Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

THƠ CỦA NHÀ THƠ TRIỆU LAM CHÂU

THƠ CỦA NHÀ THƠ TRIỆU LAM CHÂU



nhà thơ Triệu Lam Châu

chùm thơ Triệu
 Lam Châu nhân kỷ niệm 95 năm
Cách mạng Tháng mười Nga
Xanh Pêtécbua
Xanh Pêtécbua, Xanh Pêtécbua
Có hẹn nhau đâu, mà cứ đợi cứ chờ
Lòng cứ toả hoài theo sóng biếc
Nỗi thu vàng lồng lộng bến mong xưa
Cung điện mùa đông, Cung điện Mùa đông
Một mình lặng soi dòng sông trong
Một phím sóng ngời rung nhè nhẹ
Nghiêng cả chiều thu, nghiêng mênh mông
Một dòng Nhêva, hai dòng Nhêva
Vẫn chỉ là em đấy thôi mà
Một đêm trắng ảo huyền nào vời vợi
Mái tóc vàng nồng hơi thở vai ta
Một ga Metro, hai ga Metro
Lòng cứ đi vô bến vô bờ
Như ánh vàng thu giăng từ buổi ấy
Đầy nẻo đường riêng, đầy mọi bến mùa…
Một vua cưỡi ngựa trời, hai vua cưỡi ngựa trời
Tượng trên bờ soi bóng nước thành đôi
Như ta với nàng ảo huyền đêm trắng ấy
Ngỡ xanh hoài… mà lá cứ vàng rơi…
Mùa thu xưa qua rồi, chiều thu nay cũng sắp qua rồi
Mà sao còn mãi ánh chơi vơi
Một phím sóng loáng ngời rung ánh bạc
Một chiếc lá vàng khẽ đậu sáng trên vai…
Lêningrát (Xanh Pêtécbua) 1970 – Cao Bằng 2012
               
TÂM SỰ CỦA TÁC GIẢ TRUỆU LAM CHÂU:
Tôi vinh dự và may mắn được Đảng và Nhà nước ta chọn gửi đi du học tại Liên bang Nga từ năm 1970 đến năm 1976. Và may mắn hơn nữa, tôi lại được phân công học ngành địa chất tại Trường Đại học Mỏ Lêningrát (Xanh Pêtécbua) những sáu năm ròng. Do vậy những đặc sản tinh thần văn hoá của cố đô Nga như thể dần dà chiếm lĩnh tâm hồn tôi. Chao ôi, những địa danh rực ngời trong lịch sử và trong tâm hồn tôi từ thời học phổ thông ở miền rừng heo hút trên Cao Bằng, như: Cung điện Mùa đông, Dòng sông Nhêva long lanh, Tượng Vua Pie đệ nhất, Bảo tàng nhà thơ Nga vĩ đại Puskin, Bảo tàng các nhà khoa học vĩ đại của nước Nga và thế giới (Lômônôxốp, Menđêlêép, Pôpốp…) – giờ đây lại hiện ra trước mắt với một vẻ kỳ vĩ lạ thường, ngoài sức tưởng tượng…
Nhiều khi ta cứ phải nín thở thật lâu trước những cảnh tượng tráng lệ chói loà, đắm say không thể nào chịu nổi nữa – bởi vì hình như nếu ta thở mạnh một chút thôi – thì xuất hiện ngay lập tức cái cảm giác mơ hồ rằng: Những áng rực rỡ thần tiên ấy sẽ chợt tan biến đi trong chốc lát. Và như vậy sẽ để lại trong lòng ta một sự trống vắng  thăm thẳm đến vô bờ…Không mê đắm sao được, khi nhìn thấy những cô gái Nga đẹp hút hồn như nàng tiên trong cổ tích, khoác tay những chàng trai Nga dạo chơi bên sông Nhêva ảo huyền bồng bềnh đêm trắng, mà mỗi ngấn sóng là một phím đàn loáng ánh tiên của trời và của lòng người phập phồng, hổn hển chứa chan biết bao điều chẳng nói nên lời…
Thế rồi một diễm phúc lớn cho những ai được học ngành địa chất ở nước Nga, một ngành có thể nói là bay bổng, phóng khoáng và lãng mạn nhất trong các  ngành mà tôi được biết. Bẩm sinh tôi đã có tâm hồn nghệ sĩ, rồi khi bước vào ngành địa chất trên đất Nga ngày ấy – thì như thể có thêm một đôi cánh đại bàng lực lưỡng của sự lãng mạn miền rừng. Trời ơi, bạn đọc có biết không: Miền rừng Nga mỗi độ thu về, cả đất trời suối núi cỏ cây, cả lòng người và cả những con vật bé xíu công dân của rừng ngộ nghĩnh nhất… - như đồng loạt một cách thần diệu nhất, choàng lên mình một sắc vàng mê man, lồng lộng, tráng lệ, thần tiên, mịn màng, triền miên, như lặng lặng lẽ mơ màng mà như náo động như những bản giao hưởng kỳ vĩ nhất của vĩnh cửu… Vẻ đẹp của mùa vàng thu Nga, đầy quyến rũ, chứa chan nữ tính e dè của những cô thiếu nữ Nga trong trẻo như ánh thu trong – mà cũng như thể ngạo nghễ, như thách thức… trước sự bất lực của ngôn từ trong mọi thời đại… Mỗi năm sinh viên địa chất chúng tôi hồi ấy, đều được đi thực tập ở  miền rừng mỗi độ thu về, đều được hưởng ân huệ của ánh vàng thu Nga nạp vào mỗi nhịp tim say đắm, rụt rè, phấp phỏng mỗi khi sắp cất lời yêu…của tuổi thanh xuân.
Hồi tưởng về thời thanh xuân yêu dấu trên đất Nga bè bạn xa xăm, tôi cứ muốn cầu chúc sức khoẻ dồi dào cho những Vầng kỷ niệm đang phập phồng thở và lặng lẽ phát sáng như những ánh sao lung linh trong mỗi trái tim ta…
 Ánh thu Cápcadơ
Ngày ấy
Theo tiếng gọi của hồn thơ Puskin
Anh đăng ký với Nhà trường đi thực tập
Vùng núi Cápcadơ sáng láng ảo huyền
Bấy giờ là mùa thu Nga thần tiên
Rừng lá phong vàng rực ngời đầy lũng núi
Đầy ắp cả nồng nàn trong từng con suối
Hơi thở phập phồng ngây dại cả trời chiều
Hồn địa chất như mây phiêu diêu
Đi khắp cả khoảng trời Nga bát ngát
Buổi chiều ấy tình cờ anh đi lạc
Vào mắt em thăm thẳm ánh thu trong
Một khoảng trời Cápcadơ long lanh
Có sắc lá phong vàng, mang hình bàn tay xoè vời vợi
Có dấu chân xinh in trên lối mòn dẫn mùa thu tới
Có tiếng em cười trong trẻo cả lòng thung
Ta đi lộ trình trong hồn hậu của rừng
Giọt say đắm chực bùng lên cao chót vót
Khi tiếng ai reo trong lành như tiếng hát
Đây mẫu quặng ngời chan chứa ánh môi em
Ánh núi Cápcadơ hay ánh của lòng son
Mà vân tay của hồn ai in trên mẫu đá
Vừa khẽ chạm, liền bùng lên ngọn lửa
Thiêu đốt lòng anh từ buổi ấy đến giờ
Ôi ánh thu Nga, ánh thu Cápcadơ
Lòng ta cứ muốn bắt ngươi đền ta đấy
Thuở ấy sao nhiệm màu quá vậy
Để mỗi khi nhớ về… lại lịm ngất hồn ta…
           Cápcadơ 1973 – Cao Bằng 2012

Không có nhận xét nào: