Nguyễn Hải Hoành dịch
Minh là nhạc công biểu diễn kèn
cla-ri-net. Hồi còn học ở trường Trung học thuộc Học viện Âm nhạc, cậu được cô
giáo Phương quý mến, khen là thông minh, giàu cảm xúc âm nhạc, phong cách biểu
diễn nhiều tình cảm. Cô Phương cho rằng trong số các học sinh mấy lớp cô từng dạy,
chỉ có Minh là đạt được trình độ độc tấu cla-ri-net. Âm nhạc cần có tài năng mà!
Sau khi tốt nghiệp trung học âm nhạc,
Minh được phân công về “Đoàn văn nghệ mẫu” 1 ... Vì cla-ri-net chỉ là thứ nhạc
cụ trang sức thêm cho bốn thứ nhạc cụ chính của dàn nhạc đoàn này, cho nên mỗi
tối biểu diễn, Minh chỉ thổi kèn trong một vài đoạn nhạc mà thôi. Do đó cậu khá
rảnh rỗi, thường hay đọc tiểu thuyết những cuốn đại loại như “Đỏ và Đen” và các
tác phẩm của D. H. Lawrence.
Minh
người cao, mảnh khảnh, tóc xoăn, tính ít nói, không thích tham gia những câu
chuyện tiếu lâm tục tĩu vô vị mà các diễn viên và cán bộ trong đoàn thường tán
gẫu lúc rảnh rỗi. Mọi người không ưa Minh, cho là cậu kiêu căng. Minh thấy rất
cô đơn.
Trần toà nhà Câu lạc bộ nơi đoàn văn nghệ
thường tập nhạc chứa đầy những hòm các tông và trăm thứ lặt vặt, trên đó có một
khoảng trống từ đấy có thể nhìn xuống nhà tắm nữ ở dưới. Không hiểu tại sao
Minh lại mò ra được chỗ này. Và thế là cậu thường trèo lên đấy để nhìn trộm phụ
nữ tắm. Sau vài lần, việc đó bị tay thợ điện và tay soát vé của Câu lạc bộ phát
hiện, vì họ còn lạ gì chỗ này. Hai người tóm cổ Minh, lôi xuống sàn tập và đánh
cậu.
Một nhóm diễn viên võ thuật trong đoàn
văn nghệ đi qua thấy thế hỏi :
“Sao lại đánh nó thế ?”
“Nó nhìn trộm các đồng chí nữ tắm !”
“Nhìn trộm các đồng chí phụ nữ đang tắm
hả ? Nện cho nó một trận !”
Thế là bảy, tám người xúm lại đánh Minh.
May sao lúc đó cô giáo Phương cũng đi
qua chỗ ấy. Cô nhìn thấy cảnh ẩu đả và nghe thấy họ nói gì.
Hồi ấy Phương vừa làm nhiệm vụ biểu diễn
cla-ri-net trong đoàn văn nghệ vừa kiêm nhiệm dạy môn nhạc cụ này tại trường
Trung học Âm nhạc. Có lúc cô đến Câu lạc bộ tập biểu diễn, có lúc đến các đoàn
văn nghệ khác hướng dẫn tập cla-ri-net cho các học trò cũ của mình; vì thế thường
hay qua lại Câu lạc bộ này. Phương đi đứng đàng hoàng, cử chỉ đoan trang, dáng
vẻ đầy phong độ. Các diễn viên và cán bộ nhân viên câu lạc bộ này đều biết cô.
Tại sao họ lại đánh Minh nhỉ ? Thật khó
hiểu.
Phải chăng họ cho là hành vi của Minh vô
đạo đức ?
Nhưng bọn người ấy đâu có để tâm gì đến
quan niệm đạo đức kia chứ.
Chắc họ cảm thấy mình bị xúc phạm, thậm
chí bị xỉ nhục, vì vợ và con gái họ thường hay đến đây tắm.
Hay là chỉ vì họ ghét Minh, ghét cay
ghét đắng cái tính kiêu căng của cậu ta, cái thói cô độc xa lánh mọi người, tự
cho mình có văn hoá, có tu dưỡng. Trong đầu óc họ tiềm ẩn một tâm lý tự ti nặng,
vì họ cũng biết mình chỉ là những kẻ dung tục, vô học, không có tài nghệ, bị
người khác xem thường. Bọn họ đánh Minh là để trả thù, trả thù âm nhạc, trả thù
nghệ thuật.
Cô giáo Phương bước lại, rất bình tĩnh
nói :
“Các anh không được đánh cậu ấy !”
Giọng nói bình thản của cô thế mà có sức
nặng. Thái độ bình tĩnh và phong cách đoan trang của Phương khiến cho bọn người
tàn nhẫn kia dừng tay, tức tối bỏ đi.
Cô dẫn Minh về nhà mình.
Phương sống độc thân chưa lấy chồng, tuy
có hai lần yêu nhưng đều không thành công. Trường Nhạc phân cho cô một phòng ở
ký túc xá ngay gần Câu lạc bộ.
“Thế nào, bị đánh có đau không ? Có chỗ
nào bị thương không ?”
“Thưa cô không sao ạ.”
Phương xem bả vai của Minh và lấy dầu cù
là thoa lên chỗ bị đánh, rồi rót cho cậu một cốc rượu Mac-ti-ni.
“Tại sao họ lại đánh em ?”
Minh không trả lời.
“Tại sao em lại trèo lên chỗ ấy để nhìn
trộm đàn bà tắm ?”
Minh vẫn im lặng.
“Có nhìn thấy cái gì hay hay trên người
họ không ?”
Minh lắc đầu.
“Trên người họ có âm nhạc không ?”
Minh cả quyết : “Không ạ !”
“Em muốn ngắm đàn bà hả, thế thì ngắm cô
đây này. Cô cho em ngắm đấy.”
Phương ưỡn bộ ngực nở nang trẻ trung của
mình. Đôi chân dài, gót chân thon thon. Cặp đùi tuyệt đẹp.
Trước nay Minh vẫn thích ngắm chân của
cô giáo Phương, nhất là vào mùa hè, khi cô đi dép lê, chân để trần không đi tất.
Phương cũng cảm thấy Minh thích ngắm đôi
chân của cô.
Cô cầm tay Minh đặt lên ngực mình.
Minh hoa cả mắt, người run rẩy.
Cuối cùng, cô giáo Phương đã làm cho cậu
dần dần bình tĩnh trở lại.
(Tiếng nhạc vang lên. Một bản dạ khúc của
Sô-panh, âm thanh trầm và chậm, êm ái như trong giấc mơ ......)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét