1.
Tỷ dụ là Hồ Xuân Hương
có và tất cả các tác phẩm năm cha và ba mẹ [1] người ta
gán cho nàng đều của nàng thì, để bắt đầu, người ta có thể nói rằng mọi vật
trong thơ nàng đều chảy nước. Quả mít chín cây cũng như những núi đá. Nước có
thể nhiều. Khi thì nước tăn teo như sắp cạn. Ngần ấy nước
tuy nhiên đều là nước ở trong ta. Có một dòng thông chảy
giữa trong và ngoài sự vật. Lượng của nước tuỳ sự thông nhau ấy. Sự thông nhau
càng lớn, nước càng to, cái vui của thi sĩ càng nhiều. Và giữa một vùng nước
lộn trời thì cái vui ấy, tới cùng độ, được gọi là cực lạc:
Một
vũng tang thương nước lộn trời.
Bể ải nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười!
Bể ải nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười!
Nước cực lạc ấy của nguồn ân và bể ái chứa chan, là nước
rất nhiệm mầu. Khôn tát cạn và cũng như ái và ân nó ở lòng mọi vật trào ra.
Hạnh phúc nó cho là của những tấm lòng son đầy và mở, khi, giữa ngoài và trong,
ly gián không còn nữa, tất cả chiều sâu rào rạt lộ ra ngoài. Lẽ dĩ nhiên không
phải nước nào cũng cho hạnh phúc. Có nước nhiệm mầu thì cũng có nước mỉa mai.
Nó rơi lõm bõm. Nó vỗ tông tông. Ấy là nước hang
nghĩa là nước rỗng của những hò đá rỗng. Khi thì nước chết. Trông nó như vẽ. Và
nó trắng xoá và nó phẳng lặng tờ. Mặt phẳng
kín ấy, tẻ nhạt và có mầu trắng bạc như vôi, là của một thế giới
nghèo lòng đã như khoá trái. Nhưng nước nào thì nước và cả sự thiếu nước nữa
cũng nhắc đến một chiều sâu. Và tất cả xảy ra như trong Hồ Xuân Hương mọi vật
đều giữ một nguồn nước ẩn. Như tấm lòng son của cái bánh
trôi là một kết-tinh-thể của đào nguyên.
Một tầng nước, một tầng thịt, và một tấm lòng son ở cuối.
Thơ Hồ Xuân Hương mời người ta vào một thực-thể địa-tầng luận. Càng vào sâu thì
thực thể càng đặc, càng chắc và càng nặng. Và tấm lòng son ấy chỉ là thực-thể ở
mật độ tuyệt đối. Một khối nhỏ. Nhưng son của nó chẳng bao giờ thôi. Ở giữa
lòng thực thể nó là cái nguồn không thể nào vơi của thực thể. Và nó có thì cái
bánh trôi, rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, mới vẫn còn là cái bánh
trôi. Hay nói một cách khó nghe hơn thì căn bản của mọi vật ở lòng của
chúng.
Mà đã có lòng thì chúng có vỏ. Sự phân biệt ấy có lạ gì!
Thói thường coi vỏ là thứ bỏ đi và người ta vẫn nghĩ rằng chỉ những cái ở trong
mới thật đáng kể. Chẳng hạn một tâm hồn đẹp có thể chuộc lại cả một đời khốn
nạn, và người ta có thể làm như mọi người, xu thời, yên phận và gật đầu nhận
tất cả những tàn bạo, những áp bức, những oan khổ của đời, miễn là ở trong
người ta vẫn khác đời và, như người ta nói, mình lại biết mình là được. Có một
cái lòng để sống như thế thật sướng biết mấy! Ấy là cách sống có lề, có lối, có
gói và két ở băng của những người biết sống, một thì có gái để chơi, một thì
vẫn giữ vợ ở nhà để trọng, để quý, để chiều và truyền cho đời sau gia tài và
cái nòi biết sống của mình. Nhưng tiếc thay Hồ Xuân Hương không biết sống như
thế! Lẽ dĩ nhiên thơ nàng cũng có sự đổi nhau giữa ngoài và trong. Ấy là thể và
phần của tất cả những xuyên tạc. Sau những xuyên tạc ấy tuy nhiên, Hồ Xuân
Hương tin là vẫn có, trường tồn, một cái nhân nguyên uỷ. Nhưng mộng của nàng là
làm thế nào cho cái nhân ấy được giải phóng. Thơ nàng không là thơ của những
cuộc đời đã tháo lui vào thế giới ở trong. Nàng không ca ngợi nội tâm, như
người ta ca ngợi chữ trinh còn lại của Thuý Kiều, là cái két tự để dành của
những tâm hồn chọn lọc. Mà nói đến nội tâm, trong thơ nàng, như một sự sống
cũng không thể. Cái ở trong còn ở trong thì sống chỉ là sống tù, sống mượn,
sống giả. Và Hồ Xuân Hương đòi người ta sống theo lòng mình nghĩa là sống tự
do, sống mở và sống cho cũng như, để có cái biết thực trong thâm tình của mọi
vật, nàng đòi người ta xé vỏ chúng. Thơ nàng không ngừng tố giác những xuyên
tạc của ngoại thể và đạo lý của nàng không là cái đạo lý khôn ngoan của những
người mượn cái tốt ở trong để minh oan cho cái xấu ở ngoài. Mà nàng cũng không
so cái tốt ở ngoài và cái xấu ở trong để, một lần nữa, như tất cả mọi người,
nguyền rủa những đồ rẻ cùi nhưng đẹp mã. Xấu và tốt, những thứ loại của cái đạo
lý xã hội, đã mất nghĩa. Chỉ có một cái xấu. Là cái hoạ của những đời không
thực, khi, trong và ngoài gián đoạn, người ta, chẳng biết lòng mình đâu và chỗ
nào là lòng mọi vật, đành sống điêu trên một thế giới xa nguồn.
2.
Cái bánh trôi thì trái lại vẫn giữ tấm lòng son của
nó. Mà nó không giấu, mà nó vẫn khoe, và thế nghĩa là, rắn nát mặc dầu
tay kẻ nặn, nó và lòng của nó vẫn là một. Hạnh phúc của nó là không có bí
mật và được lội và nổi và chìm trong nước
ngọt và nhiều. Chìm và nổi lẽ dĩ nhiên chỉ là những kiểu nói trái. Và ai cũng
biết rằng cuộc trầm luân ấy của cái bánh trôi là một cuộc tắm mình giữa một
dòng cực lạc mà ngay nó lại là nguồn.
Có một Hồ Xuân Hương trèo thì cũng có
một Hồ Xuân Hương bơi. Nhưng trèo là đi ngược chiều đá nổi sóng mà bơi là để
mình xuôi theo một dòng lành. Ấy là một chuyến thuỷ-du nhiệm-màu. Lâng-lâng
êm-ái và rất nhẹ nhàng, không cần một cố gắng nào, tự nhiên người ta
thấy mình ở giữa vùng cực lạc. Cực lạc không tìm cũng gặp. Tại nó chỉ là cực
lạc của lòng mình. Mình lại trùng với mình. Nhưng mình trùng với mình ở giữa
lòng thế giới. Tại thế giới đầy và giầu nên lòng người ta giầu và đầy. Và ngược
lại thế giới đến người ta nhiều như chim đến vườn đào là tại
như vườn đào lòng người ta nhiều và mở. Lòng người ta là ái thì lòng thế giới
là ân. Người ta đã ngọt ngào thả mình xuống thì ngọt ngào thế giới đón và chở
và mang. Thế giới và người ta là một cũng như bơi là sống một lòng với nước.
Cái bánh trôi và nước quanh nó đồng tâm, và tấm lòng son ấy là cái nguồn chung
của tất cả. Tất cả đều thông nhau, tất cả đề cùng một chất, và thịt cái bánh
trôi, rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn, vẫn không ngớt nở làm thịt hoa.
Nó nở trắng và tròn.
Tròn là sung mãn. Là thận, là thuần và gọi vuốt ve cũng như
mầu trắng ấy người ta biết của một xác thịt tự do nghĩa là ngọt và dẻo và rất nõn
nà. Nhưng tròn cũng có nghĩa là chu toàn nữa. Thực thể tròn là thực thể không
tan trong thực thể. Như cái bánh trôi chìm trong nước những vẫn giữ tấm lòng
son và, chan hoà ở giữa lòng thế giới, người ta lại gặp lòng người ta thực
hiện. Cái nguồn cực lạc, vẫn trào ra nhưng không thể cạn, cũng là cái nhân của
một sự trường tồn. Vừa là lưu thuỷ nó vừa là kết tinh. Nó xoè khắp mênh mông và
cả mênh mông lại trở về nó tụ hội. Nghĩa là có nó làm trung tâm, mênh mông là
một mênh mông tròn. Hình tròn ấy không có vẽ một giới hạn, nhưng, giữa mênh
mông và trung tâm của nó, nó là cái nhịp ba động – không ngừng chuyển trong ra
ngoài và, cùng một lúc, ngược lại, chuyển ngoài vào trong – của cái phận tròn
của cái bánh trôi ngay ở tấm lòng son của nó đã gặp cả mênh mông và, giữa mênh
mông, vẫn giữ nguyên tấm lòng son của nó. Như một thống nhất điểm.
Ấy là một điểm mênh mông. Nhưng mênh mông không là chỗ
người ta thất lạc nữa. Cả mênh mông có mặt trong một điểm. Mọi quãng cách đều
mất. Cuộc đời không tìm mà gặp. Thì sống là biết, biết là ái ân, tự do và thực
thể tương kết, người và vật đồng tâm mà vẫn giữ lòng riêng. Người ta vẫn là
người ta, thế giới vẫn là thế giới, và cực lạc, như một cuộc tương biến giữa
trung tâm điểm và mênh mông, giữ nguyên sự kín đáo ấy ngay trong sự chan hoà.
Như tấm lòng son của cái bánh trôi, vừa là đá đang hoá nước vừa là nước đang
hoá đá, là nơi tất cả, thả mình trong một cái nguồn chung, lại tự thu tròn một
sự sung mãn riêng. Tất cả đều thuận nhau, tại tất cả đều cùng một gốc. Và có
gốc thì tất cả đều thực. Tròn là tròn, trắng là trắng, son là son. Ấy là những
chứ sáng và đầy và mịn và sâu. Và chúng cũng thuận nhau như những gì chúng gọi
tên để gọi tên cho đúng trong một ngôn ngữ nhịp nhàng. Không những chúng vẽ ra
những thể rất ngọt ngào mà sự ngọt ngào chúng cho người ta thấy còn là của một
chất. Ngôn ngữ lên từ lòng thế giới, ở chỗ người ta và thế giới trùng nhau, để
dẫn người ta vào thâm tình của thế giới. Hay nói đúng hơn thì tất cả thâm tình
của thế giới đã sáng trên mặt chữ. Và trên mặt cuộc đời.
Hạnh phúc ấy tuy nhiên trong Hồ Xuân Hương chẳng mấy lần
được gặp. Mà nó ở giai đoạn nào trong thơ nàng? Không ai biết? Nhưng có lẽ
người ta đã biết rằng nó là cái nàng vẫn tin là có và vẫn chờ. Nàng chờ nó ở sự
xuất hiện của cái lòng của mọi vật. Nhưng mọi vật chỉ cho người ta thấy cái vỏ
của chúng. Lòng thế giới đóng nguồn nước ẩn, và thơ Hồ Xuân Hương chạy theo dấu
của một đào nguyên đã lánh trần. Như nước của cái giếng thanh tânlẫn
cuối một ngõ xa thăm thẳm.
3.
A! Cái giếng thanh tân mà Hồ Xuân Hương
gọi là một cái giếng lạ lùng! Nàng vừa mong được thấy nó vừa ngạc
nhiên trước một khám phá không ngờ. Ấy là sự không ngờ của những lần gặp đầu
tiên. Và lẽ dĩ nhiên sự không ngờ ấy chỉ có một nửa. Không ngờ thì làm sao khám
phá? Ít nhất thì Hồ Xuân Hương cũng đã ngờ rằng tất cả thế giới không có mặt ở
cái trật tự ngoại tại của nó và có ngờ nghĩa là có đã sống cái trật tự ấy như
sự thiếu một cái gì căn bản thì nàng mới tìm cách đi vào trong để khám phá rằng
cái trật tự ấy chỉ là một cái vỏ và, sau nó, có sự ngọt ngào của một giếng mới,
người ta đang chờ mà người ta không biết là người ta đang chờ, vẫn đang chờ
người ta.
Giếng thì đẹp. Và nước trong. Nhưng nước trong giếng là
nước đã vào khuôn. Cái dòng thông của nó không thông tuyệt đối. Mà người ta
cũng chỉ là kẻ đứng trên bờ. Để ngó, để thèm. Thấy giếng thanh tân ai
là chẳng? Nhưng lẻn trong sự thèm ấy có một phần e ngại:
Đố ai dám thả nạ rồng rồng?
Hoá ra sự cám dỗ của nước cũng là một thách đố. Như cái
thú thung thăng lội giữa dòng là một thú cấm. Nước của cái
giếng ấy không phải là nước chảy giữa đường, đại lượng, và ai cũng có thể đi
vào. Nó của riêng và, như một tự hữu, người qua đường không có quyền xâm phạm.
Mà chẳng ai có quyền. Nước thanh tân đâu có để người dùng. Chủ nhân nó cũng chỉ
là người có trách nhiệm giữ nó thanh tân. Sự thanh tân của nó là của nước
thiêng cũng như nó là nước thiêng của lòng đất. Vượt cái ngõ sâu thăm thẳm dẫn
đến dòng nước thiêng cũng như nó là nước thiêng của lòng đất. Vượt cái ngõ sâu
thăm thẳm dẫn đến dòng nước ấy vừa là vượt một tầng ly gián vừa là vượt một
vòng giới nghiêm. Ấy là một sự gây hấn, một cuộc tấn công, một cử chỉ xâm đoạt.
Khám phá của Hồ Xuân Hương có tất cả những tính cách của bạo động. Và nàng cũng
khám phá rằng có tính bạo động thì người ta mới khám phá và thấy được lòng mọi
vật. Khám phá nghĩa như là khám phá. Lòng mọi vật đang bị tù. Nó chờ được giải
phóng. Và ở giữa nó và người ta vẫn chặn một cái vỏ xù xì.
Cái vỏ ấy có thể, như cái cửa ngõ chặn đường tới giếng
chẳng hạn, là một trật tự do xã hội xếp đặt. Nhưng xã hội chỉ xếp đặt – và ấy
là sự thiếu căn bản của tất cả những trật tự – một cái vỏ vốn có của mọi vật
làm sẵn như để giữ mình. Mà để nói thật thì cái vỏ ấy ở đâu lại Hồ Xuân Hương
cũng chẳng để ý. Quan trọng là nó có. Nó chặt đôi thực thể. Một nửa thì nó cấm
ở ngoài. Và nó cầm ở trong một nửa. Trong là đề lao thì ngoài là ngục thất.
Cuộc sống ở đằng nào cũng bị nhốt. Ngoài, quân tử dùng dằng đi chẳng
rứt thì trong, một lạch đào nguyên suối chửa thông. Hai
cảnh ngộ nhưng của cùng một sự bế tắc. Cái lòng của mọi vật đã khoá lại thì kẻ
qua đường cũng quẩn lối về. Sự dùng dằng của cùng người quân tử là của một tự
do đã mắc cạm. Ấy là cái cạm của ngoại thể. Như người “thiếu nữ ngủ ngày”, là
cái máy dử người ta vào thế bí. Cách loã trang của nàng cám dỗ người ta lại.
Nhưng người ta lại thì nàng lại trốn vào một giấc ngủ thờ ơ. Vừa thờ ơ cảnh cám
dỗ. Cũng như thơ nàng, trong thơ Hồ Xuân Hương cảnh thường lưỡng ý. Ý cảnh
ngược nhau như ý nào cũng chỉ có nửa chừng nghĩa là chưa có đã có cái ý khác
chặn đường để, kết luận, người ta chẳng biết ý nào là thực. Nói một đằng cảnh
chằng một nẻo. Vừa gọi người ta nó vừa đào tẩu. Sự ỡm ờ ấy làm cái điêu trác
của ngoại thể. Nửa nạc nửa mỡ, nửa hở nửa kín, ngoại thể lừa người ta và người
ta lạc trong một trò hú tim không thể giải quyết. Hay nói đúng hơn thì chỉ có
một cách giải quyết cho cảnh úp mở ấy. Là sự tỉnh giấc của cái nguồn đang ngủ.
Nhưng cái nguồn vẫn ngủ và người quân tử, không biết đâu mà lần, đi
thì cũng dở, ở không xong. Những mâu thuẫn của ngoại thể chuyền tay nhau
giữ hắn và giằng co. Hắn gỡ ra không nổi. Như một người sờ mít nhựa ra
tay.
Cảnh nhầy nhụa ấy là một cảnh sa lầy nữa. Vẫn một cái hoạ
của cuộc đời bị tống ra ngoài vỏ! Ngoài là chỗ tự do, chỉ tựu thành khi cùng
lòng mọi vật tương kết, như còn chửa biết mình. Nó không dám tự xưng. Và nếu
ngoại thể còn làm nó sa lầy thì cũng tại nó còn sa lầy ngay trong nó. Nhựa ra
tay người ta tại người ta vẫn dùng dằng chưa quyết. Lẽ dĩ nhiên nhựa ở lòng quả
mít ra. Của lòng mít và của lòng đất (nghĩa là của lòng thế giới như trong Hồ
Xuân Hương, lòng của vật nào cũng là trung tâm của tất cả). Nhưng nước lòng ấy
không trong và thoải mái. Mà đâu nó còn thật là nước? Nó là nhựa nghĩa là một
thứ nước thiếu thật thà, nhầy nhụa và phản trắc đã lỡ mó vào là trở tay không
kịp nữa. Như chính tay người ta đang chảy nhựa. Không cứng như đá trong một thể
nhất định nhựa cũng không lỏng như nước sẵn sàng mượn nghìn thể khác nhau nghĩa
là như một tự do tuyệt đối, ở thể nào cũng thuận và có sức chan hoà có thể cưới được
cả mênh mông. Nó là một chất nhựa thành chất, nửa muốn chan hoà, nửa muốn keo
lại, và dở dang như chính người quân tử, chẳng biết mình muốn gì, tự giam vào
những cử chỉ thậm thụt, khả nghi và gian lận. Thì làm sao hắn giải phóng được
gì? Khi ngay hắn còn chưa thể tự giải phóng! Và cảnh nhựa ra tay làm chứng cho
một sự khó ở trong mọi vật cũng như ở lòng người. Nửa như muốn, nửa như không,
người ta mân mó, ngó ngoáy, châm chọc. Những cử chỉ thậm thụt ấy
như tìm cách đánh thức cái nguồn đang ngủ. Và đôi khi cái nguồn ấy cũng tự
nhiên chợt tỉnh giấc. Quả mít chảy nhựa. Ong non ngứa nọc, Dê cỏn buồn
sừng. Như cả một chiều sâu ngọ nguậy đang cố sức ngoi ra ngoài. Nhưng sức
không đủ, vỏ không chịu vỡ và người ta chỉ có những thể nhỡ nhang. Của cỏ
gà lún phún, của siêu hương lấp ló, của nước
mó lam nham. Những tính tự vô phúc ấy chỉ nhắc lại, một lần nữa,
sự vô phúc của vẫn một cảnh úp mở và ỡm ờ.
Ấy cũng là sự vô phúc của cảm giác. Không những cảm giác
như một cái biết qua ngũ quan, nhốt người ta vào những mâu thuẫn của ngoại thể
mà ngoại thể, như một cái xù xì và nhầy nhụa, chỉ cho người ta những cảm giác
khốn nạn nhất. Mà thật thế. Sướng gì khi sờ thấy lún
phún, nhòm thì thấy lấp ló, mó thì thấy
lam nham. Ngần ấy cảm giác nhưng vẫn chỉ một cái biết ngắn, nghèo, nông và
thiếu. Cái biết ngoài da ấy là một cái hoạ. Nhưng sự sung mãn của một vùng nước
chan hoà vẫn chờ người ta ở giữa lòng thực thể. Và cái lòng ấy vẫn chờ được
giải phóng. Hoá ra sự ỡm ờ của mọi vẫn chỉ là một cách gọi bạo động! Cũng như
bao động là cách độc nhất để phá sự ỡm ờ của mọi vật và bắt chúng tự xưng. Con
ốc nhồi chờ được bóc yếm. Quả mít chín chờ được cắm cọc.
Tất cả đều chờ người ta xé vỏ chúng. Vừa là một giải phóng tri thức vừa là một
cưỡng dâm.
4.
Nhưng không phải ngẫu nhiên mà trong Hồ Xuân Hương người ta
gặp những thể bạo động ấy của nhục tình trong cuộc truy tầm cái biết thực.
Thiên đường của cái biết thực, như một sự chan hoà trong lòng thực thể, có khác
gì cực lạc của nhục tình, khi lòng thực thể chan hoà những người yêu? Ấy chỉ là
những kiểu khác nhau của thực thể để đạt tới lòng mình. Nhưng để thành công
chúng đòi làm nổ tung lên những gì đang chặt đôi thực thể. Và trong Hồ Xuân
Hương có một cái thú của sự công phá. Núi của nàng đâm toạc chân mây và dang
tay và. Xoạc và toạc là những chữ nổ và xé, như cắm cọc và bóc yếm,
nặng nghĩa của nhục tình. Nhưng có lẽ người ta đã biết rằng Hồ Xuân Hương không
săn trong nhục tình những mồi ngon cho ngũ giác cũng như nghệ thuật tả cảnh của nàng, như người
ta sẽ thấy, không tả nhưng để phá cảnh. Cảnh càng ngoạn mục thì nàng càng
ngó mắt nhòm. Hẳn cái nhòm ấy không thể thưởng lãm. Nhòm là một cái nhìn
soi móc và tọc mạch như, sốt ruột trước những gì trông thấy được, Hồ Xuân Hương
muốn đâm thủng cái vỏ vui mắt ấy để, lột truồng mọi vật, trả lại cảnh nhục tính
của nó. Không phải ngẫu nhiên mà cái cảnh cực-lạc-độc-nhất trong thơ nàng là
một vũng tang thương! Có tang thương nghĩa là trời có long, đất
có lở, thế giới có vỡ vỏ thì lòng thế giới mới ồ ra làm cho nước lộn
trời. Sự sụp đổ của những trật tự, trong những cuộc đổi đời, là chừng ấy
dịp may cho thực thể trở thành. Và Hồ Xuân Hương ghét những trật tự như nàng
ghét những gì người ta gọi là ngoạn mục. Lòng người thi sĩ ấy tưng bừng reo như
rào rạt nguồn thơ đúng lúc, thế giới chỉ còn là một vùng nước thuần nhất và
mênh mông, nàng không có gì để ngắm và tả nữa cho đẹp mắt người đời. Mộng của
nàng là một ngày hồng thủy và tất cả những công phá thơ nàng náo nức gọi là để
cướp lại một sự êm ái không ngờ. Nghĩa là nàng không gọi chúng để làm đau xác
thịt. Thú bạo động trong thơ nàng không là thú ác dâm. Nhưng của một sức mạnh
tưng bừng, thủ tiêu tất cả những giới hạn. Cũng như khi sức mạnh ấy chưa thức
dậy thì chỉ có một sự thụ động vừa giữ người quân tử dùng dằng vửa đóng cửa đào
nguyên, từ giờ, sức mạnh ấy vừa ở lòng mọi vật vọt ra vừa ở ngoài xông vào,
cũng chỉ có một. Ấy là sức mạnh của cả thực thể đang vùng lên để thực hiện. Núi
chợt cao vút và theo cùng một nhịp, người ta thấy Hồ Xuân Hương ráng sức
trèo.
5.
Trèo là một bước đi chinh phục. Sự dùng dằng xưa đã hết.
Người ta mở cuộc tấn công và, ôm lấy núi, nhất quyết vật được quả núi cao để
cướp cho bằng được cái lòng đất núi đang giữ. Nhưng một đằng khác thì có núi
tại lòng đất đã nổi sóng. Và sự quật khởi ấy làm thông trời. Thông là sự vọt
lên. Và liễu mềm, liễu rủ, liễu tuôn như một sự trào ra và người ta không ngạc
nhiên thấy, trên những dòng lá xanh của liễu, có sương chảy đầm
đìa. Như cả lòng đất, trước những nỗ lực để giải phóng nó, cũng nỗ
lực vùng lên tiếp ứng. Và Hồ Xuân Hương, để tiếp ứng cho sự vùng lên ấy, lại
càng nỗ lực trèo. Càng trèo thì, lạ thay! Núi lại càng cao. Núi này trèo chưa
hết thì đã thấy núi khác đứng chờ. Hay nói đúng hơn thì vẫn một núi ấy. Khi người
ta tưởng nó sắp thua thì nó đã chạy thoát và đúng trước mặt người ta trêu ngươi
và riễu cợt để, cứ thế mãi, một đèo, một đèo, lại một đèo, không
bao giờ người ta bắt được nó… Trò hú tim lại tiếp tục. Ai trèo thì cứ tha hồ
trèo. Và có trèo đến mỏi gối, chồn chân, vẫn muốn trèo. Sự
thoả mãn không thể có. Cái thèm vẫn không hết. Vẫn không hết khát, không gặp
được nguồn cực lạc và, khoe sức là vẫn muốn trèo, Hồ Xuân Hương chỉ thú nhận
một thất bại không cùng. Thoạt tiên thì người ta nghĩ rằng lòng đất vùng lên để
trả lời sự tấn công của người ta. Nhưng sự vùng lên ấy đã chết đứng. Thông là
gỗ. Núi là đá. Tất cả xảy ra như lòng đất đã mất và cái gì chờ người ta không
phải là sự sung mãn trong thực thể nhưng là sự chóng mặt trước chân không. Như
càng trèo thì ngưới ta càng thiếu chỗ đứng và không những người ta mất lòng đất
mà cả mặt đất và tấ cả những gì người ta vẫn dựa vào để sống cũng như mất dần
dưới gót chân người ta và rốt cuộc, sau khi đã vượt tất cà, hết chỗ bám, người
ta thấy mình lửng giữa trời ở cuối một cảnh cheo leo.
Ấy là một cảnh đá tạc. Tạc cũng như đẽo là bạo động. Người
ta lấy những khí giới bén để chém vào cảnh. Nhưng sự phá cảnh ấy chỉ tạc cảnh
nghĩa là đổi cảnh ra những thể cứng, đặc và cằn. Cảnh đâm trơ ra như bị vạc mất
vỏ. Nhưng cái lòng còn lại của nó chỉ là một mặt đá già không có tuổi. Thì còn
đào nguyên nào nữa để chan hoà. Sự xuất hiện của cảnh đá tạc trong Hồ Xuân
Hương có nghĩa là bạo động đã thua. Nhưng thua thì thua, cố níu lấy con! Hồ
Xuân Hương chưa thoả. Nàng chưa tuyệt vọng. Nàng vẫn muốn trèo. Và trên đèo ba
dội, thông và liễu và nhiều mầu khác nữa, át sự đe doạ của đá, làm người ta
tưởng thế giới vẫn rồi rào. Nhưng đá vẫn có và, dưới ánh sặc sỡ, thế giới đã
cứng lại. Thì sặc sỡ thế là điêu. Ai tuy nhiên thế sẽ bảo rằng thế là lần thứ
nhất với Hồ Xuân Hương người ta thấy trong và ngoài chửi nhau! Múi mít dầy chửi
cái vỏ xù xì của mít. Thì ngược lại giờ tảng đá xấu xí làm thất ước cả một vùng
khoe sắc tới. Vẫn một mâu thuẫn ấy! Nhưng thế giới của Hồ Xuân Hương bị đảo lộn
trong căn bản. Xưa nó tại nội thì giờ nó tại ngoại. Hình như tất cả chiều sâu
của nó đã bị trục xuất lên mặt. Nhưng lên mặt rồi thì còn là chiều sâu nữa? Và
người ta có một thế giới ngoài thì sặc sỡ nhưng trong đã cạn rồi. Hoá ra Hồ
Xuân Hương ép được lòng thế giới xuất hiện để lại mất nó ngay. Nó đã hoá ra
ngoại thể. Sự xuất hiện ấy của nó là một sa đoạ. Và thế giới tại ngoại của Hồ
Xuân Hương không là thế giới trong nguyên tính của nó mà môt thế giới lại càng
giả tạo, lại mất gốc trong thực thể, lại càng vô phúc, tại nó giam con người ta
trong cái hoạ của cảm giác, lại càng tuyệt vọng, tại không còn nguồn cực lạc
nào ước hẹn nữa trên đời. Kết luận là bạo động không trả cho Hồ Xuân Hương sự
sung mãn nàng chờ. Nó làm cho thế giới thêm đốn. Xưa thì nguồn ẩn. Giờ thì
nguồn tuyệt tăm. Cuộc sống thực hình như không thể nào có. Và đi tìm cuộc sống
thực trong thâm tình của thế giới Hồ Xuân Hương khám phá ra rằng thế giới chỉ
có để từ chối người ta. Sự ly gián giữa thế giới và người ta trở nên tuyệt đối.
Người ta và thế giới trở nên đối nghịch nhau. Không đối nghịch nhau sao được
khi người ta đã chọn bạo động để cướp lòng thế giới? Lòng thế giới có cướp được
chăng nữa thì, xuất hiện trong cảnh đối nghịch ấy, xa trước mặt người ta, nó
cũng không còn là cái lòng để người ta sống đẹp và chan hoà. Nó đã hoá ra ngoại
thể. Và thế giới trở nên sặc sỡ để nghèo đi, ngay trong khi, gây cảnh đối
nghịch nhau giữa người ta và thế giới, bạo động của ngưới ta làm thế giới cứng
lại. Thế giới đã hoá đá. Thì lòng đá ở đâu? Nó đã bị lột truồng. Nhưng nó lại
càng kín. Và nó nhốt người ta ra ngoài, cheo leo, trên một vực thẳm.
Vực không chỉ ở ngoài. Trong còn một vực nữa. Ấy là những
khi đá nứt và bầy ra một lỗ hỏm hòm
hom. Những cái hang ấy dẫn người ta vào trong đá. Cái người ta vào tuy nhiên
chỉ là một vùng vô ngạn tối om om. Ai biết đâu lòng đá chẳng ở
giữa cái đêm mênh mông ấy! Và để tới trung tâm nhiệm màu của nó, có lẽ người ta
phải tin ở đêm và, như một con thuyền vô trạo, thả mình cho đêm
lôi đi khắp mênh mông. Có lẽ phải thất lạc trong mênh mông, người ta mới có thể
gặp lòng đêm để, thu mênh mông vào một điểm, ở lòng đêm lại gặp lòng mình.
Nhưng Hồ Xuân Hương không đi theo những cám dỗ của đêm. Ấy chỉ là đêm của đá.
Và đá là thế giới khi người ta và thế giới đối nghịch nhau. Thì làm sao trong
đêm của đá Hồ Xuân Hương có thể thả mình xuống chan hoà? Mà không thể chan hoà
là vẫn bị tù trong cái biết khốn nạn của cảm giác. Người ta lại sờ, lại mó, lại
nhòm. Sự mở lòng của đá, trước cái nhòm soi mói ấy, chỉ là một sự hớ
hênh. Và cái lòng của đá người ta chỉ biết trong một cái nhòm là một cái
lòng có cũng hơn không có. Nó không còn là nơi của cực lạc. Và người ta hiểu
tại sao chưa vào trong đá Hồ Xuân Hương đã nhạo là trong đá chẳng có gì. Cái lỗ
hỏm hòm hom ấy mới thấy đã kêu to là nó rỗng. Như cái cảnh tối om om mà nó dẫn
người ta vào. Hoá ra bạo động làm thế giới hoá đá giờ cũng làm Hồ Xuân Hương,
giữa lòng đá, chỉ thấy có chân không. Cái nguồn cực lạc thật đã mất tích. Và
có giọt nước hữu tình nào rơi thì, trên một mặt nước tù và
lạnh như đã hoá khoáng, nó cũng chỉ rơi lõm bõm. Như gió vỗ
phập phồng trong những hốc đá. Những chữ tượng thanh ấy cũng như
những chữ khác tương tự, lẽ dĩ nhiên Hồ Xuân Hương không chỉ dùng tại chúng khó
có vần và lạ, nhưng để lấy chúng nhại cái chân không đang doạ nàng. Nàng nhại
bóng tối, nàng chế chiều sâu, nàng cười lòng đá. Lòng đá bị nhạo báng. Nghĩa là
nó hết thiêng. Và người ta khám phá rằng những bí mật của nó toàn là ảo tưởng.
Nó chẳng giấu một nguồn nước nhiệm mầu nào và, ngoài đêm, người ta chỉ gặp một
khoảng trống vô cùng. Thế là mộng đào nguyên vỡ và tiếng Hồ Xuân Hương cười
riễu cợt xé tan giấc mộng ấy, lôi người ta về sự nông cạn của cuộc sống thường
ngày. Quanh người ta, những vách đá lại trơ toen toẻn, lại mó lam
nham; lại sờ rậm rạp. Như để nhắc người ta rằng trong đá ngưới ta vẫn ở
ngoài đá. Sự ly gián giữa ngoài và trong không thể vượt. Và Hồ Xuân Hương đành
chịu cấm cố ở ngoài. Nhưng nàng đã hết ảo tưởng. Và những mặt đá trụi của nàng
vừa tố giác, trong sự khéo tạc cứng và khôi hài của nó, cái điêu trác của ngoại
thể vừa làm chứng cho một thế giới đã toi nguồn.
Tuy nhiên người ta có thể nghe rằng đã trụi thì đá là một
chất thật thà. Ấy là cái thật thà của một sự trơ ra đó. Và đá như chỉ tự xưng
để khỏi phải trả lời. Khi nó trụi là khi nó kín. Khi nó đầy là khi nó đặc. Sự
đặc ấy là nghịch hoạ của sự sung mãn. Vừa đặc đá vừa rỗng. Nó đặc tại nó không
ngừng từ chối người ta. Nó trống tại người ta không thấy gì trong nó. Tất cả
xảy ra như không có gì. Nhưng nó có. Và tịch mịch và trêu ngươi, nó tóm tắt,
trong sự có mặt câm của nó, cái bí mật của cái của sự có mặt cuả thế giới. Hơn
một lần người ta thấy Hồ Xuân Hương tra vấn đá! Mộng của nàng là giải quyết cái
bí mật của đá trong một ngày nước lộn trời. Nhung nước nào có thể làm đá chảy
đến những chân trời xa nhất để, trời và đá làm một, thạch liên thiêntrong
một vùng nước chan hoà, đá lại về quê hương cũ của mình? A!
Người ta kể rằng trong con
người của những câu thơ ấy Hồ Xuân Hương đã thấy một tâm hồn tri kỷ. Giờ thì
người ta hiểu tại sao. Nhưng thế giới đã cạn, đào nguyên đã mất, thì có đâm
toạc chân mây cũng không làm sa một giọt nước! Và cái nhịp vùng lên
ấy rốt cuộc, chỉ để rớt lại, đá mấy hòn trơ ranhư tang chứng của
một sa đoạ không thể vãn hồi. Nó không còn là đá ở lòng đất lên nữa. Người ta
bảo nó ở khoảng trống trên trời xuống. Ấy là một cách khác để nói rằng nó ở chân
không ra. Và thế giới chỉ là một câu hỏi đặc và không có trả lời.
Mà trả lời gì một tảng đá vô
tri giác? Người ta không thể nào hiểu nó. Nó là sự có mặt rất bướng đầu. Nhưng
sự có mặt ấy ở chân không ra chỉ là một chút chân không sa đoạ, một sự có mặt không
có thực, một hiện thể không có nguyên nhân và tuy rất bướng, rất đặc, rất lầm
lì, cũng không có hơn là một ảo ảnh. Cho nên đi tìm nguồn, tìm gốc, tìm rễ của
nó người ta chỉ gặp những khoảng trống lớn. Hay nói tóm lại thì sự có mặt cũng
chỉ có như một vực thẳm. Và vực kia là vực của chân không. Cheo leo giữa hai
vực ấy tuy là cả hai chỉ là một con người trên thế giới là một kẻ sẽ đi qua.
Nhưng ảo ảnh của thế giới sẽ còn mãi. Tại thế giới là đá và đá, cũng như thể
tròn của cái bánh trôi chỉ là sự sung mãn của một chất, và một chất chỉ là thể.
Nghĩa là làm gì nó người ta cũng chỉ có những thể. Càng làm thì thể càng khéo
tạc. Mà càng khéo tạc thì thể càng điêu trác. A! khen ai đẽo đá tài
xuyên tạc! Ai thì ai không cần biết. Chỉ biết rằng những thể của đá là của
ai khác đẽo chứ không của đá tự nhiên thành. Và những tác động của người ta,
lấy thể này thay thể khác, không thể nào chuyển được lòng thế giới và làm đá
kkhông còn là đá. Thể chỉ là trò chơi mà đá nếu là ảo ảnh thì cũng là sự trường
tồn. Lẽ dĩ nhiên đá sẵn sàng nhận tất cả những thể người ta khéo tạc cho nó.
Nhưng thế lại càng tỏ rằng giữa đá và những thể người ta tạc cho nó không có
một tương quan nào thiết yếu. Thể nào cũng điêu như thể nào. Cái khéo của thể
ghẹo đá, nhưng đá thản nhiên ghẹo cái khéo ấy và tất cả những công-cốc của
người.
6.
Cho nên chữ khéo trong
Hồ Xuân Hương thường có một nghĩa mỉa mai. Nó tố giác một sự bày đặt không có
căn bản nào trong mọi vật. Khi mọi vật có lòng thì cái vỏ chúng xù xì. Nó không
khéo, không có ai đẽo, không có ai tạc. Sự cục mịch của nó, một đằng có thể gọi
là điêu trác, một đằng khác, cũng giống như một sự thật thà. Nó thô và chất
phác. Và thoạt trông người ta đã biết rằng ở sau nó có một cái lòng đầy. Mà
thật thế, nó chỉ là sự đông lại của một chất ở trong mọi vật tiết ra. Vừa giam
lòng mọi vật nó vừa làm chứng rằng mọi vật có lòng. Nhưng cái lòng ấy mất trong
bạo động thì người ta có độc những thể khéo tạc. Ấy là những thể tuyệt đối giả
tạo. Và nghèo và nguệch ngoạc và xương xẩu. Như tất cả thế giới từ trong ra
ngoài đã chết cứng. Thì trên thế giới ấy sự sống cũng chỉ là một sự sống vờ.
Của cỏ gà và của rêu nham nhở. Ngay cả thông nữa mới ở lòng đất vọt ra đã lắt
lẻo như không có rễ. Và tất cả đều xộc xệch và chênh
vênh và lộn phèo [3] . Lẽ dĩ nhiên không phải Hồ
Xuân Hương thấy chúng như thế. Nhưng nàng vặn cổ mọi vật, xô lệch chúng, làm
chúng mất quân bình như để bắt chúng phải bỏ cái chỗ thường ngày của chúng để
tự xưng. Khổ là chúng không có gì để xưng nữa. Và Hồ Xuân Hương đi phá cảnh chỉ
làm cho cảnh bị sái. Mà bị sái là không có căn bản nào trong thực thể. Nhưng
thể của cảnh chỉ là những thể không đâu. Không cái nguồn chung nào làm chúng
thuận nhau. Thì cái cảnh thường, khi người ta tưởng là thuận, cũng là một cảnh
vốn đã sái rồi. Nhưng có làm sái cảnh thì người ta mới biết là cảnh vốn sái.
Hoá ra sái cảnh cũng là một cách khác để tả cảnh. Cảnh nào cũng là cảnh của sự
tương nghịch thì làm sái cảnh, thơ Hồ Xuân Hương chỉ nhại những thể của cảnh
như một nghịch hoạ và, như một nghịch hoạ nó nhại ngay chính nó.
Và thế là cái thời đã hết
của thơ như một ngôn ngữ đầy. Thế giới khi ấy yên nghỉ trong sự sung mãn ấy, là
sự sung mãn ấy nên lời. Người làm thơ nói thay lời mọi vật. Và những chữ của
nàng đều giản dị và tầm thường, nhưng chữ nào cũng đậm, tại trong chữ nào cũng
vẩn một chiều sâu nồng nàn. Nhưng chiều sâu ấy mất thì những chữ cũng như thiếu
mật độ. Chữ trắng như không đủ trắng nữa. Và để nói cho thực trắng, để trắng
không chỉ là một màu mà còn là một chất, người ta có một cách là thêm chữ. Oái
oăm của từ chương là, càng ngờ ngôn ngữ không nói thực thì, để nói thực, người
ta càng nói nhiều và, lấy ngôn ngữ để thực hiện mọi vật, rốt cuộc, người ta chỉ
gây một ngôn ngữ quá đáng. Nhưng vừa tỏ ý muốn thực hiện mọi vật, ngôn ngữ quá
đáng của Hồ Xuân Hương vừa làm chứng rằng sự thực hiện ấy đã thất bại. Càng làm
cho thực, người ta càng xảo tác, và càng thêm chữ thì ngôn ngữ lại càng như nói
ngọng và làm mọi vật càng nguệch ngoạc và thêm trơ. Trắng xoá chẳng
hạn, trắng hơn là trắng, nhưng màu trắng ấy như trát lên trên và trâng tráo, và
những chữ thêm vào những tĩnh tự tả màu của Hồ Xuân Hương chỉ làm cho màu thêm
lòe loẹt, sặc sỡ, nhố nhăng. Ấy không là những màu có sẵn trong chất nở ra
nhưng là những màu bôi xấu. Và Hồ Xuân Hương bôi xấu mọi vật cũng như nàng vẽ
chúng nguệch ngoạc để tố giác một thế giới chỉ có mặt ngoài. Hình-thể-sai-lệch,
đường nét gẫy khúc, âm thanh xô xát, màu sắc chửi nhau. Ở chỗ nào người ta cũng
chỉ gặp một sự tương nghịch. Thì dù những chữ như đỏ lòm, chín mõm mòm có
làm người ta tưởng thế giới đang thối nghĩa là có một sự sống ở trong thì sự
sống thối ấy cũng chỉ làm người ta nực cười. Cũng như xanh om không
là xanh thẫm nhưng là cái rỗng nực cười của màu xanh. Và của chữ xanh. Những
chữ của Hồ Xuân Hương, trong sự quá đáng của chúng, tự thú là những chữ rỗng,
và ngay khi, trong những câu như:
Gió thổi cành thông rung lắc cắc
Sóng dồn mặt nước vỗ tông tông
Sóng dồn mặt nước vỗ tông tông
Người ta thấy chúng tượng
thanh như thể bắt chước cho thật đúng những sự chúng tả thì chúng cũng chỉ nhại
những sự ấy và những công cốc của chúng để thành một ngôn ngữ thực. Những tượng
thanh ấy chỉ là những nghịch thanh! Và cái ngôn ngữ người ta tưởng là thực
không thực hơn là cái ngôn ngữ ấy ái uông của những người nó
ngọng. Ấy chỉ là hai kiểu nói ngọng khác nhau. Ngôn ngữ thực không có. Và thơ
như một nghệ thuật ngôn ngữ chỉ là một chuyện không đâu. Mà càng ý thức được sự
không đâu của nó thì thơ càng cầu kỳ. Cái khó của Đường luật không đủ. Hồ Xuân
Hương còn thêm vào cái khó của những vần oái oăm, của những chữ vặn méo và
những câu lưỡng ý. Ngần ấy cái khó tuy nhiên, không dựa trên một lý do tự nhiên
nào, chỉ là ngần ấy cái khéo. Thì ngược lại ngần ấy cái khéo lại tố giác rằng
thơ chỉ là một trò chơi. Và kinh nghiệm thơ Hồ Xuân Hương rốt cuộc chỉ để lại
cái chân không của những thể tinh xảo.
Người ta bảo nàng tài! Nhưng
cái tài khi người ta và thế giới thuận nhau là làm sao giấu được cái tài đi.
Cho tất cả những gì người ta nói đều có vẻ tự nhiên. Ấy là hạnh phúc của
từ-chương-cổ-điển. Nhưng khi trong Hồ Xuân Hương người ta chỉ thấy tài thôi thì
nàng là người đầu tiên cười tài nàng là hão. Mà có gì nàng không cười đâu? Nàng
cười cái hão của tất cả. Của đêm rỗng, của ngày không có ruột và của thơ. Thơ
nàng lấy cả cái chết làm trò cười. Thì hẳn tiếng cười ấy không phải chỉ để mua vui người thiên hạ. Nó là tất cả gì còn lại
cho một người đã một lần chọn không bao giờ khóc nữa. Và khi nàng khuyên người
vợ goá rằng nín đi kẻo thẹn với non sông thì không nói, ai
cũng biết là nàng đã khuyên mình. Sông thì bạc, non thì trơ. Nghĩa là thế giới
nhạo cái sầu của người ta. Thì ai khóc làm gì cho tốn nước mắt! Khóc là để tỏ
lòng. Nhưng không có ai nhận những giọt nước mắt ấy chẳng nham nhở lắm sao? Tỏ
lòng, khi thế giới và người ta đối nghịch nhau chỉ làm cho lòng sa đoạ. Và
người ta hiểu tại sao trong Hồ Xuân Hương tất cả những gì ở trong mọc ra như
thông, như rêu, như cỏ, như nước của đá đều có một vẻ đốn mạt và khả nghi. Cũng
như thế người thi sĩ ấy coi rẻ nước mắt. Thành ra không thể khóc mà cũng không
thể nhịn nghĩa không thể nén sầu trong mình, Hồ Xuân Hương chỉ có một cách là,
coi cái sầu ấy như không có để, trong một tiếng cười riễu cợt trả lời một thế
giới đã hết ân tình. Lẽ dĩ nhiên khi có sầu tự nhiên dậy. Nhưng ngay khi ấy,
ngay khi:
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Trống sầu chẳng đánh cũng kêu om
Trống sầu chẳng đánh cũng kêu om
Nghĩa là mọi vật cũng như
sầu theo người thì, cái sầu ấy, nàng cũng không thể cười!
Mới nghe cũng nghĩ rằng là thực
Sau ngẫm mà xem một tiếng bòm
Sau ngẫm mà xem một tiếng bòm
Ấy là hai câu thơ để tóm tắt
kinh nghiệm và thế giới của nàng. Kinh nghiệm của một tình yêu đời bị tẽn tò.
Thế giới của những vật rỗng. Như mõ, như trống, như chuông và chúng oang oang
như đều kêu lên rằng tất cả đều hão. Nhưng nếu ngay cái sầu của người ta trước
cái hão của tất cả cũng hão nữa thì còn gì? Sẽ đến một thời Hồ Xuân Hương nhận
cái hão ấy để không chờ gì ở cái thế giới nữa, xây dựng một đạo lý giống như sự
thản nhiên. Nhưng giờ thơ nàng ở một giai đoạn tố giác. Nàng công kích. Nàng
nhạo báng. Nàng thoá mạ. Như nàng không muốn để một ảo tưởng nào cám dỗ nữa. Và
nhất là ảo tưởng rằng sau đời này còn có một đời sau! Không phải ngẫu nhiên mà
Hồ Xuân Hương vừa thích viếng những cảnh chùa vừa lấy chúng để riễu. Nàng không
có cái tín ngưỡng của những thầy tu, nhưng, một đằng khác, như những thầy tu,
nàng cũng ở trên con đường tuyệt thế. Nàng nhạo trong cảnh chùa một tôn giáo
nàng cho là ảo tưởng, nhưng trong cảnh chùa, nàng tự nhắc mình là ảo tưởng có ở
khắp trên đời. Con người ấy đã lồng đi tìm thâm tình của thế giới để tìm hết
cách giết trong thế giới tất cả những gì nghe như một thâm tình. A! Có làm rỗng
thế giới thì người ta mới khỏi bị thế giới cám dỗ! Thất bại của Hồ Xuân Hương
đã trở nên một cố gắng để thực hiện thất bại. Và nghệ thuật nghịch hoạ của
nàng, giờ, để tóm tắt, người ta có thể nói là nó có hơn một tầng nghĩa.
- Qua cái nghệ thuật ấy, thoạt tiên, tất cả đều bị sái. Và như thế thì nó không là một nghệ thuật để ca ngợi cái mặt ngoài của cảnh. Nó có một chủ ý phá. Hay nói một cách khác thì nó là một bạo động.
- Nhưng bạo động mà chỉ làm sái cảnh thôi, nghĩa là giữ cảnh chết đứng trong những thể tương nghịch thì nó cũng tự thú nhận là một bạo động không có ngày mai. Những đồ tuyến nguệch ngoạc của nó tố giác cảnh là đã chết khô và cứng. Cứng, tại trong bạo động cảnh và người ta đã trở nên đối nghịch nhau. Và khô, tại đã mất lòng, cảnh chỉ còn là một cái vỏ cằn cỗi. Lòng của cảnh có xuất hiện thì, trong sự đối nghịch nhau giữa cảnh và người, sự xuất hiện ấy cũng chỉ làm cho cái mặt ngoài của cảnh thêm những màu sặc sỡ và sự nham nhở của cỏ, của nước, của rêu.
- Tất cả xảy ra như lòng của cảnh không có. Và nghệ thuật của Hồ Xuân Hương, chủ ngoại và dựng trên sự tương nghịch, là một cách nhại những thể đã chết cứng của một thế giới không có lòng. Hay nói đúng hơn thì không thể để lòng thế giới ẩn mà cũng không thể để nó xuất hiện mà không làm nó sa đoạ, Hồ Xuân Hương, để tránh hai tai hoạ ấy, đã tươngnghịch hoá thế giới trong những thể chết cứng, để thủ tiêu lòng thế giới đến cùng cũng như những tiếng gọi của nó và cả giấc mộng đào nguyên giờ chỉ còn là một ảo mộng. Không phải ngẫu nhiên mà nàng đã chọn những thể nghiêm khắc của Đường luật để phá cảnh. Nhưng nàng muốn sự phá cảnh ấy chỉ là một trò cười… Người ta thấy nàng nói quá thì người ta tưởng nàng cố nói cho thật đúng. Nhưng thật ra thì sự nói quá của nàng chỉ để nói ngọng và làm ngôn ngữ trơ ra vỏ và xương. Và qua ngôn ngữ ấy, thế giới cũng trơ ra xương và vỏ. Hoá ra ngần ấy câu nguệch ngoạc, nham nhở và sặc sỡ của nàng là ngần ấy cách diệt dục! Và ngay cả cái phần người ta gọi là tục trong thơ nàng…
Nửa tục nửa thanh, tất cả
trong Hồ Xuân Hương qua một ngôn ngữ lưỡng ý, đều có một thể nước đôi. Song tuy
nhiên sự nước đôi ấy có một nghĩa khác. Vừa trông thấy như một quả mít chẳng
hạn cái vật ấy vừa trông như một thục nữ khiêu dâm. Trông như thế nào tuy nhiên
thì nó cũng hứa là ở trong nó vẫn đầy. Sự nước đôi của nó chỉ có ngoài mặt. Và
cả đôi nước đều gọi người ta vượt những mâu thuẫn của mặt ngoài ấy để mở cái
ngọt ngào ở trong. Ấy là nơi tất cả những mâu thuẫn đều được giải quyết. Thì
những mâu thuẫn ấy đâu là những mâu thuẫn nữa! Nghĩa là khi mọi vật có lòng thì
những gì người ta tưởng mâu thuẫn nhau thực ra trợ lực nhau. Cái mặt tục của
mọi vật và của ngôn ngữ không chửi cái mặt thanh của chúng. Nó làm cái mặt
thanh ấy thêm đậm và sâu và càng rõ nghĩa và giầu. Và ngược lại và cả hai đều
nói lên một nguyện vọng sống đầy. Mà Hồ Xuân Hương đã thành thực chờ nhục tình
thực hiện. Hay nói đúng hơn thì cực lạc thực hiện trong nhục tình nàng cũng chờ
được thực hiện trong tương quan với tất cả mọi vật. Thì có gì lạ nếu mọi vật
trong thơ nàng cũng như mọi cử chỉ đều có một nghĩa nhục tình. Người ta bảo thơ
nàng tục. “Tục” tuy nhiên có một nghĩa lương thiện quá. Ai giữa những người
lương thiện đã chẳng có lần cao hứng nói tục chơi? Họ nói tục để tự giải toả.
Và nói tục cho sướng rồi thì họ lại tiếp tục cái việc chính đáng là duy trì cái
trật tự xã hội và xây dựng gia tài. Nhưng Hồ Xuân Hương nói tục thường xuyên.
Nàng để tất cả tài ba ra để nói tục. Thì làm sao sự nói tục ấy có thể lương
thiện như chữ tục có thể làm người ta tưởng lầm? Nếu người ta không thẹn chữ
thì tôi có thể nói rằng thơ Hồ Xuân Hương dâm. Nhưng dâm tính ấy không diễn tả
một xu hướng nào có sẵn trong cơ thể nàng. Nó thiết lập một quan điểm sống. Và
lẽ dĩ nhiên trong quan niệm ấy tự do nhục tình là một yêu sách cốt yếu. Lạ rằng
thơ Hồ Xuân Hương tuy thế vẫn được truyền tụng ! Hình như xưa người ta không
cho thế là trái đạo lý. Có lẽ tại người ta xưa không đặt đạo lý ở chỗ tôi
tưởng. Nhưng cuộc đời này đã làm cho người ta méo óc! Ở chỗ nào người ta cũng
thấy có tội. Mà tội gì ở nhục tình? Chỉ những thời đại suy vong khi trên thì
đầy túi dưới thì đói khổ, trật tự xã hội không còn chính đáng và tất cả xảy ra
như, ngoài kẻ thống trị, không ai có quyền sống nữa thì người ta mới thấy,
trong một ngôn ngữ đã trở nên vô liêm sỉ, những kẻ làm đĩ miệng đứng lên đổ
nhục tình cái tội làm đốn mạt cuộc đời. Hay lưu manh hơn, giả danh khoa học,
kết án những lới ca nhục tình là triệu chứng của một tâm hồn mang bệnh. Thơ Hồ
Xuân Hương không bệnh. Nó cũng lành mạnh như người ta có thể nghĩ ngược lại.
Lành mạnh là con người thượng lưu trí thức ăn to và nói tục, ngoài cái tài
chuyên nghiệp lại có tài chửi đổng để hết giải quyết sinh lý lại uống rượu làm
thơ, chơi đàn, đánh bạc, thể thao và lúc nào cũng sống tự nhiên. Cái tự nhiên
ấy có một tên khác đẹp hơn. Là đặc quyền. Và như tất cả những đặc quyền, nó đòi
sự duy trì của cái trật tự xã hội đã cho phép nó có. Cho nên người ta không thể
nhịn cười khi thấy những chính quyền đương thời thi nhau nghi ngờ trí thức. Trí
thức vốn ngoan. Có đốt thì đốt Hồ Xuân Hương trước đã. Trật tự nào nàng cũng cho
là không có lý và gọi phá. Như nàng nghĩ rằng cực lạ chỉ thực hiện được trong
sự bạo động. Và bạo động đã bắt đầu ngay khi vặn méo mọi vật, nàng bắt chúng
đeo một cái mặt nhục tình chúng vốn không có.
Nhục tình và bạo động trong
Hồ Xuân Hương đi liền nhau. Cho nên sự thất bại của bạo động cũng đổi nhục tình
ra một kinh nghiệm điêu trác. Và Hồ Xuân Hương đành nhận rằng ngay nhục tình
không thể cho nàng sự sung mãn nàng đòi. Nó chỉ để lại cảm giác của một sự
thiếu lớn và, như thi sĩ nói trong một ngôn ngữ nước đôi, cọc nhổ đi
rồi lỗ để không. Ấy là một cái lỗ nông toen toẻn nhưng
không thể nào đầy. Và người ta càng chen chân xọcthì người ta
càng tưng hửng như người ta bước hụt. Có một người con gái trên cây đang ngửa
ngửa lòng như mời mọc, nhưng người ta vừa đu lại thì nàng lại đu đi
và ngọc của đôi chân song song ruỗi thẳng
nhắc người ta rằng thế giới đã hoá đá. Như thế giới chỉ gợi tình để nhạo cái
tình của người ta. Cái người ta tưởng một âm đạo thật ra cứng như một hốc đá.
Nhưng hốc đá ấy trông như một âm đạo, còn thực là một hốc đá không? Vẫn sự
lưỡng cách ấy của mọi vật và của ngôn ngữ! Nhưng hai mặt của chúng giờ chửi
nhau. Mặt thanh làm mặt tục đâm ra giả tạo. Và ngược lại và không có chiều sâu
nào để giải quyết những mâu thuẫn của chúng thì cũng không có mặt nào là thực.
Thực là cái chân không ở dưới và sự tưng hửng của người ta trước những vật lai
căng, vừa trông như thế này lại vừa trông như thế khác, nhưng không thực là cái
gì cả và trong lưỡng cách của chúng, chỉ để tự định nghĩa như một sự thiếu nhân
đôi. Thanh không ra thanh. Tục không ra tục. Hay nói đúng hơn thì giờ tục có có
một nghĩa phản nhục tình. Nhục tình có mặt trong những vật ấy như một sự không
có thể. Như trong nhân vật của những thầy tu, những ông quan hoạn, những người
ái nam.
Ấy là những nhân vật Hồ Xuân
Hương thường lấy để riễu. Nàng không riễu họ tuy nhiên, như người ta tưởng, tại
họ không như tất cả mọi người. Con người theo nàng có gì đáng tự hào đâu! Nó
không tròn. Nó không thẳng. Sự lom khom của nó là một sự nửa
chừng. Thì nó có khác gì họ? Và họ cũng như tất cả mọi người. Hơn ai hết, Hồ
Xuân Hương biết rằng tất cả mọi người, cũng như mọi vật trong một thế giới đã
mất nguồn, dưới một cái tên nghe tưởng rất xứng đáng, thật ra cũng đều như họ
là những đồ dơ danh. Nghĩa là đều thiếu thực chất, thiếu thực tình, và không
thể thực định nghĩa. Hay nói đúng hơn thì người ta chỉ có thể địh nghĩa họ một
cách tiêu cực như một cái gì chẳng phải ngô mà chẳng phải ta.
Người ta không thể gọi họ là gì cho đúng. Họ chỉ “trông như”. Nhưng trông như
thế nào thì trong sự trông ấy cũng có điều làm họ không thể là cái họ trông
như:
Tựa khách nhưng mà không có bím
Giống sư nhưng lại hãy còn râu
Giống sư nhưng lại hãy còn râu
Họ là những nhân vật thiếu.
Nhưng sự thiếu của cái âm đạo đá là ở cảnh tự tương nghịch của một thể lưỡng cách.
Của những nhân vật ấy thì, giờ, sự lưỡng cách chỉ còn là một sự nhỡ nhàng. Như
những mâu thuẫn của ngoại thể đã đổi dấu. Những thể méo, lai căng và xung đột
nhau, nhường chỗ cho sự nhẵn nhụi chẳng hạn, của những cái đầu không có tóc.
Tóc cũng như là làm chứng cho một năng lực ẩn. Thì không có tóc nghĩa là đã
chết ở trong rồi. Nhẵn nhụi và khô cạn, những nhân vật ấy của Hồ Xuân Hương là
những nhân vật lạnh, nhạt nhẽo và thờ ơ. Họ có sự trừu tượng của cái chết. Thể
nào họ không có thể. Và đặc tính của họ là không có tính. Sự nhẵn nhụi của họ
dẫn người ta vào cảnh mênh mông của một cơn ác mộng trắng, không thấy đâu là
giới hạn, không lấy gì làm cứ điểm, nhưng cứ vào là thất lạc và, như thi sĩ
nói:
Nào ai biết được bông hay củi
Nọ kẻ phân ra cuối với đầu.
Nọ kẻ phân ra cuối với đầu.
Chỗ nào của họ cũng như chỗ
nào. Họ là những tượng thân của sự vắng mặt cũng như cảnh đá cheo leo ấy là
chân không đặc lại để lúc nào cũng muốn sụp xuống chân không. Sự phiếm định
trong họ là những thể khuyết tâm mà vừa nhạo Hồ Xuân Hương vừ lấy để nhạo tri
giác của người ta. Nàng nhạo ngôn ngữ là bất lực, những ý niệm sẵn có là giả
tạo, cái lẽ thường là thiếu thốn. Và khi nàng chơi chữ cũng thế. Người ta khen
nàng khéo dùng những thành ngữ. Hẳn không tại, như người ta nói, nàng có ý làm
thơ bình dân! Nhưng tại những thành ngữ, với một nghĩa đen và một nghĩa thường
là những chữ càng dễ chơi. Nghĩa là càng dễ dùng sái nghĩa, xa cái nghĩa người
ta đợi và một nghĩa nước đôi. Tất cả là để đánh lạc cái lẽ thường, làm nó mất
những toạ độ của nó và từng thấy là nó sai. Mà làm sao không thấy là nó sai
được? Cái ngôn ngữ của nó không ngừng tự phản bội. Và qua cái ngôn ngữ ấy là cả
thế giới bị hoá ra nơi của tất cả những lừa đảo. Nhưng đối lại những lừa đảo
ấy, giờ, có thể có một cái biết thực nào không? Không những thơ Hồ Xuân Hương
tố giác tất cả cái biết sẵn có là sai mà thơ nàng, như người ta đã thấy, trong
nghệ thuật chủ ngoại cúa nó, là một cố gắng để tiêu diệt cái ảo tưởng rằng, cái
biết sai ấy còn có giấu một cái gì khác ở đằng sau. Có thì nó cũng ở ngoài tầm
người ta. Người ta có vào trong thế giới thì thế giới vẫn để người ta ra ngoài.
Và thế giới có lòng đi chăng nữa thì cái lòng ấy có cũng không. Tất cả xảy ra
như giữ tạo là cơ cấu của đời, thế giới chỉ là vỏ và nó rỗng. Nhưng thế thì tất
cả ở đâu ra? Hư tính của tất cả cũng đổi tất cả ra một bí mật tuyệt đối và như
thi sĩ nói:
Không có nhưng mà có mới ngoan.
Tương quan nhân quả của cái
lẽ thường không có nữa. Và người ta vào cái thời gian của sự đột nhiên. A!
Những ngày đã hết của những quả mít chín cây! Mít chỉ chín lẽ dĩ nhiên trong
một thời gian có liên tục như nhịp của nhựa từ lòng đất trào lên, súc tích và
hoá chất dần dần. Sự đột nhiên trái lại là của một thời gian đã sụp đổ. Không
phải là nhhững quãng cách giữa sau và trước đã được xoá bỏ trong cực lạc của
một cuộc sống trực nhiên, như cảnh chan hoà của cái bánh trôi chẳng hạn, để chỉ
còn lại một hiện tại bát ngát và vô cùng. Thời gian sụp đổ của Hồ Xuân Hương là
một thời gian đứt khúc. Không có quá khứ, không có tương lai, nghĩa là không có
một liên tục sống nào giữa sau và trước, nhưng một chuỗi hiện tại gián đoạn và
nhì nhằng chắp nối nhau. Mọi vật đều như tự dưng trồi lên:
Duyên thiên chửa thấy nhô đầu mọc
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang.
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang.
Hai câu thơ ấy tuy nhiên
không chỉ kể chuyện một người con gái chửa hoang. Không chồng mà chửa thì có gì
lạ? Lạ ở chỗ đứa con nàng mang trong bụng là một đứa con của điêu trác. Nghĩa
là của chân không. Hoá ra chân không, cũng sinh, cũng nở, cũng mọc, cũng gây sự
sống. Nhưng sự sống ấy ở chân không ra, có gì là thực? Ngay chữ “nẩy” thôi cũng
đủ cho người ta thấy, trong sự sống ấy, tất cả tính cách máy móc của một di
động tĩnh vật. Như sự sống ấy là một sự sống giả tạo. Cỏ vẫn rậm rạp. Nước vẫn
lam nham. Rêu vẫn lún phún. Nhưng ấy chỉ là những sản phẩm của đá, những chất
nham nhở rỉ ra từ những đồ vật chết, nghĩa là những quái thai. Và người ta hiểu
tại sao trong Hồ Xuân Hương chúng đều có một cái gì ương và dở và gở và rất khả
nghi. Những di tích sinh lý ấy là những nghịch hoạ của sinh lý. Sự nhỡ nhàng
của chúng như điệu múa chết đứng, trên một mặt đất cằn,của ba trạc thế cây
hình uốn éo, vừa ghẹo vừa thách đố người ta vừa tố giác một thế giới đã
hoá kháng. Cái nguồn sống đã mất. Thế giới rỗng. Nghĩa là nó đặc. Và người ta
chỉ là những kẻ đứng ngoài, sống ngẩn ngơ và lạc, trước một thế giới không làm
cho người ta. Thì làm sao người ta hiểu?
Cán cân tạo hoá rơi đâu mất?
Miệng túi càn không thắt lại rồi.
Miệng túi càn không thắt lại rồi.
Cán cân tạo hoá đã gẫy, thế
giới mất quân bình, và tất cả những gì xảy ra như không theo một quy luật nào
cả. Sự thiếu quy luật ấy tuy nhiên không có nghĩa là tự do. Nó chỉ là cách xuất
hiện, như ảnh tượng của cái túi càn khôn cho người ta thấy,
của một thế giới đóng. Cho nên những thể nhố nhăng của thế giới ấy, trong sự
thiếu vắng quy luật của chúng, chỉ là những thể cứng và nhỡ nhàng của cái chết.
Và chúng nhại một tự do thực không thể có cũng như, ở đằng khác, những nhịp đứt
khúc, giật giọng, trục trặc nhưng tẻ đều một điệu của đời. Cá thì đầu
ngơ ngác, chim thì cổ gật gù và người ta cũng quỳ
hai gối xuống gật lom xom. Như chầy máy, như con cò mấp máy suốt
đêm thâu, như máy móc là đặc tính của tất cả những cử chỉ.Khom khom
cật, ngửa ngửa lòng, nâng nâng nhấc, thích thích mau là ngần ấy từ
ngữ để bắt chước, ngay trong cách láy âm thanh của chúng, những nhịp máy móc ấy
của một cuộc sống không có hồn. Cái nguồn sống đã mất. Thì cuộc sống thực không
thể có. Những cảnh của Hồ Xuân Hương, ngay trong sự sặc sỡ giả tạo của chúng,
đều là những cảnh buồn và rất vắng. Và giữa những cảnh bỏ hoang ấy, đôi khi,
người ta gặp những bà vãi lần tràng, hết đếm lại đeo, sống nghìn
năm theo một tác động đã mất nghĩa. Hoá ra thời gian của sự đột nhiên cũng là
thời gian của sự nhai lại. Thế giới loạn thể của Hồ Xuân Hương, rốt cuộc, chạy
theo độc một chiều. Và sự thiếu quy luật của nó lại giam người ta vào những
nhịp cứng và máy móc nhất. Hai mặt ấy tuy nhiên không mâu thuẫn nhau. Ấy là hai
mặt của cùng một cuộc sống xa nguồn. Một mặt thì tất cả đều như vô lý và đứt
quãng. Và mặt khác, cái túi càn khôn cứ khép lại, người ta sống như những tử tù
của một định mệnh [4] càng
ngày càng cưỡng bách. Một định mệnh người ta chịu, nhưng người ta không hiểu,
và đến chết, không thể làm thế nào thoát khỏi. Và những thầy tu cũng như tất cả
mọi người:
Thuyền từ cũng muốn sang Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
Ấy không chỉ là những câu
thơ để riễu, như người ta nói, một xã hội tôn giáo suy vong và thối nát. Nếu
thế thì chẳng tiếc lắm sao! Tiếc Hồ Xuân Hương không sống ở xứ Lào để người ta
mời nàng ra lành mạnh hoá xã hội, chấn hưng đạo đức và được thể làm tiền. Nhưng
Hồ Xuân Hương không nghĩ đến tiền và đạo đức. Qua những thầy tu nàng riễu là cả
cái giải thoát siêu hình của tôn giáo đã bị nàng từ chối và coi là điêu trác.
Cực lạc nếu có thì, theo nàng, nó không thể nào có người cõi tục. Và người ta
biết rằng nàng đặt nó ở chỗ tục nhất của cõi tục ấy là ở lòng thế giới. Nhưng
lòng thế giới không có thì, như những thầy tu, nàng không chờ gì nữa ở đời sau.
Nhất là ở một đời sau người ta tính lấy những “bồ phúc đức” để mua. Và sỗ sàng
nàng hỏi ông thầy tu:
Phúc đức nhà ngươi được mấy bồ?
Chừng mấy bồ thì được giải
thoát? Nhưng người ta hiểu tại sao sự kế toán ấy không thể cám dỗ được một
người vẫn tin rằng cực lạc là được thả mình xuôi một dòng nước đại lượng và rạt
rào. Hơn nữa có ai ngồi đếm những bồ phúc đức ấy cho người ta đâu! Thế giới vẫn
trơ mặt đá. Và người đá Hồ Xuân Hương chỉ thấy có chân không. Sự tuyệt vọng của
nàng là của người duy vật. Huyền bí cũng như thiện và ác trong thơ nàng không
có. Mà nàng cũng không có oán trách ai. Oán trách gì những đồ vô tri giác! Con
người duy vật trong ấy vật thể chỉ thấy một chút chân không đọng lại và trong
vật lý chỉ thấy một sự vô lý không cùng. Lý của vật không phải lý của người.
Những quy luật của nó, nếu nó, cũng chỉ là những quy luật mù. Người ta chỉ có
việc chịu. Tất cả những gì ở trong tay người ta xuyên tạc một lần nữa cái mặt
ngoài của thế giới vốn đã là một xuyên tạc rồi. Nghĩa là người ta có toàn quyền
gây thêm những thể nhố nhăng, cứng và chết. Và thế người ta gọi là sáng tác. Ai
ngờ đâu đi tìm thiên đường của thực thể Hồ Xuân Hương lại lâm vào cái hoạ của
một tự do múa rối! Cái tự do ấy đâu có đổi được gì! Và tất cả những gì xảy ra
vẫn xảy ra một cách trêu người như người ta không có. Con người có nghĩa gì đâu
trước cái nhịp muôn đời của thế giới! Cái chợ người sẽ hết. Nhưng cái chợ Trời
vẫn tiếp tục:
Buổi sớm gió đưa, trưa
nắng đứng
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi
Thế giới chỉ có một sự thật
là sự vô nhân đạo của nó. Và như con ong châm phải đầu sư, người ta là những
kẻ bé cái lầm, chạy theo cực lạc ở chỗ nó không có. Thì sao người
ta không tưng hửng, không tẽn tò, không “hố”? Không những cái lẽ thường của
người ta thất thế, mà làm gì thì những tác động của người ta cũng cứ bị tráo
nghĩa giữa đường. Từ thất bại này sang thất bại khác, người ta là trò chơi của
một định mệnh oái oăm. Lấy chồng thì chồng chết, theo trai thì trai bỏ, đưa
khách qua sông thì khách phụ. Con người của Hồ Xuân Hương đi thì nhỡ bước [5] , lập kế thì sa ngay khi đã chịu thua, chịu thiệt,
chịu “hố”, người ta, đón định mệnh, chọn trước cái phần đê tiện nhất của đời
cho thì ngay khi ấy, tưởng là đã yên thân, người ta vẫn chưa yên. Như trong một
cái hố nào của đời cũng sắn có một cái hố sâu hơn nữa chờ người ta và như thi
sĩ nói:
Cổ đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Kết luận là không có chỗ nào trên đời, dù là một chỗ tủi nhục, có thể
bảo là làm cho người ta và người ta có thể ở. Người ta còn chờ gì ở thế giới
thì người ta còn mắc lừa. Và tuyệt vọng là tất cả những gì còn lại.
7.
Thế giới tuy nhiên vẫn cám dỗ. Cảnh trông như vẫn ưa người. Nhưng giờ
tiếng gọi của cảnh chỉ làm cho Hồ Xuân Hương ngạc nhiên và nghi ngại:
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xoa tràng giang phẳng lặng tờ.
Trắng xoa tràng giang phẳng lặng tờ.
Sự sặc sỡ ấy có thể mua được lòng người khác. Nhưng trong thơ nàng thì
sặc sỡ cũng có nghĩa là điêu. Và nhất là những mầu xanh và trắng ấy thì ai cũng
biết rằng, trong những câu:
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi
Đừng xanh như lá, bạc như vôi
nàng đã mượn chúng để tả sự thờ ơ. Ở đây chúng không có nghĩa gì khác.
Và cái hình tròn xoe tán ấy cũng thế. Như mặt nước phẳng
lặng tờ, nó là một trừu tượng kỷ hà và vừa tô điểm cho cảnh nó vừa làm
chứng rằng cảnh đã chết. Ấy là một cảnh sơn và vẽ như của sân khấu. Người ta đã
kẻ, đã gọt, đã tô mầu cảnh theo thước thợ. Sự vui mắt của nó là của những sảo,
thể. Cho nên cảnh vui mắt ấy cũng là một cảnh tiêu sơ. Như trong sự sặc sỡ của
nó, Hồ Xuân Hương thấy một cái nghèo căn bản. Thì làm sao nàng có thể để nó cám
dỗ?
Ô hay! Cảnh cũng ưa người nhỉ?
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.
Cảnh ưa người. Sự mới lạ sao! Tất cả kinh nghiệm của nàng cho Hồ Xuân
Hương biết rằng ấy là một sự không thể có thực. Nàng ngạc nhiên. Vừa tỏ tý ngạc
nhiên tán thán tự của nàng vừa sốt ruột xua đuổi một mối tình lường đảo. Và thế
là đoạn tuyệt giữa cảnh và người. Lẽ dĩ nhiên ngườI ta không thể không thấy
mất, thấy tiếc, thấy ngẩn ngơ. Ngẩn ngơ là cái sầu của một người
ngay trong sự ưa người của cảnh đã cảm là có thiếu một cái gì. Nhưng ngay cái
sầu ấy người ta biết rằng Hồ Xuân Hương cũng từ chối là điêu trác. Kiêu ngạo
cuối cùng của con người ấy là không có ngay đến sự an ủi của một lời than thở
nhịp nhàng! Nàng đã thật hết chỗ tựa. Nhưng tình cảnh ấy nàng nhận. Nàng nhận
tuyệt vọng. Thì tiếng cười nhạo báng nàng cũng không cần đến nữa. Còn gì để
nhạo nữa đâu! Lần đầu tiên trong Hồ Xuân Hương cảnh hết sai lệch để có cái tĩnh
của kỷ hà [6] . Ấy là sự
bắt đầu của thản nhiên. Hy vọng đã hết và tất cả những ảo tưởng đã bị tố giác.
Trơ ra là một mặt đất cằn.
Thì nước có thể chảy. Ấy chỉ
là một dòng tăn teo như sắp cạn. Mà nó cũng không nói gì cho
Hồ Xuân Hương nữa. Nó đã hết nhiệm mầu. Cho nên giếng tuy đầy mà cỏ vẫn đìu
hiu. Như nước không còn là nước sống. Có nước thì có nhưng cảnh vẫn hắt
heo. Một con đường thiên thẹo, một nhịp cầu tre khẳng, một quán tranh xơ
xác và thế giới chẳng khác gì một cỗ xương khô. Ấy là thế giới của một người đã
từ chối tất cả những cám dỗ ngoài mặt của thế giới để, không chờ gì ở thế giới
nữa, nhận sống đến cùng cái nghèo căn bản của thế giới. Và thế giới để người ta
đứng tréo như sắp đổ giữa một con đường cằn và sai lệch, cheo leo trên một cái
vực tuyệt vời. Không còn gì cho người ta nữa! Không còn gì ngoài cái vực ấy,
không còn gì ngoài một miếng đất trơ xương và, ở giữa, ba ngạc thế cây hình uốn
éo, như một lời mai mỉa cuối cùng. Như một dòng nước hoá đá. Tất cả đều nhắc
người ta rằng, người ta đang ở trong xứ của cái chết và tất cả trên thế giới vô
phúc này, đều dẫn đến chân không. Nhưng khi đã thắng những thương tiếc hão,
người ta nhận cái chân không của tất cả, thì ngần ấy lý do để người ta tuyệt
vọng cũng là ngần ấy cớ để người ta vui. Và người ta có thể thành thực ca rằng
thú vui quên cả niềm lo cũ… Quên thì quên! Quên sao được sự quên ấy. Và nếu cái
vui của Hồ Xuân Hương giờ không còn là cái vui giả tạo của nhạo báng thì nó
cũng không là cái vui của con người tự nhiên. Ấy là cái vui cằn của tuyệt vong.
Một cái vui cướp lại trên nghìn nỗi lo xưa. Như của những người khổ tu thuở
trước chọn sa mạc để sống, lấy sọ người làm bát ăn và, đập xương khô gõ nhịp,
mặc cái điều ai nó lộn lèo. Khác là họ đã ngoảnh mặt đi trước những cái thú của
đời, mà họ cho là ảo tưởng, để chuộc lấy một thiên đường sau cái chết… Và hy
vọng ấy làm sa mạc của họ lên hoa. Nhưng Hồ Xuân Hương không tin là có một đời
sau. Nàng chỉ có cái đời này và, trong đời này, nàng chỉ thấy sa mạc, thì cái
vui của nàng, dựng trên tuyệt vọng và sa mạc của đời, cũng đắng mùi vô đạo. Nó
giống sự thản nhiên, ngoài cửa Lục của núi Thầy Tiêu:
Đồn rằng núi Lục có Thầy Tiêu
Ngồi nhịn đêm thanh lắng muỗi kêu
Cửa trống phó cho thằng nhện đóng
Đèn tàn để mặc cái dơi kêu.
Ngồi nhịn đêm thanh lắng muỗi kêu
Cửa trống phó cho thằng nhện đóng
Đèn tàn để mặc cái dơi kêu.
Ấy là cảnh của một người hoá
đá. Như cứ nhìn mãi một mặt đá vô tình, người ta cũng thấy mình thong thả trở
thành đá theo. Và còn lại trên núi Thầy Tiêu một cảnh đá không có người. Có ai
để nhìn nó nữa đâu? Người ta đồn rằng nó có như nó thuộc một thế giới nào khác.
Như những người ở một thế giới khác, một ngày nào, sẽ đồn rằng có một thế giới
xưa của người. Con người chỉ là một sự thoáng qua. Mà nước mà non thì không có
tuổi. Núi Thầy Tiêu, trong cảnh hoang của nó, là một tiền ảnh của thế giới, khi
ngọn đèn cuối cùng chợt tắt, thế giới lại được trả cho đêm của thời gian và
tiếng bể hát muôn đời. Ai khi ấy còn nhớ là con người đã có?
Như thế có phải là tiếng
chót của kinh nghiệm Hồ Xuân Hương? Ngoảnh lại con đường đã qua thì theo nàng
người ta đã từ một nguyện vọng đã cực lạc đến sự chấp thuận của cuộc sống trụi
và nghèo, từ những vật ở trong sung mãn đến những cảnh gầy trơ xương, từ cái
vui của một hy vọng giầu đến cái vui cằn của tuyệt vọng. Thơ nàng bắt đầu trong
trực giác rằng lòng thế giới giữ một nguồn nước ẩn. Và nàng gọi người ta giải
phóng cái nguồn ấy để sống có thể là sống thực trong chan hoà. Nhưng bạo động
đổi sự giải phóng ấy ra một cuộc chinh phục. Và đáng lẽ chan hoà nó lại càng
tăng ly gián. Nó ép lòng thế giới xuất hiện. Nhưng xuất hiện trong ly gián là
để người ta sờ, người ta mó, người ta nhòm. Thì sự xuất hiện ấy chỉ là một sa
đoạ. Và cái nhòm soi móc, cưỡng bách, xâm đoạt của người ta, đáng lẽ cho người
ta lòng thế giới, lại làm thế giới trở lên sặc sỡ, nham nhở và khôi hài. Như
người ta muốn cướp lòng thế giới thì thế giới nhăn mặt lại và tự bôi hề để nhạo
lại người ta. Hẳn lỗi không ở thế giới. Mà cũng không phải thế giới muốn cho
người ta một bài học lễ độ. Nhưng lòng thế giới đã hoá ra ngoại thể. Và cái gì
còn lại của thế giới là những cảnh đá tạc. Ấy là những cảnh đã chết cứng của
một thế giới đã hết nguồn. Nhưng sự cứng lại của cảnh còn là của một tình trạng
nữa. Là sự đối nghịch nhau giữa cảnh và người mà, trong bạo động, người ta đã
tự cấu tạo. Hay nói một cách khác thì chọn bạo động để mở lòng của cảnh người
ta cũng đã chọn làm cho cảnh mất lòng. Vừa làm cho lòng của cảnh sa đoạ, bạo
động vừa làm cho cảnh hoá đá! Và tất cả xảy ra như thất bại của Hồ Xuân Hương
đã nằm sẵn trong cơ cấu của bạo động. Như vừa tấn công thế giới vừa làm thế
giới cứng lại bạo động chỉ là thể gay nhất của một mâu thuẫn sẵn có trong
nguyện vọng cực lạc của nàng. Là nàng muốn giữ nguyên sự kín đáo ngay trong
cảnh chan hoà. Cho đến nỗi vừa muốn chan hoà vừa muốn giữ nguyên sự kín đáo. Hồ
Xuân Hương, đã vào tới mênh mông lại còn e mình thất lạc, như nàng quên rằng để
biết cái mênh mông của lòng thế giới người ta phải biết quên mình, ở giữa lòng
thế giới, lại thấy mình ở ngoài thế giới, giữa đêm và những mặt đá sỗ sàng.
Nhưng sự sỗ sàng ấy người ta biết cũng của một tâm hồn e lệ. Con người đa tình
ấy coi rẻ những thổ lộ của lòng. Lời than thở của nàng là một lời riễu cợt. Và
ái ân là một cách để nàng thực hiện tự do. Như cái bánh trôi bẩy nổi
ba chìm với nước non mà tấm lòng son vẫn giữ. Hạnh phúc của nó là
thực hiện được cùng một lúc, một cặp yêu sách ngược lại nhau, trong sự giải
quyết của cái mâu thuẫn giữa chúng. Một mâu thuẫn người ta thấy, trái lại,
ngưng đọng suốt kinh nghiệm Hồ Xuân Hương. Khi thế giới đầy thì lòng nó kín,
khi lòng nó xuất hiện thì nó nghèo đi và nham nhở, khi nó gọi người ta dùng
dằng, khi người ta xông đến thì nó hoá đá và người ta hiểu tại sao trước sự mở
lòng của đá Hồ Xuân Hương chỉ thấy một sự hớ hênh. Sự hớ hênh ấy cũng như những
vật úp mở, những đồ lai căng, những cử chỉ nửa chừng, những chữ nửa thanh nửa
tục và rêu và liễu và cỏ và sự đối nhau giữa thông và liễu nữa là ngần ấy thể
của cái mâu thuẫn căn bản trong thế giới Hồ Xuân Hương giữa một giấc mộng nước
và sức kết tinh mà sự hoá đá chỉ là một nghịch hoạ [7] . Cũng như của mâu thuẫn ấy, sự xung đột trong bạo
động, giữa Hồ Xuân Hương và thế giới, là giai đoạn gay nhất.
Những sự xung đột ấy lẽ dĩ nhiên cũng không thể đi tới
cùng. Chẳng hạn tới chỗ xung đột có thể làm nổ tung lên tất cả. Nổ làm sao
được? Khi vừa phá cảnh bạo động vừa làm cảnh cứng lại. Mà cảnh đã cứng thì cái
khuôn nghiêm khắc của Đường luật lại làm cảnh cứng hơn nữa. Hoá ra phá cảnh Hồ
Xuân Hương phá cảnh trong luật. Luật bị xô lệch. Nhưng sự phá cảnh theo luật
ấy, người ta biết, cũng không phá gì hơn một nghịch hoạ. Nó chỉ làm chứng cho
cái tài của Hồ Xuân Hương. Ấy là cái tài làm méo những bề mặt. Và người ta vẫn
không thoát khỏi cái mặt ngoài của thế giới. Thì lòng thế giới có cũng như
không. Hay nói đúng hơn thì người ta có thể nhắc lại rằng không thể để lòng thế
giới ẩn mà cũng không thể làm nó xuất hiện mà không làm nó sa đoạ. Hồ Xuân
Hương chỉ còn một cách là làm như nó không của nàng đổi ra một tài nhạo báng,
nàng có thể nhạo, rằng thế giới không có lòng. Như thế thì tất cả những trật tự
của thế giới đều không có căn bản như nhau. Thì phá những trật tự làm gì? Những
con người của trật tự quý cái tài nhạo báng của Hồ Xuân Hương cũng phải. Cái
tài ấy là một thể của thất bại. Nó từ chối và lên án tất cả những tác động của
người ta để làm một thế giới thực hơn. Và qua cái tài ấy thì cuộc xung đột giữa
Hồ Xuân Hương và thế giới, chưa bắt đầu, người ta đã biết là một cuộc xung đột
vờ. Một đằng thì nó làm thế giới cứng lại để chỉ cho người ta chân không của
những thể và một đằng thì tất cả những thể của thế giới người ta đều làm sái để
nhạo rằng thế giới chỉ có những thể là chân không. Ấy là những thể của một cuộc
xung đột trong ấy những địch thủ xô xát nhau thì không những tìm hết cách để
ghẹo nhau. Và tất cả thơ Hồ Xuân Hương chạy trong một tiếng cười. Nàng cười tất
cả là chân không. Nhưng cười như thế có khác gì những người trí thức không đủ
sức sống đến cùng tư tưởng của mình, nửa đường lại tháo lui, trở mặt cười tất
cả những tư tưởng là hão? Và như thế thì tiếng cười của Hồ Xuân Hương một đằng
có thể gọi là sáng suốt thì một đằng khác cũng gọi là một tiếng cười nguỵ tín.
Nhưng còn cười, còn nhạo, còn riễu thì vẫn còn tha thiết những gì mình riễu,
mình nhạo, mình cười. Xung đột còn tiếp tục.
Cho đến khi, người ta không tha thiết gì nữa, sự xung đột
chỉ còn là một sự thờ ơ, cho đến khi sự tương nghịch nó gây nên trong những thể
chỉ còn là sự nhỡ nhàng của một thế giới rỗng, cho đến khi tuyệt vọng ở thế
giới, người ta nhận sống rỗng và ly gián, không chờ cũng không nhạo gì nữa, để
trong sự thản nhiên của người ta trước tất cả, người ta trả lại tất cả sự thản
nhiên của nó cho thế giới. Thì:
Bên trời phấp phới sương
gieo lá
Sườn bể quanh co sóng vỗ đều
Sườn bể quanh co sóng vỗ đều
Tất cả những ngọn đền đã tắt. Và bắt đầu cái đêm thứ nhất
của thế giới Hồ Xuân Hương. Không phải cái đêm tối om om trong lòng đá, không
phải cái đêm trắng mắt, nghe tiếng gào eo óc, oán hận trông ra khắp
mọi chòm, nhưng cái đêm lành của thế giới lần đầu tiên không có người. Thế
giới hết méo mó. Sự thản nhiên của nó giờ giống một sự dịu dàng. Tất cả lại trở
nên thuần và dễ dãi. Và sườn núi quanh co ấy cũng nhịp nhàng
như tiếng sóng vỗ. Như trên cảnh chợ Trời ngày và đêm vẫn chuyển đều:
Buổi sớm gió đưa, trưa
nắng đứng…
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi.
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi.
Sự tương hoà lại có mặt trên thế giới. Hơn thế nữa, bầy
hàng hoa quả tứ mùa sẵn, thế giới lại rồi rào. Như khi người ta không chờ
gì ở thế giới nữa thì lòng thế giới lại mở. Người ta làm như người người ta
không có mặt nữa trên đời. Thì sự vắng mặt ấy lại là nơi thế giới tụ hội, thế
giới lại đầy và tất cả những gì xảy ra, xưa như ghẹo người ta, lại xảy ra nhịp
nhàng. Hoá ra khi người ta từ bỏ cuộc đời thì cuộc đời lại đến. Như chọn sự
thản nhiên của đá người ta cũng biến đá của thế giới ra cho người ta và thế
giới thuận nhau. Mà thật thế. Thản nhiên là để mặt cho thế giới lôi đi. Lôi đi
vào đêm, lôi đi vào cái chết, lôi đi vào đâu thì Hồ Xuân Hương cũng thuận. Nàng
có thể thuận tất cả tại, không chờ gì ở thế giới nữa, nàng như một kẻ đã chết
rồi. Sự tuyệt vọng ấy, nói cho cùng, có khác gì tình yêu? Qua nó thế giới có
nghèo đến mấy cũng là một thế giới thuần nhất, đại lượng, rồi rào. Và ái ân
giữa thế giới và người ta lại bắt đầu. Hoá ra cái tình của thế giới, người ta
không đoạt nổi, lại đến cho sự vô tình của người ta. Như có để thế giới giữ tấm
lòng son của nó thì lòng thế giới mới rào rạt. Hay nói đúng hơn thì lòng thế
giới có thực không người ta cũng không biết. Người ta đã trả cho thế giới sự
kín đáo của nó và nhận sống ở ngoài, thì tất cả xảy ra như ở ngoài thế giới
người ta ở giữa lòng thế giới; người ta vẫn là người ta; thế giới vẫn là thế
giới; nhưng người ta không có, thì êm ái, lâng lâng theo một
nhịp tang thương, sự kín đáo tuyệt đối ấy cũng là sự tuyệt đối
chan hoà và, như thi sĩ nói:
Nào nào cực lạc là đâu
tá,
Cực lạc là đây chín rõ mười.
Cực lạc là đây chín rõ mười.
9.
Lẽ dĩ nhiên rất có thể tôi lầm. Về Hồ Xuân Hương người ta
có biết gì đâu mà có thể kết luận một cách chắc chắn. Những yếu tố càng ít thì
vị trí và nghĩa của mỗi yếu tố càng khó định và sự tổ hợp của chúng càng có thể
có nhiều kiểu khác nhau. Cho nên những trang này không có giá trị gì hơn là một
giả thuyết. Coi chúng là một bài phê bình thì quá. Phê bình thực là giảng văn.
Nhưng trước khi giảng, trước khi tìm những lý do của tác phẩm trong tiểu sử của
tác giả và, qua tiểu sử ấy, trong những hoàn cảnh cụ thể (sinh lý, văn học,
chính trị, xã hội, kinh tế) tác giả đã sống để, trong tác phẩm, trả lời, giải
quyết, vượt qua, thì người ta phải biết cái tác phẩm người ta định giảng nó thế
nào, nghĩa là, theo một giả thuyết mới của phê bình, trước hết “phải trả cho
tác phẩm sự mạch lạc của nó”. Lẽ dĩ nhiên sự mạch lạc ấy không của một hệ thống
tư tưởng như cái danh từ sai lạc là “phê bình triết lý” làm nhiều người tưởng
lầm, nhưng của một thế giới riêng với những chất, những thể, những đồ đạc,
những vật, những nhân vật đặc biệt của nó mà – mà qua tác phẩm, tác giả đã dàn
cảnh cho mình theo những nguyên liệu của đời cho và dự ý của mình. Cho nên công
việc không phải là tóm tắt tác phẩm trong một số ý niệm sẵn có như lãng mạn,
khắc kỷ, duy vật, hưởng lạc v.v… nhưng là định những tương quan đặc biệt giữa
những nguyên liệu cụ thể tác giả đã lấy để dàn cảnh cái thế giới của mình,
nghĩa là đổi sự tương cận giữa những yếu tố cấu tạo thế giới ấy ra một sự tương
kết. Tìm lối tương kết nhau của những yếu tố ấy – và tư tưởng của tác giả, nếu
có, cũng chỉ là một trong những yếu tố khác – là việc của người muốn đọc đến
cùng. Và về Hồ Xuân Hương tôi cũng không có tham vọng gì hơn là đề nghị một
cách đọc. Hay để dùng một danh từ khó nghe, người ta có thể gọi thế là giải
văn. Giải là mở, là gỡ, là tháo. Người ta mở tác phẩm ra để định xem những yếu
tố nào đã cấu tạo nó. Những yếu tố được dùng nhiều nhất là những yếu tố chính.
Ấy là những thường tố của tác phẩm. Và công việc là lấy những thường tố ấy, tìm
chỗ ăn khớp với nhau giữa chúng và xếp chúng lại. Xếp chúng lại rồi, nghĩa là
sau khi đã duy nhất chúng, người ta có cái người ta gọi là cơ cấu của tác phẩm.
Sự định cơ cấu ấy, như trên đã nói, chỉ là một giai đoạn
của phê bình. Nó ở giữa việc định bản (établissement des textes) và giảng văn.
Cái hay của nó là bắt người ta trở lại tác phẩm, tra vấn tác phẩm đến cùng, tìm
nghĩa của tác phẩm ngay trong chính tác phẩm. Ở đây không phải chỗ để trình bầy
tại sao, sau những thất bại, những giả thuyết, những khám phá nào, sự định cơ
cấu đã trở nên cái phần cám dỗ nhất của phê bình. Quan trọng là người ta đừng
quên rằng định xong cơ cấu của một tác phẩm, người ta vẫn chưa giảng được gì.
Tác phẩm chỉ là một phần của cái đời người đã sản xuất nó. Và cái nghĩa sống,
cái nghĩa thực, cái nghĩa cuối cùng của nó, người ta chỉ có thể biết khi đã đặt
nó trong thống bộ của đời người ấy nghĩa là khi người ta đã biết nó trả lời, giải
quyết, vượt qua những hoàn cảnh cụ thể nào. Cho nên cái nghĩa của tác phẩm
người ta đọc qua cơ cấu của nó như mối duy nhất cơ cấu ấy chỉ là cái nghĩa thứ
nhất của tác phẩm. Tỷ dụ tôi đã xếp cơ cấu thơ Hồ Xuân Hương quanh trực giác
của một nguồn nước ẩn. Và trong trực giác ấy tôi lại thấy một mâu thuẫn, nguyên
uỷ giữa một dự ước chan hoà và một dự ước khác nữa là giữ nguyên sự kín đáo. Ấy
là hai mặt của một dự ước cực lạc. Và thực hiện cảnh cực lạc ấy là dự ước
nguyên uỷ của nàng. Nhưng sao nàng lại quan niệm cực lạc như thế là một chuyện
khác. Xưa người ta lấy cái người gọi là cá tính của tác giả để giải thích tác
phẩm. Giờ thì người ta bảo rằng tác giả có một dự ước nguyên uỷ. Nhưng thế
chẳng giải thích gì hơn và người ta quên rằng dự ước nguyên uỷ, những mâu thuẫn
cũng như những biến thể của nó chỉ có thể hiểu qua cái thực tại đã cho phép nó
có và vừa diễn tả nó vừa vượt qua. Tác phẩm không tự nhiên thành trong đầu tác
giả. Nó thực hiện một kinh nghiệm sống. Và như tất cả những kinh nghiệm, cơ cấu
của nó là nơi của một cuộc tương biến giữa ngoại lực và tự do. Cho nên giảng
một tác phẩm không phải là quy nó ra một phản ảnh của cái thực tại trong ấy nó
ra đời mà cũng không phải là để kết luận rằng nó thế nào là tại tác giả nhất
nhất muốn nó thế. Khoa học chỉ bắt đầu khi trong những thành công cũng như
những thất bại của một kinh nghiệm sáng tác người ta biết đâu là phần của người
và đâu là phần của ngoại lực. Và như thế thì định cơ cấu một tác phẩm, theo một
danh từ mới, mới là một “tiền phê bình” [8] .
Chữ cơ cấu thường có
một nghĩa tĩnh. Nó cho người ta cảm tưởng rằng tác phẩm chỉ là sự thực hiện
trong thời gian của một dự ước lúc nào cũng là một. Hắn cũng có những tác phẩm
như thế và những tác giả mà sự nghiệp không ngừng đào sâu, mở rộng, làm giầu
thêm một thế giới mà cơ cấu như đã định sẵn ngay từ đầu. Nhưng thường thì người
ta đổi cũng như tất cả đều đổi quanh người ta. Và những sự chuyển hướng ấy, nếu
người ta chỉ có thể hiểu chúng từ cái dự ước nguyên uỷ mà chúng là những biến
thể, thì chúng cũng đổi cái thế giới của tác giả và đôi khi đảo lộn nó trong
căn bản. Nghĩa là cơ cấu của thế giới ấy là một cơ cấu động, và xếp lại một tác
phẩm không chỉ là xếp trên một mặt phẳng mà còn là xếp theo một trục thời gian
nữa.
Ấy là điều tôi đã làm
với Hồ Xuân Hương. Nhưng niên lịch của tác phẩm nàng ai biết? Người ta có thể
xếp lại cái thứ tự tôi đề nghị. Nhưng ngay cái trật tự ấy, người ta cũng không
thể hiểu nó một cách chặt chẽ như tôi đã trình bầy. Ai cũng biết rằng trong
thực tế, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác của một kinh nghiệm, không bao giờ
có những giới hạn rõ rệt. Ở giai đoạn sau có thể còn sót lại những đề tài của
giai đoạn trước. Và ở giai đoạn trước có thể đã bắt đầu những kinh nghiệm sửa
soạn những giai đoạn sau. Cũng như có khi những gì, để tiện việc trình bầy,
người ta xếp như là nối tiếp theo nhau, lại xảy ra cùng một lúc. Nhưng dù sao
thì cách xếp giai đoạn của tôi, như đã nói, không là cách độc nhất có thể có.
Chẳng hạn có thể coi cảnh cực lạc trong Hồ Xuân Hương như một đặc ân của tuổi
trẻ và, sau đó, thơ nàng chuyển theo trục của một sự cạn dần. Hay bắt đầu trong
một thế giới cạn, Hồ Xuân Hương đã cá ước ở một nguồn nước ẩn để, trong bạo
động, giải phóng cái nguồn ấy và trả lại sung mãn cho cuộc đời. Thế nghe cũng
xuôi tai. Nhưng để chứng minh được thì có lẽ khó. Ai tuy nhiên dám nói trước là
không thể chứng mình? Và có lẽ giả thuyết ấy cho Hồ Xuân Hương một bộ mặt cám
dỗ và giống thời đại này, thời đại, như một thi sĩ nói, của:
Người nữ sinh viên già
Ôm ngư lôi và phóng pháo
Ôm ngư lôi và phóng pháo
hơn là một sự thản
nhiên thực ra chỉ là một sự phục tòng. Thì dù phục tòng ấy là của một người đã
đổi mình và cái chết làm một người cũng không thể chối rằng chết như thế dễ hơn
là sống. Nhưng tôi đọc Hồ Xuân Hương đâu có để tô điểm hay xử án nàng? Xếp lại
thơ nàng tôi chỉ xếp theo cái kiểu tôi cho là dễ và dễ hiểu nhất. Nhưng tìm
hiểu một người làm thơ cũng là tìm những lý do của một tình yêu. Mà có lẽ người
ta chỉ có cái tình yêu người ta có. Cho nên tuy có tất cả những lý do để chọn
giữa nhiều giả thuyết cái giả thuyết tôi đã chọn, tôi cũng không có ảo tưởng
rằng tất cả những gì tôi viết về Hồ Xuân Hương là đúng. Thừa can đảm thì có lẽ
tôi đã viết lại. Nhưng lễ độ của người viết là không bao giờ muốn có lý đến
cùng. Muốn có lý thì người ta dùng súng! Mà viết có nghĩa gì đâu? Là mượn một
lời nói khó nghe để người ta giận mà đi tìm cái biết thực. Nếu cái biết thực lẽ
dĩ nhiên còn có nghĩa gì trong một thế giới của bạo động, của oán thù, của đói
và rét và có nghìn đao phủ thủ sẵn sàng biết trước hộ người ta.
10.
Mà về Hồ Xuân Hương có
thể có cái biết thực nàng không? Những tác phẩm gán cho nàng người ta không
chắc là của nàng. Và có người còn ngỡ là nàng không có thực. Nhưng Hồ Xuân
Hương không có thì cũng có một truyền
thuyết Hồ Xuân Hương…
Chẳng hạn người ta bảo
Hồ Xuân Hương lãng mạn. Thì cũng không hẳn là sai. Sai là khi người ta tưởng
lãng mạn là làm thơ tự tình, có một ngôn ngữ và một quan niệm sống phóng túng.
Không. Xu hướng lãng mạn của Hồ Xuân Hương bắt đầu trong ý thức rằng có một sự
sai lệch giữa cái biết thường của người ta và thực tính của mọi vật. Nhưng thực
tính ấy thế nào thì nàng cũng không biết. Sao người ta có thể bảo là nàng tả
chân? Nàng đâu có tả. Mà có tả thì cũng để người ta thấy trong cái người ta gọi
là “chân” cái chân không và sự sai lệch của nó. Ngôn ngữ nàng là một ngôn ngữ
phản tả chân, nghệ thuật chủ ngoại của nàng là một nghệ thuật tố ngoại, và thơ
nàng thường là những nghịch hoạ để nhạo đời. Nàng nhạo vua, nhạo chúa, nhạo ông
quan võ, nhạo người quân tử và gì nữa? Tôn giáo, lễ nghi và cả đến cái chết
nàng cũng không chừa. Tất cả những gì xã hội cho là thiêng và trọng nàng đều
lấy ra để cười. Và có người đã vội kêu rằng nàng làm thơ
cách mạng. Nếu thế thì thượng lưu trí thức ở xứ này toàn là những người
siêu cách mạng cả sao! Nhưng chữ cách mạng, như tất cả những chữ điêu khắc của
thời đại như: biện chứng, mặc cảm, tự do v.v… là một chữ đã mắc bệnh nghĩa là
ai cũng lấy dùng nhưng chỉ để dùng sái nghĩa. Hình như người ta quên rằng làm
cách mạng là lấy trật tự xã hội thay trật tự xã hội khác. Mà cảnh cực lạc của
Hồ Xuân Hương Không có tính cách xã hội. Nó là một giải thoát cá nhân. Và nó
đòi một sự chan hoà không để một trật tự nào sống sót thì tính cách phản cách
mạng của nó đã rõ. Hơn nữa để nói đến cùng thì còn gì phản cách mạng hơn là một
yêu sách tự do nhục tình? Sự thật đáng buồn là tất cả cũng cuộc cách mạng, đến
buổi thoái trào nghĩa là khi những nguyện vọng thuở đầu đã vỡ, đều lên án tự do
nhất là tự do nhục tình và mượn đạo đức để minh oan cho những yêu sách của nó
càng ngày càng xa những có thể của thực tại và không thuận lòng người. Nhưng
đạo đức thì Hồ Xuân Hương không thể nào hiểu nổi. Và người ta lại càng lầm khi
người ta tưởng tiếng cười nhạo báng của nàng là của một tâm hồn đẹp, trước đạo
đức suy vong của thời đại mình đã trở nên chán đời. Không. Hồ Xuân Hương không
là một tâm hồn đẹp, như đời vẫn có thừa, có chán thì cũng chỉ biết chán người
ta chứ chẳng bao giờ biết chán mình! Nàng thì trái lại, nàng là người đầu tiên
nàng chán, và sự yếm thế của nàng, xây từ kinh nghiệm rằng cuộc sống thực không
thể có thực trên thế giới, chỉ là mặt trái của một tình tha thiết yêu đời. Ai
đã nói rằng con người ấy yêu đời đến nỗi gặp cái gì cũng thấy vui mắt, cũng
sướng, cũng cười, cũng múa, cũng nhẩy? Nhưng yêu đời Hồ Xuân Hương đòi ở đời nhiều
hơn những cái thú ấy của cảm giác, và ngôn ngữ quá đáng của nàng vừa như cố làm
sống những cảm giác ấy, vừa cho người ta thấy rằng không thể đổi cảm giác ra
một nguồn sống thực. Và người ta hiểu trong thơ nàng cái nghĩa nặng nhục tình.
Của cái phần người ta gọi là tục. Vừa là một cách vặn méo mọi vật nghĩa là một
khí giới để phá cái oai ngoài mặt của thế giới cái tục ấy vừa cụ thể hoá một
tương quan đặc biệt nàng muốn thiết lập giữa thế giới và nàng. Nàng không làm
thơ tục để giải toả trên ngôn ngữ, như người ta tưởng, một tính đa dâm không
được thoả mãn. Mà cũng không để, nhân một lời nói được đôi, khoe tài chơi chữ.
A! Cái tài của Hồ Xuân Hương ai mà không ca ngợi! Như nó có thể chuộc lại được
cái tục của nàng. Hay nói đúng hơn là người ta đã tha thứ cái tục ấy như một
phần của cái tài làm thơ. Làm thơ tục như thế chỉ là một tiểu xảo kỹ thuật và
tất cả những người lương thiện để có thể vỗ tay vào. Nhưng họ càng vỗ tay thì
cái tục ấy lại càng mất nghĩa. Cho nên người ta càng thán phục tài Hồ Xuân
Hương thì tôi lại càng nghi ngờ. Hơn nữa sự thán phục ấy, dựng trên một quan
niệm kế toán về nghệ thuật, nó định giá trị của một tác phẩm theo tổng số những
cái khó người làm thơ phải giải quyết, là một sự hiểu lầm. Hiểu lầm nghệ thuật
và cả Hồ Xuân Hương nữa. Cái đẹp của nghệ thuật có đếm được đâu! Mà nếu thơ Hồ
Xuân Hương chỉ có cái phần đếm được ấy thì nó cũng chẳng quý gì hơn một đồ chơi
đắt tiền. Cái phần đếm được ấy là cái người ta thường lấy để khen nàng là tài.
Và cái tài ấy có lẽ là cái phần đáng bỏ đi nhất trong thơ nàng, nếu nàng không
là người đầu tiên riễu nó và nếu người ta không biết rằng nó là tất cả những gì
còn lại cho nàng để tố giác một thế giới đã hết ân tình. Cho đến khi ân tình
ấy, không cần nữa, nàng cũng quên đi, và quên cả tố giác, nàng cũng quên cả cái
tài của mình để, trong một cái nhìn lơ đãng, làm thế giới và, qua thế giới,
ngôn ngữ lại trở nên thái bình. Thành ra người ta có thể nói rằng, tài thì tài,
Hồ Xuân Hương vẫn đáng yêu. Mà còn gì đáng yêu hơn khi trong một người thục nữ,
người ta gặp một thân thể tự do, một tâm hồn mênh mông như không có và sự vô
tình ấy để cho nụ cười ưng thuận cái gì cũng giống như sự dịu dàng của mỉa mai.
Ưng thuận? Tiếc sao! Tiếc sao! Hạnh phúc ấy không có trong cuộc đời nô
lệ.
Mà có thể có không khi
bạo động và sự từ chối đối thoại càng ngày càng gây thêm thảm khổ và khơi to
cái hố của oán thù?
- Hết -
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét