Triệu Lam Châu
ÁNH SAO RỪNG THU NGA
Mùa thu Lêvitan *
Vàng cả vùng rừng Xibia buổi ấy
Anh cùng em lộ trình mê mải
Bao vỉa quặng ngầm như cũng thở phập phồng
Em còn nhớ không
Ơi cô gái tóc vàng quyến rũ
Những buổi hoàng hôn mờ núi lá
Phía cuối trời biêng biếc ánh sao xa...
Ôi ánh sao rừng thu Nga
Như tiếng thầm của lòng em có phải
Nói những điều hồn không nói nổi
Hơi thở đằm phong vị nước Nga sâu
Ngôi sao xanh đậu xuống mái đầu
Em bỗng chốc thành nàng công chúa
Ảo huyền như trong câu chuyện cổ
Anh thành hoàng tử đón đưa em
Hoàng tử ngày nay không có ngựa xe riêng
Chỉ có tấm lòng người địa chất
Gương mặt, nụ cười em hiền thục
Ánh núi Xibia chan chứa tâm can
Ngọn lửa rừng ta nhóm giữa ngàn
Quyện hương núi Xibia ngây ngất
Em hát những lời ca trong trẻo nhất
Gửi vào muôn phím của đàn anh
Tình Xibia mênh mang
Hồn thu Nga ấm nồng sâu thẳm
Nay anh ngóng mãi trong thầm lặng
Lòng bỗng nghe một áng mơ vàng...
Miền rừng Nga, tháng 8 năm 1974
*I. Lêvitan (1860 - 1900): Hoạ sĩ Nga rất nổi tiếng với bức tranh "Mùa thu vàng". Người thể hiện thành công nhất nét huyền diệu của nùa thu Nga.
VẦNG TRĂNG NGA MỌC GIỮA HỒN TÔI
Vầng trăng rừng Xibia sâu thẳm
Đau đáu hồn Tháng Chạp thuở nào (1)
Lá thông nhọn giữa mùa tuyết giá
Đại ngàn vẫn thở gió xôn xao
Vầng trăng Xanh Pêtécbua cổ kính
Nghe chơi vơi đêm trắng ảo huyền
Lai láng sóng Nhêva tinh khiết
Nồng say như ánh mắt cô tiên
Vầng trăng rừng Cápcadơ bốc lửa
Như hồn bao thi sĩ ngày qua (2)
Lá phong vàng mùa thu muôn thuở
Giọng phong cầm tươi rói nét quê Nga
Vầng trăng Mátxcơva hồn hậu
Tiếng chuông chiều lắng đọng tình người
Khơi dậy bao nét vàng lịch sử
Bao đời mới mãi ánh tinh khôi
Bao vầng trăng Nga mọc giữa lòng tôi
Khi bất chợt đêm nay bỗng gặp
Một cô gái Nga đẹp như ánh tuyết
Như vầng trăng miền biển quê ta...
Mùa trăng Nha Trang, tháng 8 năm 2002
- (1) Các chiến sĩ cách mạng Tháng Chạp (1825) đã bị Nga Hoàng đưa đi đày ở Xibia
- (2) Hai nhà thơ Nga vĩ đại A. Puskin (1799 - 1837) và M. Lermantốp (1814 - 1841) có tư tưởng tư do, đều bị Nga Hoàng đưa đi đày ở Cápcadơ
TÌM THÊM NỬA MẶT TRỜI
Bãi sông mang hình nửa mặt trời
Màu cát trắng mịn màng tinh khiết
Mùa táo chín hương bay phảng phất
Xanh đến nao lòng trời thu Rútnơi
Dòng Tabôn bình lặng của ta ơi
Có bao giờ nước trong đến thế
Sóng nhỏ hát những lời của bể
Dẫu mới nửa mặt trời mọc trên gương sông
Anh ngâm Kiều em nghe, cô gái tóc vàng
Lời mộc mạc chân thành cọng cỏ
Mà thanh thoát cao vời ngọn gió
Chim đỗ quyên gọi lửa mặt trời
Em ngâm anh nghe những lời thơ Puskin*
Náo động cả vùng Xibia Tháng Chạp
Gió núi ngang tàng miền Capcát
Lá phong vàng vời vợi sắc thu Nga
Em nghe anh - mới hiểu được nửa mặt trời
Anh nghe em, cũng hiểu được chừng một nửa
Còn nửa mặt trời kia giấu trong lồng ngực trẻ
Trong dòng Tabôn hay trong hương thu say?
Nửa mặt trời ước mong
Mơ hồ như sương chiều bảng lảng
Rỡ ràng như ánh nắng
Như cánh thiên nga loáng sáng Tabôn
Sóng nhỏ rập rờn
Cứ vỗ hoài vào bờ cát mịn
Nghe rạo rực, bồn chồn, xao xuyến:
Cùng tìm thêm nửa mặt trời kia...
Rútnơi, Kuxtanai, tháng 8 năm 1974
*A.
Puskin (1799 - 1837): Nhà thơ Nga vĩ đại, người có tư tưởng tự do, ủng
hộ cáh mạng Tháng Chạp, nên đã bị Nga Hoàng đày đi ở Cápcadơ
HƯƠNG CỐM TRÊN SÔNG NHÊVA
(Kỷ niệm về những hạt cốm nhận được từ quê nhà)
Chưa buổi chiều nào thơm như chiều nay
Hạt cốm xanh màu trời dìu dịu
Gió từ sông thoáng đậu vào mát rượi
Bàn tay run rẩy giữa chiều vàng
Ôi hương thơm mênh mang
Lấp loáng mặt sông, ảo huyền mái phố
Những cung điện mơ màng như ngủ
Những tháp chuông lộng lẫy nguy nga
Hạt cốm thơm mát dịu lòng tay
Hương vị của quê hương ta đó
Những mảnh trời phương nam đầy nắng gió
Bỗng tụ về, lấp lánh Nhêva
Em gửi cho anh tự quê nhà
Mùa thu đã về trên mái núi
Thôn xóm rộn ràng hương lúa mới
Tiếng chày giã cốm mịn đêm trăng
Hạt cốm thơm ngời ánh trăng thanh
Có in nụ cười em tươi trẻ
Kết đọng những tháng ngày vất vả
Lặn lội đồng chua, dầu dãi nắng mưa
Dòng sông Nhêva lững lờ
Như thể ngừng trôi, chiều vời vợi
Như ngỡ ngàng trước một mùi hương lạ
Hương cốm nồng nàn, mùa thu trong
Cùng bạn Nga sum vầy bên sông
Thiên nga sáng rợp trời Ban Tích
Những ánh mắt đượm màu ngọc bích
Hương cốm thơm lừng trên sông Nhêva...
Lêningrát, mùa thu năm 1971
DƯỚI TÁN LÁ PHONG VÀNG
Dưới tán lá phong vàng
Ngọn lửa sáng bập bùng, hương nhựa thông phảng phất
Ánh nắng chiều hôm vừa chợt tắt
Mảnh trăng ngời lấp ló đỉnh non sương
Trăng mọc lên từ nơi giấu kim cương
Nơi giấu trái tim rừng rộn rực
Nơi những chòm sao giấu trong vòm lá mật
Bỗng nở bùng chuỗi hạt sáng lung linh
Đàn balalaica sôi nổi, thần tình
Những giai điệu hương ngàn chắp cánh
Lời ca như đọng thành trái chín
Tán rừng chao động ánh trăng nghiêng
Nhẹ nhàng nâng cây sáo trên tay
Thánh thót, véo von, dập dìu, bổi hổi...
Lời trái tim của miền quê nhiệt đới
Khúc tâm tình lay động Cápcadơ
Bạn nắm tay đồng thanh đáp: U ra...*
Rừng phong nối dài thêm tiếng sáo
Tất cả bỗng trở thành huyền ảo
Những ngả đường lấp loáng ánh trăng soi
Balalaica nâng tiếng sáo hồn tôi
Cùng bạn đi khắp rừng ôn đới
Đi đến tận cùng niềm hồ hởi
Mảnh quặng lòng giấu nơi gương trăng
Ôi mảnh trăng rừng
Đẹp như trái táo ngọt lành ẩn trong vòm lá
Thơm như trái cam rực vàng miền nắng lửa
Một ngọn đèn tỏ lối đến ban mai...
Gariatriklius, Cápcadơ, tháng 8 năm 1973
*U ra: Hoan hô (tiếng Nga)
Đia chỉ liên hệ của tác giả là: trieulamchau@gmail.com
Điện thoại: 0983 825502 - 057 3825500
TIỂU SỬ VĂN HỌC:
Nhà thơ dân tộc Tày Triệu Lam Châu, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, sinh ngày 27 tháng 6 năm 1952, quê ở bản Nà Pẳng, Đức Long, Hoà An, Cao Bằng. Từ năm 1970 đến năm 1976, là sinh viên Trường đại học mỏ Lêningrát (Xanh Pêtécbua), Cộng hoà liên bang Nga.
Hiện công tác tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà, Phú Yên (trực thuộc Bộ công thương).
TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ ẤN HÀNH:
- Tác phẩm sáng tác:
Trăng sáng trên non (thơ), Hội VHNT Phú Yên - 1998. Ngọn lửa rừng (thơ), Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc - 1999. Giọt khèn (thơ), Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc - 2001. Thầm hát trên đồi (thơ), Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc - 2004
- Thơ dịch:
Nửa phần sự thật (thơ dịch của Mikhancốp), Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc - 2000. Đêm trắng (tuyển dịch thơ Nga - Xôviết), Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc - 2002. Thơ dân gian Tacta (thơ dịch), Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc - 2007. Nhật ký trong tù (thơ dịch theo thể lục bát, của Hồ Chí Minh), Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc - 2009.
- Tác phẩm dịch văn xuôi:
Nàng dâu (tiểu thuyết của Karaslavốp, Bungari), Lửa tình đã cạn (tiểu thuyết của Beky Yưnđư, Thổ Nhĩ Kỳ), Hoa nở muộn mằn (tập truyện ngắn của Sêkhốp, Nga), Người đàn bà tôi thương (truyện vừa của Tanidaky, Nhật Bản), Đi tìm hạnh phúc (tiểu thuyết của Alen Furnơ, Pháp), Mối tình của người goá phụ (tiểu thuyết của Hartley, Anh), Túp lều lá bên sông (tiểu thuyết của Galêk, Tiệp Khắc).
-Âm nhạc:
+ Đĩa hát CD Cao bằng yêu dấu
(tuyển mười ca khúc, được thể hiện qua các giọng hát: NSND Trung Đức,
NSND Doãn Tần, NSƯT Tiến Hỷ, NSƯT Rơ Chăm Pheng và NSƯT Vi Hoa). Hồ Gươm
AUDIO thực hiện - 2003
+ Đĩa hát CD Gánh nước ban mai. Thanh Hải AUDIO thực hiện - 2006.
GIẢI THƯỞNG ĐÃ NHẬN:
-
Giải nhất toàn quốc Cuộc thi dịch văn học nước ngoài ra tiếng Việt, năm
1994 do Hội nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn học tổ
chức - với tác phẩm dịch "Vương quốc chim hoạ mi" của Pauxtốpxki (Nga).
-
Giải nhất toàn quốc cuộc thi thơ viết về "Kỷ niệm sâu sắc của đời tôi
gắn với văn hoá, con người, đất nước Nga và Liên Xô cũ, do Trung ương
Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông
- Tây tổ chức năm 1999 - 2000, với chùm thơ "Một mình lên hang núi đêm trăng".
- Giải nhì về thơ năm 2000 (không có giải nhất) của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, với tập thơ dịch "Nửa phần sự thật" của nhà thơ Nga Xecgây Mikhancốp.
- Giải nhì về thơ năm 2001 (không có giải nhất) của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, với tập thơ "Giọt khèn"
- Giải ba về âm nhạc năm 2007, của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, với đĩa hát CD "Gánh nước ban mai".
* Ảnh trên: Nhà thơ Triệu Lam Châu và nhà thơ Oleg Bavưkin, Trưởng ban đối ngoại Hội nhà văn Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét