Thư Triệu Lam Châu gửi...
Thứ tư - 22/05/2013 11:22Nhà thơ Triệu Lam Châu
Thư Triệu Lam Châu gửi một cháu gái ngành văn
Cao Bằng, không giờ 20’ sáng 10 tháng 5 năm 2013
Chào cháu Đào Th. L
Đã khá lâu chưa liên lạc gì với cháu. Công việc nghiên cứu về nhà thơ Nga Êxênhin của cháu ra sao và việc làm luận án tiến sĩ văn học của cháu đã tiến hành đến bước nào rồi? Cháu có cảm hứng gì mới về văn chương và cuộc đời – cứ tâm sự với chú nhé.
Chú về thăm cố hương Cao Bằng từ dịp tết tới giờ. Bao niềm vui quê nhà cứ lôi cuốn chú đi như nước chảy ào ào lao xuống thác núi. Bao niềm cảm hứng mới tuôn trào, đến giờ chú vẫn chưa có thời gian tái hiện lại những nỗi niềm ấy trên trang văn hằng mong đợi.
Chú xin chia sẻ mấy nét lớn niềm vui của chú cho cháu cùng vui nhé.
Từ tháng 11 năm 2012 chú biết làm klíp nhạc cho các bài hát của mình. Chú đã đưa lên mạng rồi, hẳn cháu đã xem (Vào google.com – rồi vào chautrieu – youtube). Do vậy kỳ này về quê chú chụp được nhiều cảnh núi rừng đẹp lắm. Đó là tư liệu quý cho những klíp tiếp theo chú sẽ làm.
Một mình chú lại lên đồi cao thăm lại những kỷ niệm thời thơ bé chăn trâu, cách đây đã hơn năm mươi năm rồi. Vật đổi sao dời, mà lòng người vẫn vẹn nguyên trong vắt như suối núi thuở nào…. Cô bạn nhỏ thuở thiếu thời, nay đang ở nơi đâu…. Lòng trống trải vô cùng…
Cũng dịp này chú làm được cả chùm thơ rất xao động cõi lòng, nói về kỷ niệm tuổi thơ quê hương.
Trong chùm thơ ấy, có bài như sau:
Như thoáng thấy bóng em trên Nà Phiêng
Như thoáng thấy bóng em trên Nà Phiêng
Một vùng đồi mênh mang cỏ mượt
Những bờ hoa kim anh thêu hình trái tim trắng muốt
Vương miện ngời lấp lánh hoa chuông
Chỉ lát giây thôi, em vụt vào mông lung
Gửi lại một mùa hoa thổn thức
Gửi lại ngọn Bó Toòng dáng trầm tư đơn độc
Dải núi Kiéo Mạy Xạ Hàn giang cánh, ước bay đôi…
Anh bần thần, ngơ ngác gọi: Em ơi…
Gió mang vội lời anh trải đầy thung lũng
Suối Nà Sáng vẫn một màu bình lặng
Nắng thầm nghiêng nức nở gọi hồn chiều
Anh ngẩn nhìn một làn mây phiêu diêu
Thoa ánh mộng của núi đồi thảng thốt
Rồi mây bỗng kết thành một nụ cười sơn cước
Bát ngát trời cao lồng lộng một vầng mình
Em là ta, là mình, cũng là anh
Nở thành gió, thành mây, thành chiều hương rộn rực
Thành ký ức trong ngần, tiếng mõ trâu lốc cốc
Thành Nà Phiêng chan chứa của riêng ta…
Nà Phiêng, Khau Mi-à 2013
Những người lớn tuổi (từ 50 trở lên) thường chỉ sống bằng nội tâm, hoài niệm và tiếc nuối về quá khứ thần tiên nhiều lắm….Như chú đây, đã thành ông nội, ông ngoại, con cháu trưởng thành hết rồi – nay có thời gian thảnh thơi, không bị gò bó bởi công việc sự vụ cơ quan, có lương hưu đủ sống… Và như vậy càng có thêm nhiều cơ hội sống cho văn chương. Kỷ niệm tuổi thơ bao giờ cũng rực rỡ như tiên, nên bây giờ chú thấy lòng hiu hắt, trống vắng vô ngần… bao bạn bè kẻ mất người còn. Ngẫm lại mình chú thấy vẫn còn may mắn hơn bao người khác cùng trang lứa…
Chả trách bao người xưa đã từng nói rằng: Thơ buồn thường sâu hơn thơ vui. Đúng vậy. Đời người dài dặc… tỷ lệ nỗi buồn hẳn là nhiều hơn niềm vui. Giàu có về vật chất, chưa chắc đã vui đâu, cháu à…
Năm ngoái dịp chú về thăm quê, mấy đứa bạn cũ cùng học cấp 3 chuyên toán Cao Bằng hồi xưa, rủ nhau ra quán ăn uống và tâm sự. Chú nhớ mãi câu nói của bạn T. S. (Từng là cán bộ cao cấp của Đảng): Như anh Châu đây, còn có những tác phẩm để lại cho con cháu mai sau. Còn chúng mình thì có gì để lại nào?
Nghĩ mà thương cho bạn mình. Thế rồi chú lại nghĩ: Đó cũng là niềm tự hào đặc thù cuả ngành văn chúng ta đó cháu à. Thực tế bao nhiêu người thời trẻ, dồn bao công sức bon chen để giành chức giành quyền – để rồi khi về hưu (lúc mà quyền và chức đã thành một con số không to tướng trong tay), mới ngộ ra một điều thảng thốt: Mai kia liệu còn có ai nhớ đến ta chăng?
Video “Nhà thơ, dịch giả Triệu Lam Châu” do Đài truyền hình Việt Nam, Chi nhánh Phú Yên thực hiện tháng 6 năm 2011 (Chú đã đưa lên mạng rồi) – chú mang ra Cao Bằng tặng nhà báo Lã Vinh. Anh này trẻ hơn chú khoảng 6 tuổi, năm ngoái mới quen chú. Sau đó một tuần chú Lã Vinh gọi điện cho Triệu Lam Châu, đặt vấn đề sẽ viết kịch bản và làm video về chú. Thật là vui mừng khôn xiết. Ba tuần sau Đài phát thanh – truyền hình tỉnh Cao Bằng cử người vác máy lên quay cảnh bản làng Nà Pẳng, trường tiểu học Cốc Lùng… những nơi liên quan đến quê hương Triệu Lam Châu. Đêm mùng 4 tháng 5 vừa qua Đài truyền hình Cao Bằng đã phát sóng video về Triệu Lam Châu, với tựa đề thật lãng mạn “Vầng trăng… Triệu Lam Châu”. Cả tỉnh Cao Bằng mới ngạc nhiên: Ồ, Cao Bằng mình cũng có người thành đạt về nghệ thuật như thế cơ à….
Và như vậy cả hai video quay ở Phú Yên, nơi chú công tác và quay ở cố hương Cao Bằng – đều thể hiện được những nét đặc sắc của ba lĩnh vực sáng tạo mà chú dồn nhiều tâm sức. Đó là: Làm thơ, dịch thuật văn học và sáng tác nhạc.
Có các nhà báo hình nói về sự nghiệp tâm huyết của mình, thì đã là vui rồi. Song sự việc họ chủ động đặt vấn đề với mình, để họ viết và dàn dựng video về sự nghiệp nghệ thuật của mình – thì lại càng vui gấp bội, cháu ơi. Hồi giữa năm 2011 tác giả Phương Trà của Đài Tryền hình Việt Nam – Chi nhánh Phú Yên, gọi điện đến Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà, xin gặp Triệu Lam Châu, để lấy tài liệu, để làm video về chú. Còn đầu năm 2013 này thì nhà báo Lã Vinh, Đài truyền hình Cao Bằng, chủ động liên hệ với chú để làm video về chú đó.
Cải hai lần ấy đều thật bất ngờ và làm cho chú vui vô bờ bến. Và chú lại tự nhủ: Đúng là ông trời có mắt…Triệu Lam Châu xin rất cảm ơn các bạn tri âm, cảm ơn cuộc đời này nhiều lắm…
Ngày 7 tháng 5 vừa qua, chú lại có hai niềm vui lớn, xin chia sẻ cùng cháu nhé:
Một là: Trang mạng Người bạn đường, của Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Nga, Trụ sở đóng tại thủ đô Nga Matxcơva, đã đăng ba chùm thơ liền của Triệu Lam Châu (gồm chùm thơ thứ ba, chùm thơ thứ tư và chùm thơ thứ năm. Chùm 1 và 2 thì đăng từ trước rồi) - tham dự cuộc thi sáng tác thơ văn về Vongagrat và nước Nga. Năm 2013 này cả loài người tiến bộ kỷ niệm bảy mươi năm (1943 – 2013) chiến thắng Xtalingrat (Vongagrat) và sáu mươi tám năm (1945 – 2013) chiến thắng Phát xít Đức. Cũng nhân dịp này chú có chùm thơ gồm các bài như: Gia đình tôi có sinh nhật bồn mùa, Cứ mỗi lần cho con bú xong, Tâm sự của một nhà ngoại cảm, Bài ca nào hay nhất, Anh cùng em lộ trình…
Cũng may năm 1973 xa xôi chú đã từng đến tham quan thành phố Vongagrat, từng chiêm ngưỡng quần thể tượng đài hoành tráng trên đồi Mamaep, nổi bật nhất là tượng Bà mẹ Tổ quốc cao lồng lộng trên đồi, một tay cầm kiếm giơ cao, tay kia vẫy gọi đàn con xông lên chiến đấu chống giặc thù. Một tượng đài rất đỗi thiêng liêng, gợi lên trong lòng bao thế hệ niềm xúc động không cùng về vẻ đẹp tinh thần của Bà mẹ Tổ quốc của mọi thời đại. Lần đầu tiên khi thấy tượng Bà mẹ ấy trên đồi Mamaep, cảm động quá, chú đã khóc và bần thần suốt mấy ngày liền. Đúng là sức mạnh vĩ đại và hết sức tiềm tàng của văn hoá Nga – một nền văn hoá vào bậc ưu tú nhất của nhân loại. Nhờ lịch sử hào hùng và nền văn hoá sâu xa tráng lệ ấy – mà sản sinh ra những nghệ sĩ bậc thầy – mới có tác phẩm Tượng Bà mẹ Tổ quốc lay động lòng người sâu xa đến thế. Giờ đây, năm 2013, dẫu đã qua bốn mươi năm rồi, kể từ lần đầu tiên thấy pho tượng kia – chú vẫn rưng rưng cảm động, mỗi lần truy cập các trang mạng Nga để lại lặng ngắm nhìn Tượng Bà mẹ thiêng liêng cầm kiếm trên đồi Mamaep. Và… Triệu Lam Châu không ngần ngần ngại tự nói với lòng mình rằng: Pho tượng Bà mẹ Tổ quốc cầm kiếm thiêng liêng ấy – là kiệt tác của nhân loại hôm nay và mai sau…
Hai là: Một niềm vui cũng thật bất ngờ, giống hệt như năm ngoái hồi cháu, một người chưa hề gặp mặt, viết thư cho chú nhờ đồng cảm văn chương. Và đêm mùng 7 tháng năm vừa qua cũng vậy. Đột nhiên có một tin nhắn lạ: Chào anh Châu. Tôi đã đọc thơ anh và tôi đang bình thơ anh. Nhưng nhiều từ viết bằng tiếng Nga, tôi không hiểu.
Chú liền lập tức nhắn lại ngay: Thật bất ngờ. Xin rất cảm ơn. Xin bạn vui lòng cho biết quý danh nhé. Thư điện tử: trieulamchau@gmail.com
Rồi người ấy nhắn tiếp: Em đang theo học thạc sĩ ngành văn học Việt Nam. Anh bình bài thơ Một buổi sáng cuối thu của Chu Thị Linh Quang rất hay. Anh sống ở Nga hả? Em tên Bạch Dương. Email: anhbachduong@gmail.com
Đúng là một cái tên gợi trí tò mò: Bạch Dương, không hiểu là nam hay nữ đây? Xin cháu đừng cười chú nhé. Những ý nghĩ như vậy hoàn toàn rất tự nhiên, tự nhiên như cuộc sống vậy thôi.
Thế là chú viết bức thư ngắn gửi người ấy:
Chào bạn Bạch Dương
Mình rất bất ngờ nhận được tin nhắn của bạn. Bạn đang học thạc sĩ ngành văn, vậy là chúng ta cùng quan tâm nhiều đến lĩnh vực tâm hồn rồi.
Cảm ơn bạn đã đồng cảm với tác phẩm của tôi. Tiện đây mình xin gửi một số đường dẫn cho bạn, để cùng chia vui với tác phẩm Triệu Lam Châu nhé.
Chúc bạn sức khoẻ và mọi thắng lợi
Triệu Lam Châu
Đường trời: trieulamchau@gmail.com
Số nối: 0983 825502
Hẳn cháu cũng rõ rồi: Đối với người nghệ sĩ, thêm một công chúng, thêm một tri âm – là thêm một niềm hạnh phúc chân chính về mặt tinh thần.
Rồi hai giờ sau có thư phúc đáp cho chú như sau:
Đọc thế giới thơ của Anh, em thực sự bái phục cái nguồn vốn kho tàng thơ của anh! Em là một con người rất thích thơ văn, từ bé em đã làm thơ nhưng cũng vì cơm áo gạo tiền mà một thời gian dài em không làm thơ, nay gặp anh,đọc thơ anh em lại thấy yêu thơ anh và yêu cuộc sống này hơn. Em băn khoăn không biết hiện anh đang sống ở đâu? Có lẽ anh sống nhiều ở Nga nên thơ anh ảnh hưởng thơ Nga rất nhiều.
Chúc anh và gia đình mạnh khỏe! Lúc nào có dịp ra Quy Nhơn hoặc vào Bình Phước anh alo cho em nhé!
Nguyễn Văn Thông
Đến bức thư này, chú mới rõ tên thật của người ấy và là con trai. Và Triệu Lam Châu cứ tưởng sự việc chỉ dừng lại ở đây thôi. Ai ngờ… lại có niềm vui tiếp nối, như trên trời rơi xuống, khi bạn Thông lại thư cho chú ngay trong đêm, như sau:
Em muốn làm luận văn tốt nghiệp về thơ anh, nhưng em chưa biết lấy tên đề tài gì, anh có thể gợi ý giúp em được không? Em rất thích bài hát Vầng trăng Nà Pẳng của anh, lời thơ và nhạc rất hay. Anh sống ở Phú Yên à! Anh cũng nhiều tuổi rồi, nhưng cho em gọi bằng anh nhé, Anh thật giỏi, vừa đi dạy địa chất vừa làm thơ, vừa dịch thuật.
Nếu cháu đứng ở cương vị của Triệu Lam Châu, thì cháu sẽ ứng xử ra sao với niềm vui này và sẽ trả lời bạn ấy thế nào đây? Cháu có biết không, niềm vui ấy nâng bổng chú lên mây núi Khau Mi-à, và chú liền trả lời ngay một mạch với niềm tâm huyết đã chứa chất trong tâm hồn mình biết bao năm nay:
Cao Bằng, đêm 7 tháng 5năm 2013
Chào bạn Nguyễn Văn Thông
Lại một niềm vui bất ngờ nữa bạn dành cho tôi: Bạn muốn làm luận văn tốt nghiệp về thơ Triệu Lam Châu. Nếu như vậy, thì quả là một vinh dự lớn cho Triệu Lam Châu rồi đó. Xin cảm ơn bạn vô vàn. Và như vậy Nguyễn Văn Thông là nhà nghiên cứu đầu tiên về thơ Triệu Lam Châu. Niềm tâm huyết của mình, được bạn để mắt tới nghiên cứu – đấy là niềm hạnh phúc chân chính của tác giả.
Mình sẵn sàng cung cấp tư liệu cho bạn để làm luận văn.
Mình đang thăm cố hương Cao Bằng. Do vậy mình bước đầu gửi một số bản đánh máy các tập thơ mới xuất bản gần đây cho bạn trước nhé. Một thời gian nữa trở lại Tuy Hoà (mình sống ở Tuy Hoà hơn ba chục năm nay), mình sẽ gửi thơ tiếp cho bạn nhé.
Bạn sắp ra trường chưa? Bản thảo luận văn tốt nghiệp của bạn, bao giờ thì phải trình lên Nhà trường?
Thơ Triệu Lam Châu thể hiện ở các mảng hiện thực sau đây:
- Hiện thực miền núi của dân tộc Tày
- Hiện thực ngành địa chất
- Hiện thực miền quê núi nước Nga…
Mình xin gợi ý tên luận văn tốt nghiệp (nghiên cứu về thơ Triệu Lam Châu) như sau:
Nhà thơ dân tộc Tày Triệu Lam Châu trên tiến trình hội nhập với nền thơ Việt và thơ quốc tế.
Mình vẫn tâm sự với bạn bè rằng: Hiện nay trong tâm hồn tôi có ba nền văn hoá: Văn hoá Tày – Văn hoá Việt và Văn hoá Nga.
Có thể nói: Thơ Triệu Lam Châu đã bước đầu hội nhập với nền thơ quốc tế, bằng tác phẩm Gagarin qua cầu treo Sông Mãng (Với bút pháp giao thoa văn hoá Tày – Việt - Nga) từ năm 1992.
Quá trình hội nhập của thơ Triệu Lam Châu thể hiện ở các khía cạnh:
- Kết hợp tinh tuý văn hoá Tày, văn hoá Việt và văn hoá Nga
- Nội dung phản ánh mang tính quốc tế: Quan hệ giữa các nhân vật văn hoá Nga với văn hoá Việt, Tày. Các chùm thơ về nước Nga. Chùm thơ kỷ niệm chiến thắng Phát xít.
- Bút pháp thơ hiện đại, có nhiều sáng tạo độc đáo.
- Chú trọng đào sâu vào tính cách Tày, tính cách Việt và tính cách Nga.
- Thiên nhiên đẫm hồn Tày – Việt – Nga.
- Dịch thơ Nga sang tiếng Việt, rồi sang tiếng Tày. Nếu người dịch là sứ giả - thì Triệu Lam Châu là sứ giả đầu tiên của thơ Tày giao dịch với thơ Nga… Triệu Lam Châu là viên gạch đầu tiên của mối quan hệ giữa thơ Tày với thơ Nga.
- Không những thế, Triệu Lam Châu còn dịch một loạt tiểu thuyết (qua bản tiếng Nga) của các nước Nga, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ kỳ, Nhật Bản, Tiệp Khắc và Bun Ga ri – ra tiếng Việt Nam.
- Trong ý thức và bằng hành động sáng tạo tác phẩm của mình – Triệu Lam Châu đều thể hiện nhất quán tư tưởng Hội nhập với văn đàn quốc tế, mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
Đấy là những nét lớn thoáng qua, mình trao đổi với bạn như vậy. Mong bạn vui lòng tham khảo nhé. Một lần nữa xin rất cảm ơn bạn.
Chúc bạn sức khoẻ và mọi thành công
Bạn thơ
Triệu Lam Châu
Cháu ơi
Bây giờ là hai giờ 52 phút sáng rồi, chú cần phải đi ngủ đây, để ngày mai viết tiếp cho cháu nhé. Không biết đêm nay trong giấc mơ nồng nàn của cháu, có một ông già Tuyết nào của nước Nga đến thăm và tặng kẹo cho cháu của chú không? Nếu không, thì chú tin rằng ít nhất, thể nào cũng có một ánh vàng của mùa thu Nga, của hồn thơ Êxênhin thoáng đến trong mơ. Ánh vàng thu ấy sẽ đọng lại thành nụ cười sáng đôi môi cháu như ánh sao xa. Và… nụ cười ấy càng trở nên lấp lánh, nhất là khi cháu chắp bút viết những dòng tâm huyết về thơ Êxênhin vào buổi sớm mai tinh khiết đến nao lòng, hay vào buổi chiều nồng có những cơn gió nhẹ từ sông thoảng về mát rượi hoặc vào buổi đêm về tĩnh lặng – một bệ phóng lặng thầm mà cường tráng cho những áng xuất thần vươn cánh bay vào trời cao thăm thẳm mênh mang…
Thế rồi vào khoảng chín giờ sáng hôm sau, chú lại nhận thư bạn Thông với tựa đề: Rất cảm ơn anh, người con ưu tú của đất Cao Bằng
Dạ! Em còn một năm nữa mới ra trường, Tháng 8 năm 2013 là bảo vệ đề cương luận văn rồi anh ạ!, bảo vệ xong đề cương thì một năm sau là bảo vệ luận văn tốt nghiệp.
Em sẽ nghiên cứu về tên đề tài luận văn mà anh gợi ý:
Thiên nhiên đẫm hồn Tày – Việt – Nga trong thơ Triệu Lam Châu?!
Nguyễn Văn Thông
Khi đọc thư này, chú lại nhớ hình như luận văn thạc sĩ của cháu nói về cảnh đẹp thiên nhiên Nga trong thơ Êxênhin? Và bây giờ công trình nghiên cứu tiến sĩ của cháu là Vấn đề tiếp nhận Êxênhin ở Việt Nam?
Nếu bạn Thông viết thành công về vấn đề Thiên nhiên đẫm hồn Tày – Việt – Nga trong thơ Triệu Lam Châu?! – thì cũng là một điều thú vị mới trong con mắt của bao người thưởng thức thơ rồi. Bởi vì theo chú, thì vấn đề giao lưu giữa thơ Tày và thơ Nga, từ trước tới nay chưa bao giờ có. Nghĩ vậy mà tự thấy vui sướng trong lòng, cháu ạ.
Suốt ngày (10/5) vừa qua chú bận túi bụi, nào làm klíp ca nhạc, nào in đĩa tặng bạn bè, nào tiếp khách văn. Bởi vì dư âm của đêm 4 tháng 5 vừa qua với sự kiện Đài truyền hình Cao Bằng phát sóng phim video Vầng trăng… Triệu Lam Châu – đến nay vẫn còn râm ran niềm xao động lạ lùng trong lòng bao khán giả. Bạn bè gọi điện chúc mừng, đến thăm chơi, hàn huyên thơ phú… mà giới văn chương, cháu biết rồi đó, có khi tâm sự cả ngày cũng vẫn chưa hết bao nỗi niềm ấp ủ trong lòng…
Và đêm qua (10/5) chú như con tằm ngủ ngon lành trong Vầng kén của niềm vui bình dị mà thiêng liêng của sứ mệnh văn chương. Hẳn Vầng kén ấy có sự giao thoa kỳ diệu của ánh Tày lấp lánh hồn rừng và ánh vàng thu Nga với sức mạnh khổng lồ vô địch của mình đã từng quyến rũ tâm hồn nồng cháy của bao văn nhân và bạn đọc khắp thế gian này…
Để rồi sớm nay (11/5) lòng lâng lâng sảng khoái vô cùng, từ tầng ba ngôi nhà đứa em gái ruột bên sông Bằng mộng mơ, chú đã thức dậy từ bốn giờ sáng, để hít thở không khí trong lành và trẻ trung của phố núi thanh bình, để chiêm nghiệm sâu thêm về sự đời và những niềm vui vừa qua như đỏng đảnh đến chào Triệu Lam Châu… và chú cứ hy vọng niềm vui như bóng người con gái ấy sẽ lưu lại lâu hơn với chú trong cuộc đời này chăng?. Trời Cao Bằng, dẫu đã chớm bước vào mùa hạ rồi, mà vẫn còn se lạnh như gợi lòng người nhớ tới tiết heo may của buổi thu sang.
Nhà thơ Triều Ân đã từng có một câu thơ hay nói về thành phố Cao Bằng từ những năm sáu mươi của thế trước:
Thị xã đẹp như một hòn đảo ngọc…
Sông Hiến và sông Bằng gần như bao quanh cả thành phố Cao Bằng nhỏ nhắn thanh bình và xinh đẹp. Ba hướng Bắc – Tây - Nam của thành phố là sông, chỉ còn phía đông là giáp núi.
Một vị trí trong trời đất thường có bốn hướng (hay bốn mặt) chính: Đông – Tây – Nam – Bắc. Thì con người ta liệu cũng có bốn mặt chính nào chăng? Và ba mặt của Triệu Lam Châu đều liên quan tới nghệ thuật cả. Này nhé: Làm thơ, Dịch thuật văn học và Sáng tác nhạc. Vậy thì mặt thứ tư của Triệu Lam Châu sẽ là cái gì đây? Đó vẫn là điều bí ẩn…
Những ý nghĩ này hẳn là thật vẩn vơ, chẳng liên quan gì tới văn chương cả… mà sao vẫn thấy thú vị lâng lâng… Hay là cái se lạnh của gió sông Bằng đưa mình vào cõi mộng du chăng? Hay là ánh vàng thu Nga từ những cánh rừng thời trẻ mình đã từng lưu dấu chân tại đó, cùng với ánh vàng thu từ những trang thơ Nga đẹp đến mê hồn – nay đã lặng lẽ và dè dặt hoá thành Vầng sông bao quanh thành phố Cao Bằng biên cương?
Trời đã sáng rõ rồi cháu ạ. Chú xin dừng bút nhé. Sớm nay chú sẽ lên thăm các fan hâm mộ Triệu Lam Châu ở vùng Ảng Giàng, Bình Long – quê hương của nhạc sĩ Đàm Thanh nổi tiếng với những ca khúc để đời như: Cánh chim báo tin vui (Rơ Chăm Pheng hát), Anh quân bưu vui tính (Quanh Hưng hát), Tôi là Lê Anh Nuôi (Trần Hiếu hát). Đó cũng là quê hương của nhạc sĩ Đàm Linh, người đã từng tốt nghiệp Nhạc viện Traicốpxki tại thủ đô Nga Matxcơva từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Đàm Linh toàn sáng tác nhạc giao hưởng thôi, nên ít người biết đến ông. Song trong giới nhạc chuyên nghiệp người ta hay nhắc đến hai bản giao hưởng nổi tiếng nhất của Đàm Linh là: Bài ca chim ưng, Những người đi săn.
Đàm Linh là bậc thầy của nhiều nhạc sĩ sáng tác của việt Nam đấy, cháu ạ.
Chúc cháu vui khoẻ và mọi thành công nhé.
Chú Triệu Lam Châu
Đường trời: trieulamchau@gmail.com
Số nối: 0983 825502
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét