Từ nửa sau thế kỉ XX, chủ nghĩa hậu
hiện đại trở thành một trào lưu văn hoá mang tính toàn cầu. Văn học nói chung,
thơ hậu hiện đại thế giới nói riêng cũng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tất
nhiên, ở Việt Nam
cũng không ngoại lệ. Tuy không mạnh mẽ, sôi nổi như trên thi đàn nhân loại
nhưng sự xuất hiện và phát triển của dòng thơ hậu hiện đại quốc nội một mặt thể
hiện quy luật hết sức bình thường trong giao lưu văn hóa, chứng tỏ tinh thần
hội nhập mạnh mẽ và thuận chiều của nước ta đối với văn chương thế giới, mặt
khác góp phần làm phong phú thêm diện mạo thi pháp và tư duy của văn học dân
tộc. Song, để đáp ứng đòi hỏi phát triển của bản thân văn chương, thỏa mãn nhu
cầu khai quật nhiều cái mới nhằm mở rộng chân trời sáng tạo, hướng đến tạo ra nhiều
“cơn gió lạ” trong thơ đương đại, các tác giả đã không ngừng cách tân “cán bút”
của mình. Liên tiếp các thủ pháp nghệ thuật mới xuất hiện song song với việc
tận dụng tối đa các thủ pháp đã có sẵn như: giễu nhại, liên văn bản, vắt dòng, siêu hư cấu sử thi, thơ phân thân, thơ
động tác, thơ phụ âm, thơ thị giác, thơ cụ thể… Chúng không phải là sự trú chân
mà đã trở thành hình thức tiêu biểu của cái nhìn, trở thành một “nguyên tắc” tổ
chức văn bản. Mỗi thủ pháp dưới sự khéo léo tìm tòi, sáng tạo và khai thác
triệt để của thi nhân đều định vị được vai trò nhất định của mình. Trong đó,
thủ pháp giễu nhại và sự biểu hiện của nó trong thơ đương đại chính là một
trường hợp như thế.
1. Thủ pháp giễu nhại trong thơ
Trong đời sống văn hóa, xưa nay
giễu nhại vốn vẫn được coi là một thủ pháp nghệ thuật, không chờ đến khi hậu
hiện đại xuất hiện thì thủ pháp này mới ra đời. Đó là thủ pháp bắt chước một
cách quá lố một câu thơ, một bài thơ, một đoạn phim, một trích đoạn kịch, một
ca khúc, một bức tranh,… (tất nhiên đa phần những tác phẩm bị / được nhại là
những tác phẩm nổi tiếng). Đây vốn là thủ pháp đặc biệt sử dụng chất liệu của
quá khứ, là “mỏ vàng” của những người thích sáng tạo. Các nghệ sĩ lớn, đặc biệt
là các nghệ sĩ hài, vô cùng thích thú khi sử dụng hình thức này nhằm mang đến
sự hào hứng, sôi nổi và ngầm gửi gắm nhiều thông điệp khiến người đọc, người
xem phải trăn trở và nghĩ suy. Rõ ràng, giễu nhại là một hình thức rất quen
thuộc trong đời sống.
Trong văn chương, giễu nhại cũng là
một kỹ thuật dùng sự bắt chước để chế giễu một tác phẩm hoặc một trào lưu, một
phong cách nào đó. Nó tồn tại với tư cách là một thủ pháp đã xuất hiện từ những
tác phẩm đầu tiên của nền văn học cổ đại. Tiếp đến những thời kỳ văn học sau
đó, giễu nhại lại luôn được sử dụng với những sắc thái riêng biệt. Điều đó cho thấy đây không phải là một
sản phẩm “mới toe” do các nhà hậu hiện đại sản sinh, mà họ chỉ vận dụng những
gì sẵn có để biến tấu theo dụng ý
của riêng mình.
Theo hầu hết giới nghiên cứu hiện nay, dù nhìn từ góc cạnh
nào thì giễu nhại cũng có hai đặc điểm chính: nhại và giễu, tức bắt chước và châm biếm. Nhại có nhiều
phạm vi khác nhau: văn bản hay khung hình thức của thể loại; trong văn bản lại
có nhiều cấp độ khác nhau: từ, câu, đoạn, hay toàn văn. Châm biếm cũng có nhiều đối tượng khác nhau. Trong văn học dân
gian, sự châm biếm trong hình thức nhại thường mang tính chính trị. Ví dụ: Các bài thơ được nhại đăng trong các mục thơ
trào phúng trên các báo cũng đều có ý nghĩa phê phán.
Trong phạm vi thuần tuý văn học, nhại có thể nhằm giễu một
tác giả hay một tác phẩm, một thể loại, một phong cách, một phương pháp sáng
tác, một quan điểm thẩm mỹ, hay, rộng và sâu hơn, những điển phạm và những quy
phạm làm nền tảng cho cái được xem là văn chương nói chung. Ở điểm cuối cùng
này, giễu nhại mang tính bản thể luận: nó đặt nghi vấn không phải với một hiện
tượng mà chủ yếu với bản chất của hiện tượng.
Như
vậy, giễu nhại là một khái niệm rất rộng. Nó hiện diện trong tác phẩm nhưng rất
khó nắm bắt. Đó là tất cả những
yếu tố đã thẩm thấu trong tác phẩm. Giọng điệu giễu nhại chỉ có thể được lĩnh
hội thông qua quá trình đọc, cảm nhận từng câu chữ, từng khoảng trống của tác
phẩm. Với từng loại đối tượng phong phú, đa dạng khác nhau, nhà thơ sẽ tạo nên
nhiều kiểu nhại khác nhau. Do vậy để xác định yếu tố nhại, chúng ta cần xác
định đối tượng nhại và các nguyên tắc hình thức để thực hiện giễu nhại.
Như
vậy, bằng hình thức sáng tạo – giễu nhại, người làm thơ nói chung và nhà thơ
đương đại nói riêng, đã dùng nó làm vũ khí vô cùng lợi hại để có thể đương đầu
không chỉ với tình trạng tha hóa của ngôn ngữ, mà còn với mọi dạng quyền năng.
Không phải là độc quyền của một trào lưu hay giai đoạn văn học nào, giễu nhại
xuất hiện trong mỗi giai đoạn bước ngoặt như một dấu hiệu tích cực đánh dấu
thái độ tự ý thức, tự nhìn lại, và dấu hiệu của sự “giải thiêng” những gì đang
được sùng tín, đang được xem là thời thượng. Như đã nói trên, giễu nhại thực
hiện trên nhiều cấp độ, với nhiều đối tượng cụ thể khác nhau nên đã mang đến
cho thi phẩm những giá trị nhất định mà chúng ta khó có thể phủ nhận.
Tuy nhiên, thơ đương đại cũng có
những vấn đề ta cần nhìn nhận lại sao cho hợp lí. Đó là dùng giễu nhại kết hợp
với việc ném bừa bãi ngôn từ tục tĩu vào hoặc lấy giễu nhại để ám chỉ, chửi bới
các vấn đề xã hội. Chửi, đó là điều chưa và không bao giờ có thể trở thành
nguồn cội sinh ra tuyệt tác, dù thế nào thì "tính văn hóa" vẫn là một
trong các tiêu chí cơ bản đo lường phẩm chất con người, đo lường phẩm chất các
sản phẩm do con người làm ra. Song, theo ý kiến chủ quan của người viết, thơ
giễu nhại đương đại còn được mở rộng nhằm chỉ những thi phẩm sử dụng giọng điệu
giễu nhại để phản ánh những vấn đề của đời sống theo hướng tích cực. Bởi những
lẽ đó, chúng ta cần có được cái nhìn tỉnh táo khi xác định thủ pháp giễu nhại
cũng nhưng vén bức màn của thủ pháp đã được sử dụng để tìm đến nhiều nội dung
có giá trị.
2. Biểu hiện của thủ pháp giễu nhại trong
thơ đương đại
Thủ pháp giễu nhại đã từng được
nhiều tác giả trong văn học Việt Nam vận dụng bằng một ý thức hết
sức rõ ràng. Bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương được đánh giá là người sử dụng rất
tài tình thủ pháp giễu nhại, trào tếu theo kiểu liên văn bản. Đây là bài thơ “Cây đánh đu” của Hồng Đức:
Bốn cột lang nha cắm để chồng,
Ả
thì đánh cái ả còn ngong.
Tế hậu khổ khom khom cật,
Vái
hoàng thiên ngửa ngửa lòng.
Tám
bức quần hồng bay phất phới,
Hai
hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi
xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ
cọc đem về để lỗ không.
Và đây là bài
thơ “Đánh đu” của Xuân Hương:
Bốn cột khen ai khéo khéo trồng,
Người
thì lên đánh kẻ ngồi trông.
Trai
du gối hạc khom khom cật,
Gái
uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn
mảnh hồng quần bay phất phới,
Hai
hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi
xuân đã biết xuân chăng tá,
Cọc
nhổ đi rồi, lỗ bỏ không.
Nếu như bài thơ trong tập Hồng
Đức thể hiện một cảm
quan cổ xưa, già cả: tìm cái đẹp trong những hình ảnh nghi lễ (tế hậu thổ,
vái hoàng thiên). Còn bài thơ của Xuân Hương thì thể hiện một cảm quan mới
mẻ, trẻ trung: tìm thấy cái đẹp trong dáng vẻ khỏe mạnh, đa tình của tuổi trẻ (trai
du gối hạc, gái uốn lưng ong). Bài thơ trong tập Hồng Đức nghiêm túc, đúng là tả cảnh
đánh đu thật, còn thơ Xuân Hương thì tinh quái, đâu phải chỉ mỗi nghĩa đánh đu.
Bài thơ của Xuân Hương làm ra chính là để giễu nhại cái cao nhã mà khô khan của
thơ Hồng Đức! Điều này quả thật rất phù hợp với phong cách sáng tác của bà.
Tương tự, bài “Cái quạt” của Hồ Xuân Hương cũng là sự
giễu nhại bài “Cái quạt” của Ban Tiếp Dư, …
Ở truyện ngắn từng góp phần làm nên tên tuổi của Nam Cao –
“Chí Phèo”, cũng là một trường hợp
thể hiện sâu sắc thủ pháp giễu nhại. Dưới ngòi bút của mình, tác giả đi vào
giễu nhại ý thức dân gian, ý thức đại chúng nhằm đánh vào thái độ của người
nông dân khi nhìn nhận những người xung quanh, vào thái độ thiếu trách nhiệm về
nội dung phát ngôn của mình, chỉ biết cái nhỏ nhặt tầm thường mà không hiểu đại
cuộc. Ông đánh vào cả cái nhìn có tính chất xăm soi, chứa đầy định kiến đối với
thế giới xung quanh, đánh vào cái nhìn chủ quan của họ. Mặt khác, tác giả cũng đi
vào giễu nhại ý thức lãng mạn đương thời. Ý thức lãng mạn luôn cho rằng tình
yêu thì phải bay bỗng ngọt ngào, còn ở tác phẩm “Chí Phèo” mối tình Chí Phèo –
Thị Nở như một sự lệch quỹ đạo. Họ ồn ào, họ ầm ĩ nhưng vẫn tha thiết yêu
đương,…
Đến
với thơ đương đại, thủ pháp giễu nhại này vẫn được đánh giá cao và phân bố khá
đều đặn trong các thi phẩm. Thậm chí, nó còn được coi là một trong những khuynh
hướng sáng tác chủ đạo. Người ta có thể dễ dàng thấy được dấu vết giễu nhại
trong các sáng tác của Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Thiều, Bùi
Chát, nhóm Ngựa trời, nhóm Mở miệng...
Ví như trong thơ của Nguyễn Trọng
Tạo, ta nghe một giọng giễu nhại vang lên:
Thế giới không còn trăng! Tin nghe rung rợn quá
Chú
cuội cây đa tan xác giữa thiên hà
Không
còn Tết Trung thu, không còn đêm phá cỗ
Không
còn ánh trăng ngà cho thi sĩ làm thơ…
Trong những câu thơ ấy ta thấy cả
tiếng cười và nước mắt, cả tính cách cực đoan và khôi hài của thi sĩ. Hay khi Nguyễn
Trọng Tạo nói:
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Như
thời đã đi qua như thời rồi sẽ đến
Thi nhân đang
khéo léo nhại cách nói ngày xưa của Nguyễn Trãi:
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh
hùng hữu hận diệc tiêu tiêu
Quy
luật của cuộc đời và vạn vật là vậy, khi con người bừng thức trong một giác ngộ
nào đó sẽ bừng dậy một cách sám hối chân thành và đớn đau. Nhà thơ như tuyên
bố, chính từ thời điểm này, nhà thơ đã là một con người, một công dân, một tri
kỉ hoàn toàn khác. Đây chính là hình thức giễu nhại theo kiểu liên văn bản.
Nhắc đến dòng thơ giễu nhại, chúng
ta không thể bỏ qua cái tên Bùi Chát với tác phẩm tiêu biểu “Mùa hoa đỏ lè”:
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao nhậu
Anh
nắm tay em bước dọc con đường vắng vẻ
Chỉ
có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh lặng
Chẳng
chịu cho lòng ta yên ổn
Anh
mải mê về một màu mây xa xôi
Về
cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ thó
Về
cái vẻ thần kì của ngày xưa rồi
Em hát một câu thơ cũ sì
Cái say mê
của thời thiếu nữa tặc
Mỗi mùa hoa
đỏ về quê
Hoa như mưa
rơi rơi rụng
Cánh mỏng
manh tan tác đỏ tươi đẹp
Như máu ứa
một thời trai trẻ trung
Hoa như mưa
rơi rơi rớt
Như tháng
ngày xưa ta dại khờ khạo
Ta nhìn vào
tận sâu mắt nhau heo
Mày thấy
lòng đau xót xa
Trong câu
thơ của em nhỏ
Anh không
có mắt mẹt
Câu thơ hát
về một thời yêu đương tha thiết thực
Anh đâu
buồn mà chỉ tiếc rẻ
Em không đi
hết những ngày đắm say trưa
Hoa cứ rơi
ồn ào như tuổi trẻ trai
Không cho
ai có thể lạnh tanh tưởng
Hoa đặt vào
lòng chúng ta một vệt đỏ chót
Như vết
xước của trái tim gan
Sau bài hát
rồi em lặng im ỉm
Cái lặng im
rực màu hoa đỏ ối
Anh biết
mình vô nghĩa đi bên em út
Sau bài hát
rồi em như thể dục
Em của thời
hoa đỏ ngày xưa kia
Sau bài hát
rồi anh cũng thế giới
Anh của
thời trai trẻ ngày xưa đó.
Chắc hẳn
chúng ta ai cũng nhận ra bài thơ có tên “Thời hoa đỏ lè” trên
xuất phát từ bài thơ nổi tiếng “Thời hoa đỏ” của Thanh Tùng đã được
Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc thành một bài hát quá quen thuộc trong đời sống âm
nhạc Việt Nam. Từ tiêu đề cho đến các dòng thơ, Bùi Chát thêm vào một chữ ở sau
cùng. Mỗi dòng đều thừa ra, “lạm phát” thêm một chữ. Với kiểu nhại dựa trên sự
phong phú và linh hoạt vốn có của tiếng Việt, tác giả thể hiện sắc thái đời
thường, thậm chí là thông tục, suồng sã vào trong tác phẩm và làm đảo lộn nhiều
giá trị. Thơ ca xưa nay vốn phân biệt rõ ràng ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ
thi ca. Thế mà ở đây, ngôn ngữ thi ca lại làm nền cho ngôn ngữ đời thường. Phải
chăng, nhà thơ muốn đưa ra yêu cầu của mình về tính dân chủ cho chữ nghĩa?
Nếu như
trong sáng tác hiện đại rất ý thức về tác giả, về bản quyền tác giả trên tác
phẩm mình. Còn nhiều nhà thơ đương đại lại nghĩ ngược lại: “Chẳng có gì là độc sáng cả. Mỗi sáng tạo là
một vi phạm bản quyền, nhiều hay ít, ẩn hay hiện, lộ liễu hay kín đáo, nên họ
không kiêng nể sử dụng ngay tác phẩm có sẵn và chế tác trên nó. Chắc chắn sẽ có
phản ứng: Thơ như thế mà “khó” gì, cứ kí sinh trên tác phẩm của người khác, cứ
xáo bừa mọi hình ảnh, ngôn từ, ý tưởng như nhà cái bầu tôm xóc đĩa làm thì cũng
xong cái bài thơ. Và thơ để làm gì, nếu không sáng tạo được thêm thủ pháp mới,
phương cách mới để khám phá hiện thực, nói lên tiếng nói sâu sắc, mới lạ để làm
rung động lòng người?”. Như vậy, hiện nay đã và đang có nhiều ý kiến khác
nhau về mảng thơ giễu nhại.
Nhân đây,
chúng ta cũng nên đề cập đến những ý kiến ngược chiều. Ta thấy, thơ giễu nhại
lấy được tiếng cười của đông đảo người đọc và cũng khiến chúng ta phải suy tư
nhiều về đối tượng được giễu nhại nhằm hướng đến khai thác nội dung ý nghĩa mà
tác giả phản ánh. Thế nhưng, đó chưa phải là tất cả. Thơ giễu nhại cũng nhận
không ít lời phản bác, những ý kiến trái chiều nhưng cũng xuất phát từ cái lí
vốn có xưa nay. Điển hình là bài thơ “Thời hoa đỏ lè” chúng ta vừa nhắc đến ở
trên, có nhiều người xem đây là lối viết “đạo văn” người khác của Bùi Chát. Đúng như Lý Đợi từng
phát biểu: “Thơ nhiều khi chỉ là chuyện
gây hấn, một chút hài hước, một cú sốc nhận thức, thậm chí là một trò đùa nơi
bàn nhậu, chẳng kém phần nhảm nhí.” Song, với kiểu viết bị xem là “đạo văn”
ấy, chúng ta đã có thêm một bài thơ nữa cũng khá thú vị. Hai bài thơ “Thời hoa
đỏ” và “Thời hoa đỏ lè” ngày nay được nhắc đến song song với nhau nhưng không
hề thâm nhập vào nhau, tất nhiên cũng không phải “tuy hai mà một” mà đó là hai
tác phẩm hoàn toàn độc lập.
Thơ giễu nhại luôn biến thiên trước sự rào đón của người tiếp nhận, khi
trầm khi bổng nhưng “giọng điệu tưng tửng, lộng ngôn mà hài hước” của Bùi Chí
Vinh đã thực sự gây ấn tượng mạnh đối với bạn đọc. Với hai tập thơ: “Thơ tình”
và “Thơ đời”, tiếp nối “Thơ đạo” và “Thơ quậy”, tác giả đã chạm tới nhiều vấn
đề của cuộc sống bằng ngôn ngữ thế tục, táo bạo, phóng đãng, ngang tàng. Ngay cả thơ
bán cá, thơ ve chai, thơ xách dép...cũng hóa thành thơ trong giọng
ngạo nghễ giễu nhại mà đôi khi lại hết
sức đau đớn:
Đến nhà gặp bạn hiền bán cá
Cá
rô, cá sặc, cá thòi lòi
Mà ta
thì vốn thằng láu cá
Thấy
cá là chỉ muốn nướng trui.
Thấy cá là lại thèm một xị
Ít ly i lít với bạn hiền
Cuộc sống chẳng qua toàn mộng
mị
Ma quỷ còn đá cá thần tiên ...
(Thơ bán cá)
Hay:
Anh em ta đi bán ve chai
Thằng thì chột mắt, đứa cụt tay
Râu tóc để lâu thành võ hiệp
Tráng sĩ mà ưa nhắm thịt cầy.
Thực ra anh em ta đẹp trai
Không đẹp trai sao bán ve chai
Cái nhìn giá trị ngang vàng xịn
Con mắt nheo là hốt tiền xài...
(Ve chai hành)
Như
vậy, ngoài hình thức giễu nhại theo kiểu liên văn bản, ta còn bắt gặp phổ biến
những bài thơ được viết ra bằng chính trải nghiệm về cuộc sống xung quanh tác
giả thông qua giọng thơ giễu nhại như ví dụ trên. Tác giả tinh ý đánh vào tâm
lý của độc giả rồi khéo léo chuyển tải những vấn đề của xã hội hiện đại. Tất
nhiên, bản thân độc giả cũng đủ nhạy cảm để nhận thấy rõ ngụ ý mà tác giả nói
đến qua giọng thơ giễu nhại này.
Điều này cũng được thi sĩ đất Ninh
Thuận – Phú Trạm, bút danh Inrasara, thể hiện trong thơ của mình. Nhà thơ đã
táo bạo nhại chính cái thế giới mà mình đang sống:
Tôi sống trong cộng đồng mà mọi thứ đều lùi.
Những đám cây mọc lùi nhỏ dần vào hạt mầm, tận kiếp trước hạt mầm...
Những ý tưởng nghĩ lùi về thời tiền
sử, bản chép tay mọc thêm trang lật lùi
như thể hết làm thất lạc.
Ngôi nhà cô hàng xóm thuở bé thơ đổ nát được dựng trở lại...
(Sống lùi)
Thế giới đã “băng hoại”, không còn
giữ những giá trị xưa. Câu thơ vắt từ dòng này sang dòng khác, khổ này sang khổ
khác, nhân lên khao khát sống lùi: sống lùi để những cái “đổ nát được dựng trở
lại” và gieo mầm cho sự hồi sinh.
Ở góc nhìn hậu hiện đại, thơ giễu nhại còn được các
nhà thơ từ bỏ cái thế giới đóng khung, hướng đến cái thế giới rã rệu, lắp ghép,
phân mảnh, đứt đoạn... bằng kĩ thuật xốc ngửa, lắp ráp từ, sử dụng chất humour, pha tạp thể loại... để chạm vào những
vấn đề tinh tế và nhạy cảm mà hầu như thơ ca trước đây còn ngại ngùng. Họ đưa
vào thơ những ngôn từ tục tĩu để giễu nhại chính vấn đề mà mình đề cập đến.
Tuy nhiên, cái
gì thái quá cũng có mặt hạn chế của nó. Ngôn ngữ gần với đời sống dễ làm cho
thơ mất đi chất thơ của nó. Quá nhấn mạnh tính suồng sã, thơ sẽ đông cứng ngay
khi mới chào đời, kiểu như:
Yêu rồi mà
Khỏi
phân bua
Nửa đêm vui vẻ chạy đi mua condoms
(Nắng Chia Nửa Bãi Chiều Rồi - Nguyễn
Hoàng Nam)
Ta thử đến với tiếng “ha ha” trong “Bây giờ có người làm thơ như thế” của Nguyễn Đức Thiện để nói thêm về thơ giễu nhại:
Ha, ha, ha, thơ
Là một công nghệ huếnh lên, vo tròn, cưỡng
hiếp, bắn chém, và
đồng tính luyến ái.
Đáng thương thay chữ ơi, bay chỉ còn là công cụ
Đáng thương thay, thơ
ơi.
Ta chẳng hiểu được bay,
và nhất định, bay chẳng hiểu gì ta…
Khoái thật, sướng thật,
mê ly thật.
Hay trong bài “Có phải thế không”:
Nhưng quả là tôi dốt
Không biết làm thơ để
mọi người chẳng thể hiểu gì
Với
những bài thơ như vậy, ngôn
ngữ đã thành công cụ để giễu nhại, cười đùa cuộc nhân sinh
lấm lem nước mắt. Người ta cũng đã chạy theo phấn son hình thức mà bỏ quên cái
bên trong cảm xúc, chạy theo lố lăng để hy vọng nổi tiếng cùng với tai tiếng. “Thơ đang bị bán rẻ gây nạn lạm phát, nạn phân biệt trung tâm với ngoại
vi, truyền thống và hiện đại, xô người đọc vào mấy ngã hỗn mang. Thơ đang buổi
chợ chiều, một mớ hỗn độn của chợ chiều thi ca” (Dư Thị Hoàn).
Tương tự, khi đọc một số bài thơ của
nhóm Mở Miệng như: Vẫn làm chồng tốt, Vô địch... hay sáng tác của nhóm Ngựa trời, ... Đây chính là
mặt hạn chế mà tác giả của những tác phẩm ấy chắc chắn đã cố tình không nhận
ra.
Mặt khác, hậu hiện đại chấp nhận sự phỏng nhại, cắt
dán nên một số người tuyên ngôn “đạo thơ” công khai để sinh hạ những nàng thơ
“quảng cáo”: “Lactacyd FH, với
công thức đặc biệt gồm hai thành phần tự nhiên là Acid lactic và Lactoserum
(chiết suất từ sữa), không chỉ giúp rửa sạch, giảm ngứa, loại trừ vì khuẩn gây
viêm nhiễm và mùi hôi, mà còn củng cố cơ chế bảo vệ tự nhiên của âm [dương] đạo
[tặc]” (Lý do thích hạp cho
mọi người trong việc tiêu [chảy] tiền [bạc] hay còn gọi là bài thơ có tên:
"Chăm sóc bạn gái hàng ngày" – Bùi Chát). Kiểu thơ giễu nhại quảng
cáo như thế không phải là trường hợp hiếm gặp. Đọc những bài kiểu này, người
đọc dễ dàng bật cười nhưng khó có thể chấp thuận.
Tóm lại, khi đi vào quỹ đạo nền thơ thế
giới, mấy năm qua các cây bút trẻ tiếp thu nhiều yếu tố mới mẻ, tích cực ở các
phong trào thơ Âu Mỹ như cách tân hình thức, thơ ngôn ngữ, thơ trình diễn, đặc
biệt cái từ trường đang lôi kéo các nhà văn, thi sĩ đi tìm cái mới là “lối viết
hậu hiện đại”. Nhiều tác giả đã thu được một số điều bổ ích trong quá trình
sáng tạo, nhiều yếu tố mới có mặt trong thơ của một số nhà thơ trẻ như lối kết
cấu đa tầng, hình tượng kỳ ảo - huyễn tưởng, cắt dán- lắp ghép, tục hoá và giễu
nhại… Nhiều thủ pháp tân kỳ mới nhập vào từ nền thơ phương Tây, tuy chỉ tồn tại
như những khúc dạo đầu nhưng cũng có nhiều hứa hẹn…
Riêng
về thơ giễu nhại, mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, đồng tình và phản đối,
hưởng ứng và phê phán, song chúng ta cũng cần khẳng định, thơ giễu nhại đã,
đang và hi vọng sẽ góp phần làm phong phú và đa dạng hơn thi đàn văn học dân
tộc theo hướng tích cực nhất.