Thứ Hai, 4 tháng 5, 2020

Dạy và học văn học trung đại Việt Nam, đôi điều suy nghĩ


1. Việc dạy và học văn học trung đại Việt Nam đến nay vẫn còn là nỗi khốn khổ, gây nhiều khó khăn, phiền toái cho người dạy lẫn người học. Hiểu được những tác phẩm đó chẳng phải là chuyện dễ dàng gì; truyền thụ cái hay, cái đẹp của nó cho người học hiểu được lại càng khó khăn gấp bội phần. Vấn đề có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là rào cản  ngôn ngư, bởi những tác phẩm ấy đều viết bằng ngôn ngữ  Hán văn cổ hay chữ Nôm có phần xa lạ với ngôn ngữ Tiếng Việt hiện đại hôm nay. Thêm vào đó là người tiếp nhận văn bản dù muốn hay không là phải có một kiến thức nền khả dĩ, ít nhiều phải hiểu rõ môi trường văn hoá trung đại, tư tưởng ý thức hệ chính thống thời trung đại, điển cố điển tích, thể loại văn học v.v.. Chỉ bấy nhiêu thứ cũng đủ làm cho người dạy lẫn người học đau đầu, mệt trí thì thử hỏi làm sao mà lắng lòng, mà bình tâm để cảm nhận cho được cái tinh hoa cùng vẻ đẹp của văn chương qua cách biểu đạt rất kiệm lời của các bậc thi nhân tiền bối đã gởi gắm trong từng câu chữ. Ở đây, người viết mấy dòng này có cái may mắn là có 30 năm tìm hiểu, nghiên cứu và giảng dạy về nó, có nhiều lần được tham gia bồi dưỡng hè cho giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông ở các lớp thay sách từ sách cải cách những năm 80 đến sách chỉnh lý những năm 90 của thế kỷ trước và mới đây là chương trình và sách giáo khoa mới sau năm 2000 (mới về nội dung biên soạn, mới về phương pháp giảng dạy) nên bản thân cũng có vài trăn trở. Những trăn trở này xin được mạo muội ghi lại đây để đồng nghiệp cùng suy nghĩ và góp ý, với thiện tâm là làm sao giúp cho việc dạy và học các tác phẩm văn học trung đại Việt Nam tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Những trăn trở, suy nghĩ này không chỉ là của riêng bản thân người viết bởi có một số ý kiến sẽ nêu ở đây bạn đọc đã từng bắt gặp trên các tạp chí, các công trình của các nhà nghiên cứu bậc thầy đã phát biểu rồi, tôi chỉ là người tổng thuật lại, có kết hợp thêm ý kiến của mình mà thôi.

2. Trước tiên, xin được tổng thuật lại và đề xuất ý kiến của bản thân về vấn đề phân kỳ văn học trung đại Việt Nam. Vấn đề này, khi giảng dạy bao giờ tôi cũng nêu ra để định hướng cho SV về phân kỳ từng giai đoạn trong các bộ văn học sử để khi SV đọc tài liệu, giáo trình khỏi phải ngỡ ngàng, bởi cách phân kỳ trong nhiều bộ lịch sử văn học và sách giáo khoa trước đây có sự khác nhau.

2.1. Về tên gọi: Thời kỳ văn học từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX ở ta, trước đây có nhiều nhà văn học sử đã gọi nhiều tên khác nhau, mà mỗi danh xưng đều có chỗ hợp lý và bất cập của nó: Văn học viết thời phong kiến; Văn học cổ; Văn học cổ điển; Văn học Hán Nôm; Văn học trung đại; Văn học từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX.  Thiết nghĩ, với cách gọi thời kỳ này là Văn học thời phong kiến dường như để phân biệt và đối lập với Văn học dân gian truyền miệng, với Văn học thời cận – hiện đại, nếu vậy thì từ sau năm 1858 trở đi, hình thái xã hội nước ta đâu còn là hình thái phong kiến, mà đã chuyển sang hình thái xã hội thực dân nửa phong kiến, mặc dù tôi vẫn biết rằng có một thời gian rất dài, từ sau hoà bình lập lại trên miền Bắc (sau 1954) cho đến trước thời đổi mới (trước 1986), thời kỳ văn học này chỉ tính đến năm 1858, tức là năm thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược Việt Nam. Còn từ sau năm 1858 đến vài chục năm đầu thế kỷ XX, các nhà văn học sử gọi là thời kỳ văn học cận đại, riêng 30 năm đầu thế kỷ XX, có nhà nghiên cứu gọi là văn học giao thời. Gọi là Văn học Hán Nôm  tức để chỉ ngôn ngữ văn tự mà thời kỳ văn học này đã sử dụng, và cách gọi này như là để phân biệt với văn học viết bằng chữ Quốc ngữ, thế thì từ nửa cuối thế kỷ XIX, văn học chữ Quốc ngữ ra đời ở Nam bộ sẽ xếp vào đâu? Gọi là Văn học trung đại  như để phân biệt, một kiểu văn học giáp ranh với Văn học cận đại, Văn học hiện đại  mà các Viện sĩ B. L. Riptin và M. B. Khrapchenkô ở Liên Xô cũ đã nói; cách gọi này khoảng hai chục năm nay, ta đã quen dùng, nhưng đây là khái niệm, là cách gọi của phương Tây. Thời trung cổ – trung đại ở phương Tây được các sử gia tính từ lúc đế chế La Mã cùng với triết học kinh viện của giáo hội Thiên chúa giáo thống trị con người về thế quyền lẫn thần quyền, lúc này con người phương Tây phải sống trong đêm trường, cho đến khi con người vùng dậy phản kháng đòi quyền sống, mở ra thời đại phục hưng với trào lưu văn học nhân văn chủ nghĩa từ thế kỷ XIII, XIV, XV. Như vậy thời trung đại ở phương Tây có khác với phương Đông và liệu ở Trung Quốc, Việt Nam đã thật sự có hay không có thời trung đại? Nếu có thì cái mốc lịch sử bắt đầu và kết thúc ở thời điểm nào? Cho nên, nếu dùng thuật ngữ khái niệm văn học trung đại thì cần phải có quy ước. Còn gọi thời kỳ văn học này theo thế kỷ, tức từ X đến hết XIX như hai bộ giáo trình lịch sử văn học của Đại học Sư phạm Hà Nội và của Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn Hà Nội) cũng như các bộ sách giáo khoa phổ thông lâu nay đã dùng, thì cách gọi này tuy rất rõ ràng nhưng lại khô khan. Cho nên tốt nhất là gọiVăn học cổ  hayVăn học cổ điển Việt Nam, dù khái niệm cổ điển trước đây trong hai bộ giáo trình chính thống trên dùng để chỉ một giai đoạn văn học phát triển cực thịnh nhất và có nhiều thành tựu mẫu mực nhất của gần mười thế kỷ văn học, tức chỉ giai đoạn văn học từ giữa thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX (chấm dứt với cái mốc năm 1858). Nhưng xét đến cùng, những di sản văn học gần mười thế kỷ mà cha ông ta để lại cho con cháu hôm nay là đã được sàng lọc kỹ càng qua thời gian, là kết tinh những tinh hoa văn hoá, tư tưởng, văn học dân tộc nên tất cả đều là mẫu mực, có tính cổ điển chứ không cứ gì phải là những tác phẩm văn học của giai đoạn hoàng kim đó với những tác gia tên tuổi tài danh như Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát v.v..? Chẳng lẽ thơ văn thời Lý – Trần, nhất là kệ và thơ Thiền, thơ chữ Hán đời Trần; thơ văn Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, văn truyền kỳ của Nguyễn Dữ  không phải là những áng văn chương đạt đến trình độ mẫu mực và có giá trị cổ điển hay sao?

2.2. Về cách phân kỳ:

Từ bộ văn học sử đầu tiên  của nhà giáo – học giả Dương Quảng Hàm đến nay ở ta đã có rất nhiều bộ văn học sử đã xuất bản. Mỗi bộ sách có cách phân kỳ riêng. Xin được nêu lại những cách phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam đã có.

2.2.1. Cách phân kỳ theo thời đại và theo các vương triều phong kiến:

Cách phân kỳ này ta gặp trong công trình của Dương Quảng Hàm, của Nguyễn Đổng Chi, của Ngô Tất Tố, của Lê Trí Viễn.

Trong bộ Việt Nam văn học sử yếu, viết xong năm 1941, NXB Đông Pháp in lần đầu năm 1943, Dương Quảng Hàm đã chia như sau: Thời kỳ Lý, Trần (X – XIV); Thời kỳ Lê, Mạc (XV – XVI); Thời kỳ Nam Bắc phân tranh (XVII – XVIII); Thời kỳ cận kim (Nguyễn triều – thế kỷ thứ XIX); Văn học mới (đầu thế kỷ XX đến Tự Lực văn đoàn).

Còn với Nguyễn Đổng Chi trong bộ Việt Nam cổ văn học sử (NXB Hàn Thuyên, 1942) thì phân kỳ như sau: Từ đời cổ đến Sĩ Nhiếp; Từ Sĩ Nhiếp đến Ngô Quyền; Ngô, Đinh, Tiền Lê (930 – 1009); Lý (1010 – 1225); Trần (1225 – 1380); Hồ (cầm quyền 1380 – 1399, làm vua 1400 – 1407).

Ngô Tất Tố trong bộVăn học Việt Nam (NXB Mai Lĩnh, 1942) thì phân kỳ theo triều đại: Văn học đời Lý; Văn học đời Trần; Văn học đời Lê v.v..

Lê Trí Viễn trong Văn học Việt Nam thời Lê mạt Nguyễn sơ  (Liên Khu V, 1951), tuy chỉ viết lịch sử văn học ở giai đoạn cực thịnh nhất (tức nửa cuối XVIII – nửa đầu XIX), nhưng cách gọi tên như thế là phân kỳ theo triều đại phong kiến.

2.2.2. Cách phân kỳ theo thời gian bằng cách dựa vào các chặng đường lịch sử, các sự kiện lịch sử với các mốc quan trọng. Đây là cách phân kỳ của nhóm Lê Quý Đôn, của Ban Văn – Sử – Địa, của Văn Tân và Nguyễn Hồng Phong, của Khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và của Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam  của nhóm Lê Quý Đôn, gồm các tác giả: Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Liên, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Sĩ Lâm, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn… (NXB Xây Dựng, HN, 1957 – 1958) thì chia: Văn học thế kỷ XIII – XV; Văn học thế kỷ XVI – XVII; Văn học thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX; Văn học đầu thế kỷ XIX – giữa thế kỷ XIX; Văn học từ 1858 đến 1930; Văn học từ 1930 đến 1945.

Bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam  của ban Văn – Sử – Địa, gồm các tác giả: Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh (từ quyển 1 đến quyển 4, NXB Văn Sử Địa, HN, 1957 – 1958; quyển 5, NXB Sử học, HN, 1960). Năm quyển này viết về văn học truyền miệng và văn học viết từ đầu đến nửa đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1964, NXB Văn học, HN, xuất bản tiếp Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam  giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, của các tác giả: Trần Thanh Mại, Vũ Đình Liên, Nguyễn Trác, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Văn Hoàn, Triêu Dương, Huỳnh Lý, Trương Chính. Bộ văn học sử này phân kỳ như sau: Thời kỳ từ thế kỷ XV trở về trước; Thời kỳ từ thế kỷ XV đến hết thế kỷ XVII; Thế kỷ XVIII; Nửa đầu thế kỷ XIX; Nửa cuối thế kỷ XIX.

Trong Lịch sử văn học Việt Nam , Văn Tân và Nguyễn Hồng Phong biên soạn thì phân kỳ như sau: văn học thế kỷ XI – XIV; Văn học thế kỷ XV – XVII; Văn học thế kỷ XVIII; văn học nửa đầu thế kỷ XIX; Văn học nửa sau thế kỷ XIX.

Bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam  do tập thể tác giả Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn, NXB Giáo dục, HN, 1961 – 1963, thì phân kỳ có khác hơn, cụ thể là: Thời kỳ I: Giai đoạn 1: thế kỷ X – XIV; Giai đoạn 2: thế kỷ XV; Giai đoạn 3: từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVIII; Giai đoạn 4: giữa thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX; Giai đoạn 5: đầu thế kỷ XIX đến 1858. Thời kỳ II: Giai đoạn 1: Từ 1858 – đầu thế kỷ XX; Giai đoạn 2: đầu thế kỷ XX – 1930; Giai đoạn 1930 – 1945; Giai đoạn 1945 – 1975 (trước đây, khi xuất bản lần đầu chỉ viết đến 1960) và giai đoạn này chia làm hai chặng nhỏ: 1945 – 1954; 1954 – 1975; Giai đoạn từ 1975 đến nay (thời đổi mới 1986).

Bộ giáo trình Văn học Việt Nam  do các tác giả Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp,  HN, 1971, 1976, 1977 thì cách phân kỳ các thời kỳ và giai đoạn văn học giống với cách phân kỳ của giáo trình Đại học Sư phạm Hà Nội, nên không thuật lại ở đây.

2.2.3. Cách phân kỳ theo các chặng đường phát triển của chính văn học như Phạm Văn Diêu và Phạm Thế Ngũ đã thể hiện trong các công trình của các vị. Phạm Văn Diêu trong Văn học Việt Nam (xuất bản 1960) chia như sau: Thời kỳ phôi thai (từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XV); Thời kỳ xây dựng (giữa thế kỷ XV đến thế kỷ XVI); Thời kỳ toàn thịnh (thế kỷ XVII, XVIII, đầu XIX)…

Phạm Thế Ngũ trong bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, ba tập, Quốc học tùng thư, SG, 1961 – 1965, thì chia ra: Văn học lịch triều: Hán văn; Văn học lịch triều: Việt văn; Văn học hiện đại. Phần Văn học lịch triều: Hán văn, tác giả viết theo thể loại: thi văn, truyện ký, công văn, sử ký, biên khảo. Trong Thi văn thì lại chia ra ba thời kỳ thịnh đạt: đời Trần; đời Hồng Đức; Nguyễn triều. Phần Văn học lịch triều: Việt văn, tác giả chia ra ba thời kỳ: Thời kỳ sơ khởi: triều Trần Lê; Thời kỳ phát triển: các triều phân tranh từ Mạc đến hết Tây Sơn; Thời kỳ thịnh đạt: triều Nguyễn. Phần Văn học hiện đại (1862 – 1945) được tác giả phân ra ba giai đoạn: 1862 – 1907; 1907 – 1932; 1932 – 1945.

2.2.4. Cách phân kỳ theo các thời kỳ lớn gắn với các hình thái xã hội trong lịch sử dân tộc. Đây là cách phân kỳ của bộ Lịch sử văn học Việt Nam  do Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức biên soạn, nhưng chỉ mới xuất bản tập 1 (1980) với 2 thời kỳ đầu, dù bản thảo đã có đầy đủ cả bộ. Công trình này chia văn học sử Việt Nam thành 4 thời kỳ lớn: Văn học Việt Nam trong buổi đầu mở nước (từ thế kỷ X về trước); Văn họcViệt Nam trong thời kỳ xây dựng quốc gia Đại Việt; Văn họcViệt Nam trong thời kỳ chống ách thống trị của thực dân Pháp; Văn họcViệt Nam từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cho đến nay. Thời kỳ 2: Văn học Việt Nam trong thời kỳ xây dựng quốc gia Đại Việt được bộ sách này chia ra 4 giai đoạn như sau: X – XV; XVI – giữa XVIII; Nửa cuối XVIII – giữa XIX; Nửa cuối XIX. Cách chia này sau đó được sách giáo khoa dùng lại.

2.2.5. Cách phân kỳ dựa vào quy luật vận động và đặc trưng của lịch sử văn học. Đây là cách chia của GS. NGND Lê Trí Viễn trong Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam.  Ở đây, vị GS lão thành đã chia thành 2 giai đoạn: Thượng kỳ trung đại (X – XV) và Hạ kỳ trung đại (XVI – XIX). Sau đó Đoàn Thị Thu Vân trong Con người nhân văn trong thơ ca sơ kỳ trung đại, đã tiếp thu ý tưởng của GS. Lê Trí Viễn rồi đề xuất nên chia văn học trung đại thành 3 giai đoạn: Sơ kỳ trung đại: từ X đến giữa XV; Trung kỳ trung đại: từ giữa XV đến giữa XVIII; Hậu kỳ trung đại: từ giữa XVIII đến cuối XIX.

2.2.6. Cách phân kỳ trong các bộ sách giáo khoa Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trước đây được các soạn giả chia văn học viết Việt Nam thành 3 thời kỳ: Thời kỳ I (X – XIX); Thời kỳ II (đầu XX đến Cách mạng tháng Tám 1945); thời kỳ III (Từ Cách mạng tháng Tám đến nay. Riêng phần văn học trung đại (X – XIX), ở mỗi bộ sách giáo khoa có cách chia khác nhau. Cụ thể là:

- Bộ sách giáo khoa Văn học ở miền  Nam do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn đã chia thời kỳ văn học trung đại làm 4 giai đoạn: X – nửa đầu XV; Nửa cuối XV – giữa XVIII; Nửa cuối XVIII –  giữa XIX; Nửa cuối XIX (Đây là cách phân kỳ của PGS. Nguyễn Lộc).

- Bộ sách giáo khoa Văn học ở miền Bắc do Khoa Ngữ văn Trường Đại học sư phạm Hà Nội biên soạn cũng chia văn học trung đại thành 4 giai đoạn, nhưng mốc thế kỷ có khác nếu so với bộ sách của miền Nam, cụ thể là: X –XV; XVI – đầu XVIII; Giữa XVIII – nửa đầu XIX; Nửa cuối XIX (Đây là cách phân kỳ của GS. Nguyễn Đình Chú).

- Bộ sách giáo khoa chỉnh lý hợp nhất năm 2000 thời kỳ văn học trung đại được chia thành 4 giai đoạn với các mốc giống như sách giáo khoa ở miền Bắc của Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội, vì đây là cách phân kỳ của GS. Nguyễn Đình Chú.  .

2.2.7. Cách phân kỳ của bộ sách giáo khoa Ngữ văn mới (cơ bản và nâng cao). Theo các soạn giả bộ sách này thì văn học Việt Nam được chia làm 2 thời kỳ: Văn học trung đại (X – XIX); Văn học hiện đại (XX) tương ứng với 2 phạm trù: trung đại và hiện đại. Riêng văn học trung đại thì chia làm 4 giai đoạn với các mốc như sau: X – XIV; XV – XVII; XVIII – nửa đầu XIX; Nửa cuối XIX.

2.2.8. Theo ý của bản thân thì khi phân kỳ văn học, bên cạnh tiến trình vân động lịch sử, cần phải tính đến hình thái xã hội, phạm trù văn hoá, phạm trù tư tưởng – ý  thức hệ, mẫu hình tác giả, quan niệm nghệ thuật, phong cách ngôn ngữ, hệ thống thể loại, phương thức phổ biến tác phẩm (đã là hàng hoá hay chưa là hàng hoá), phương tiện văn học (chữ viết, kỹ thuật in ấn, nhà xuất bản, báo chí…). Chính vì thế mà gần vài chục năm trở lại đây các nhà nghiên cứu mới gộp giai đoạn nửa cuối XIX vào thời kỳ 1 (trung đại), chứ không để ở thời kỳ sau (cân đại) như trước đây  đã từng thể hiện trong hai bộ giáo trình chính thức của hai trường đại học lớn. Dù giai đoạn này ta bị mất nước và hình thái xã hội chuyển sang thực dân nửa phong kiến nhưng văn học vẫn cùng một hệ thống thể loại, cùng phạm trù văn hoá – tư tưởng – ý thức hệ, cùng văn tự ngôn ngữ, cùng đặc trưng thi pháp nghệ thuật v.v… Cũng cần lưu ý là những cột mốc trong lịch sử có thể trùng hoặc không trùng khít với cột mốc văn học. Điều này Viện sĩ M. B. Khrapchenkô đã từng phát biểu trong công trình Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học (bản dịch, NXB TPM, HN, 1979) rồi. Cái mốc năm 1945 thì trùng, nhưng cái mốc 1858 và 1930 chỉ là cái mốc của lịch sử chứ không phải là cái mốc văn học. Cách phân kỳ văn học trung đại trong giáo trình đại học và trong các bộ sách giáo khoa trước đây, ở giai đoạn 3 thì tính từ giữa XVIII  đến  nửa đầu XIX, nhưng lại lấy tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc (nguyên tác và bản dịch) để minh hoạ cho giai đoạn văn học này và xem nó là tác phẩm mở đầu của trào lưu văn học nhân văn chủ nghĩa. Đúng ra, tác phẩm này thuộc nửa đầu thế kỷ XVIII, dù chưa có cứ liệu đích xác nhưng căn cứ vào tiểu sử tác giả và dịch giả (như lâu nay đã thừa nhận bà Điểm là dịch giả bản Nôm đang lưu hành) thì có thể nói nguyên tác và bản dịch được hoàn thành vào khoảng vài năm đầu của thập niên 40 thế kỷ XVIII (khoảng từ 1740 đến 1742), chứ đâu phải thuộc nửa sau thế kỷ XVIII.

Từ rất lâu, khi giảng bài Khái quát văn học Việt Nam X – XIX, bao giờ tôi cũng nêu cách phân kỳ văn học của các bộ văn học sử và của sách giáo khoa, sau đó mới nêu chủ kiến của mình, mà cách chia này vô tình lại giống với cách chia của sách giáo khoa Ngữ văn mới. Vì thế, nên thống nhất cách phân kỳ văn học trung đại thành 4 giai đoạn với các mốc như sách giáo khoa Ngữ văn cơ bản và nâng cao đã làm là hợp lý nhất: X – XIV; XV – XVII; XVIII – nửa đầu XIX; Nửa cuối XIX. Còn nếu phân kỳ theo quy luật vận động của tiến trình lịch sử và theo đặc trưng văn học thì có thể chia thành ba giai đoạn: Văn học trung đại sơ kỳ (X – XIV); Văn học trung đại trung kỳ (XV – XVII); Văn học trung đại hậu kỳ (XVIII – XIX), như vậy là gộp giai đoạn 3 và 4 vào làm một, thuộc giai đoạn hậu kỳ. Những mốc tôi nêu ra ở đây có khác với cách chia của Đoàn Thị Thu Vân như trên có nêu. Điều này có quy luật nội tại riêng, không thể lý giải dông dài ở đây được.

3. Lưu ý về đặc trưng thi pháp văn học trung đại:

 Văn học trung đại nói chung, nhất là thơ trung đại nói riêng có những yêu cầu đặc trưng thi pháp mà người sáng tác cần phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt, triệt để, vì thế khi giảng dạy hoặc phân tích, giảng bình cần phải chú ý đến những yêu cầu có tính quy phạm đó. Cụ thể là:

3.1. Về quan niệm văn học: Văn dĩ tải đạo. Thời trung đại ở phương Đông, cụ thể là Trung Quốc (mà sau đó, các nước đồng văn chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Quốc tiếp nhận như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên) có nhiều quan niệm văn học: văn dĩ quán đạo, văn dĩ minh đạo, văn dĩ tải đạo, lại có cả quan niệm văn thị văn, đạo thị đạo mà mỗi quan niệm đều có cội nguồn cụ thể của nó (1). Ở đây, để tránh rườm rà nên không trình bày lại những quan niệm trên mà chủ yếu nói qua về quan niệm văn dĩ tải đạo là quan niệm phổ biến trong văn học ở ta. Đây là quan niệm của Nho học đời Tống (Tống Nho) với nghĩa văn chương phải chuyên chở đạo lý, mà đạo ở đây là đạo của Thánh hiền, được ghi lại trong Thánh kinh hiền truyện. Nhưng quan niệm này khi sang nước ta, các bậc tiền bối Việt Nho đã tiếp thu và hiểu với các nét nghĩa khác nhau, có lúc hiểu cái đạo ấy là cái đạo lý của Thánh hiền, cũng có khi hiểu cái đạo ấy là đạo lý của nhân dân, mang tư tưởng thân dân, do vậy, văn chở đạo ở đây là chuyên chở cái đạo yêu nước thương dân. Thơ văn của các thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu v.v.. là minh chứng. Chính cụ Đồ Chiểu đã từng phát biểu trong bài thơ Than đạo rằng “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm; Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”  là xuất phát từ cách hiểu với nét nghĩa thứ hai.

3.2. Về phạm vi văn học với trạng thái văn – sử – triết bất phân : Có lẽ cần nói lại khái niệm văn học. Trong quá khứ, vào thời trung đại, những khái niệm văn, văn học, văn chương bao hàm nhiều nghĩa, có thể hiểu theo theo nghĩa hẹp và cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng. Thời ấy, có chữ văn được hiểu theo nghĩa rộng với nghĩa học vấn, văn minh và cũng rất có thể đã có chữ văn (trong văn học, văn chương) hiểu theo nghĩa hẹp chỉ bao gồm tác phẩm văn học mang tính nghệ thuật. Có chuyện hiểu khái niệm văn, văn học theo nghĩa rộng là do quan niệm cho rằng mọi trước tác, trước thuật đều được gọi là văn theo quy luật văn – sử – triết bất phân. Như vậy, về phạm vi văn học, con người thời trung đại hiểu văn học vừa thái quá lại vừa bất cập. Thái quá vì không phân biệt văn học với triết học, sử học, đạo đức học, chính trị học; bất cập là vì có lúc nó gạt ra khỏi lĩnh vực văn học những tác phẩm có giá trị văn chương, chỉ vì chúng không chở đạo hoặc ít chở đạo. Đây là một quy luật có tính đặc thù lại vừa có tính phổ quát không riêng gì của văn học Việt Nam hay văn học Trung Quốc thời trung đại mà có thể nói là của cả thế giới lúc bấy giờ. Có quan niệm như trên là do đặc điểm văn hoá thời trung đại chi phối bởi tính chất hỗn hợp, tổng hợp của tư duy. Nói theo học giả Cao Xuân Huy, tư duy của con người phương Đông là tư duy cầu tính (global spirit), tư duy hỗn hợp, tư duy tổng hợp  do thế triết học phương Đông là triết học chủ toàn; trong khi đó, tư duy của con người phương Tây là tư duy lý tính, tư duy phân tích (analysé spirit) và do thế triết học phương Tây là triết học chủ biệt (2). Theo GS. Nguyễn Đình Chú, quy luật có tính đặc thù này thể hiện ở một kiểu tư duy, một trình độ tư  duy trong đó có sự kết hợp giữa hai hình thức tư duy mà ngày nay được xem là khác nhau tới mức một được coi là tư duy văn học và một bị coi là phi văn học. Nói cách khác, đó là tư duy hình tượng và tư duy khái niệm (tư duy lôgic, tư duy luận lý). Tất nhiên, nếu cực đoan trong sự khu biệt hai kiểu tư duy này trong văn học  nghệ thuật là không thỏa đáng, mặc dù coi tư duy hình tượng là đặc trưng của tư duy văn học như khoa Lý luận văn học hiện đại quan niệm là hợp  lý. Riêng ở thời trung đại, sự đan xen giữa hai kiểu tư duy khái niệm và tư duy hình tượng là một đặc điểm không thể bỏ qua, và do đó mới có hiện tượng văn – sử – triết bất phân (3). GS. Viện sĩ B.L. Riptin  khi nghiên cứu các nền văn học trung cổ phương Đông theo phương pháp loại hình đã chỉ ra hai loại văn học là văn học chức năng và văn học phi chức năng tức văn học hình tượng (4). Quy luật này tồn tại trong văn học trung đại với nhiều trạng thái khác nhau. Có tác phẩm về thể tài lẫn tư duy với ngày nay bị coi là phi văn học nhưng ngày ấy chúng vẫn được coi là văn học  như  bi, minh, kệ, chiếu, chế, biểu, hịch, phú, cáo, ngữ lục, luận thuyết triết lý tôn giáo, truyện các Thánh … mà có thể đơn cử như  Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ), Dụ chư tỳ tướng hịch văn  của Trần Quốc Tuấn (mà từ đầu thế kỷ XX đến nay, ta quen gọi là Hịch tướng sĩ, dù tác giả không viết như thế), các bài bi, minh  khắc trên bia đá chuông đồng (kim thạch văn / văn khắc), các bài kệ của các Thiền gia, Tham đồ hiển quyết của Viên Chiếu, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục của Trần Tung, Khoá hư lục của Trần Thái Tông, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi v.v.. Có thể tài ngày nay vẫn coi là văn học nhưng kiểu tư duy về cơ bản vẫn là tư duy khái niệm (tư duy luận lý)  như bài Thơ Thần (Nam quốc sơn hà) tương truyền của Lý Thường Kiệt (?). Cũng cần nói thêm về bài thơ này. Hình thức của văn bản là thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt nhưng ngôn từ của nó lại là lời hịch. Kiểu tư duy của tác phẩm là tư duy khái niệm, và không có một biểu hiện gì của kiểu tư duy hình tượng, dù xét đến cùng không phải là nó không có cảm xúc, mà có thể nói cảm xúc của văn bản này được nén vào trong ý tưởng, ẩn kín đằng sau những câu chữ kia, đó là niềm tự hào về ý thức độc lập, có chủ quyền của đất nước cùng quyết tâm chiến đấu gìn giữ nền độc lập ấy. Vì thế, mỗi con dân Đại Việt từ xưa đến nay và mãi mãi về sau luôn tự hào xem đây là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc. Có tác phẩm về thể tài là thể tài văn học nhưng tư duy, nội dung và phương thức biểu hiện có sự kết hợp nên dẫn đến tình trạng văn – sử bất phân như  Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu rồi Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái; văn – y  bất phân như Ngư Tiều y thuật vấn đáp  của Nguyễn Đình Chiểu; văn – triết bất phân như Khoá hư lục của Trần Thái Tông hay như  một số kệ, thơ Thiền có chép trong Thiền uyển tập anh… Quy luật bất phân này chi phối hầu hết các thể loại văn học không chỉ ở các thể loại văn học mang tính chức năng mà ở cả các thể loại văn học phi chức năng, tức văn học hình tượng như thơ tự sự, thơ trữ tình. Và tuy văn học thời trung đại tuân thủ theo quy luật bất phân ấy (chiếm ưu thế) nhưng trong nội bộ của nó vẫn tồn tại mầm mống hữu phân nhất định khi con người tự lựa chọn những hình tượng nghệ thuật để bộc lộ tâm trạng, tình cảm, cảm xúc của mình. Vì thế văn học trung đại vẫn xuất hiện những tác phẩm văn học với phương thức tư duy hình tượng theo quan niệm ngày nay. Ngay cả hồi ấy ở Trung Quốc bên cạnh các quan niệm văn dĩ tải đạo, văn dĩ minh đạo, văn dĩ quán đạo thì cũng đã có quan niệm văn là văn, đạo là đạo (văn thị văn, đạo thị đạo). Ở Việt Nam cũng có hiện tượng như thế. Khi cụ Đồ Chiểu quan niệm “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm..” thì cụ cũng phát biểu “Văn chương ai cũng muốn nghe; Phun châu nhả ngọc báu khoe tinh thần”, tức có nghĩa bên cạnh yêu cầu văn chở đạo (dù có khác với quan niệm của Nho gia chính thống như trên đã nói) thì còn yêu cầu văn chương phải mang lời hay ý đẹp ; bên cạnh tính chất giáo hoá, giáo huấn còn có tính chất thẩm mỹ, chú trọng cái đẹp rỡ ràng của văn chương để về sau, khi có đủ điều kiện, văn học sẽ tách ra khỏi sử học, triết học mà văn học hiện đại là một minh chứng.

Cũng cần nói thêm về hệ thống thể loại văn học mang tính chức năng và phi chức năng với sự phát triển của nó có tính quy luật mà theo GS. Viện sĩ B.L. Riptin thì thời trung đại sơ kỳ, các thể loại mang tính chức năng đóng vai trò trung tâm, còn các thể loại phi chức năng hoặc mang tính chức năng yếu, ít chở đạo thì ở ngoài rìa; để đến cuối thời trung đại (trung đại hậu kỳ) các thể loại này tiến dần vào trung tâm, nó đẩy các thể loại mang tính chức năng ra ngoài rìa, sau đó những thể loại chức năng này bị triệt tiêu dần vào thời cận – hiện đại (5).

Mỗi thể loại văn học trung đại có những yêu cầu mang tính đặc trưng mà nhà văn, nhà thơ khi sáng tác phải tuân thủ, do vậy khi giảng dạy, người giảng cần phải khai thác những yêu cầu này. Có như thế thì người học mới có thể lĩnh hội được những gì mà cha ông xưa gởi gắm trong tác phẩm. Cũng cần lưu ý là trong văn học trung đại, thể tài tác phẩm thường được các tác giả thể hiện ngay nhan đề tác phẩm. Ví dụ như: Tang thương ngẫu lục (Nguyễn  Án và Phạm Đình Hổ);Vũ trung tuỳ bút (Phạm Đình Hổ); Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác); Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái). Đó là trong văn xuôi. Còn thơ cách luật thì cảm hứng thường là thuật hoài, cảm hoài, ngôn chí, mạn hứng, mạn thuật, ngâm, ca, vịnh, tả  v.v..

3.3. Tính ước lệ, tượng trưng, quy phạm: Đây là đặc điểm nổi bật của văn học trung đại. Khi sáng tác, các tác giả thường vay mượn văn thi liệu, điển cố, điển tích lấy từ sách vở Thánh hiền và kinh sách của các tôn giáo. Sự vay mượn này được lặp lại nhiều đến nỗi thành những môtip quen thuộc tạo nên tính ước lệ, tượng trưng trong văn học. Hồi ấy, những sáng tác văn chương có như thế thì mới được coi là bác học, cao quý. Chẳng hạn, nói đến cây và hoa thì tùng, cúc, trúc mai, sen… bởi chúng là những biểu tượng để chỉ những phẩm chất, cốt cách, khí tiết của người quân tử, của bậc trượng phu; nói đến con vật thì phải là long, ly, quy, phụng; nói đến người thì ngư, tiều, canh, mục; nói đến hoa bốn mùa phải là xuân lan, thu cúc, hạ sen, đông mai; tả cảnh mùa thu thì mây đùn cửa ải, lá ngô đồng vàng rơi, rừng phong lá rụng, sen tàn giếng ngọc; nói đến thời gian phải là đêm năm canh, ngày sáu khắc; tả mỹ nhân thì làn thu thuỷ, nét xuân sơn, sóng thu ba, tóc như mây, da như  tuyết … và người đẹp phải đẹp đến nỗi nghiêng nước nghiêng thành hay chim sa cá lặn, thậm chí có khi Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình và có lúc cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa! như trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều v.v.. Điều đó giúp người đọc hôm nay không lấy làm lạ là một kiệt tác như Dụ chư tỳ tướng hịch văn của Trần Quốc Tuấn khi vị chủ tướng muốn khích lệ lòng yêu nước, lòng tận trung với chủ của các tướng sĩ dưới quyền  để họ xông lên giết kẻ thù Nguyên Mông xâm lược, gìn giữ xã tắc thì tác giả lại nêu những tấm gương trung thần nghĩa sĩ  được chép ở sử sách Trung Quốc, tức của đối phương như Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng, Vương Công Kiên… Đó là tinh thần sùng cổ, sùng thượng, sùng ngoại, suy tôn Thánh hiền, do vậy đã tạo nên tính quy phạm trong văn học. Việc sử dụng những điển tích trên còn nhằm mục đích ôn cố tri tân, lấy xưa để nói nay, dùng việc cũ, người cũ để nói việc mới, chuyện nay. Khi sáng tác, các tác giả còn vay mượn đề tài, cốt truyện, môtip, có khi cải biên cốt truyện để tạo nên một tác phẩm mới. Đây là sự tuân theo những kiểu mẫu, khuôn mẫu sẵn có đã thành công thức. Một loạt  truyện Nôm Việt Nam như  Ngọc Kiều Lê, Nữ Tú tài, Nhị độ mai, Hoa tiên truyện, Phù dung tân truyện, Đoạn trường tân thanh v.v.. là những ví dụ. Ngay cả Lục Vân Tiên có thể xem là tự truyện cùng ước mơ một thời của cụ Đồ Chiểu, vậy mà mở đầu truyện, cụ lại viết “Trước đèn xem truyện Tây Minh; Ngẫm cười hai chữ nhân tình éo le…” như là lơì tuyên ngôn nghệ thuật của tác phẩm nhằm ca ngợi nghĩa dũng trung hiếu tiết hạnh, điều đó đã làm cho nhiều thế hệ cháu con mất công truy tìm truyện Tây Minh là truyện gì và cụ đã vay mượn ra sao? Không chỉ tính quy phạm thể hiện ở sùng cổ sùng ngoại; ở đề tài cốt truyện; ở thi văn liệu, mỹ từ pháp, ước lệ tượng trưng… mà còn thể hiện ở sự vay mượn hệ thống loại hình thể loại. Các tác giả văn học trung đại Việt Nam đã sử dụng các thể loại sẵn có của Trung Quốc và xem đó như là khuôn mẫu đã định hình về bố cục cấu trúc, cùng niêm luật, vần đối chặt chẽ, thống nhất, mà người sáng tác không được phép phá vỡ như  cáo, hịch, phú Đường luật, văn tế theo lối phú Đường luật, thơ Đường luật v.v.. Đó là chưa kể những thể loại thuộc văn chương cử nghiệp như văn sách, kinh nghĩa, chiếu, biểu… với những quy định ngặt nghèo mà sĩ tử nhất nhất phải tuân theo với số lượng chữ hạn định sẵn, không được viết chệch hướng. Mặt khác, tính quy phạm về thể loại của văn học trung đại còn thể hiện ở quan niệm thứ bậc tôn ty của từng thể loại: thể loại văn học chức năng và thể loại văn học phi chức năng mà ở trên có nhắc đến.

3.4. Tính giáo huấn, bác học, cao quý, trang nhã: Văn học trung đại Việt Nam với khởi đầu của nó được viết bằng chữ Hán, đó là ngôn ngữ của trí thức cao cấp, của tầng lớp có học vấn cao.Về lực lượng sáng tác, tác giả chủ yếu là những thiền sư, nho sĩ, quan lại, quý tộc. Ngay cả về sau, khi văn học được viết bằng chữ Nôm cũng vậy. Tác giả của bộ phận văn học này cũng là những trí thức, những người học rộng hoặc nho sĩ bình dân. Chưa từng thấy tác giả của bộ phận văn học Hán Nôm là những “dân đen”, những “ngu phu”, “ngu phụ” bao giờ! Về đối tượng, mục đích của văn học, chủ yếu là đề cao thần quyền, cường quyền, mang mục đích giáo hóa, giáo huấn con người với khuôn phép định sẵn. Sáng tác văn học là để chở đạo, để truyền đạt dạy đời chứ không nhằm mục đích phản ánh. Do vậy trong văn học trung đại, chữ tả có phần lép vế so với chữ thuật, cảm, ngôn chí; tức chức năng phản ánh lép vế so với chức năng biểu cảm, do vậy ít có chức năng phát hiện, nhận thức. Về nội dung văn học, tác phẩm văn học thể hiện đầy dẫy những tri thức sách vở, sử dụng thi văn liệu, điển cố điển tích lấy từ Thánh kinh hiền truyện của Nho gia, của Bách gia chư tử, từ các bộ kinh Phật, từ sách vở của Lão Trang. Tất cả đều thể hiện tính uyên bác về tri thức. Văn chương như thế mới được coi là bác học, cao quý.Về bản chất xã hội và đề tài, tính bác học, cao quý này còn xuất phát từ quan niệm coi văn học là lời nói của Thánh hiền. Lời nói ấy gắn với Đạo. Đạo có nguồn gốc từ Trời. Do thế, đề tài văn học ít nói đến cái tầm thường, cái mộc mạc hay sự vật sự việc tầm thường của cuộc sống đời thường; ít phản ánh, miêu tả chi tiết thực của cuộc sống thực. Nếu có viết về cuộc sống đời thường, con người đời thường như thằng mõ, con cóc, tát nước, dệt vải… chẳng qua là nhằm mục đích nói về những sự việc, con người cao quý thông qua phương thức ngụ ý, ám chỉ, tượng trưng. Tính bác học cao quý còn do quan niệm cho rằng văn học là của trí thức, còn dân đen thì không thể hiểu và cũng không cần hiểu làm gì. Tính trang nhã cao quý của văn học còn thể hiện ở chỗ ngôn từ diễn đạt diễm lệ, tránh nói thông tục, nếu có thì dùng ngụ ý, ám chỉ chứ  ít khi nói thẳng. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu phê bình thường hết lời ngợi ca tài năng của Tố Như  khi miêu tả Thuý Kiều lúc tắm “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà; Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên”. Và cũng hết lời tán dương Bà chúa thơ Nôm khi miêu tả cái hớ hênh rất ngây thơ của cô gái ngủ ngày bằng một ngôn ngữ  tổng hợp của văn chương, hội hoạ, điêu khắc (tả, vẽ, chạm khắc) để khắc hoạ một cơ thể ngồn ngộn sức sống đầy vẻ xuân thì, tạo nên một tuyệt tác nghệ thuật vô tiền khoáng hậu, chẳng kém gì pho tượng Thần Vệ nữ của phương Tây! Tất cả được thể hiện bằng những ngôn từ rất đẹp, rất trang nhã. Vì thế, dù bị chi phối bởi những ràng buộc khắc khe nhưng đối với những tác giả ưu tú thì lại có sự “phá rào”, “vượt thoát” để trở về với đời sống, phản ánh  được đời sống thực, thể hiện được khả năng và khát vọng của con người nên đã sáng tạo được những tác phẩm xuất sắc. 

3.5. Tính chất “ngã” và “phi ngã” trong văn học trung đại: Đây là một vấn đề lớn và phức tạp mà lâu nay nhiều nhà nghiên cứu có uy tín đã tốn nhiều công sức, giấy mực bàn đến. Vấn đề này trước hết là vấn đề của cuộc sống con người và là quan niệm của con người về cuộc sống. Bởi lẽ, nói theo M. Gorki Văn học là nhân học; văn học phản ánh hiện thực cuộc sống con người và góp phần cải tạo cuộc sống. Hiện thực cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ. Văn học phản ánh cuộc sống nên không thể không đề cập đến con người với vận mệnh số phận cụ thể, bởi con người là chủ nhân của cuộc sống. Ở đó, con người là trung tâm, là chủ thể sáng tạo ra cuộc sống, trong đó có văn học nghệ thuật; đồng thời con người lại vừa là khách thể, là đối tượng để văn học nghệ thuật nhận thức, khám phá, chiêm nghiệm và phản ánh. Thế thì có hay không có con người cá nhân trong văn học trung đại Việt Nam? Và nếu có thì hình tượng con người ấy mang thuộc tính “vô ngã”, “phi ngã” hay “hữu ngã”? Nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận  rằng văn học trung đại Việt Nam  mang nặng tính “vô ngã”, “phi ngã”. Nói thế vì đã căn cứ vào các yếu tố lịch sử, tư tưởng và bản thân nội tại của văn học. Thực tế là lịch sử Việt Nam thời phong kiến, cái tôi cá nhân (ngã) chưa được phát hiện, chưa được nhận thức. Văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm các học thuyết, hệ tư tưởng phương Đông, nên đã chịu ảnh hưởng tư tưởng “vô ngã”, “phi ngã” của Nho giáo, Phật giáo; Bản thân văn học Việt Nam lại vay mượn các thể loại có sẵn của Trung Quốc với những khuôn mẫu cố định, vay mượn văn thi liệu, điển cố điển tích lấy từ kinh sách các học thuyết, các tôn giáo với tính ước lệ, tượng trưng, trừu tượng, phi cụ thể, phi cá thể (6). Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng bất cứ điều gì trong cuộc sống bao giờ cũng có mặt trái của nó. Ở bình diện này thì vậy, mang tính phổ biến phổ quát như thế nhưng ở bình diện kia thì sao? Điều đó dẫn đến bên cạnh tính “phi ngã”, “vô ngã” thể hiện đậm đặc trong văn chương trung đại thì còn có tính “hữu ngã”, tức biểu lộ “cái tôi cá nhân”. Văn học trung đại Việt Nam cũng không ngoài quy luật có tính biện chứng trên. Quy luật ấy thường kết tinh ở một số tác giả tài năng, họ đã “vượt rào”, đã phá vỡ quy phạm và khuôn phép ràng buộc để sáng tác nên những tác phẩm văn học ưu tú, thể hiện cá tính sáng tạo đậm nét, bộc lộ cái tôi cá nhân trữ tình trong văn chương mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương v.v.. là những đại biểu xuất sắc.

           Riêng ở văn học trung đại Việt Nam, có sự tồn tại song song hai dòng văn học: Văn học Hán và Văn học Nôm. Dòng văn học chữ Nôm về sau, nhất là từ giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII trở đi lại có sự áp đảo dòng văn học chữ Hán. So sánh mối tương quan giữa văn học Hán và văn học Nôm ở Việt Nam, PGS. Bùi Duy Tân đã nêu ra những tính chất khác nhau như sau:



VĂN HỌC  HÁN

VĂN HỌC  NÔM

- trang nhã, cao quý;

-  trí thức, bác học;

- giàu điển cố, điển tích;

- chở đạo;

- mang tư tưởng chính thống;



- thường thống nhất phong cách;

- khô cạn sức sáng tạo bay bổng;

- văn chương chính luận với tư duy duy lý nổi trội, có nhiều thành  tựu. (7)

- bình dị, dân dã, đại chúng;

- nhân dân, cấp thấp;

- nôm na, không hoặc ít dùng điển; 

- ít chở đạo;

- ít hoặc không mang tư tưởng chính thống, mà mang tư tưởng nhân dân;

- đa phong cách;                                                           

- giàu hình tượng văn học;

- văn chương nghệ thuật với tư duy hình tượng có nhiều thành tựu. (7)

           

            3.6. Về cảm thức về thế giới của con người thời trung đại: xuất phát từ tư duy cầu tính, tổng hợp nên con người thời trung đại ở phương Đông nói chung, ở Việt Nam nói riêng đã quan niệm thế giới, vũ trụ là một (nhất nguyên, nhất thể), vì thế con người thời trung đại tự xem mình là một phần tử của thế giới, vũ trụ đó (trong đó có tự nhiên). Họ cho rằng giữa con người với tự nhiên có sự gắn bó hoà đồng, tương giao. Viện sĩ A. Guriêvich đã xác định “hồi ấy con người chưa nhìn tự nhiên như một khách thể. Họ nhận thức và phản ánh hiện thực chủ yếu ở cấp độ tâm lý xã hội, ở cầu trường cảm quan về thế giới” (8). Như vậy, con người thấy mình trong tự nhiên  với suy nghĩ trong vũ trụ có ta và trong ta có cả vũ trụ. Đó là quan niệm thiên nhân tương cảm, thiên nhân tương dữ của Nho gia. Sở dĩ có quan niệm như trên là vì con người nhìn sự vật trong thế giới không nhìn từ tự nhiên như nó vốn có mà xuyên qua hình thức bề ngoài sự vật tự nhiên nhận thấy một ngụ ý, tượng trưng, giáo huấn. Do vậy nẩy sinh những hình thức ẩn dụ, tượng trưng trong tác phẩm văn học. Viện sĩ A. Guriêvích đã phát biểu “thế giới trung đại là vô cùng tận. Thế giới ấy chứa đầy tượng trưng”(9). Từ quan niệm trên, con người thời trung đại khi nói về trời đất, về không gian, về thời gian với nhiều cách thể hiện bằng nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau như thời gian chu kỳ tuần hoàn, thời gian tuyến tính, thời gian vĩnh cửu, thời gian không gian kết hợp, thời gian không gian được cảm nhận bằng nhiều giác quan khác nhau v.v..

            4. Khi giảng dạy tác phẩm văn học trung đại, chúng tôi có chú ý nhấn mạnh một số hiện tượng văn học xưa nay đã từng gây tranh luận như về một từ, cách hiểu một câu thơ, một bài thơ hoặc ai là tác giả văn bản. Phân tích, giảng bình thơ trung đại nói chung, thơ luật Đường nói riêng cần bám vào kết cấu thể loại, chữ nghĩa, thanh âm, nhịp điệu. Phân tích thơ luật Đường thì càng phải bám vào chữ nghĩa nhiều hơn bởi nó hết sức hàm súc, cô đọng, ý tại ngôn ngoại. Đặc biệt cần chú ý khai thác tối đa cách mở bài, kết bài và nhất là các nhãn tự, tức các từ có tính chất chìa khóa quan trọng, có như thế mới làm nổi bật được cái thần của bài thơ. Đồng thời cũng cần chú ý đến vấn đề Việt hoá thơ luật Đường (thơ Nôm Đường luật) đã được kết tinh ở các nhà thơ tài hoa như Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Khi phân tích, giảng bình tác phẩm thơ trữ tình trung đại chữ  Hán của Việt Nam cần đối chiếu bản phiên âm nguyên tác với bản dịch nghĩa và bản dịch thơ (nếu người dạy đọc được, viết được nguyên tác chữ Hán thì càng tốt), có thế mới có điều kiện hiểu sâu, hiểu chính xác tác phẩm, để phân tích tốt và đúng hướng hơn. Ví dụ như bài Thơ Thần. Ai là tác giả của bài thơ này? Một thời gian rất dài, trong tâm thức, tất cả chúng ta đều thừa nhận Lý Thường Kiệt là tác giả bài thơ. Ngay ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng đã thừa nhận như thế. Thực tế, nếu đọc kỹ Đại Việt sử ký toàn thư  thì mới thấy rõ các sử gia khi xưa đâu có xác định tác giả bài thơ; còn theo Trương tôn thần sự tích thì thần Trương Hống, Trương Hát (hai vị tướng tài của Triệu Quang Phục  vào thế kỷ VI) đã đọc bài thơ này hai lần : lần thứ nhất giúp Lê Hoàn đánh tan quân Tống xâm lược trên sông Bạch Đằng năm 981; lần thứ hai giúp Lý Thường Kiệt đánh Tống nơi phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1077. Điều đó có nghĩa, Lý Thường Kiệt chỉ là người sử dụng bài thơ của Thần có hiệu quả, đã xem văn chương có tác dụng như một thứ vũ khí chiến đấu, chứ ông không phải là tác giả bài thơ. Hoặc bản dịch Chinh phụ ngâm khúc đang hiện hành cũng vậy. Đoàn Thị Điểm hay Phan Huy Ích? Trong tâm lý chung lâu nay, mọi người thường thừa nhận Đoàn Thị Điểm chính là dịch giả của bản dịch đang lưu hành. Đầu thế kỷ XX vào năm 1926, lần đầu tiên, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến đã nêu ý kiến bản dịch đó là của cụ Phan Huy Ích; tiếp theo, học giả Hoàng Xuân Hãn (Chinh phụ ngâm bị khảo) rồi Nguyễn Văn Xuân (Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc, 1971) cũng khẳng định như trên; gần đây nhiều nhà nghiên cứu cũng đồng tình, cho rằng Phan Huy Ích chính là dịch giả của bản dịch đang lưu hành. Thiết nghĩ, những ý kiến cho Phan Huy Ích là dịch giả hiện chưa đủ sức thuyết phục vì chưa có chứng cứ khoa học thoả đáng.

Về chữ nghĩa của một số văn bản, có lẽ cũng cần lưu ý khi phân tích. Ví dụ ở bài Thơ Thần cần giải thích các từ quốc, đế, lỗ. Quốc ngày ấy được dùng để chỉ đất nước của thiên tử cai trị và đế là người đứng đầu quốc thay trời cai trị muôn dân, là vị thiên tử mà vua các nước chư hầu (vương) phải thần phục, triều cống, vậy đế  lớn hơn và đứng trên vương. Bài thơ nói Nam quốc, Nam đế là để đối lập với Bắc quốc, Bắc đế, chứng tỏ Việt Nam ta bình đẳng với Trung Quốc. Chữ lỗ trong bài thơ lâu nay được hiểu là giặc vậy nghịch lỗ là bọn giặc phản nghịch, bọn nghịch tặc. Nhưng lỗ còn có nghĩa là tên tù binh bị bắt sống tại trận và do vậy nghịch lỗ có thể hiểu là tên giặc bị bắt làm tù binh. Nếu hiểu như thế thì ý của câu thơ sâu hơn, mang âm hưởng hào hùng hơn, biểu lộ rõ khí thế lẫn sức mạnh của quân đội chính nghĩa Đại Việt. Hơn nữa, ngay thời Lý - Trần cũng đã có nhà thơ đã dùng chữ lỗ với nét nghĩa là tên giặc bị bắt làm tù binh như  Thiền sư Huyền Quang trong bài thơ Ai phù lỗ (Thương tên giặc bị bắt làm tù binh). Hoặc chữ cư  gần đây có nhà nghiên cứu đề nghị nên hiểu là ngự trị, cai trị; dù ý kiến đề nghị này hiện chưa được nhiều người đồng tình, vì chưa thuyết phục lắm. Cần lưu ý là bài Thơ Thần này cho đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh luận, bàn bạc và hiện có đến trên 30 dị bản, dù nó chỉ có 28 chữ gói gọn trong 4 câu!

Ở bài Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải cũng có đôi chỗ cần lưu ý như phải lý giải ta chiến thắng ở Hàm Tử trước khi chiến thắng Chương Dương, nhưng tại sao tác giả lại nói Chương Dương trước, nói Hàm Tử sau? là vì cả dân tộc đang sống trong không khí hồ hỡi của chiến thắng Chương Dương, từ đó mới nghĩ về quá khứ trước đó không xa của chiến thắng Hàm Tử; và hai trận tuyến này có ý nghĩa quyết định trong chiến dịch giải phóng kinh đô Thăng Long. Về thể loại, bài thơ viết theo thể ngũ  ngôn  tứ tuyệt phải có 3 vần, sao chỉ gieo 2 vần ở chữ cuối câu 2 và câu 4, còn câu 1 lại không gieo vần? Trường hợp này là chiết vận (trốn vần), do vậy câu 1 và câu 2 buộc phải đối nhau. Hay như  ta đã chiến thắng rồi, đất nước đã thái bình rồi, sao vị chủ tướng còn khuyên tu trí lực (nên gắng sức) ? cần phân tích rõ ý này để thấy được tinh thần và hào khí của thời đại.

Bài Bình Ngô đại cáo, áng thiên cổ hùng văn của dân tộc, trong nguyên tác đâu có câu mở đầu“Đại thiên hành hoá, hoàng thượng nhược viết” nhưng không hiểu sao, từ sau năm 1954 đến gần đây (tức trước khi biên soạn sách giáo khoa mới sau năm 2000), các soạn giả khi biên soạn lại thêm vào ở đầu văn bản? Nói điều này là tôi căn cứ vào văn bản chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Cách đây gần mười năm, có lần tôi trực tiếp mạo muội hỏi soạn giả về việc này thì chỉ nhận được một nụ cười thân thiện mà thôi. Hoặc khi phân tích văn bản này, nếu y cứ vào bản của GS. Bùi Văn Nguyên dịch lại, dựa theo bản dịch của cụ Phó bảng Bùi Kỷ trong Quốc văn cụ thể (1927) thì sẽ có vài từ ngữ chưa chuẩn nếu so với nguyên tác của Nguyễn Trãi. Ví dụ như “manh lệ”  được dịch là “nhân dân”; hay “nhất cổ”, “tái cổ” được dịch là “đánh một trận”, “đánh hai trận” làm cho người đọc văn bản tưởng là đang đánh trận thật. Thực ra, đây chỉ là đánh trống thúc quân dàn trận lần thứ nhất, lần thứ hai, trước khi trực tiếp giáp lá cà đánh nhau . Có đối chiếu với nguyên tác mới thấy được khí thế và sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn, họ mới đánh trống thúc quân mà bọn giặc Minh đã kinh hồn tán đởm v.v..

Hay như đoạn trích giảng văn Sau phút chia ly  (Chinh phụ ngâm khúc – bản dịch) là một đoạn trích thể hiện sự tài hoa của dịch giả. Nguyên tác theo thể trường đoản cú, câu ngắn chỉ 3 hoặc 4 chữ; câu dài có khi đến 13,14 chữ; còn bản dịch theo thể song thất lục bát với yêu cầu số câu, số chữ trong từng câu cùng vần nhịp chặt chẽ, vậy mà người dịch đã vượt qua những yêu cầu có tính quy phạm trên để đạt hiệu quả nghệ thuật xuất sắc. Riêng ở đoạn trích, cái thần cái hay của nó chính là âm điệu của câu thơ dịch với cách dùng điệp ngữ liên hoàn không chỉ biểu hiện được cảnh ngàn dâu xanh ngắt trải rộng ra vô tận mà còn bộc lộ được tình ly biệt với nỗi sầu biệt ly dằng dặc, mênh mang trong lòng chinh phụ đối với chinh phu. Khi giảng bình nên đối chiếu câu thơ dịch với câu thơ trong nguyên tác của đoạn trích thì mới thấy rõ tài nghệ của dịch giả. Cho nên, có người coi đây là một sáng tác phẩm chứ không phải là một dịch phẩm.

Bài Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến có kết cấu phá cách rất đặc biệt, rất lạ, chưa từng thấy ở thơ Đường luật. Vẫn là đề, thưc, luận, kết như  luật thơ quy định, vẫn đủ 8 câu với niêm, luật, vần, đối rất chuẩn mà luật thơ đòi hỏi, nhưng phá cách ở ý tưởng, ở cách cấu tứ của bài thơ. Vì thế, xin đề nghị khi phân tích nên chia ra 3 ý như sau: ý 1: câu 1; ý 2: sáu câu tiếp theo; ý 3: câu 8 là xuất phát từ cách cấu tứ trên.

Trên đây chỉ nêu vài ví dụ tiêu biểu, bởi chuyện chữ nghĩa, văn bản còn rất nhiều điều cần phải bàn sâu, bàn kỹ.

5. Giảng dạy văn học nói chung, văn học trung đại Việt Nam nói riêng ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có khác với trường Đại học Sư phạm và Cao đẳng sư phạm. Ở trường Sư phạm do yêu cầu đào tạo nghề nên chương trình chỉ giảng dạy có chọn lựa những tác giả tác phẩm tiêu biểu, gắn với chương trình và sách giáo khoa bậc phổ thông; phương pháp giảng dạy chỉ giảng tinh gọn, gắn với nghiệp vụ sư phạm: bài văn học sử về tác gia, về tác phẩm; bài giảng văn; bài bình giảng v.v.. Trong khi đó, mục tiêu ở trường Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là đào tạo những cán bộ nghiên cứu trong tương lai, nên phải giảng rộng, sâu và kỹ dù cũng với chương trình ấy, thời kỳ hay giai đoạn văn học sử ấy. Kết hợp với giảng dạy là định hướng cho sinh viên tập nghiên cứu khoa học thông qua các buổi xê mi na, các bài tập tiểu luận, các bài thu hoạch v.v.. mà điều này ở trường Sư phạm lại ít có chú ý và ít có quỹ thời gian cùng điều kiện để thực hiện.

6. Bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam  từ văn học dân gian đến văn học viết của trường Đại học sư phạm Hà Nội biên soạn từ năm 1961 đến 1963, dù có chỉnh lý và bổ sung qua nhiều lần tái bản nhưng hiện vẫn lạc hậu so với tình hình tư liệu mới. Gần đây, tức từ năm 1989 và 1990, 1992, các nhà nghiên cứu của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có biên soạn lại và tên gọi của bộ sách được gọi theo thế kỷ (X – đầu XVIII; giữa XVIII – nửa đầu XIX; nửa cuối XIX v.v..). Tuy vậy, bộ sách này vẫn chưa đáp ứng hiện tình đổi mới, hội nhập và cập nhật tư liệu mới. Bộ giáo trình Văn học Việt Nam  của Khoa Ngữ văn (nay là Khoa Văn học) của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) biên soạn và xuất bản từ năm 1971, đến nay tái bản nhiều lần, dù có ghi là chỉnh lý, bổ sung, nhưng không phải thế, tức vẫn như bản in lần đầu; và bộ giáo trình này hiện cũng chưa đáp ứng kịp tình hình mới.

Từ những suy nghĩ trên, nên chăng phải gấp rút biên soạn mới một bộ giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, trong đó có văn học trung đại. Việc này Viện Văn học đang làm; Khoa Văn học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đang thực hiện.

Dĩ nhiên khi biên soạn mới, đã gọi là văn học sử thì phải viết theo tiến trình lịch sử văn học. Có thể có nhiều cách biên soạn giáo trình văn học sử.

Một là, viết văn học sử theo tiến trình vận động và phát triển của lịch sử, tức theo từng giai đoạn, chú trọng các tác gia, tác phẩm lớn của giai đoạn đó.

Hai là, viết văn học sử theo khuynh hướng cảm hứng chính, dĩ nhiên là phải tuân thủ theo tiến trình lịch sử.

Ba là, viết văn học sử theo sự vận động phát triển của thể loại. Ở từng giai đoạn, chú ý thể loại những tác phẩm cắm cột mốc của những tác gia tiêu biểu.

Hiện tại bộ môn Văn học Việt Nam của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có ý định và đang trong quá trình thai nghén để biên soạn mới một bộ giáo trình văn học Việt Nam vừa theo thể loại, vừa theo nội dung khuynh hướng cảm hứng chính, lại vừa theo quy luật và tiến trình vận động của văn học sử; đồng thời cố gắng tinh gọn, hiện đại, để đáp ứng được nhu cầu học tập của sinh viên cùng phù hợp với việc nghiên cứu văn học, theo các bộ giáo trình văn học sử của các nước tiên tiến trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm. Ý tưởng rất độc đáo, nhưng làm được thì cũng không dễ dàng gì, cần phải vắt óc  nghĩ suy và tốn nhiều công sức may ra mới có thể được, nhưng thiết nghĩ, nếu  bộ môn quyết tâm và bằng trí tuệ của tập thể thì có thể thực hiện được trong thời gian vài năm trở lại, chứ không phải là lực bất tòng tâm.



Không có nhận xét nào: