Cắn bút…và lặng im
Em nhìn tôi bối rối
Đề thi nào có tội
Mà nhàu trên tay em
Phút mở bài ra xem
Em e dè, sợ hãi
Để lòng tôi nhói mãi
Một nỗi đau không lời
Đừng nhìn thế em ơi!
Tôi thành người khác mất
Nếu chỉ toàn lắp ghép
Nếu chỉ toàn sao chép
Đời em rồi ra sao?
Lời bình:
Thi cử. đó là chuyện muôn đời, muôn thuở của nhà trường chúng ta.Trò thì bao giờ cũng lo làm bài sao cho tốt nhất. Thầy thì lo canh giữ sao cho lớp học làm bài trật tự theo đúng quy chế đề ra.
Chuyện trò hỏi bài của bạn,gà bài cho bạn, quay cóp tài liệu cũng là chuyện thường ngày ở trường từ xưa đến nay, có gì mới lạ đâu, lại càng chả có gì là nên thơ cả.Ấy thế mà cô giáo Vũ Kim Loan lại có được một bài thơ hay đầy sức gợi…
Mở đầu bài thơ là 2 câu thơ giới thiệu hoàn cảnh ra đời của bài thơ:
Cắn bút … và lặng im
Em nhìn tôi bối rối
Cô cậu học trò nào đó bị… bí, cứ loay hoay, loay hoay cắn bút và nhìn cô bối rối. Chưa
có chất thơ.Nhưng ở 2 câu tiếp bắt đầu có thơ rồi:
Đề thi nào có tội
Mà nhàu trên tay em?
Chất thơ ở đây gợi nghĩ suy. Đề thi nào có tội tình gì mà em vò nhàu nát nó trên tay. Lỗi là lỗi ở nơi em chứ đâu phải lỗi nơi bàn ghế, phấn bảng, trang giấy đề thi…
Bất cứ cô cậu học trò nào khi vi phạm quy chế thi thì y như rằng chúng đều hoặc lấm la, lấm lét, hoặc e dè sợ hãi …nhìn thầy cô . Đó cũng là một sự bình thường . Thầy cô khi thấy trò vi phạm thì thường là tức giận rồi hoặc là phạt, hoặc là nhăc nhở nhẹ nhàng. Đằng này, tác giả khi thấy trò nhìn mình bằng ánh mắt e dè, sợ hãi đã nhói lên một “nỗi đau không lời”.Người thầy đau vì bao nỗi: nỗi trò kia lười học hành chăng? Nỗi thầy cô dạy em không hiểu bài chăng? Nỗi sách giáo khoa không phù hợp chăng? Và dù là cái gì, nỗi gì thì lòng người thầy nhậy cảm vẫn đau xót, vẫn buồn. Đó là một nỗi đau đầy tình thương của một người mẹ khi thấy con mình mắc lỗi…
Và cô giáo xin cô cậu học trò kia:
Đừng nhìn thế em ơi!
Tôi thành người khác mất
Là người thầy, tôi phải nghiêm khắc để làm tròn bổn phận. Thế nên , em đừng nhìn tôi như thế. Nhưng ở trong tôi còn có một người chị, một người mẹ. Nếu thương em, tôi lại không làm tròn bổn phận của người thầy. Ở đây có một ranh giới mong manh: một người thầy nghiêm khắc bên cạnh một người chị, người mẹ đầy tình thương yêu, rộng lượng. Ý thơ mới lạ, độc đáo và có nhiều sức gợi.Cái tình cảm ấy làm ta đồng cảm và xúc động.
Bài thơ khép lại bằng một câu hỏi đầy suy tư trăn trở:
Nếu chỉ toàn lắp ghép
Nếu chỉ toàn sao chép
Đời em rồi ra sao?
Cuộc đời mỗi người có phần lắp ghép, có phần sao chép để trưởng thành. Nhưng nếu chỉ toàn lắp ghép, chỉ toàn sao chép thì đời em sẽ ra sao? Ra sao? Ra sao? Nếu chỉ toàn lắp ghép, sẽ chỉ có những con ROBOT ra đời…
05-11-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét