1. Thuận và “Pari 11 tháng 8”
- Đôi nét về nhà văn Thuận : Nhà văn Thuận tên thật là Đoàn Ánh Thuận, Sinh năm 1967. Chị đã tốt nghiệp khoa Anh ngữ ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Pyatigorsk (Liên bang Nga) năm 1991, làm sao học văn học Anh cổ điển tại Đại học Pari 7 (1991-1992) và cao học văn học Nga đương đại tại ĐH Sorbonne (1992-1993). Hiện chị đang định cư tại Pháp.
- Đôi nét về “Pari 11 tháng 8” :
+ Là tiểu thuyết thứ ba của Thuận, sau Made in Vietnam và Chinatown, được gợi cảm hứng từ trận nóng năm 2003 mà điểm đỉnh là ngày 11 tháng 8, đã giết chết gần mười lăm ngàn người Pháp. Paris 11 tháng 8 vì vậy là niềm hổ thẹn sâu kín của một xã hội hậu-tư-bản viên mãn.
+ Tác phẩm gồm 22 chương, Nhân vật chính của tác phẩm là 2 người đàn bà đi từ Hà Nội và gặp nhau tại Pari. Họ là 2 con người hoàn toàn khác biệt. Một Mai Lan xinh đẹp, quyến rũ từng làm diễn viên nổi tiếng khi còn ở trong nước, trước đó đó đã từng chung sống và có con với một ngoại kiều, vì lớn tuổi nên đã gần hết thời với nghề gái bao kiêm phiên dịch giữa thành phố hoa lệ. Một Liên từng làm coán bộ công đoàn, xấu xí “mặt nổi mụn như bánh đa kê”, đã vậy “mắt gườm gườm” như một vũ khí tự vệ. Liên sang Pari kiếm sống bằng nghề tắm cho người già ở một công ty chăm sóc sức khoẻ người già rồi thất nghiệp, làm hợp đồng giúp việc cho Mai Lan. Hai con người hai số phận nhưng kết thúc cũng bi đát như nhau. Liên chết trong vụ tự tử cùng người nhân tình già, Mai Lan lâm vào cảnh túng quẫn vì bị cắt viện trợ nuôi con….
Pari 11 tháng 8 thành công nhờ nhiều yếu tố, một trong số đó chính là thi pháp tiểu thuyết rất đặc sắc của tác phẩm. Giống như lời giới thiệu của Đoàn Thị Cầm Thi ở đầu tác phẩm là “ Với lối hành văn độc đáo (thậm chí là hơi kỳ lạ so với những cuốn tiểu thuyết khác), "Paris 11 tháng 8" cho người đọc cảm giác như đang đọc trộm nhật ký của một người xa lạ.” Do giới hạn về thời gian nên chúng tôi chọn một khía cạnh của nghệ thuật của tác phẩm này là ngôn ngữ để tìm hiểu.
2. Ngôn ngữ trong “Pari 11 tháng 8”
- Ngôn ngữ nhân vật : Ngôn ngữ nhân vật là một trong những yếu tố quan trọng của ngôn ngữ trần thuật của tác phẩm văn học. Ngôn ngữ nhân vật “là lời nói của nhân vật trong các tác phẩm thuộc các loại hình tự sự và kịch”. Ngôn ngữ nhân vật là một phương tiện quan trọng thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật, được coi là một đối tượng miêu tả, cá tính hóa trở thành một yêu cầu thẩm mĩ.
Trong “Paris 11 tháng 8”, nhân vật Liên chỉ biết im lặng, gật đầu, lắc đầu. “ Cô bán hàng ngẩng đầu bảo: hồng nhung mùa này đẹp, đẹp và tươi. Liên không nói gì. Cô bán hàng bảo tiếp: làm một bó năm bông nhé. Liên vẫn im lặng. Cô bán hàng thở dài, lại cúi xuống tỉa lá, chắc đã quen lắm với cảnh này. Liên ra ngoài, khép cửa lại, vừa cố không gây tiếng động vừa tự nguyền rủa mình”
Có lần muốn khen Mai Lan nội trợ khéo nhưng Liên không sao tìm ra một câu chân thực, tiếng Pháp và cả tiếng Việt đều không diễn tả được. Các nhân vật còn lại mỗi người đều có một kiểu ngôn ngữ khác nhau. Về hình thức, ngôn ngữ đối thoại rất ngắn gọn. Các nhân vật nói năng, giao tiếp với nhau như một công thức, được cài đặt sẵn, nhịp điệu cũng gấp gáp, nội dung các lời thoại cũng bình đẳng quá sức tưởng tượng. Đoạn đối thoại giữa mẹ con Mai Lan tiêu biểu cho hình thức ngôn ngữ đối thoại đó:
Người đầu tên lên tiếng là con My. Nó bảo: ngay từ đầu con đã bảo thằng này không ổn. Mai Lan không nói gì…Mai Lan ngước mắt nhìn nhưng không động đến, một lúc sau mới bảo: thế nào là ổn?. Con My bảo: đi chơi xong, tiễn phụ nữ về nhà là ổn. Mai Lan bảo: nhưng nó độc thân. Con My bảo: không nên nguyên tắc thế mẹ ạ. Mai Lan bảo: sống rồi sẽ biết, mày mới tí tuổi đầu. Con My bảo: mẹ cũng phải xem lại cái thân thể của mẹ. Mai Lan bỏ tách cà phê lên bàn hỏi: mày nói thế là làm sao.
Các câu đối thoại cực ngắn, một số câu đối thoại không cần sử dụng dấu câu, đối thoại diễn ra và kết thúc nhanh chóng như cuốn người đọc tham gia vào câu chuyện. Đây là đặc trưng của lối viết văn hiện đại thường xuất hiện trong các tác phẩm gần đây. Hầu hết các câu đối thoại trong truyện đều ngắn gọn, các câu trần thuật cũng thế. Có lẽ trong thời buổi công nghiệp, con người không còn đủ thời gian để giao tiếp, để tán gẫu nên ngôn ngữ của nhân vật cũng có phần kiệm lời.
Nhà văn Thuận có những sáng tạo trong việc cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật. Ngoài cách đặt câu ngắn gọn, Thuận còn để các nhân vật của mình lặp lại những câu nói của mình như một châm ngôn. Đúng như lời Thuận đã nhận xét “có vẻ như sau một quá trình sử dụng ngôn ngữ, ai cũng tìm được cho mình một câu ưa thích”. Như “ Lan bảo tiếp: sống rồi sẽ biết. Mai Lan có vẻ thích câu này, nói chuyện hay chêm vào”. Cái câu “Sống rồi sẽ biết” được Mai Lan lặp lại như một phương châm sống của bản thân, thấy nhưng chưa va chạm thực tế, chưa tận mắt chứng kiến thì như chưa biết. Vẻ hào nhoáng bên ngoài của đàn ông không làm cho Mai Lan tin tưởng bởi hư nhiều thực ít. Chỉ có nếm phải sự đắng cay của sự gian dối, lừa gạt, Mai Lan mới thấm thía ý nghĩa triết lí của câu nói cửa miệng đó, phải sống và chung đụng với nó thì mới hiểu nó như thế nào?.
Mỗi lần đối thoại, Pát lại thích nhắc câu “Miễn bàn” như một phong cách sống của mình. Tất cả cứ thế mà sống không cần bình luận bàn cãi, không cần giải thích gì thêm. Do đó, Pát cứ tự đưa đẩy cuộc đời mình khắp bốn phương và đoạn kết vẫn là dấu chấm hỏi. Anh trai Liên vẫn một điệp khúc “Cái đó sẽ tính”. Với anh mọi việc cần phải cân nhắc, tính toán, phải trục lợi cho bản thân. “Bà già láu cá” thì lúc nào cũng thốt lên “Ôi thật không sao tin nổi”. Với một sự thất vọng tràn trề. Bà già không tin vì sao trong đời lại có những con người vô ơn như vậy? Tuổi già, bệnh tật nhưng đám con cháu bỏ mặc bà một mình, vài ba tháng mới gọi điện hỏi thăm sức khỏe một lần chỉ để moi một tấm séc của bà. Không một đứa nào biếu bà được một hộp sô- cô- la, một bức bưu ảnh, một bó hoa hay xoa ngực hộ bà. Bà già láu cá đóng kịch cũng rất hay khiến mọi người rất tin bà. “Câu bà ưa thích nhất cũng rất kịch: ôi thật không sao tin nổi”.
Bên cạnh đó, Thuận nhắc đến các kiểu người lặp lại những câu nói theo thói quen của bệnh nghề nghiệp. Các nhà chính trị là những người hay hứa suông nên lúc nào cũng phát ngôn “Tôi xin hứa sẽ làm hết sức mình”; Các vị thẩm phán thường khẳng định tính chính xác của cáo trạng bằng câu nói “Không còn nghi ngờ gì nữa”; Các vị gác cổng thì cam đoan mình hoàn thành trách nhiệm bảo vệ với câu “Chính mắt tôi chứng kiến”. Thầy giáo vi tính dạy dỗ lôi thôi, mất tư cách nhưng vẩn làm ra vẻ trịnh trọng “Mọi việc đều tốt chứ, thôi bây giờ chúng ta làm việc nghiêm túc nhé!”.
Mỗi nhân vật, mỗi con người lắp lại một câu nội dung khác nhau nhằm cá thể hóa ngôn ngữ của mình tạo nên một nét riêng khác biệt. Mặc dù những câu nói ấy không phải là những triết lí suy nghiệm nhưng đó là những phương châm sống, những lời lẽ ứng xử của các nhân vật hình thành nên một thế giới nhân vật hết sức phong phú, sinh động, mang tính thẩm mĩ cao.
Ngôn ngữ nhân vật bao giờ cũng kết hợp giữa tính cá thể và tính khái quát. Mỗi nhân vật có một ngôn ngữ mang đặc điểm riêng nhưng mặt khác lại phản ánh được đặc điểm ngôn ngữ của một tầng lớp nhất định. Ngôn ngữ của Mai Lan là ngôn ngữ của một người từng lăn lộn kiếm sống bằng chút nhan sắc nên tỏ ra mạnh bạo, dạn dĩ. Lời nói mang tính quả quyết nhưng đằng sau đó là nỗi xót xa “Tao sẽ phải tự lăn lộn kiếm ăn. Kiếm được đồng tiền khó lắm. Bao nhiêu là mánh mung, đấu đá, bao nhiêu mối quan hệ lằng nhằng, bao nhiêu thủ tục hành chính phức tạp.”. Mai Lan ý thức được muốn kiếm được đồng tiền phải trả giá khá đắt nhưng không còn cách nào khác. Ngôn ngữ của Pát lại mang cá tính đặc biệt lúc nào cũng lấp đầy dục tính với những cảnh làm tình táo bạo. Đó là ngôn ngữ của kiểu người thích hưởng thụ, đam mê dục vọng của thanh niên phương Tây khi mất phương hướng “Pát bảo làm tình nhân thiệt thòi nhiều lẽ nhưng được cái kích thích. Kích thích là điều quan trọng nhất. Yêu nhau mà không kích thích thì trệu trạo hơn bánh mì khô”. Lời ăn tiếng nói của Pát có vẻ sành sỏi của người từng trải qua những cuộc tình thác loạn. Ngôn ngữ của giám đốc Vinh lúc nào cũng tỏ ra lịch thiệp nhưng giả dối của kiểu người sống ưa hình thức, mắc bệnh sĩ. Các nhân vật trong truyện đều có một ngôn ngữ riêng không pha tạp vào đâu. Mỗi lời nói của nhân vật đều mang những nét cá tính riêng của một kiểu người tiêu biểu trong xã hội.
Ngôn ngữ đối thoại trong truyện ngắn gọn, gắn liền với tính cách nhân vật. Đối thoại trong truyện ít mang tính xung đột mâu thuẫn. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật nhiều khi là những suy tư, trăn trở của nhân vật. Một số câu đối thoại của Mai Lan còn mang tính trừu tượng, nước đôi khó hiểu. “Nhưng sợ nhất là những cái không ai định nghĩa nổi, không có trên giấy tờ, không biết gọi tên là gì. Xã hội Việt Nam mỗi ngày tự sản xuất ra vài cái như vậy”. Ngôn ngữ độc thoại xuất hiện ít hơn đối thoại. Có khi chỉ vài ba câu ngắn nhưng thể hiện nội tâm nhân vật trong những giây phút bị dư chấn trong tâm hồn. Ngôn ngữ nhân vật của “Paris 11 tháng 8” thể hiện tính cách nhân vật rất sắc sảo
- Ngôn ngữ người kể chuyện
Ngôn ngữ người kể chuyện trong “Paris 11 tháng 8”, có khi hài hước, châm biếm. Ngôn ngữ người kể chuyện như đưa người đọc trở về với cuộc đời thực của nhân vật. Cùng sống, cùng chịu đựng những đau khổ trong bi kịch tinh thần của họ. Phần lớn ngôn ngữ của người kể chuyện là ngôn ngữ kể. Kể câu chuyện về những người phụ nữ đủ nguồn gốc lưu lạc trên đất Pháp, kể về sự tha hóa của con người khi mà đạo đức đã bắt đầu xuống cấp, về nỗi hổ thẹn của nước Pháp trong sự kiện 11 tháng 8 làm 15.000 người bỏ mạng và khiến hàng loạt người bị thất nghiệp… Ngôn ngữ người kể chuyện lắm lúc pha màu hài hước làm cho không khí truyện bớt căng thẳng và giảm nhiệt. Những đoạn kể chuyện Pát làm tình hồi còn làm thợ may ở LaHabana “Có hôm hung quá, một thùng kim máy khâu đổ xuống. Cả bọn tái mặt. Không dám gọi ai” hay cảnh ô-sin vào dọn dẹp phòng anh trai Liên vớ phải băng con heo liền “Đóng chặt cửa, bật đèn ngủ nằm dang chân trên đệm xem con trai con gái vật nhau”. Ô- sin thích lắm nên từ đó hay chịu khó vào dọn dẹp phòng anh trai Liên. Bằng ngôn ngữ hài hước kết hợp châm biếm, người kể chuyện đã phơi trần hình ảnh anh trai Liên và giám đốc Vinh như hiện thân của những kẻ bất tài vô dụng, hoang phí và trụy lạc.
Ngôn ngữ người kể chuyện trong “Paris 11 tháng 8” là ngôn ngữ được viết theo lối trực tiếp, phần lớn là ngôn ngữ kể. Ngôn ngữ người kể chuyện được biểu đạt một cách rõ ràng, trong sáng với thái độ khách quan, giàu chất hiện thực, tình cảm yêu ghét phân minh đối với các nhân vật. Đó là thứ ngôn ngữ hàm súc, tuy không đi sâu phân tích, lí giải nhưng người đọc vẫn hiểu ý đồ nghệ thuật của người kể chuyện. Mà cách dùng ấy được dặt tên là ngôn ngữ “ cực thực” để thể hiện bi kịch của các nhân vật. Chính Thuận đã từng trả lời phỏng vấn : “Mỗi nhà văn có một cách riêng để đưa hiện thực vào văn học. Nguyên tắc của tôi là tránh càng xa càng tốt sự hoài cổ và lãng mạn.”
Nỗi đau là gì? Chính xác hơn: Viết nỗi đau như thế nào? Ngôn từ nào có thể diễn tả nỗi đau, một khái niệm vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa giản dị vừa phức tạp, vừa hữu danh vừa vô hình, vừa cá nhân vừa cộng đồng? là câu hỏi không ngừng ám ảnh mọi nền văn học.
Trước nỗi đau vô tận nhưng sâu kín đó của nước Pháp, Thuận, một nhà văn ngoại kiều, đã chọn chỗ đứng nào? Vừa ở trong vừa ở ngoài. Vừa xa vừa gần. Khẽ khàng cô muốn chạm vào nó nhưng vội rụt tay về. Không rút mùi xoa không nức nở, mà bằng một năng lực cảm nhận đặc biệt, Thuận kể về thảm kịch lịch sử và thân phận cá nhân. Hai mươi hai chương của Paris 11 tháng 8 đều bắt đầu bằng một bài báo Pháp nói về trận nóng 2003, có vẻ không ăn nhập gì với diễn biến câu chuyện sau đó. Nhưng lồng thông tấn vào văn học, hai thể loại văn bản đối lập nhau, Thuận khiến độc giả bất ngờ như thể xem một bộ phim màu có xen những đoạn tư liệu đen trắng. Động tác lục lưu trữ của Thuận, đọc săm soi nỗi đau giấu kín dưới tầng tầng lớp lớp của thời gian và thông tin, nhưng không một lời bình luận, thể hiện một thái độ vừa thẹn thùng vừa khiêu khích. Còn đây là cách cô diễn đạt nỗi niềm của nhân vật chính ở tuổi trăng tròn:
«Liên học đại học Mỏ-Ðịa chất. Sinh viên nữ đếm trên đầu ngón tay, còn lại toàn nam. Giáo viên cũng toàn nam. Ngày mồng tám tháng ba, sân trường vắng ngắt. Cả thầy lẫn trò lo cắt tóc và mang hoa đến tấn trước kí túc xá Sư phạm. Liên và mấy đứa con gái năm đầu ngỡ ngàng, Quốc tế phụ nữ tiếp theo tự động ngồi nhà, hôm sau gặp nhau ở giảng đường không một câu bình luận, như không có chuyện gì xảy ra. Các thầy giáo không hiểu vì ngượng hay thương hại mà suốt buổi chẳng gọi nữ sinh nào lên bảng. Bọn con trai thì im lặng tuyệt đối. Giờ giải lao, một thằng chạy ra hàng nước trước cửa trường. Lúc Liên quay lại thấy trên bàn có một phong kẹo lạc. Lần sau thấy bánh đậu xanh. Lần sau nữa thấy mè xửng. Năm tốt nghiệp thấy hẳn một gói sô-cô-la Thái Lan, giấy bọc màu vàng, in hình con voi ngậm một bông hoa hồng, giá bằng bát phở tái Tràng Tiền. Liên không nói gì. Hết giờ học cho vào túi, cũng chẳng lên tiếng cám ơn. Bọn con trai không phản ứng, có vẻ như không ngạc nhiên. Trên xe buýt về nhà, Liên gặp một đứa con gái học khóa trên. Nó bảo nó cũng được một phong kẹo lạc. Sau đó cả hai cùng im lặng. Bốn mươi lăm phút trên xe buýt dài vô tận. Hai đứa tránh nhìn vào mắt nhau.»
Dùng những từ ngữ giản dị nhất để nói những khái niệm phức tạp nhất, không diễn văn không tu từ không ẩn dụ, đó là nỗi đau của Thuận. Đằng sau những dòng chữ là im lặng, âm vang, khoảng trống. Là những điều không thể nói thành lời. Sức mạnh của Paris 11 tháng 8 chính ở trong trận chiến không phân thắng bại giữa nói và không nói. Nhưng có lẽ đó là một điều xa xỉ đối với những ai đang mải viết báo Tết kiếm tiền chơi Xuân như Phạm Xuân Nguyên.
Tác giả đã thể hiện một cá tính sáng tạo. Khi trần thuật, Thuận chọn người kể chuyện ở ngôi thứ ba để có giọng kể khách quan hơn. Vì vậy, “Paris 11 tháng 8” đậm chất hiện thực, tạo độ tin cậy cao, phản ánh được bản chất vốn có của sự vật, sự việc. Giọng điệu của “Paris 11 tháng 8” là giọng điệu lạnh lùng của lí trí, không khoan nhượng trước những tiêu cực của cuộc sống. Chính vì vậy, giọng điệu chủ yếu ở đây là châm biếm, hài hước lẫn chua cay. Nhờ giọng điệu ấy mà tác phẩm có ý nghĩa phê phán khá sâu sắc. Trong bài phỏng vấn của tác giả Lan Ngọc, Thuận đã thừa nhận: “Ngôn ngữ Việt thừa hiện đại và tinh tế để sáng tạo”. Do đó, Thuận đã sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo, biến hóa và linh hoạt. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật ngắn gọn, mang phong cách Việt và biểu hiện được tính cách của các nhân vật một cách riêng biệt, không lẫn lộn cá tính giữa các nhân vật.
Thuận có cách nhìn hiện thực, từng nếm trải nhiều đắng cay của cuộc sống xa xứ trong sự mặc cảm của con người di dân nhỏ bé
3. Kết luận : Nghệ thuật trần thuật đa dạng, thể hiện sự cách tân trong nghệ thuật trần thuật. Điểm nhìn trần thuật của các tác giả luôn di chuyển trong không gian và thời gian, giữa các nhân vật kết hợp nhiều điểm nhìn khác nhau để soi chiếu lẫn nhau. Khi trần thuật, Thuận chọn người kể chuyện ở ngôi thứ ba để có giọng kể khách quan hơn. Vì vậy, “Paris 11 tháng 8” đậm chất hiện thực, tạo độ tin cậy cao, phản ánh được bản chất vốn có của sự vật, sự việc. Giọng điệu của “Paris 11 tháng 8” là giọng điệu lạnh lùng của lí trí, không khoan nhượng trước những tiêu cực của cuộc sống. Chính vì vậy, giọng điệu chủ yếu ở đây là châm biếm, hài hước lẫn chua cay. Nhờ giọng điệu ấy mà tác phẩm có ý nghĩa phê phán khá sâu sắc
Tuy chưa đạt đến độ sắc sảo, mẫu mực nhưng đã góp được một tiếng nói riêng thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn. Giọng điệu và ngôn ngữ có nhiều mới lạ mang âm hưởng của lối viết hiện đại. Nghệ thuật trần thuật ấy đã đem lại cho tác phẩm một cái nhìn, một sự đánh giá chân thực về con người và xã hội đã thật sự thổi hồn vào nhân vật, làm cho nhân vật trở nên gần gũi với đời thường hơn, sinh động hơn.
* Tài liệu tham khảo
1. http://vietbao.vn/Van-hoa/Thuan-va-Paris-11-thang-8/40123385/105/
2.http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nmnvn2n31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1
3. TS Lê Thị Hải Vân,Văn Kết Hợp Báo Trong Tiểu Thuyết “Pa Ri 11 Tháng 8” Của Thuận (tiểu luận)
4.Thuận – Tôi đề nghị một lối đọc không thụ động- Báo Văn nghệ trẻ, số 38/2005
5.Phạm Xuân Nguyên- http://www.tathy.com/thanglong/showthread.php
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét