa hoa đêm mang thứ hương vị tình ái phương Đông đã biến Philippe từ một gã Conquistador (kẻ chinh phục) trở thành một con người hòa ái. Nguyễn Xuân Khánh đã khai thác triệt để con người tự nhiên, bản năng để chuyển tải tư tưởng của mình: vẻ đẹp, sức quyến rũ của người đàn bà là hình ảnh tượng tưng cho “sức sống Việt, Dân tộc Việt, con người đất Việt”.
Ngôn ngữ thân thể trong Mẫu thượng ngàn mang tính chất lưỡng tính, vừa là thân thể, vừa là tâm hồn, “là sự thể nghiệm tâm hồn thân thể hóa”. Nó đã giúp nhà văn nhìn ra vẻ đẹp trần gian nơi con người. Và đặc biệt, trong nó còn ẩn chìm cái bề sâu của nền văn hóa Việt tràn đầy sức sống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Thị An (2007), “Sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn”, Tạp chí Văn học,(6), tr.27-47.
2. Đoàn Ánh Dương (2010), “Tự sự hậu thực dân: lịch sử và huyền thoại trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh”, Tạp chí Văn học, (9), tr.27-47.
3. Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
4. Đỗ Hải Ninh (2009), “Quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh”, Tạp chí Văn học, (2), tr.48-57.
5. Trần Đình Sử, “Ngôn ngữ thân thể - một phương diện văn hoá (trường hợp Bích Khê)”, www.bichkhe.org.
6. Chu Minh Vũ, “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: đề cập đến nhục cảm không có gì là xấu”, www.vietbao.vn,21/07/2006.


Không có nhận xét nào: