Chu Mộng Long – Chính xác là Phê bình chỉ điểm chứ không phải Phê bình kiểm dịch như GS. Trần Đình Sử nói, vì kiểm dịch có thể bị nhầm do
thiểu năng chứ chưa hẳn đã mang tâm địa xấu xa. Không có cách gọi nào chính xác
hơn cho lối phê bình cố tình hại người là Phê bình chỉ điểm. Khái niệm này nghe
tởm lợm nên người ta né tránh không dám dùng. Bọn chỉ điểm, dù ở thời nào, chỉ
điểm về việc gì, luôn bị khinh bỉ, không đáng tin, vì chúng lá mặt lá trái, vu
oan giá họa và giết người một cách gián tiếp.
Phạm Xuân Nguyên và "Phê bình chỉ điểm" |
Giờ thì quay lại chuyện Nhã Thuyên, đến lúc kết thúc trò chơi giả hình của chúng được rồi. Bọn Mở mồm Mở miệng nào đó không biết có phản động hay không, nhưng cách viết phê bình chỉ điểm vừa rồi rõ ràng đã cố tình quảng bá cho sự phản động, gây hoang mang dư luận, kích động sự thù hằn, nghi kị, gây chia rẽ xung đột, bất an, phá hoại an ninh quốc gia.
Tệ hơn, cái bài thơ của Lý Đợi Lý Chờ nào đó dùng đại từ “chúng nó” để chỉ bọn giả hình mà ông Thỉnh đọc oang oang, đay đi nghiến lại từ “chúng nó” rồi cả bọn hùa nhau quy “chúng nó” cho vị Cha già kính yêu của dân tộc. Đại từ “chúng nó” (số nhiều) làm sao lại chỉ Hồ Chí Minh được mà cố tình xuyên tạc, nếu không phải chính bọn lá mặt lá trái này mượn cớ để xúc phạm Bác Hồ?
Nói thật, cái bài thơ ấy chẳng có gì hay,
đáng là mớ “giấy vụn”, chẳng có gì là thơ cả, cũng chẳng “giải thiêng” ở chỗ
nào, vì đại từ “chúng nó” ám chỉ những kẻ giả hình núp bóng thì “thiêng” ở đâu
mà “giải”. Hay ông Lưu, ông Thỉnh tự cho rằng mình “thiêng” như thánh như thần?
Nếu Mở miệng Mở mồm chỉ có loại thơ thế này thì đó chỉ là Dế Mèn của Tô Hoài tập làm người lớn, lén lút (vì chấp nhận đứng ở vỉa hè) phá phách cho vui để giải tỏa kìm nén, chứ “nổi loạn” nỗi gì, kể cả “nổi loạn để sáng tạo” như trào lưu Phục Hưng, chủ nghĩa Hiện Đại hay Hậu hiện đại. Nó đã không có tiếng vang, phê bình chỉ điểm lại nhân đủ các loại danh thổi lên cho nó vang, chẳng phải cố tình gây náo loạn ư?
Nổi loạn để sáng tạo trong tuyên ngôn của nhóm Thanh Tâm Tuyền trước đây chỉ là đột phá vào bức tường kiên cố của sự bảo thủ, già cỗi, lạc hậu, giáo điều, và chẳng lẽ nó đã lật đổ chính quyền miền Nam. Tư tưởng này có từ thời Phục Hưng với nhu cầu thay đổi văn hóa, thẩm mĩ, giải phóng cái tôi cá nhân chứ lật đổ được ai đâu mà sợ hãi hét toáng lên, rằng có âm mưu lật đổ, lật đổ?
Nếu trong luận văn, Nhã Thuyên có cho những bài thơ “rác” như trên là những bài thơ “giải thiêng” thứ thiệt thì cũng đáng phạt vì đã hiểu không đúng nghĩa của thuật ngữ “giải thiêng” trong sáng tạo và nghiên cứu khoa học.
Giải thiêng hay giải huyền trong nghĩa tử tế về sau của Chủ nghĩa Hậu hiện đại là gạt bỏ lớp mây huyền ảo huyễn hoặc để tìm kiếm sự thật và cuối cùng đi đến sự tôn trọng những khác biệt, chấp nhận một thế giới đa thanh chứ không phải độc quyền tiếng nói để hạ bệ, xúc phạm như những phản ứng cực đoan của buổi ban đầu.
Chu Giang Nguyễn Văn Lưu |
Văn Chinh có quyền “kính trời xanh”, kính
luôn cả những ông tự xưng trời con (thiên tử) thì đó là quyền của ông, còn
không tin Trời hay Chúa cứu loài người thì đó là quyền của thiên hạ chứ không
thể bắt mọi người phải tin như ông. Người ta có quyền cảnh giác vì có ngày
chính các ông soán ngôi tự xưng thiên tử thì thiên hạ trở thành vật tế thần như
lịch sử đã chứng minh!
Câu chuyện phản ứng cực đoan của Mở mồm Mở miệng nào đó là một hiện tượng có thật, nhưng đã qua rồi (giống như tức khí thì văng tục để xả), giới hàn lâm cần nghiên cứu để hiểu sâu một hiện tượng tâm lí thời hậu hiện đại, các ông nhân danh các loại danh bới lại và banh ra làm to chuyện lên há chẳng phải tự mình gây nguy hiểm cho chính mình và làm ô nhiễm môi trường xung quanh?
Phê bình chỉ điểm hoàn toàn tác dụng ngược và trò quảng bá vừa rồi của báo chí thật là phản tuyên truyền đúng như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã chỉ ra! Muốn đối thoại vui vẻ, cởi mở với những kẻ mang tâm địa chỉ điểm này cũng bằng thừa, đến lúc mọi người phải cùng nhau vạch mặt chúng để trả lại sự trong sáng, bình yên cho đời sống cộng đồng, giữ vững an ninh chính trị của quốc gia.
Nếu có những kẻ lợi dụng tự do dân chủ để làm loạn thì ngược lại cũng có những kẻ giả hình núp bóng, thao túng công quyền gây rối để hại dân, hại nước!
Cái trò lu loa của lối phê bình chỉ điểm trên báo quốc doanh vừa rồi chẳng phải đã khơi mào cho bọn thù địch lợi dụng khoét sâu vào vết thương Nhân văn giai phẩm một thời ư?
Nhà nước phải hết sức thận trọng và cảnh
giác với loại Phê bình chỉ điểm này! Và có lẽ đến lúc nên xử lí vài tên để làm
gương!
Chuyện Mở mồm Mở miệng nào đó nổi loạn để lật đổ chỉ là huyền thoại xa vời, hoang tưởng do Phê bình chỉ điểm bơm lên; trong khi cô giáo Nhã Thuyên bị đuổi việc, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bình bị cách chức không cần thủ tục pháp lí, các trí thức chân chính khác bị đe dọa là sự thật không thể chối cãi!
Buôn Mê 31/07/2013
CHU MỘNG LONG blog
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét